|
"Ngụ ngôn kinh doanh" của Võ Tá Hân
16/02/2009
Suối nguồn tri thức
Suối nguồn tri thức
Theo STINFO thì nhiều bài viết của tác giả Võ Tá Hân về doanh nghiệp, về con người trong doanh giới đã ở tầng “ngụ ngôn”. Võ Tá Hân sinh tại Huế năm 1948, lớn lên ở Sài gòn, du học Hoa Kỳ từ năm 1968. Ông tốt nghiệp Cử Nhân (1972) và Cao Học (1973) về Quản Trị Kinh Doanh tại Viện Đại Học Massachusetts Institute of Technology (MIT). Ông làm việc về ngành Ngân Hàng Quốc Tế và Tài Chính tại Montreal, Toronto (Canada), Manila (Phillipines) và Singapore. Từ 1981, ông định cư ở Singapore. Võ Tá Hân còn là một nhạc sỹ tài năng đầy chất Việt, một cây guitar bậc thầy. Những “ngụ ngôn kinh doanh” của Võ Tá Hân đã đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam trong vài chục năm qua. Mà ngụ ngôn thì không bao giờ cũ! STINFO sẽ “kể lại” (tức có thể có chút biến dạng) hoặc “chép lại” những ngụ ngôn lý thú, ít nhiều đã quen thuộc để chúng ta nhâm nhi. XÓM TRÊN XÓM DƯỚI (hay Biển... số, đừng xô tôi!) Khi được chuyển từ Bắc Mỹ về làm việc ở Manila vào năm 1979, tôi mua một cổ phiếu hội viên của hội quán Manila Polo Club. Rời Philippines hơn hai năm sau để nhận chức vụ mới ở Singapore, mang bán cổ phiếu ấy thì những người bạn Phi đều xuýt xoa khen là tôi đã lời to vì được giá gấp đôi! Than ôi, lúc mua thì phải mang đô la Mỹ ra đổi thành peso với hối suất 1 đô la = 7 peso, nhưng đến khi bán thì đồng peso trượt giá thành 1 = 15. Nếu tính bằng peso thì thật là lời gấp đôi, nhưng nếu đổi thành đô la Mỹ thì chẳng những không lời mà còn bị lỗ! Việc mua bán quốc tế hoặc phân tích các dự án đa quốc gia, do đó, buộc chúng ta phải xác định trước nhất rằng đâu là đồng tiền gốc (base currency). Nói chung, người nước nào quen dùng tiền nước ấy, và trên bình diện công ty, tùy thuộc vào chủ nhân, sổ sách kế toán của công ty nằm ở nước nào thì khi tính toán, ta sẽ đặt căn bản trên đồng tiền nước ấy để xác định lời lỗ. Doanh nhân Việt Nam ngày nay xông pha “trận mạc” quốc tế để làm ăn là chuyện... cơm bữa! Lạ đất, lạ người, lạ tiếng nói, lạ cơm nước, giờ không còn là vấn đề, nhưng việc “lạ tiền” thì vẫn còn... lạ! Đến Hàn Quốc chẳng hạn, cam đoan rằng hễ nhìn một số tiền ghi bằng won thì ai cũng lập tức tính nhẩm trong trí để xem số tiền ấy tương đương với bao nhiêu đồng Việt Nam hoặc bao nhiêu đô la Mỹ. Đối với tài liệu, sổ sách tài chính thì ít ra chúng ta cũng có thì giờ chuẩn bị trước để chuyển thành tiền đồng hoặc đô la Mỹ cho dễ suy nghĩ và tính toán. Tuy nhiên, khi gặp bạn bè bản xứ, nghe họ thao thao bất tuyệt trình bày các dự án, kế hoạch... bằng đồng tiền của họ thì quả thật là... mệt mỏi cho cái máy tính nhỏ bé trong đầu chúng ta! Doanh nhân nước ngoài đến làm ăn tại Việt Nam ngược lại cũng gặp trở ngại với việc “lạ tiền” tương tự! Hễ mỗi lần nghe các bạn trong nước nhắc đến hết tỉ đồng này đến chục tỉ đồng khác, thì... cái máy tính trong đầu họ cũng tự động chạy để chuyển đổi về “đồng tiền gốc”. Riêng tôi mỗi lần nhìn vào bảng kết toán tài chính của các công ty trong nước thì trong trí lại vẳng lên âm điệu bài Sóng về đâu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Biển... số, biển... số đừng xô tôi...”. Quả thật đồng tiền của mình sao mà nhiều con số như thế! Quen tính toán bằng đồng đô la Singapore nên hễ nhìn vào những con số ghi bằng tiền đồng thì cái máy tính trong đầu tôi nó chạy như thế này: Cái chuỗi số này là... mấy triệu đồng tiền Việt đây nhỉ? À, ba mươi hai ngàn triệu đồng, hay ba mươi hai tỉ. Tính cho tròn thì một tỉ đồng tương đương với 100.000 đô la Singapore, nghĩa là mười tỉ bằng 1 triệu đô la Singapore... Như vậy thì ba mươi hai tỉ đồng tương đương với 3 triệu 2 đô la Singapore; vì ngồi với các doanh nhân Việt Nam thường quen với đô la Mỹ hơn đô Sing nên phải thêm một bước là mỗi đô la Mỹ bằng khoảng 1,6 đô la Singapore, vậy tức là 2 triệu đô Mỹ... So với đồng tiền các nước, dường như việc chuyển đổi tiền Việt ra các loại ngoại tệ khác tương đối... nhức đầu. Lý do chính có lẽ là vì đồng tiền Việt Nam có... hơi nhiều các con số không (“0”) ở đằng sau! Với nền kinh tế Việt Nam trên đà tăng tốc, với sự thành hình của những tập đoàn công ty và ngân hàng lớn thì những con số này rồi đây lại sẽ còn dài hơn trước. Trước mắt thì cái “biển số” đó đã đưa đến một sự “lạm phát” về danh từ. Ngày nay khi nói đến “đồng” thì dường như nó cùng nghĩa với “ngàn” và có người dùng “đồng” để viết tắt cho “ngàn đồng”. Danh từ “triệu phú” ngày nay đã mất giá vì ngay việc trở thành “tỉ phú” (tiền đồng) cũng không còn là điều khó khăn như xưa. Ngày trước, tôi thường nghe nói rằng cứ một ngàn “triệu” thì gọi là “tỉ” và một ngàn “tỉ” thì gọi là... “ức” (trillion), nhưng dường như trong nước hiện không dùng từ này mà vẫn gọi là “ngàn tỉ”. Tuy nhiên 1.000 tỉ đồng cũng chỉ hơn 62 triệu đô la Mỹ, một số tiền không lớn lắm trên thương trường quốc tế. Vậy thì sau “ngàn tỉ” rồi đây sẽ lại tiếp tục tiến đến “vạn tỉ”, “triệu tỉ” và ... “tỉ tỉ” chăng? Tiền Việt Nam hiện chưa lưu hành ở ngoài nước, nhưng giả dụ ngày mai được xuất hiện bên cạnh đồng tiền các nước trong khu vực thì sao? Ta sẽ thấy một bảng đối chiếu ngoại tệ đại khái như sau: 1 đô la Mỹ tương đương: 1,558 Đô la Singapore 3,674 Ringgit Malaysia 7,733 Đô la Hồng Kông 8,017 Nhân dân tệ 9,556 Won Hàn Quốc 32,776 Đô la Đài Loan 36,622 Baht Thái Lan 46,540 Rupee Ấn Độ 51,320 Peso Philippines 9.085 Rupiah Indonesia 16.034 Đồng Việt Nam Nhìn vào bảng trên, ta thấy dường như có một sự cách biệt giữa hai... xóm! “Xóm trên” gồm những nước mà 1 đô la Mỹ tương đương với khoảng 50 bản vị tiền nội địa trở xuống và “xóm dưới” gồm Indonesia và Việt Nam mà hối suất tương đương với khoảng trên dưới 10.000 bản vị! Dưới con mắt người nước ngoài, đồng tiền một nước càng “được” đổi ra nhiều bản vị chừng nào thì nước ấy càng “bị” xem là còn... chậm tiến chừng nấy. Muốn “dọn nhà” đến ở gần bạn bè cho vui, không những đã về “xóm dưới” sống cạnh người bạn Indonesia, mà lại ở cuối xóm thì cũng... hơi buồn! Chắc cần có giải pháp (?). STINFO sưu tầm
Từ khóa
STINFO-SNTT
ngụ ngôn kinh doanh
Võ Tá Hân
Các tin khác:
- 10 mẫu tin
- 50 mẫu tin
- 100 mẫu tin
- Tất cả
|
|
|