Thị trường bán lẻ Việt Nam
Năm 2012, dù kinh tế chưa khởi sắc, nhưng thị trường bán lẻ thế giới vẫn có xu hướng phát triển, nổi bật là các nước châu Mỹ La Tinh với 7 quốc gia trong Top 30 quốc gia có thị trường bán lẻ hấp dẫn do A.T Kearney xếp hạng. Trong đó, Brazil dẫn đầu, Chile giữ vị trí số hai và Uruguay vị trí thứ tư. Trung Quốc có vị trí thứ ba nhưng còn nhiều thách thức bởi giá thuê mướn, các tiện nghi và giá lao động tăng cao. Algeria, Kazakhstan, Keneya, Pakistan, ... và Việt Nam được dự báo sẽ là những thị trường bán lẻ hấp dẫn dù không nằm trong top 30 (Bảng 1).
Các ngành hàng phục vụ đời sống hàng ngày như thực phẩm, đồ uống, hàng may mặc có xu hướng phát triển mạnh trong thời gian tới. Năm 2010, bán lẻ thực phẩm ở châu Á khoảng 3.500 tỉ USD, dự báo đến 2015 lên trên 5.500 tỉ USD (BĐ 1). Thị trường bán lẻ quần áo, đồ trang sức, các chất tẩy rửa cũng sẽ phát triển mạnh ở châu Á, nổi bật là thị trường Trung Quốc và Ấn Độ (BĐ 2, 3).
Đô thị hóa nhanh chóng, người dân ngày càng giàu hơn và thói quen mua sắm ngày càng phổ biến đã tạo sức hấp dẫn cho các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Giới trẻ có xu hướng tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ ngày càng nhiều là yếu tố để thị trường bán lẻ và các nhãn hàng cao cấp có cơ hội phát triển nhanh chóng ở châu Á. Dự báo năm 2014, Trung Quốc sẽ dẫn đầu trong mua bán các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ.
Bất chấp thời kỳ kinh tế còn khó khăn, các doanh nghiệp bán lẻ vẫn tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường và châu Á là điểm đến đang được các doanh nghiệp phân phối hàng đầu thế giới chú ý đầu tư. Điều làm các nhà bán lẻ cũng rất quan tâm là công nghệ đang làm thay đổi hướng kinh doanh tại những thị trường mới nổi, thương mại điện tử và mua bán qua điện thoại đang dần vượt qua hình thức bán lẻ truyền thống (Bảng 2, 3).
Trong top 10 các công ty bán lẻ hàng đầu thế giới (Bảng 4) có đến phân nửa công ty gốc từ Mỹ, chủ yếu kinh doanh sản phẩm tổng hợp, chỉ có một công ty kinh doanh dược phẩm và một công ty kinh doanh các sản phẩm nội thất. Trong khi các doanh nghiệp Việt rất quen với việc “đến hẹn lại tăng” giá hàng hóa, thì bên kia bờ đại dương, Wal-Mart, một trong những tập đoàn giàu có nhất, đứng đầu top các nhà bán lẻ trên thế giới đã thành công nhanh chóng chỉ nhờ một triết lý đơn giản: luôn tìm cách bán rẻ nhất cho khách hàng, thậm chí giá chỉ có thể giảm chứ không bao giờ được tăng.
Vũ Trung, STINFO Số 10/2012
Xem thêm:
Thị trường bán lẻ Việt Nam Hàng năm, Tập đoàn Tư vấn thị trường AT Kearney (Mỹ) công bố chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), trong đó xếp hạng 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, dựa trên cơ sở điều tra, khảo sát các nhà phân phối, bán lẻ hàng đầu thế giới...