Liên kết thông tin nhanh để ngăn chặn thực phẩm không an toàn xâm nhập qua biên giới là biện pháp được các nước EU áp dụng hiệu quả thông qua hệ thống cảnh báo nhanh RASFF.
Các nước EU kiểm soát rất nghiêm ngặt các mặt hàng thực phẩm được đưa qua biên giới của họ. Năm 1997, hệ thống cảnh báo nhanh đối với mặt hàng thực phẩm (RASFF - Rapid Alert System for Food and Feed) được thiết lập tại EU nhằm đảm bảo mục tiêu trên.
Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm vào EU cần biết rằng các sản phẩm gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng không được chào đón tại đây và các thông tin trên RASFF là nguồn tham khảo hữu ích.
RASFF - Hệ thống cảnh báo nhanh đối với mặt hàng thực phẩm
RASFF là công cụ để đối phó với các rủi ro an toàn thực phẩm ở EU. Hệ thống này có một cơ sở dữ liệu giúp các nước thành viên EU có thể sử dụng để ngay lập tức thông báo cho các nước thành viên khác, nếu có mặt hàng thực phẩm không an toàn được phát hiện, nhằm ngăn chặn mặt hàng đó thâm nhập thị trường EU, cũng như nên thực hiện các biện pháp nào để bảo vệ người tiêu dùng (loại bỏ sản phẩm, thu hồi sản phẩm hoặc hủy sản phẩm) (BĐ 1). Những sản phẩm không an toàn được thông báo trên RASFF bao gồm: các mặt hàng thực phẩm không an toàn, các mặt hàng thức ăn gia súc không an toàn, các nguyên liệu thực phẩm không an toàn.
BĐ 1: Sơ đồ hệ thống thông tin của RASFF
Ghi chú:
EFSA: Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (European Food Safety Authority)
EFTA: Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (European Free Trade Association), hiện có 4 nước thành viên gồm: Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein.
Nguồn: RASFF preliminary annual report 2015.
Dựa trên tính chất nghiêm trọng của sự việc, những cảnh báo trên RASFF sẽ được đưa ra dưới các dạng thông tin như sau:
Thông tin cảnh báo (information notification): được thực hiện khi một nước thành viên phát hiện một sản phẩm trên thị trường của họ có nguy cơ rủi ro về an toàn thực phẩm và thông báo trên RASFF, nhưng không cần thiết phải có biện pháp khẩn cấp. Thông tin cảnh báo này có 2 loại là thông tin cảnh báo chú ý (information for attention) và thông tin cảnh báo theo dõi (information for follow-up).
Báo động (alert): thông tin được đưa ra khi một sản phẩm có chứa những rủi ro nghiêm trọng hoặc khi cần có biện pháp khẩn cấp. Các sản phẩm bị báo động sẽ bị thu hồi khỏi thị trường.
Loại bỏ tại biên giới (border rejection): thông tin được đưa ra đối với sản phẩm nguy hại cần phải loại bỏ tại biên giới. Những sản phẩm này sẽ không bao giờ có mặt trên thị trường EU và sẽ được gửi trả lại nước sản xuất, bị tiêu hủy hoặc chuyển đến nước khác.
Tin tức (news): bất kỳ thông tin nào có liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm không được truyền tải dưới hình thức cảnh báo hay đưa ra thông tin cảnh báo nhưng các cơ quan kiểm soát tại EU quan tâm, sẽ được truyền tải qua RASFF dưới dạng tin tức.
Thông tin cảnh báo an toàn thực phẩm trên RASFF
Năm 2015, trên hệ thống RASFF có tổng cộng 9. 353 cảnh báo các loại về những thực phẩm nhập khẩu không an toàn ở châu Âu. Trong đó có 3.049 cảnh báo nguồn (original notifications - những cảnh báo lần đầu tiên được đưa ra trên RASFF), trong đó gồm có: báo động: 775, cảnh báo theo dõi: 392, cảnh báo chú ý: 495, loại bỏ tại biên giới: 1.387. Từ những cảnh báo nguồn này có 6.204 cảnh báo tiếp theo (follow-up notifications -những cảnh báo tiếp theo cảnh báo nguồn được đưa ra trên RASFF về các vấn đề liên quan như những nguy hiểm đến sức khỏe, truy nguồn gốc sản phẩm hay mức độ phát tán của sản phẩm… ) (BĐ 2)
BĐ 2: Thông tin an toàn thực phẩm qua RASFF năm 2015
Nguồn: RASFF preliminary annual report 2015.
Giai đoạn năm 2011-2015, thông tin cảnh báo nguồn nói chung có xu hướng giảm, trong đó loại báo động tại tăng và thông tin cảnh báo về các sản phẩm bị loại bỏ tại biên giới giảm (BĐ 3). Các nước đứng đầu trong việc đưa ra các cảnh báo nguồn là Ý, Vương Quốc Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha. (Bảng 1).
BĐ 3: Số lượng thông tin cảnh báo nguồn trên RASFF
Nguồn: RASFF preliminary annual report 2015.
Bảng 1: Số lượng cảnh báo nguồn trên RASFF phân theo nước cảnh báo
Nguồn: RASFF preliminary annual report 2015.
Trong khi đó, thông tin cảnh báo tiếp theo có xu hướng tăng, nhiều nhất là loại báo động, thông tin cảnh báo về các sản phẩm bị loại bỏ tại biên giới giảm (BĐ 4). Các nước đứng đầu trong việc đưa ra các cảnh báo tiếp theo là Tây Ban Nha, Ý, Đức, Hà Lan, Pháp, Ba Lan, Bỉ, Vương Quốc Anh, Thụy Điển (Bảng 2).
Năm 2015, tính chung cả 2 loại cảnh báo nguồn và cảnh báo tiếp theo, trung bình nước Ý đưa ra 92 cảnh báo/tháng , nghĩa là một ngày đưa ra đến hơn 3 cảnh báo về an toàn thực phẩm nhập khẩu!
BĐ 4: Số lượng thông tin cảnh báo tiếp theo trên RASFF
Nguồn: RASFF preliminary annual report 2015.
Bảng 2: Số lượng cảnh báo tiếp theo trên RASFF phân theo nước cảnh báo
Nguồn: RASFF preliminary annual report 2015
Năm 2015, các loại sản phẩm có nhiều cảnh báo trên RASFF là trái cây, rau, cá và các sản phẩm từ cá, thịt và các sản phẩm từ thịt. Trái cây và rau dẫn đầu với 634 cảnh báo, trong đó có đến 424 cảnh báo loại bỏ tại biên giới (Bảng 3).
Bảng 3: Các sản phẩm có cảnh báo trên RASFF, năm 2015
Nguồn: RASFF preliminary annual report 2015.
Vi sinh vật gây bệnh dẫn đầu trong các mối nguy được cảnh báo, tiếp theo là độc tố nấm mốc, tồn dư thuốc diệt côn trùng, kim loại nặng, phụ gia thực phẩm và hương liệu, chất gây dị ứng (Bảng 4).
Bảng 4: Các mối nguy hại đến an toàn thực phẩm có cảnh báo trên RASFF, năm 2015
Nguồn: RASFF preliminary annual report 2015.
Đậu, các sản phẩm từ đậu và các loại hạt có aflatoxins bị cảnh báo hàng đầu, nhất là sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ (số cảnh báo tương ứng là 97, 55, 53); kế đến là Salmonella trong trái cây, rau; đậu, các sản phẩm từ đậu và các loại hạt của Ấn Độ; và cá, các sản phẩm từ cá nhiễm thủy ngân của Tây Ban Nha đều có nhiều cảnh báo (Bảng 5).
Bảng 5: Top 10 các cảnh báo trên RASFF phân theo mối nguy hại và sản phẩm, năm 2015
Nguồn: RASFF preliminary annual report 2015.
Những nơi có nhiều sản phẩm bị cảnh báo trên RASFF
Giai đoạn năm 2012 -2015, khu vực có nhiều sản phẩm không an toàn, bị cảnh báo trên RASFF là châu Á và châu Âu (BĐ 5), dẫn đầu là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Tây Ban Nha (Bảng 6). Riêng khu vực Đông Nam Á, ba nước dẫn đầu về các cảnh báo trên RASFF là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia, số lượng cảnh báo năm 2014 lần lượt là 126, 91, 29 (Bảng 7).
BĐ 5: Diễn biến số lượng cảnh báo của RASFF phân theo khu vực
Nguồn: RASFF preliminary annual report 2015.
Bảng 6: Các nước có trên 100 số cảnh báo/năm trên RASFF (Từ 2012-2014)
Nguồn: RASFF annual report 2014.
Bảng 7: Các nước Đông Nam Á có cảnh báo trên RASFF (Từ 2012-2014)
Nguồn: RASFF annual report 2014.
ANH TÙNG, STINFO số 6/2016
Tải bài này về tại đây.