Linh chi được sử dụng như một dược liệu quý dùng chữa một số bệnh: gan mật, điều hòa huyết áp, bồi dưỡng cơ thể, tăng sức đề kháng ở các bệnh nhân HIV/AIDS, điều trị các dạng ung thư khác nhau... Ở Tp. HCM có nhiều chủng loại nấm được bán với tên “nấm linh chi”. Sự nhầm lẫn là do hình dạng của các nấm khá giống nhau, do chưa xác định được tên khoa học hoặc nguồn gốc của nấm.
Đề tài được thực hiện nhằm đưa ra các đặc điểm hình thái - cấu trúc và đánh giá triterpenoid qua sắc ký đồ HPLC để phân định các nhóm nấm linh chi có khả năng làm dược liệu, từ đó góp phần xây dựng tiêu chuẩn dược liệu cho nấm linh chi, phục vụ việc thu mua và kiểm nghiệm dược liệu.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập được 46 mẫu thể quả nấm có tên gọi linh chi được sử dụng làm thuốc ở Tp.HCM. Kết quả phân tích đặc điểm hình thái - cấu trúc cho thấy, có 23 mẫu là G.lucidum (W. Curt.: Fr.) Karst.; 12 mẫu là G. lucidum complex; 10 mẫu là G. applanatum complex và 1 mẫu là G. sinensis Zhao, Xu et Zhang. Nguồn gốc của các mẫu nấm này rất khác nhau. Nấm linh chi chuẩn [Ganoderma lucidum (W. Curt.: Fr.) Karst.] có thể được nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc hay trồng ở Việt Nam từ chủng Nhật hay chủng Việt Nam. Linh chi mọc tự nhiên trong rừng Việt Nam thuộc hai nhóm: nhóm có thể quả láng bóng là G. lucidum complex và nhóm có thể quả không láng bóng là G. applanatum complex. Trên thị trường Tp.HCM có thể gặp một loại linh chi có thể quả màu đen láng bóng, đó là loài Ganoderma sinense Zhao, Xu et Zhang nhập từ Trung Quốc.
Nguồn gốc nấm khác nhau là nguyên nhân dẫn đến sự đa dạng về đặc điểm hình thái - cấu trúc của thể quả nấm và sự khác nhau về triterpenoid toàn phần. Các mẫu nấm linh chi chủng Nhật trồng ở Việt Nam, linh chi nhập từ Hàn Quốc hay Trung quốc có thành phần triterpenoid đa dạng và đỉnh hấp thu cao hơn so với các mẫu nấm linh chi chủng Việt Nam.
Ngoài ra, các tác giả đã xây dựng được tập tài liệu về các tiêu chí hình thái cấu trúc để phân định các nhóm nấm linh chi có hàm lượng triterpenoid cao, có khả năng sử dụng làm nguồn dược liệu. Tài liệu này có thể sử dụng để xây dựng tiêu chuẩn dược liệu cho nấm linh chi.
Ở nước ta, móc mèo núi được dân gian sử dụng trong một số bài thuốc để chữa các bệnh như sốt, lỵ, ho, làm thuốc bổ và tẩy giun. Thời gian gần đây, qua báo chí cho thấy, người dân ở một số tỉnh miền Trung, đặc biệt là ở tỉnh Khánh Hòa đã sử dụng hạt móc mèo núi để điều trị các bệnh ung bướu với hiệu quả cao. Tuy nhiên cần phải khẳng định được cơ sở khoa học của bài thuốc dân gian này. Đề tài được thực hiện nhằm cô lập và xác định cấu trúc các hợp chất từ hạt cây móc mèo núi, caesalpinia bonducella flem, họ vang (caesalpiniaceae); thử nghiệm độc tính tế bào ung thư của các hợp chất cô lập được.
Từ 2,1 kg nhân hạt móc mèo núi khô thu hái ở xã Vĩnh Lương, Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nhóm nghiên cứu đã ly trích được 400 g cao methanol thô. Hòa tan cao thô này vào nước rồi lần lượt đem trích lỏng - lỏng với petroleum ether, chloroform, ethyl acetate thu được các cao tương ứng: cao petroleum ether (105,62g), cao chloroform (42,07g), cao ethyl acetate (1,02g), cao nước (220g). Khảo sát thành phần hóa học cao petroleum ether và cao chloroform, tác giả cô lập được 10 hợp chất cassane diterpene tinh khiết: 1,2,7-triacetoxycaesaldekarin A (1); 7-acetoxycaesalpinin P (2); bonducellpin H (3); caesalpin H (4); caesalpinin K (5); caesalpinin MP (6); caesalpinin E (7); caesalpinin J (8); acetoxycaesaldekarin E (9); norcaesalpinin MC (10). Trong đó, hợp chất (1), (2) và (3) là các hợp chất mới lần đầu tiên được công bố trên thế giới.
Thử nghiệm độc tính tế bào của các mẫu cao và các hợp chất cô lập được từ hạt móc mèo núi trên các dòng tế bào ung thư cổ tử cung (Hela), ung thư vú (MCF-7), ung thư phổi (NCI-H460), ung thư tuyến tụy (PSN-1, PANC-1) đều cho thấy hoạt tính rất kém.
Qua đó cho thấy, chưa có bằng chứng khoa học nào xác nhận việc trị ung bướu của hạt móc mèo núi như dân gian truyền miệng mà gần đây báo chí đã nêu. Để có thể kết luận chính xác về tác dụng chữa ung bướu của hạt móc mèo núi, cần có thêm nhiều nghiên cứu về thành phần hóa học, cô lập và xác định thêm cấu trúc các nhóm hợp chất khác ngoài các cassan deterpen trong các cao phân cực; thử nghiệm thêm trên một số dòng tế bào ung thư khác.
Sông Sài Gòn là phụ lưu của sông Đồng Nai. Nguồn nước sông Sài Gòn có vai trò cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp quan trọng cho Tp.HCM. Tuy nhiên gần đây, chất lượng nước sông Sài Gòn diễn biến phức tạp và theo chiều hướng ngày càng xấu đi. Kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 của đề tài đã bước đầu xác định hiện trạng, nguyên nhân gây ô nhiễm, các vấn đề nhà máy nước Tân Hiệp gặp phải trong quá trình vận hành khi nguồn nước sông Sài Gòn bị ô nhiễm và một số giải pháp cấp bách. Giai đoạn 2, đề tài được triển khai với mục tiêu đánh giá cụ thể các nguồn thải chính vào sông Sài Gòn có ảnh hưởng đến nguồn cấp nước; ứng dụng kỹ thuật hạt nhân đánh giá cơ sở khoa học về xói mòn trên dọc bờ sông phục vụ xác định đầy đủ nguyên nhân gây ô nhiễm Fe và Mn có nguồn tự nhiên; ứng dụng mô hình tính toán đánh giá diễn biến chất lượng nước, khả năng tiếp nhận nước thải của sông Sài Gòn; đề xuất các giải pháp tổng hợp và khả thi bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn bảo đảm an toàn cấp nước cho Thành phố.
Nghiên cứu tiến hành tập trung vào các nguồn thải vùng thượng nguồn của lưu vực sông Sài Gòn (từ họng bơm nước thô của Nhà máy nước Tân Hiệp trở lên tới Hồ Dầu Tiếng). Việc đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của sông Sài Gòn tập trung vào đoạn sông Sài Gòn tính từ chân đập Hồ Dầu Tiếng về phía hạ lưu.
Theo đó, cùng với nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt là nguồn gây ô nhiễm chính đối với môi trường nước sông Sài Gòn. Trên 95% các khu công nghiệp/khu chế xuất đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên do không kiểm soát được chất lượng nước đầu vào trạm xử lý nên đôi khi nước thải sau xử lý của các khu công nghiệp/khu chế xuất không đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam cho phép. Chưa tới 20% lượng nước thải sinh hoạt của các tỉnh/thành trên lưu vực sông Sài Gòn được thu gom xử lý. Tỷ lệ đầu tư hệ thống xử lý nước thải ở các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp/khu chế xuất và chăn nuôi còn khá thấp và tỷ lệ xử lý đạt QCMT cũng khá thấp (50% và 55,8%).
Các khảo sát về mangan, hàm lượng sắt tổng hòa trong nước và bùn đáy các sông Sài Gòn, Thị Tính cho thấy các kim loại này có nguồn gốc từ đất và một phần từ nước thải. Ở khu vực nghiên cứu diễn ra cả hai quá trình xói mòn và tích tụ nhưng xói mòn chiếm ưu thế và lượng sắt, mangan có trong đất bị xói mòn là một nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông. Kết quả đánh giá xói mòn cho thấy, tốc độ xói mòn trung bình trong toàn khu vực là 22,8 tấn/ha/năm.
Chất lượng nước sông Sài Gòn diễn biến ngày càng xấu và nhiều khi không đạt quy chuẩn Việt Nam về nguồn nước cấp tại trạm bơm Hòa Phú.
Trên cơ sở phân tích đánh giá một số tồn tại của mô hình tổ chức Ủy ban Bảo vệ Môi trường lưu vực sông Đồng Nai, học tập kinh nghiệm thế giới, kết hợp áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hạnh, nhóm nghiên cứu đã đề xuất cải tiến mô hình Ủy ban lưu vực sông Đồng Nai theo hướng quản lý tổng hợp tài nguyên nước, không chỉ tập trung vào mục đích quản lý chất lượng nước. Từ đó đề xuất mô hình Tiểu ban lưu vực sông Sài Gòn phù hợp.
Đề tài cũng đề xuất các giải pháp bảo vệ chất lượng nước sông Sài Gòn như tập trung vào việc đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước mặt và nước thải tại các trạm xử lý nước thải các khu công nghiệp, các nhà máy có lưu lượng lớn (>1000m3/ngày đêm); triển khai xây dựng các trạm xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị của Tp.HCM và Bình Dương; nạo vét, kiên cố hóa kênh rạch để tăng cường khả năng tiêu thoát nước. Từ nay tới 2015 cần nhanh chóng triển khai 25 dự án bảo vệ môi trường lưu vực sông Sài Gòn chủ yếu tập trung ở Tp.HCM và Bình Dương.
Về quản lý cần tăng cường thanh tra giám sát, năng lực quản lý nhà nước, nâng cao nhận thức cộng đồng, phối hợp hợp tác giữa các tỉnh, thành trong lưu vực, thống nhất phân vùng chất lượng nước toàn lưu vực sông Sài Gòn.
Bích Vân, STINFO Số 8/2012.