SpStinet - vwpChiTiet

 

Hiểm họa giao thông

 Vài nét về giao thông trên thế giới



Tai nạn giao thông ngày càng đa dạng, phức tạp. Có thể là tai nạn ôtô, xe hai bánh, tàu hỏa hoặc máy bay..., đây là hiểm họa không của riêng ai!!!


Tai nạn giao thông trên đường…

Ở Việt Nam, tai nạn giao thông (TNGT) hầu hết là tai nạn giao thông đường bộ (TNGT ĐB). Năm 2011, TNGT ĐB chiếm 94,22% (có trên 30 ngàn vụ va chạm và trên 10 ngàn vụ TNGT làm chết 10.979 và bị thương 10.049 người), đứng thứ hai là đường sắt: 4,04%, kế đến là đường thủy (BĐ1).

 


So sánh tình hình TNGT năm 2011 và 2012


Một ngày trôi qua, Việt Nam có khoảng 30 - 35 người tử vong vì TNGT ĐB.
 

TNGT ĐB tăng cao trong giai đoạn 2000-2002 và có xu hướng giảm từ năm 2003 đến nay. Dù số vụ TNGT ĐB có giảm, nhưng số người chết gần như không giảm, cho thấy mức độ TNGT ĐB ngày càng thảm khốc hơn (BĐ2). Tỷ lệ người chết trên một vụ TNGT ĐB ở Việt Nam so với các nước trong khu vực cao hơn rất nhiều; năm 2011 tỷ lệ này của Việt Nam là 0,83, Thái Lan: 0,17, Malaysia: 0,02.

 

Xét theo khu vực, TNGT ĐB phần lớn xảy ra ở phía Nam, khoảng trên 40% số vụ TNGT trên cả nước, nhiều nhất là ở Long An, Bình Định và Tây Ninh, theo thống kê 10 tháng đầu năm 2011 (BĐ3 và BĐ4). Thế nhưng tỷ lệ về số người chết do TNGT ĐB cao nhất lại ở Tây Nguyên: 4,42 người/trên 10 ngàn phương tiện, trung bình tỷ lệ này của cả nước là 3,84, vùng Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Nam bộ thấp, tương ứng là 1,8 và 2,4 mặc dù đây là hai vùng có số lượng phương tiện lưu thông tập trung cao. So với cùng kỳ 2011, 6 tháng đầu năm 2012 giảm 21,63% số vụ TNGT ĐB, nhưng một số tỉnh thành có số người chết do TNGT tăng cao bất thường như Đồng Nai tăng 37,6%, Bạc Liêu tăng 35,3%, Lai Châu tăng 23,1%




 

.…Do xe?
 

Phương tiện giao thông phát triển quá nhanh so với phát triển hạ tầng giao thông là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến TNGT. Số phương tiện năm 2011 tăng gấp 24,6 lần năm 1990. Lượng xe gắn máy hai bánh tăng dữ dội, năm 1990 cả nước có hơn 1 triệu chiếc và gần 500 ngàn chiếc ôtô, năm 2011 lên đến hơn 30 triệu chiếc và gần 2 triệu chiếc ôtô. Tính số xe hai bánh theo đầu người, năm 2007 bình quân 3,75 người sở hữu 1 xe, năm 2009 là 2,86 người/1 xe và đến 2011 là 2,59 người/xe. Phương tiện giao thông đô thị không có gì ngoài hệ thống xe buýt trên đường phố đông đúc, nên phương tiện cá nhân phát triển là tất yếu!



Theo phân tích TNGT của Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt cho thấy TNGT năm 2011 chủ yếu từ xe môtô, xe hai bánh, chiếm đến 69,38% và ôtô là 22,29% (BĐ5), tỷ lệ này không thay đổi nhiều trong vòng 5 năm trở lại đây. Không có gì ngạc nhiên bởi dân ta hầu hết đều di chuyển bằng xe hai bánh!


 

… Do đường?

 

Mạng lưới giao thông đường bộ có tổng chiều dài 280.905 km. Mật độ đường còn thấp và chất lượng chưa cao, đường cấp xã chiếm đến 57,36%. Về chất lượng quốc lộ, đường tốt chỉ có 42,58%, trung bình là 37,04%, xấu và rất xấu đến 20,38%. Còn tính cả quốc lộ và tỉnh lộ thì mặt đường bêtông nhựa chiếm 32,17%, bêtông xi măng: 1,66%, đá nhựa: 44,38%, đá dăm cấp phối: 21,79%. Về đường cao tốc đã được Chính phủ phê duyệt năm 2008 quy hoạch hệ thống 22 tuyến với tổng chiều dài 5.873 km, đến nay đã có ba tuyến đưa vào sử dụng, tổng cộng gần 100 km, con số còn khá khiêm tốn so với nhu cầu lưu thông hiện nay.

 

So sánh tỷ lệ TNGT theo loại đường thì TNGT trên đường đô thị có xu hướng tăng. Năm 2007 TNGT đô thị chiếm 22,28%, đến 2011 tăng lên 34,6% (BĐ 6). So về chiều dài, đường đô thị chỉ có 6,08% trong tổng số chiều dài các loại đường. Có thể nói TNGT đô thị đang là vấn đề cấp bách cần quan tâm giải quyết.


 

…Hay do ý thức khi điều khiển phương tiện giao thông là chính?
 

Phân tích các vụ TNGT ĐB trong những năm gần đây, nguyên nhân gây ra chủ yếu là do người điều khiển các phương tiện giao thông. Thống kê từ năm 2009-2011, nguyên nhân gây TNGT nhiều nhất là do ý thức người điều khiển là chính, tỉ lệ 61,78% (2009) và lên đến 79,2% (2011), trong đó, do chạy xe sai làn đường chiếm 26,30% - 31,44%, kế đến là vượt ẩu 12,41%-19,40%, chạy quá tốc độ 16,21% - 18,34%, lái xe khi say rượu...
 

Năm 2012 là năm đầu tiên Tp.HCM tổ chức “Năm an toàn giao thông”, trước đó, tháng 9 hàng năm được chọn là “Tháng an toàn giao thông” nhằm đẩy mạnh việc giảm ùn tắc và TNGT. Bên cạnh nhiều giải pháp được Nhà nước triển khai, để góp phần làm giảm thảm họa TNGT, mỗi người cần tự ý thức bảo vệ mình bằng việc tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông. 


Số vụ TNGT phân theo nguyên nhân

 

Anh Tùng, STINFO Số 8/2012.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả