SpStinet - vwpChiTiet

 

Dịch vụ logistics


 

 

Dịch vụ logistics đã được chuyên môn hóa và phát triển thành một ngành có vai trò quan trọng trong giao thương quốc tế và trong nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Các dịch vụ logistic ban đầu chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ vận tải, lưu kho; dần dần đã phát triển nhiều nội dung phong phú hơn, gồm quản lý nguyên vật liệu, lưu kho, vận tải, phân phối, gom hàng, đóng gói, dán nhãn, lắp ghép,…và cả hỗ trợ tài chính. Điều 233 Luật Thương mại của Việt Nam định nghĩa “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Dịch vụ logistics được phiên âm theo tiếng Việt là dịch vụ lô-gi-stíc”. Cùng với quá trình phát triển giao thương, logistics đã được chuyên môn hóa và phát triển thành một ngành dịch vụ đóng vai trò rất quan trọng trong thương mại quốc tế.

 


Dịch vụ logistics trên thế giới
 

Hoạt động sản xuất, thương mại quốc tế ngày càng phát triển kéo theo sự phát triển của ngành logistics. Theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD- United Nations Conference on Trade and Development), tổng giá trị thương mại hàng hóa toàn thế giới căn cứ giá trị xuất khẩu đạt mức 18.936 tỷ USD vào năm 2014. Trong giai đoạn từ 2005 – 2008, giá trị thương mại tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân 15,4%/năm. Riêng năm 2009, do khủng hoảng kinh tế thế giới nên giá trị thương mại hàng hóa sụt giảm nghiêm trọng, giai đoạn năm 2009 – 2011 phục hồi dần và ổn định cho đến nay (BĐ 1).


BĐ1: Tình hình xuất nhập khẩu thế giới

Nguồn: UNCTAD; Lâm Trần Tấn Sĩ, Báo cáo Ngành Logistics.


Khi đến tay người tiêu dùng, trong cơ cấu giá thành của mỗi sản phẩm đều có một tỷ trọng chí phí nhất định cho hoạt động logistics. Tỷ trọng này khác biệt trong từng nhóm ngành do đặc tính của loại hàng hóa; khác biệt giữa các quốc gia do khác nhau về cơ sở hạ tầng và chính sách. Giai đoạn 2006–2014, chi phí logistics toàn cầu bình quân trong khoảng 10%-12% GDP toàn cầu, tăng trưởng bình quân 4,73%/năm, tỷ trọng này ổn định từ 2011 đến nay ở mức trung bình 11,4% (BĐ 2). Tỷ trọng chi phí logistics tại các quốc gia phát triển thường thấp hơn so với các quốc gia đang phát triển; ở khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, tỷ trọng này dao động quanh mức 9% tổng GDP, trong khi tại khu vực Nam Mỹ, châu Á, tỷ trọng này dao động trong khoảng 12% - 13% (BĐ 3).


BĐ 2: Tỷ trọng chi phí logistics trên toàn cầu


Nguồn: Amstrong & Associates; World Bank; Lâm Trần Tấn Sĩ, Báo cáo Ngành Logistics



BĐ 3: Tỷ trọng chi phí logistics trên toàn cầu


Nguồn: Amstrong & Associates; World Bank; Lâm Trần Tấn Sĩ, Báo cáo Ngành Logistics.


Nhằm đo lường hiệu quả hoạt động logistics, chỉ số LPI được Ngân hàng Thế giới (Worldbank) đưa ra từ năm 2007, dựa trên trung bình 6 tiêu chí đánh giá có thang điểm từ 1 đến 5. Năm 2014, Đức có hiệu quả hoạt động logistics đứng đầu thế giới với chỉ số LPI là 4,12, kế đến là Hà Lan và Bỉ; khu vực châu Á có Singapore đứng thứ 5, Nhật đứng thứ 10 và Hong Kong thứ hạng 15 (Bảng 1).

  Bảng 1: Các quốc gia có hoạt động logistics hiệu quả theo chỉ số LPI

Nguồn: World Bank


Tương quan giữa tỷ trọng chi phí logistics và chỉ số LPI tại một số quốc gia có hướng ngược chiều nhau. Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Singapore thì chỉ số LPI ở mức cao khoảng từ 3,8 trở lên và tỷ trọng chi phí dao động trong khoảng 8%. Các quốc gia có LPI thấp từ 2,5-3 như Việt Nam, Indonesia, Brazil, Venezuela, Colombia có tỷ trọng chi phí logistics trong khoảng 10%-12% (BĐ 4).
 

BĐ 4: Tương quan giữa tỷ trọng chi phí logistics và chỉ số LPI


Nguồn: Amstrong & Associates; World Bank; Lâm Trần Tấn Sĩ, Báo cáo Ngành Logistics.

 

Thị phần logistics không tập trung mà được chia nhỏ. Năm 2013, 10 doanh nghiệp logistics lớn nhất chỉ chiếm 20,6%, mỗi doanh nghiệp chiếm một phần rất nhỏ so với tổng quy mô thị trường toàn cầu. Trong đó, DHL là nhà cung cấp lớn nhất (chiếm 7,7%) với doanh thu năm 2013 đạt 12,94 tỷ EUR. Các nhà cung cấp lớn khác như Kuehne + Nagel, CEVA, Hitachi Transport, DB Schenker Logistics chiếm thị phần nhỏ hơn rất nhiều, chỉ khoảng 1%-2% (BĐ 5). Năm 2014, công ty có doanh thu thuần cao nhất là UPS Supply Chain Solutions, thứ nhì là công ty J.B. Hunt Transport Services (Bảng 2).


BĐ 5: Thị phần hợp đồng logistics toàn cầu, năm 2013


Nguồn: Roland Berger Strategy Consultants; Global logistics market.

 

Bảng 2: Top 10 công ty logistics có doanh thu thuần cao nhất năm 2014


Nguồn: Transforce, Armstrong & Associates

 


Dịch vụ logistics ở Việt Nam
 

Hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam tập trung chủ yếu với các quốc gia trong khu vực châu Á, mức tăng trưởng bình quân 20,3%/năm trong giai đoạn 1992–2014. Tăng trưởng giá trị xuất nhập khẩu gắn liền với các sự kiện Việt Nam gia nhập các tổ chức thương mại cũng như các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương (BĐ 6).
 

BĐ 6: Phát triển giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam


Ghi chú:
ACFTA: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc
AKFTA: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc
WTO: Tổ chức Thương mại Thế giới
AJCEP/VJEPA: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản /Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản
AIFTA/AANZFTA: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ / Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia/New Zealand
VCFTA: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chile

Nguồn: Hải quan Việt Nam; Lâm Trần Tấn Sĩ, Báo cáo Ngành Logistics.


Phần lớn giao thương hàng hóa của Việt Nam với các nước khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN, nên các tuyến vận tải hàng hóa hiện tại của Việt Nam phần lớn ở cự ly gần (BĐ 7).


BĐ 7: Giá trị xuất nhập khẩu Việt Nam với các nước trong khu vực


Ghi chú: EX: giá trị xuất khẩu; IM: giá trị nhập khẩu.

Nguồn: Tổng cục Thống kê; Lâm Trần Tấn Sĩ, Báo cáo Ngành Logistics.


Giao thương quốc tế tăng nhanh, nhưng hoạt động logistics của Việt Nam chỉ mới bắt đầu phát triển. Xét theo chỉ số LPI, Việt Nam nằm trong top giữa của khối ASEAN. Singapore có trình độ phát triển dịch vụ logistics cao nhất, trong top 10 thế giới, bỏ xa Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam (Bảng 3). Việt Nam, với sự cải thiện của hạ tầng cũng như thủ tục thông quan, chỉ số LPI đã được nâng lên, dù chưa nhiều (Bảng 4).


Bảng 3: Chỉ số LPI củac các quốc gia ASEAN

 

Nguồn: World Bank.

 

Bảng 4: Chỉ số LPI của Việt Nam

Nguồn: World Bank.

 

Chi phí logistics so với GDP của Việt Nam khá cao, chiếm tới 25% GDP, trong khi Mỹ chỉ có 7,7% và Singapore là 8%; Malaysia 13% còn Thái Lan 19% (BĐ 8). Nếu ước tính GDP hàng năm của Việt Nam khoảng từ 120-160 tỉ USD thì chi phí logistics khoảng 30-40 tỉ USD/năm, một con số không hề nhỏ.

BĐ 8: Tỷ trọng chi phí logistics của Việt Nam so với một số nước


Nguồn: Đoàn Thị Hồng Vân, Phạm Mỹ lệ; Phát triển logistics những vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Phát triển & Hội nhập; số 8/2013.


Việt Nam hiện có khoảng 1.200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó có 25 doanh nghiệp niêm yết, hoạt động trong 3 mảng: vận tải, khai thác cảng và dịch vụ logistics với tỷ trọng lần lượt chiếm 29%, 56% và 15%. GMD và STG hiện sở hữu hệ thống kho bãi lớn nhất. GMD đang hướng đến mở rộng hệ thống kho công nghệ cao dưới dạng trung tâm phân phối. STG sở hữu hệ thống kho hàng với diện tích lớn nhưng phân bố tản mác tại quận 4, quận 7, quận 9,.... Một số công ty khác như VNL, VNF, VNT và HMH chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực giao nhận hàng hóa, đại lý vận tải (Bảng 5). GMD có doanh thu cao nhất đạt 1.875 tỷ trong năm 2014, kế đến là VNF và STG. Nhìn chung, các doanh nghiệp đều có mức tăng trưởng doanh thu cao hơn năm 2013 (BĐ 9).


Hoạt động giao thương quốc tế đang trong xu thế phát triển cộng với tỷ trọng chí phí logistics còn khá cao sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp logistics khai thác, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Điều này đồng nghĩa với sự cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn trong ngành logistics còn non trẻ của nước ta.


Bảng 5: Cơ sở hạ tầng một số doanh nghiệp logistics ở Việt Nam

Ghi chú:

STG: Công ty Cổ phần Kho vận Miền Nam
GMD: Công ty Cổ phần Gemadept
TMS: Công ty Cổ phần Transimex-Saigon
HMH: Công ty Cổ phần Hải Minh
VNL: Công ty Cổ phần Logistics Vinalink
VNT: Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Ngoại thương
VNF: Công ty Cổ phần Vinafreight
CFS (Container Freight Station): kho để tập kết, làm thủ tục đóng ghép hàng chung vào một container và thu xếp vận chuyển đến cảng đích.
Kho ngoại quan: kho, bãi để tạm lưu giữ, bảo quản hoặc thực hiện một số dịch vụ đối với hàng hóa từ nước ngoài, hoặc trong nước theo hợp đồng thuê kho.
ICD (Inland Clearance Depot): địa điểm thông quan nội địa.
Depot: kho bãi

 

Nguồn: Lâm Trần Tấn Sĩ, Báo cáo Ngành Logistics.

 

BĐ 9: Doanh thu của một số doanh nghiệp logistics ở Việt Nam
 

Ghi chú:
GMD:
Công ty Cổ phần Gemadept
TMS: Công ty Cổ phần Transimex-Saigon
STG: Công ty Cổ phần Kho vận Miền Nam
SFI: Công ty Cổ phần Đại lý Vận tải SAFI
VNL: Công ty Cổ phần Logistics Vinalink
VNF: Công ty Cổ phần Vinafreight
VNT: Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Ngoại thương
HMH: Công ty Cổ phần Hải Minh
TCO: Công ty Cổ phần Vận tải Đa phương thức Duyên Hải
PRC: Công ty Cổ phần Portserco

Nguồn: Lâm Trần Tấn Sĩ, Báo cáo Ngành Logistics.

 

ANH TÙNG, STINFO số 3/2016

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả