Giàu dưỡng chất và mát lành, thanh long đã trở thành thực phẩm phổ biến trên thế giới và sẽ góp phần làm giàu cho nông dân Việt Nam.
Cây thanh long thuộc họ xương rồng (Cactaceae), có nguồn gốc từ các vùng sa mạc thuộc Mexico, các nước Trung và Nam Mỹ, nay được trồng ở các nước khu vực châu Á như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Đài Loan,... Thanh long có nhiều loại, nhưng trồng làm thương phẩm chủ yếu là loài Hylocereus undatus ruột trắng/vỏ hồng hay đỏ, Hylocereus costaricensis ruột đỏ/vỏ đỏ, Hylocereus polyrhizus ruột đỏ/vỏ hồng, Selenicereus megalanthus (hay Hylocereus megalanthus) ruột trắng/vỏ vàng (Bảng 1). Nhiều nước trên thế giới gọi thanh long là dragon fruit hay pitaya, và những tên gọi khác (Bảng 2). Hiện nay có rất nhiều giống thanh long được lai tạo, với màu sắc phong phú. Ở miền Nam California có hơn 70 giống (Bảng 3). Trong số này, thanh long vỏ vàng/ruột trắng là ngọt nhất.
Bảng 1: Các loài thanh long
Nguồn: H.P.M. Gunasena, D.K.N.G. Pushpakumara, M.Kariyawasam; Dragon fruit Hylocereus undatus (haw.) Britton and Rose.
Màu sắc quả của một số loài thanh long
Bảng 2: Tên gọi thanh long ở một số nước
Nguồn: H.P.M. Gunasena, D.K.N.G. Pushpakumara, M.Kariyawasam; Dragon fruit Hylocereus undatus (haw.) Britton and Rose.
Bảng 3: Đặc tính một số giống thanh long ở California
Nguồn: 2013 Pitahaya Production Seminar & Field day; Ramiro Lobo, Gary Bender, Gara Tanizaky; CA.
Thanh long thích hợp khí hậu vùng nhiệt đới, có thể thích nghi với các loại đất khác nhau, từ đất cát đến đất pha sét hay những vùng đất khô cằn, quan trọng là thoát nước tốt, lượng mưa trung bình hàng năm từ 500 – 2.000 mm (Bảng 4).
Bảng 4: Điều kiện thích hợp trồng thanh long
Nguồn: H.P.M. Gunasena, D.K.N.G. Pushpakumara, M.Kariyawasam; Dragon fruit Hylocereus undatus (haw.) Britton and Rose.
Sau một năm trồng, thanh long bắt đầu cho quả, từ năm thứ 3 cho năng suất cao, đến năm thứ 6 trở đi năng suất giảm dần. Thanh long có thể thu hoạch sau 1 tháng ra hoa, thời điểm thu hoạch tốt nhất sau khi quả chuyển màu từ 3 - 4 ngày, nếu xuất khẩu sẽ thu hoạch ngay khi quả chuyển màu được 1-2 ngày. Năng suất trung bình 30 tấn/ha, nếu được chăm bón tốt, thời tiết thuận lợi năng suất sẽ cao và ổn định trong nhiều năm.
Thanh long hiện rất được thị trường quan tâm vì là loại quả có lượng protein, chất béo cao, giàu chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất (Bảng 5); được cho là loại thực phẩm tốt cho tim mạch, có khả năng làm giảm cholesterol, cao huyết áp, kiểm soát đường huyết, ung thư, khử chất độc như kim loại nặng, chống viêm khớp, hen suyễn và giúp giảm cân.
Bảng 5: Thành phần có trong thanh long
Nguồn: H.P.M. Gunasena, D.K.N.G. Pushpakumara, M.Kariyawasam; Dragon fruit Hylocereus undatus (haw.) Britton and Rose.
Quả thanh long thường được ăn tươi hoặc có thể chế biến thành đa dạng sản phẩm như nước ép, nước uống lên men, mức, siro, kem, yogurt, thạch, kẹo, bánh, sấy khô ăn liền, dùng tạo màu trong thực phẩm…; nụ hoa có thể dùng như một loại rau để nấu canh hay làm món rau trộn hoặc sử dụng như một loại trà. Vì thế trồng thanh long thương phẩm nếu được phát triển song hành với công nghiệp chế biến có thể hình thành nền “công nghiệp thanh long” như xu hướng phát triển chế biến thanh long ở Malaysia.
Việt Nam là nơi sản xuất thanh long chủ yếu loại vỏ đỏ hay hồng, ruột trắng ở châu Á. Vài năm gần đây thanh long phát triển ở Thái Lan, Đài Loan, Úc và Sirlanka. Trung Quốc cũng đã bắt đầu nghiên cứu trồng.
Vùng Trung Mỹ, Nicaragua sản xuất thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang Mỹ, Canada, châu Âu và Nhật. Guatemala, El Salvador, Honduras, Costa Rica sản xuất thanh long quy mô nhỏ, trong sân vườn. Colombia hàng đầu sản xuất loại thanh long vàng. Ecuador sản xuất cả hai loại thanh long vàng và loại ruột đỏ. Israel cũng được xem là nơi sản xuất thanh long để xuất sang các nước châu Âu.
Các khu vực sản xuất thanh long trên thế giới
Nguồn: 2013 Pitahaya Production Seminar & Field day; Ramiro Lobo, Gary Bender, Gara Tanizaky; CA.
Quốc gia xuất khẩu thanh long lớn nhất thế giới, chiếm thị phần cao nhất ở châu Á, châu Âu và một số thời điểm tại Mỹ là Việt Nam. Thái Lan và Israel là hai nước xuất khẩu lớn thứ hai và thứ ba vào thị trường châu Âu. Mexico và các nước Trung – Nam Mỹ có lợi thế về vị trí địa lý nên chiếm lĩnh thị trường thanh long Mỹ.
Thanh long được người Pháp mang đến Việt Nam từ thế kỷ 19, trồng rải rác trong sân vườn, đến thập niên 1980 mới được trồng thành hàng hóa; phần lớn được trồng là loài Hylocereus undatus, có vỏ đỏ hay hồng/ruột trắng còn lại là loại ruột đỏ. Mùa thanh long từ tháng 4 đến tháng 10, rộ nhất từ tháng 5 đến tháng 8. Nhiều giống thanh long được lai tạo để tăng năng suất, chất lượng và phù hợp đất đai và khí hậu từng vùng. Tại Viện Cây ăn quả miền Nam hiện đang bảo tồn 20 giống thanh long từ nguồn thu thập trong nước và du nhập từ nước ngoài cùng 40 giống thanh long lai, phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn gen, chọn tạo giống.
Thanh long hiện được trồng ở 30 tỉnh thành, tập trung tại ba tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An, chiếm 93,6% diện tích và 95,5 % sản lượng cả nước. Ở phía Bắc, thanh long mới được đưa vào trồng ở một số nơi như Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Hà Nội. Sản xuất thanh long ở Việt Nam phát triển mạnh, từ năm 2000 đến 2013 diện tích tăng 4,5 lần và sản lượng tăng 13 lần. Diện tích thanh long trên cả nước năm 2013 là 28.700 ha, sản lượng đạt 520 ngàn tấn (Bảng 6, BĐ 1).
Bảng 6: Diện tích và sản lượng thanh long của Việt Nam, năm 2013
Nguồn: Đoàn Minh Vương, Võ Thị Thanh Lộc, Huỳnh Vũ Kiệt, Nguyễn Thanh Tiến; Phân tích chuỗi giá trị thanh long tại huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang.
BĐ 1: Phát triển trồng thanh long ở Việt Nam
Nguồn: Lương Ngọc Trung Lập, Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI); Demand trend, market, price development and promotional requirements for dragon fruit.
Để đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu, thanh long Việt Nam được trồng theo tiêu chuẩn GAP từ 2002. Đến cuối năm 2012 có 6.803 ha thanh long được chứng nhận: VietGAP (6.580 ha) và GlobalGAP (223 ha). 80% thanh long sản xuất ra được xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu tăng hàng năm từ 70-80%. Năm 2012, xuất khẩu thanh long đạt 181 triệu USD, chiếm 50,3 % giá trị rau quả xuất khẩu của Việt Nam (BĐ 2, BĐ 3).
BĐ 2: Xuất khẩu thanh long ở Việt Nam
Nguồn: Lương Ngọc Trung Lập, SOFRI; Demand trend, market, price development and promotional requirements for dragon fruit.
BĐ 3: Tỷ trọng thanh long trong xuất khẩu hoa quả tươi của Việt Nam
Nguồn: Lương Ngọc Trung Lập, SOFRI; Demand trend, market, price development and promotional requirements for dragon fruit.
Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thanh long chiếm 61,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hoa quả tươi (188,5 triệu USD) của Việt Nam. Thanh long được xuất sang 40 nước, chủ yếu là Trung Quốc và các nước châu Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc, thị trường châu Âu, Mỹ (BĐ 4). 5 tháng đầu năm 2015, thanh long vẫn dẫn đầu trong danh sách xuất khẩu hoa quả của Việt Nam, với 900 ngàn tấn.
BĐ 4: Thị phần xuất khẩu thanh long củaViệt Nam
Nguồn: Đoàn Minh Vương, Võ Thị Thanh Lộc, Huỳnh Vũ Kiệt, Nguyễn Thanh Tiến; Phân tích chuỗi giá trị thanh long tại huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang.
Xuất khẩu phát triển, nhưng như những loại hoa quả khác ở Việt Nam, giá thanh long phụ thuộc mùa vụ. Mặc dù giá bán trung bình năm giai đoạn 2009-2013 luôn trong xu hướng tăng (BĐ 5), nhưng vào mùa chín rộ kèm theo xuất khẩu dội chợ, giá sẽ giảm thấp gây nhiều thiệt hại cho nông dân. Giữa năm 2015, giá thanh long tại vườn chỉ 1.000 - 5.000 đồng/kg tùy loại, nguyên nhân được cho là do thị trường xuất khẩu chững lại. Xuất khẩu thanh long nói riêng và nông sản của Việt Nam nói chung phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, đây là thị trường xuất khẩu thanh long chủ yếu, dễ tính nhưng có giá thấp nhất (Bảng 7).
BĐ 5: Diễn biến giá bán thanh long trung bình trong năm của nông dân
Nguồn: Đoàn Minh Vương, Võ Thị Thanh Lộc, Huỳnh Vũ Kiệt, Nguyễn Thanh Tiến; Phân tích chuỗi giá trị thanh long tại huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang.
Bảng 7: Giá xuất khẩu thanh long theo thị trường
Nguồn: Đoàn Minh Vương, Võ Thị Thanh Lộc, Huỳnh Vũ Kiệt, Nguyễn Thanh Tiến; Phân tích chuỗi giá trị thanh long tại huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang; Công ty T&C, 2012.
Trong chuỗi giá trị sản xuất và kinh doanh thanh long, kênh tiêu thụ nội địa có tổng tỷ suất lợi nhuận cao hơn xuất khẩu (76,6% so với 63,3%) nhưng lại rơi nhiều vào tay trung gian, đặc biệt là kênh bán lẻ; với kênh xuất khẩu, nông dân có tỷ suất lợi nhuận khá hơn khi tiêu thụ nội địa (59,1 % so với 53,3%) (Bảng 8). Để nâng giá trị thanh long, giúp nông dân sản xuất ổn định và phát triển bền vững, còn rất nhiều việc phải làm, ví dụ như cần quan tâm đa dạng về giống, màu sắc, chủng loại để làm mới thị trường, đồng thời nghiên cứu kéo dài thời gian bảo quản quả tươi và đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ quả thanh long,...
Bảng 8: Tỷ suất lợi nhuận toàn chuỗi theo kênh thị trường
Nguồn: Đoàn Minh Vương, Võ Thị Thanh Lộc, Huỳnh Vũ Kiệt, Nguyễn Thanh Tiến; Phân tích chuỗi giá trị thanh long tại huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang.
ANH TÙNG, STINFO số 11/2015
Tải bài này về tại đây.