Nghiên cứu công nghệ xử lý OFF-Spec (còn gọi là thu hồi F) từ thiết bị lọc tĩnh điện đưa vào tái sử dụng
30/01/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Ngày 29/01/08 Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM vừa nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải OFF- SPEC (còn gọi là thu hồi F) từ thiết bị lọc tĩnh điện đưa vào tái sử dụng". Đây là đề tài do kỹ sư Hồ Chí Công (Công ty cổ phần TICO) nghiên cứu và thực nghiệm trong thời gian từ tháng 12/2006 đến tháng 11/2007.
Như tên của đề tài, mục tiêu nghiên cứu tìm công nghệ xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng phế phẩm, giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Ứng dụng các quá trình khuấy trộn và lắng gạn để lấy sản phẩm; dùng khả năng tương hợp và hòa tan của các chất trong dung môi để tách chiết các thành phần hữu ích trong chất thải, tác giả sau một thời gian tiến hành trong phòng thí nghiệm đã tiến hành áp dụng thử nghiệm trên mẻ lớn.
Sau 4 tháng thực nghiệm, với thiết bị đơn giản (bồn khuấy, bồn lắng), xử lý 150-200-350 kg thu hồi F, kết quả cho thấy, phần lớn chất hoạt động bề mặt (LAS) có mặt trong thu hồi F đều tan trong nguyên liệu LAB (dung môi) theo tỉ lệ pha trộn thu hồi F là LAB= 1/10; tỉ lệ cặn thu hồi được 10%; thời gian khuấy 25-30 phút; tốc độ khuấy 128 vòng/phút; thời gian lắng là 24h; chất lượng thu hồi F đã xử lý đạt tiêu chuẩn.
Kết quả trên càng thuyết phục hơn khi nghiên cứu trên được đưa vào áp dụng tại nhà máy ABS với số lượng đã xử lý được 17708,0 kg thu hồi F, chất lượng thu hồi F hoàn toàn đạt yêu cầu, không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm LAS cuối cùng. Tỉ lệ thu hồi trung bình trên thực tế bằng tỉ lệ thu hồi qua thực nghiệm (90%).
Như vậy qua quá trình từ nghiên cứu đến thực nghiệm trong 1 năm, tác giả đã tiến hành xử lý được 43.637, 2 kg chất thu hồi F, tiết kiệm được số tiền lớn từ việc tái sử dụng thu hồi F hơn 919 triệu đồng. Công nghệ xử lý thu hồi F thực sự đã giải quyết được lượng thu hồi F tồn đọng trong nhà máy, giải quyết được thu hồi F phát sinh trong quá trình sản xuất hiện tại và góp phần bảo vệ môi trường.
Với những gì đã đạt được trong thực tế, đề tài đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc.
Bích Hằng