Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu như dầu cọ, dầu đậu nành; nguồn trong nước như dầu mè, dầu phộng, dầu cám gạo…
Hiện mức tiêu thụ dầu thực vật bình quân 7 đến 8 kg/người/năm, mức tiêu thụ này còn thấp so với khuyến cáo của WHO (World Health Organization) là cần đến 13,5 kg người /năm (Bình quân tiêu thụ dầu thực vật trên thế giới năm 2010 là 17 kg/người/năm, còn ở Mỹ là 36 kg/người/năm), thêm vào đó, người dân sử dùng dầu ăn thay thế mỡ động vật ngày càng nhiều nên dự báo lượng tiêu thụ sẽ gia tăng ở thị trường Việt Nam (BĐ 1, BĐ 2) .
BĐ 1: Tiêu thụ dầu thực vật tính trên đầu người ở Việt Nam
Nguồn: Foreign Agricultural service/USDA,GAIN (Global Agricultural Information Network) report, 2012.
BĐ 2: Tiêu thụ dầu thực vật ở Việt nam
Nguồn: Nguồn: Foreign Agricultural service/USDA,GAIN (Global Agricultural Information Network) report, 2012.
Việt Nam có khoảng 35 doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm dầu thực vật trên thị trường nội địa, phần lớn là các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), các thương hiệu được biết đến nhiều là Tường An, Neptune, Mezan và Simply. Sản lượng dầu thực vật tinh luyện tăng đều mỗi năm. Năm 2011, sản lượng dầu thực vật tinh luyện các loại ở Việt Nam khoảng 750 ngàn tấn, tăng 7% so với năm trước (BĐ 3). Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành dầu thực vật Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 của Bộ Công Thương, giai đoạn 2011-2015, Việt Nam sản xuất 1.138 ngàn tấn dầu tinh luyện, 268 ngàn tấn dầu thô và xuất khẩu 50 ngàn tấn dầu các loại.
BĐ 3: Phát triển sản lượng dầu tinh luyện ở Việt Nam
Nguồn: Foreign Agricultural service/USDA,GAIN (Global Agricultural Information Network) report, 2012.
Nguồn nguyên liệu cho công nghiệp dầu thực vật Việt Nam phần lớn dựa vào nhập khẩu. Trong năm 2011 nhập 734 ngàn tấn dầu thô và dầu tinh luyện các loại (Bảng 1). Dầu thô được nhập khẩu là dầu cọ từ Indonesia, Malaysia, Campuchia và Mỹ; dầu đậu nành từ Argentina, Malaysia, Thailand, Brazil và Hàn Quốc. Nhập khẩu một ít dầu cải, dầu ô liu và dầu hướng dương. Phần lớn dầu đậu nành và dầu cọ nhập khẩu được dùng làm thực phẩm, số ít dùng trong công nghiệp và mỹ phẩm.
Bảng 1: Lượng dầu thực vật nhập khẩu vào Việt Nam
Nguồn: Foreign Agricultural service/USDA,GAIN report, 2012; Tổng cục hải Quan.
Dù chưa nhiều, nhưng từ năm 2010, lượng xuất khẩu dầu thực vật của Việt Nam bắt đầu gia tăng. Hiện chưa có số liệu chính thức về xuất khẩu dầu thực vật của Việt Nam, nhưng theo dữ liệu từ Global Trade Atlas, năm 2011, Việt Nam xuất khẩu trên 35 ngàn tấn dầu các loại với trị giá khoảng 45 triệu USD (Bảng 2).
Bảng 2: Các nước nhập khẩu loại dầu thực vật từ Việt Nam
Nguồn: Foreign Agricultural service/USDA,GAIN report, 2012; Global Trade Atlas.
Anh Tùng, STINFO Số 8/2013