Đề xuất giải pháp đối phó rào cản “chống bán phá giá” ở nước nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam trường hợp TP.HCM
01/02/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Ngày 30/1/2008, hội đồng nghiệm thu Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã thông qua và xếp loại xuất sắc đề tài nghiên cứu khoa học “Đề xuất những giải pháp đối phó với rào cản chống bán phá giá ở nước nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam trường hợp TP.HCM” do PGS.TS. Đoàn Thị Hồng Vân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) làm chủ nhiệm.
Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu cơ chế pháp lý xác định bán phá giá hàng nhập khẩu của các nước và của WTO; nghiên cứu kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và rút ra các bài học đối với các doanh nghiệp Việt Nam; nghiên cứu những nhân tố tác động bao gồm những nhân tố khách quan và chủ quan; đề suất các giải pháp…
Đề tài đã khảo sát và đánh giá tình hình xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ và vụ kiện chống bán phá giá đối với tôm sú, cá basa của Việt Nam, các bài học rút ra cho các doanh nghiệp TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung; tình hình xuất khẩu giày dép của các doanh nghiệp TP và Việt Nam sang thị trường EU và vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da của EU đối với các doanh nghiệp Việt Nam và các bài học rút ra; khả năng bị kiện bán phá giá ở mặt hàng dệt may trên thị trường Hoa Kỳ (năm 2006, Việt Nam xuất khẩu dệt may gần 6 tỷ USD, thị trường Hoa Kỳ chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu). Theo đó, một số tồn tại cần khắc phục là cơ chế chính sách có liên quan đến bán phá giá hàng nhập khẩu ban hành muộn và không đầy đủ; bộ máy quản lý nhà nước về chống bán phá giá chưa được kiện toàn; nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm về chống bán phá giá trong hoạt động thương mại quốc tế còn ít và yếu…
Đề tài đã đề xuất 3 nhóm giải pháp là giải pháp phòng ngừa bị kiện, giải pháp đối phó khi bị kiện và hạn chế thiệt hại khi bị thua kiện (dưới dạng cẩm nang) cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, gồm xây dựng chiến lược đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đa dạng hoá mặt hàng kinh doanh xuất khẩu, thực hiện phương châm “trứng bỏ vào nhiều giỏ”; tích cực tham gia xây dựng và củng cố hoạt động của các hiệp hội ngành hàng; xây dựng chiến lược tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu; hợp tác chặt chẽ với đối tác nhập khẩu để đối phó chống lại vụ kiện; sử dụng tư vấn pháp lý; tiếp tục giữ thị trường ở nước nguyên đơn… Đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, giày dép và dệt may.
Đề tài cũng đưa ra các khuyến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp hội, VCCI…; nêu những công việc các cơ quan đơn vị kinh tế phải làm theo đúng quy định quốc tế để đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Lam Vân