SpStinet - vwpChiTiet

 

Chung tay bảo vệ vùng đới bờ


 

Với 3.260 km đường bờ biển và hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ phân bố từ Bắc đến Nam, Việt Nam là quốc gia giàu về tài nguyên biển với vùng đới bờ rộng lớn. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này đang bị khai thác quá mức gây suy thoái hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường. Thực tế cho thấy, không chỉ nhà khoa học mà người dân cũng đang đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ vùng đới bờ.

 


Vùng đới bờ đang “kêu cứu”
 

Đới bờ được hiểu là vùng chuyển tiếp giữa lục địa và biển, bao gồm cả vùng đất ven biển và vùng biển ven bờ. Đối với Việt Nam, vùng đới bờ được xác định theo Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm các huyện, thành phố ven biển, vùng biển tính từ mép nước ra biển 6 hải lý.

 

Đới bờ là tụ điểm phát triển kinh tế của nhiều quốc gia, nơi tập trung rất nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, đồng thời cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi các hoạt động này. Nhiều hoạt động kinh tế, xã hội quan trọng diễn ra mạnh mẽ tại đới bờ như đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản, phát triển cảng và giao thông thủy, du lịch biển, công nghiệp ven bờ, đô thị hóa… Tuy nhiên, sự gia tăng dân số và phát triển mạnh các hoạt động kinh tế, xã hội tại đới bờ dẫn đến nhiều vấn đề nổi cộm, như khai thác quá mức các tài nguyên thiên nhiên, gây ra các mâu thuẫn trong sử dụng không gian, tài nguyên và môi trường chung, làm suy thoái hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường, gia tăng các đe dọa của thiên tai, làm xáo trộn cuộc sống của nhiều cộng đồng ven biển… Trong hội thảo “Quản lý tổng hợp đới bờ vùng Nam Bộ trước tác động của biến đổi khí hậu” do Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo tổ chức ngày 22/12/2015, TS. Lê Xuân Thuyên, Đại học Khoa học tự nhiên, cho biết: “Đới bờ là nơi cuối nguồn nhận tất cả các chất thải, chất nhiễm từ lục địa đổ ra nên hoạt động phát triển càng mạnh thì nguồn xả thải ra đới bờ càng nhiều. Hiện tại nguồn xả thải trong đất liền còn chưa kiểm soát được thì đây sẽ là sức ép trong tương lai lâu dài lên đới bờ”.


Việt Nam có vùng đới bờ rộng lớn.
Ảnh: Monre.gov.vn


Hiện có nhiều tài liệu cũng như công bố kết quả nghiên cứu về chất hữu cơ chậm phân hủy trong nền trầm tích dưới rừng ngập mặn Cà Mau. Đáng lo hơn là nhiều chất ô nhiễm có nguy cơ đi vào chuỗi thực phẩm như tồn lưu kháng sinh, chất gây rối loạn nội tiết, vi nhựa dẻo…. Nghiên cứu của Andrew và cộng sự cho thấy có sự tồn tại của chất vi nhựa dẻo ở các con cua vùng đới bờ. Ngoài ra, trong những năm gần đây, vùng đới bờ đang phải đối mặt với vấn đề suy thoái nghiêm trọng nguồn tài nguyên và môi trường biển, sự gia tăng ô nhiễm trong các cộng đồng dân cư, tình trạng xâm nhập mặn, xâm thực của thủy triều và những nguy cơ tiềm ẩn do biến đổi khí hậu. Theo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ bị ngập khoảng 5% tổng diện tích đất, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng khoảng 2,3oC vào cuối thế kỷ 21, lượng mưa ngày sẽ tăng khoảng 12-19% vào năm 2070.

 


Nhiều nghiên cứu liên quan đến vùng đới bờ


Việt Nam đã và đang đặt nhiều quan tâm đến việc điều tra khảo sát, đánh giá để khai thác, sử dụng và bảo vệ hiệu quả vùng đới bờ. Có khá nhiều dự án liên quan đến đới bờ và quản lý vùng đới bờ được thực hiện từ những năm 90 đến nay, ví dụ như Dự án Điểm trình diễn quốc gia về quản lý tổng hợp vùng đới bờ (QLTHVĐB) tại TP. Đà Nẵng, Dự án Việt Nam-Hà Lan về quản lý tổng hợp dải ven biển, Chương trình QLTHVĐB vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (gọi tắt là Chương trình 158),… Thông qua các chương trình nghiên cứu này đã hình thành được cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ QLTHVĐB tại các tỉnh thí điểm; xác định và tổ chức nghiên cứu 6 vấn đề trọng điểm liên quan đến đới bờ ở cấp Trung ương và địa phương, như nghiên cứu về thể chế hóa QLTHVĐB ở Việt Nam; nghiên cứu nhu cầu và ứng phó sự cố tràn dầu ở TP.HCM và Vũng Tàu; đánh giá động lực học ven bờ ở Nam Định; nghiên cứu về quy hoạch phát triển vùng đất bãi bồi ở Nghĩa Hưng, Nam Định; đánh giá về tiềm năng sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Nam Định, đề xuất các giải pháp quản lý phù hợp; nghiên cứu đánh giá về nhu cầu áp dụng mô hình thủy động lực và chất lượng nước khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Thừa Thiên Huế...

 


Dựa vào sức dân để quản lý hiệu quả vùng đới bờ


Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Chu Hồ, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay chúng ta mới đang khởi động xây dựng khung QLTHVĐB, sau quyết định số 2295/QĐ-TTg của Chính phủ đã đề cập nhiều biện pháp để tăng cường bảo vệ vùng đới bờ với sự tham gia của người dân "Xây dựng và triển khai các mô hình đồng quản lý tài nguyên, sinh cảnh và các hệ sinh thái biển và ven biển dựa vào cộng đồng, để đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội; tăng trách nhiệm của người dân và giảm gánh nặng cho các cơ quan quản lý nhà nước; tạo sinh kế, góp phần xóa đói giảm nghèo và tăng quyền được hưởng lợi của người dân từ các giá trị có được ở đới bờ”. TS. Lê Xuân Thuyên cho biết, lực lượng khoa học và quản lý thường chỉ hoạt động định kỳ, trong khi người dân sinh sống và hoạt động thường trực trên vùng đới bờ, nên việc thu nhận thông tin phản hồi từ cộng động rất quan trọng. Ngoài ra, ý thức và sự chung tay của người dân cũng là những yếu tố không thể thiếu khi bảo vệ vùng đới bờ. Về vấn đề này, TS. Stephen, R. Tyler, Cơ quan Nghiên cứu Phát triển quốc tế Canada cũng cho biết, cách tiếp cận nghiên cứu có sự tham gia của cộng đồng là rất hữu dụng, vì tạo ra sự học hỏi có hiệu quả hơn từ cả hai phía cộng đồng những người sử dụng nguồn lợi cũng như chính bản thân các nhà nghiên cứu, tạo được niềm tin và sự hiểu biết cho cộng đồng, giúp sử dụng kiến thức một cách hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Chín, Phó Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo TP. Đà Nẵng chia sẻ tại Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5: “Để QLTHVĐB hiệu quả phải có sự tham gia hài hòa của các bên liên quan, đó là các chuyên gia, các ban ngành quản lý và cộng đồng dân cư”. Ông Đặng Xuân Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng: “Vấn đề cốt lõi để triển khai hiệu quả công tác quản lý vùng bờ thì phải làm sao để khái niệm phát triển bền vững, khai thác sử dụng tài nguyên môi trường vùng biển đi vào được đời sống người dân, cộng đồng hiểu rõ, hưởng ứng, chính quyền địa phương cùng phối hợp.”


Thực tế, ý thức của người dân đã đem lại những hiệu quả trông thấy trong việc bảo vệ vùng đới bờ. Ở vùng ven biển Bình Hải (Bình Sơn) người dân đã bước đầu nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ rong mơ, những tác động xấu của việc khai thác san hô bừa bãi. Ở vùng biển xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi) người dân đã thấy rõ hiệu quả của rừng dừa nước trong việc cải tạo môi trường vùng ven biển. Nhiều người dân ở các xã biển Mộ Đức, Đức Phổ nhận thức rõ hơn việc bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm.


QLTHVĐB là một quá trình quản lý lâu dài, cần nhiều phương thức tiếp cận tổng hợp khác nhau. Theo TS. Vũ Sỹ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo cho biết, từ nay đến 2020 sẽ tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật trong QLTHVĐB, xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối đa ngành. Năm 2016, dự kiến xây dựng và ban hành cơ chế hướng dẫn QLTHVĐB cho các địa phương ven biển về mặt kỹ thuật để các địa phương tham khảo triển khai. Đồng thời, tăng cường năng lực và nhận thức về QLTHVĐB, xây dựng quản lý thông tin tổng hợp, khung cơ sở dữ liệu để hệ thống trung ương có thể kết nối với địa phương. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy QLTHVĐB là quản lý việc sử dụng và quản lý những tác động của con người, của thiên nhiên trong hệ bờ biển để từ đó có những giải pháp, biện pháp tác động cụ thể, phù hợp. Nếu những người sống ở vùng ven bờ không đồng lòng hay không có đủ khả năng kinh tế để thực hiện yêu cầu quản lý, việc triển khai quản lý tổng hợp hoặc là sẽ thất bại hoặc sẽ phải rất tốn kém, không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

 

MI HOÀNG, STINFO số 1&2/2016

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả