SpStinet - vwpChiTiet

 

Thịt gà ở Việt Nam

 

Chăn nuôi gà ở Việt Nam phát triển mạnh trong những năm qua. Xu hướng chăn nuôi với quy mô lớn, đảm bảo an toàn dịch bệnh ngày càng phát triển trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ giảm dần. Tuy nhiên, ngành này đang phải đối mặt sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt với thịt gà nhập khẩu.

Gà ở nước ta hiện được nuôi dưới ba hình thức: nuôi thả ở hộ gia đình với các giống gà trong nước như gà ri, gà mía, H’mong, tre, ho, đông tảo, tàu vàng,…, chu kỳ nuôi từ 6 - 7 tháng, trọng lượng khoảng 1,2 - 1,5 kg/con, năng suất thấp, số lượng ít; nuôi bán công nghiệp từ 50-1.000 con, chu kỳ nuôi 70 - 90 ngày; nuôi công nghiệp từ 2.000-30.000 con trở lên, được phát triển từ năm 2001 với trang trại kiên cố và hệ thống tự động kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm,…chu kỳ nuôi 42-45 ngày, gà đạt 2,2-2,4 kg.


Sản lượng thịt gia cầm nước ta tăng nhanh trong những năm qua, năm 2005 chưa đến 360 ngàn tấn đến năm 2014 đạt 873,2 ngàn tấn. Ước 6 tháng đầu năm 2015, đàn gia cầm nước ta có 311,1 triệu con, sản lượng thịt đạt 651,28 ngàn tấn (BĐ 1, Bảng 1). Tuy nhiên, cân đối với lượng thức ăn chăn nuôi được tiêu thụ, trong bài viết “2 năm, ngành chăn nuôi lỗ 1,3 tỉ USD” do tác giả Trần Mạnh thực hiện đăng trên Tuổi trẻ Online ngày 27/3/2014, ông Nguyễn Đăng Vang, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng sản lượng thịt gia cầm của nước ta cao hơn, đạt trên 2 triệu tấn/năm.


BĐ 1: Phát triển sản lượng thịt gia cầm ở Việt Nam


Nguồn: indexmundi.com, USDA.


Bảng 1: Đàn gia cầm ở Việt Nam

 

Nguồn: http://hoichannuoi.mard.gov.vn/


Lượng tiêu thụ thịt gia cầm cũng tăng mạnh, năm 2005 lượng tiêu thụ là 322 ngàn tấn, năm 2015 ước tính sẽ tiêu thụ 862 ngàn tấn, sau 10 năm lượng tiêu thụ tăng đến 267,7% (BĐ 2). Tuy nhiên lượng tiêu thụ thịt gia cầm sẽ còn nhiều hơn nữa nếu tính theo số liệu tiêu thụ bình quân trên đầu người ở Việt Nam là 11,5 kg/người năm, thì với 90,5 triệu dân, năm 2015 lượng tiêu thụ sẽ trên 1 triệu tấn.

BĐ 2: Phát triển tiêu thụ thịt gia cầm ở Việt Nam

 

Nguồn: indexmundi.com, USDA.

 

Từ năm 2005 trở về trước, nguồn thịt gia cầm tiêu thụ ở Việt Nam hầu hết trong nước, lượng nhập khẩu tăng mạnh vào năm 2008, lên khoảng trên 80 ngàn tấn. Từ đó đến nay dao động trong khoảng 35- 50 ngàn tấn/năm (BĐ 3). Trong 6 tháng đầu năm 2015, theo bài viết “Nhập khẩu gần 42.000 tấn thịt gà từ Mỹ” đăng trên baohaiquan.vn, tổng lượng thịt gà nhập khẩu là 69.800 tấn, chủ yếu từ Mỹ, Brazil và Hàn Quốc (gần 100% gà nguyên con được nhập từ Hàn Quốc, trong khi 98% đùi gà được nhập từ Mỹ; còn 70% cánh gà được nhập từ Brazil), ba quốc gia này chiếm trên 80% tổng lượng thịt gà nhập khẩu cả nước.

BĐ 3: Gia tăng thịt gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam

 

Nguồn: indexmundi.com, USDA.


Giai đoạn 2012-2014, giá gà ta tương đối ổn định, dao động quanh mức 120 ngàn đồng/kg, giá gà công nghiệp có xu hướng giảm từ năm 2013 (BĐ 4). Trong 6 tháng đầu năm 2015, giá gà công nghiệp sống dao động từ 21–22 ngàn đồng/kg, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Bằng phép tính đơn giản với giá cám hỗn hợp nuôi gà thịt là 13 ngàn đồng/kg và tỉ lệ 1,9 kg thức ăn được 1kg thịt gà thì giá gà hiện nay thấp hơn giá thành rất nhiều! Thêm vào đó, lượng gà nhập khẩu tăng so cùng kỳ 2014 với giá thấp (Bảng 3), đùi gà Mỹ nhập vào Việt Nam đến tay người tiêu dùng chỉ với giá 20 ngàn đồng/kg (tháng 8/2015), đã đẩy ngành chăn nuôi gà Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn.

BĐ 4: Giá thịt gà (bán lẻ) tại một số tỉnh thành năm 2012–2014


Nguồn: Mỹ Ý/AGROINFO, Ngành chăn nuôi việt nam – Thách thức từ TPP.


Bảng 3: Giá gà nhập khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2015

 

Nguồn: baohaiquan.vn, Tổng cục Hải quan.


Xu hướng chọn thịt gà để cung cấp đạm động vật cho bữa ăn hàng ngày vì nhiều dưỡng chất, giá thành rẻ, tiết kiệm được nguồn thức ăn chăn nuôi, nguồn nước, đồng thời giảm tác động tiêu cực đến môi trường đã mở ra một thị trường đầy tiềm năng. Thêm vào đó, lợi nhuận từ chăn nuôi gà những năm qua đã hấp dẫn nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, dẫn đến đường đua ngày càng khốc liệt hơn.

 

Do vậy, về phía chính quyền, cần hoàn thiện quy hoạch chăn nuôi phù hợp với nội dung và mục tiêu tái cơ cấu, đảm bảo phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường; trong đó thị trường là yếu tố quan trọng cần phải được cân nhắc kỹ. “Khi các FTA được ký kết, chúng ta cũng trở thành thị trường tự do, lúc đó sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh vô cùng mạnh. Thực hiện các giải pháp cấp bách để tái cơ cấu ngành chăn nuôi không phải để xuất khẩu nữa mà là để đứng vững trên sân nhà”, như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã từng khẳng định.


Ở góc độ người chăn nuôi, để tồn tại và phát triển cần giảm thấp giá thành, đầu tư theo hướng sản xuất mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ trong lựa chọn con giống chất lượng cao, kiểm soát dịch bệnh, quản lý theo phương thức hiện đại hoặc mô hình liên kết trong sản xuất như mô hình chăn nuôi gia công, hợp tác xã và các chuỗi sản xuất khép kín. Nếu có thể, tự sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây chính là cách mà các doanh nghiệp đứng đầu ngành gia cầm thế giới đã làm.


ANH TÙNG
, STINFO số 9/2015

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả