SpStinet - vwpChiTiet

 

Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ giá thể mụn dừa đã qua sử dụng

Hiện nay, giá thể mụn dừa sau khi sử dụng canh tác trong điều kiện nhà màng, nhà lưới chưa được xử lý một cách hiệu quả gây nên tình trạng lãng phí và phát tán nguồn bệnh cho cây trồng. Việc sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp này có thể tạo ra sản phẩm chất lượng, giá thành thấp và thân thiện môi trường để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Nhiều nước phát triển đã và đang ứng dụng rộng rãi các mô hình nhà kính trồng rau, hoa,… Tại Việt Nam, nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp cũng đã áp dụng mô hình nhà màng để sản xuất rau và các loại hoa cao cấp bằng công nghệ cao, nhiều nhất ở tỉnh Lâm Đồng (đặc biệt là Đà Lạt), nơi được coi là vùng sản xuất rau và hoa trọng điểm của cả nước. TP.HCM cũng là một trong những địa phương tiên phong trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, trong đó có mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà màng, nhà kính.

Cây trồng trong nhà màng sinh trưởng phát triển tốt và đồng đều hơn so với cách trồng truyền thống nhờ có hệ thống che mưa, lưới ngăn côn trùng nên người trồng có thể chủ động kiểm soát sâu bệnh hại, cũng như các điều kiện về nhiệt độ và ẩm độ ảnh hưởng hưởng đến cây trồng. Cùng với đó, việc sử dụng các loại giá thể hữu cơ thay cho đất trồng đang được quan tâm nhiều hơn. Ưu điểm của việc sử dụng giá thể là hạn chế được một số vi sinh vật gây hại có nguồn gốc từ đất, kiểm soát được lượng dinh dưỡng cần thiết để cung cấp cho cây trồng trong từng giai đoạn thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Từ đó, có thể kiểm soát được chất lượng của sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về sản phẩm sach, an toàn.

Bên cạnh các giá trị đem lại do canh tác trong nhà màng, nhà kính, hàng năm lượng phụ phế phẩm từ canh tác không sử dụng đất trong nhà màng, nhà kính cũng rất lớn. Theo thống kê đến năm 2015, diện tích nhà màng, nhà kính trồng rau tại các tỉnh như TP.HCM có khoảng 87,2 ha; Bình Dương khoảng 162 ha, Đồng Nai gần 200 ha,…Trung bình 1.000 m2 nhà màng sau khi canh tác thải ra lượng giá thể (chủ yếu là mụn dừa) khoảng 20-25 m3, nếu tính lên diện tích hàng ngàn hecta thì đây thật sự là một nguồn lãng phí vô cùng lớn.

Trong khi đó, phân bón vi sinh dựa vào các chủng vi sinh vật sẽ phân giải các chất hữu cơ trong bùn, phế thải, rác thải, phế phẩm công nông nghiệp,…tạo ra sinh khối rất tốt cho cây cũng như cho đất trồng. Việc sử dụng phân vi sinh cũng đáp ứng được mong muốn của người nông dân, vừa tăng năng suất lại hợp túi tiền; có thể thay thế được từ 50-100% lượng phân đạm hóa học, từ đó tiết kiệm được nhiều chi phí (do giá phân hạ, giảm lượng phân bón, giảm số lần phun và lượng thuốc bảo vệ thực vật). Quy trình công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh đủ tiêu chuẩn sản xuất trong nước cho phép tận dụng tận dụng được nguồn giá thể mụn dừa đã qua sử dụng để tái đầu tư trở lại cho cây trồng, góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất và thân thiện với môi trường.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ giá thể mụn dừa đã qua sử dụng

Nguyên vật liệu

  • Các chủng vi sinh vật: chủng VSV cố định nitơ tự do (Azospirillum sp); chủng VSV phân giải photphat khó tan (Bacillus megaterium); chủng vi sinh vật phân giải cellulose (Trichoderma reesei).
  • Giá thể mụn dừa đã qua sử dụng
  • Phân trùn quế
  • Rỉ đường, urê, phân lân,...

Các bước thực hiện

Xử lý sơ bộ: loại bỏ những tạp chất trong mụn dừa bằng cách ngâm giá thể trong bể nước sạch từ 3-5 ngày sau đó xả nước, tiếp tục cho nước sạch vào ngâm 1-2 ngày và xả lần 2, tiếp tục lần 3 sau 1-2 ngày. Ngoài ra có thể sử dụng hệ thống phun mưa xả nước đều trên đống giá thể liên tục trong vòng 5-7 ngày. Điều chỉnh pH bằng vôi bột với nồng độ 0,3% trước khi phối trộn. Kích thước của phế thải chăn nuôi và giá thể thường không đồng đều nên trước khi ủ cần làm nhỏ đều bằng cào, cuốc,...

Chuẩn bị nguyên liệu và phụ gia để phối trộn: chuẩn bị các nguyên liệu với tỷ lệ % theo thể tích như sau:

+ Mụn dừa đã qua sử dụng: 50%

+ Phân trùn quế: 40%

+ Tro trấu: 10%

+ Bổ sung thêm rỉ đường với nồng độ 0,5%; chế phẩm EM được bổ sung vào đống ủ với liều lượng 3 kg cho 10m3 đống ủ; ure nồng độ 0,3%; phân lân nồng độ 0,5%.

Phối trộn: pha trộn rỉ đường, urê, lân, chế phẩm EM vào nước, khuấy đều cho đến khi tan hết, sau đó dùng thiết bị tưới (doa tưới) tưới đều lên nguyên liệu ủ và các chất dinh dưỡng bổ sung sao cho dinh dưỡng và vi sinh vật bổ sung phân bố đều trong khối ủ. Độ ẩm của khối ủ phải đạt 50-60%.

Ủ hoạt hóa: giá thể được đổ trên nền bạt nylon với độ dày khoảng 20cm, sau đó rải 1 lớp phân trùn quế lên trên bề mặt, tiếp đến là 1 lớp tro trấu. Tiếp tục trình tự như vậy cho đến khi đống ủ đạt kích thước theo yêu cầu của người ủ. Dùng nilon phủ kín bề mặt đống ủ.

Đảo trộn: sau 10 ngày ủ, theo dõi nhiệt độ lên cao thì tiến hành đảo trộn. Đảo trộn khối ủ từ trên xuống, từ dưới lên, từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong để khối ủ đồng đều, cung cấp thêm ôxy, giải phóng bớt nhiệt để vi sinh vật tiếp tục hoạt động, phân hủy. Tiếp tục đánh đống ủ trong khoảng 10 ngày sau đó đảo trộn lần 2, sau 10 ngày tiếp theo tiến hành đảo trộn lần 3, đánh tơi, san mỏng và để thoáng khối ủ trong 2 ngày.

Ủ chín: tiếp tục đánh đống ủ, ủ chín để ổn định thành phần, chất lượng phân ủ. Sau khoảng 10 ngày phân ủ đã chín, tiến hành đóng gói và đưa ra tiêu thụ.

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

Quy trình sản xuất được phân hữu cơ có đủ các tiêu chí phù hợp với quy định tại Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh bổ sung vào giá thể trồng (tỷ lệ 60% giá thể và 40% phân hữu cơ vi sinh) đều giúp cho năng suất và chất lượng của cây trồng (rau cải bẹ xanh, dưa lưới,...) cao hơn so với giá thể mụn dừa trơ.

Giá thành sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ giá thể mụn dừa đã qua sử dụng khoảng 350.000 đồng/m(giá bán phân hữu cơ vi sinh của Công ty Tribat là 900.000 đồng/m3). Do đó, sản phẩm có thể cạnh tranh tốt với các sản phẩm cùng loại khi, đưa ra thị trường (giá bán dự kiến của phân hữu cơ vi sinh khi đưa ra thị trường là 800.000 đồng/m3).

Quy trình có thể chuyển giao cho các doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ vi sinh, góp phần tăng lợi nhuận và tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh từ giá thể mụn dừa đã qua sử dụng góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất, giải quyết được lượng phụ phẩm nông nghiệp thải ra sau quá trình canh tác, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, góp phần hạn chế dư lượng các chất độc hại trong nông sản có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

1. KS. Nguyễn Công Hoàng

ĐT: 0933940571. Email: [email protected]

2. Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM

Địa chỉ: ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: 08.62646103.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả