Chúng ta vừa thấy bão thông tin và vẫn còn đó ít nhiều hoang mang, xao động xung quanh sự cố Melamine.
Vậy melamine là gì? Tại sao melamine có trong các loại thực phẩm? Mức độ gây hại của melamine ra sao?...
Melamine là gì?
Melamine có tên đầy đủ là 1,3,5-triazine-2,4,6-triamine, còn được gọi bằng các tên khác như Cyanurotriamide, Cyanurotriamine, Cyanuramide, là một bazơ hữu cơ có công thức hóa học C3H6N6 tạo thành từ 3 phân tử cyanamide (CN2H2). Trọng lượng phân tử 126,12g/mole, nhiệt độ nóng chảy 2500C, nặng hơn nước: 1,573 ( nước=1). Nếu tính tỷ lệ các nguyên tố carbon (C), nitơ (N) và hydro (H) thì nitơ chiếm tới 66% (tính theo khối lượng).
Melamine thể rắn (dạng bột), không mùi, không vị, màu trắng, tan nhẹ trong nước, có khả năng giải phóng N khi gặp nhiệt độ cao.
Justus von Liebig, nhà hóa học người Đức - cha đẻ của công nghiệp phân bón - là người đầu tiên tổng hợp melamine vào năm 1834. Trong phương pháp tổng hợp của Justus von Liebig, đầu tiên canxi cyanamid (CaCN2) được chuyển thành dicyandiamid sau đó đun nóng đến trên nhiệt độ nóng chảy để tạo thành melamine.
Ngày nay Urê (Urê là một hợp chất hữu cơ của cacbon, nitơ, ôxy và hiđrô, có công thức CON2H4 hay (NH2)2CO) được sử dụng trong công nghiệp để sản xuất melamine. Phương trình hóa học như sau:
6(NH2)2CO C3H6N6 + 6NH3 + 3CO2
Chu trình phản ứng qua 2 bước:
Trước hết, Urê được phân tách tạo axit cyanic (HNCO) và ammoni, đây là phản ứng thu nhiệt:
6(NH2)2CO 6HCNO + 6NH3
Tiếp theo là phản ứng polyme hóa axit cyanic tạo dioxit carbon và melamine, đây là phản ứng tỏa nhiệt:
6HCNO C3H6N6 + 3CO2
Xét toàn bộ quá trình phản ứng tạo melamine là quá trình thu nhiệt.
Melamine được sử dụng trong công nghiệp như thế nào?
Melamine được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm công nghiệp khác nhau như sản xuất các đồ dùng bằng nhựa chịu nhiệt, là thành phần chính của công nghệ sản xuất các vật dụng gia đình (chén, đĩa, kệ bếp...), formica (dùng trong công nghệ sản xuất bàn ghế, tấm vách...), bao bì, giấy dán, keo dán, chất chống cháy và phân bón....
Melamine cũng là một trong những thành phần chính của chất màu có tên Pigment Yellow 150 trong mực in và nhựa. Melamine còn được sử dụng trong sản xuất bêtông nhằm làm giảm hàm lượng nước, tăng khả năng chịu lực, hạn chế tạo xốp và tăng độ bền của bêtông.
Vì sao melamine có trong các loại thực phẩm?
Nhựa melamine thường được sử dụng trong đóng gói thực phẩm của người và động vật cũng như làm nguyên liệu chế tạo các dụng cụ ăn uống như chén, dĩa, muỗng... nên melamine có thể xâm nhập từ dụng cụ bao gói hay đồ dùng ăn uống vào thực phẩm với hàm lượng rất nhỏ.
Ngoài ra, melamine được thêm vào các loại thực phẩm cho người và động vật do những nhà sản xuất “gian dối” có dụng ý làm tăng hàm lượng protein (giả tạo) vì melamine vốn có hàm lượng nitơ cao. Chính vì vậy melamine được dùng để “lừa” phương pháp kiểm tra, lừa các cơ quan kiểm tra và tất nhiên là lừa người tiêu dùng.
Sữa chứa melamine từ Trung Quốc gây sỏi thận cho trẻ em đã gây sốc cho người tiêu dùng trên toàn thế giới, sau đó phát hiện thêm nhiều loại thực phẩm có chứa melamine như bánh, kẹo, cà phê,... nhất là các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đây chỉ là diễn biến tiếp theo sau việc phát hiện melamine trong nhiều lô bột mì và thức ăn cho chó, mèo chế biến bằng nguyên liệu nhập từ Trung Quốc gây sỏi thận “thành dịch” cho thú cảnh nuôi tại nhiều nước trước đó! Tất cả được lặp lại trong tháng 9 năm 2008 nhưng với hàng vạn trẻ em!
Melamine gây độc như thế nào?
Các nghiên cứu ở động vật cho thấy rằng LD50 (Letal dosis: độ độc cấp tính được biểu thị qua liều gây chết trung bình, tức là liều thuốc ít nhất có thể gây chết cho 50% số cá thể vật thí nghiệm (thường là chuột), được tính bằng mg hoạt chất/kg trọng lượng cơ thể) của melamine ở chuột là 3161mg/kg trọng lượng cơ thể.
Hiện chỉ có các công bố kết quả nghiên cứu nhiễm độc ở động vật trong trường hợp ăn lâu ngày thực phẩm chứa melamine, có thể dẫn đến các tổn thương đường tiêu hóa, sỏi bàng quang, và có thể ung thư bàng quang. Melamine đã được tìm thấy trong mô thận của mèo và chó được cho ăn thức ăn chứa melamine. Sự lắng đọng các tinh thể muối melamine có khả năng gây bệnh tại thận của lợn và cá tương tự như axit uric gây sỏi thận ở người. Thí nghiệm trên chó ăn thức ăn chứa 3% melamine trong một năm dẫn đến giảm tỷ lệ các thành phần quyết định tăng trưởng, tăng bài tiết nước tiểu, hình thành tinh thể melamine trong nước tiểu, đi tiểu ra máu.
Tinh thể melamine rất khó tan, di chuyển rất chậm trong đường tiết niệu (từ thận xuống niệu đạo) nên có khả năng gây các triệu chứng độc cấp tính. Các nghiên cứu cũng đã tìm thấy lớp vôi hóa trong các tiểu quản có liên quan đến liều lượng melanine trong thức ăn, và có thể gây viêm mãn tính ở thận.
Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư của Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) đã kết luận là có những bằng chứng đầy đủ trong thử nghiệm trên động vật về tính gây ung thư của melamine trong điều kiện nó có gây ra sỏi thận. Đối với con người thì chưa có đầy đủ bằng chứng về khả năng gây ung thư.
Melamine kết hợp với axit cyanuric (Acid cyanuric là chất tổng hợp, dùng nhiều trong công nghiệp nhuộm vải, thuốc tẩy, thuốc diệt cỏ) tạo thành melamine cyanuric có độ hòa tan rất thấp, có độ độc cao hơn melamine hoặc axit cyanuric đơn chất, nó dẫn đến việc tạo thành các tinh thể melamine cyanuric trong thận, kết tủa trong các ống dẫn của thận làm tắc ống dẫn và thoái hóa thận, là tác nhân gây nên sỏi thận bàng quang, có thể gây ung thư và tác hại việc sinh sản.
Đồ dùng bằng nhựa melamine - formaldehyt có đặc điểm bền, đẹp, nhưng người ta đã phát hiện khi sử dụng chúng chứa thức ăn nóng, chua, có thể tiết vào thức ăn melamine và formaldehyt.
Tại một hội nghị vào năm 2007 ở Đại học bang Michigan - Hoa Kỳ, phó giáo sư Wilson Rumbeyha, thuộc Trung Tâm Chẩn Đoán Sức Khỏe Cộng Đồng và Vật Nuôi, cho biết: “Những tinh thể muối cyanurat melamine không hòa tan một cách dễ dàng, bị thải trừ trong cơ thể rất chậm. Cho nên cuối cùng nó tích tụ dần trong cơ thể và gây độc”.
Ngưỡng an toàn của melamine?
Các tổ chức và quốc gia đã đưa ra ngưỡng an toàn của melamine (TDI -Tolerance Daily Intake – mức độ dung nạp an toàn cho cơ thể mỗi ngày). Dưới đây là một số TDI của melamine đã được ban hành:
WHO: 0,2mg /1Kg trọng lượng cơ thể người/ngày.
Cơ Quan An Toàn Thực Phẩm Châu Âu (EFSA - European Food Safety Authority): 0,5mg/1kg trọng lượng cơ thể người/ngày đối với tổng melamine và các chất đồng dạng của nó (ammelaminee, ammelamide, axit cyanuric);
Cục Quản Lý Thực Phẩm Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA - Food and Drug Administration): 0,63mg/1Kg trọng lượng cơ thể người/ngày.
Bộ Y Tế Canada: 0,35mg/1Kg trọng lượng cơ thể người/ngày.
Bộ Y Tế Việt Nam đã chấp nhận ngưỡng melamine trong thực phẩm dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi không vượt quá 1mg/kg thực phẩm; các loại thực phẩm khác không vượt quá 2,5mg/kg thực phẩm. Đây mức giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu. Không áp dụng với bất kỳ trường hợp nào cố ý cho melamin vào thực phẩm. Nhiễm chéo là nhiễm không chủ định, trực tiếp hoặc gián tiếp vào sản phẩm thực phẩm từ môi trường, dụng cụ, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Việt Nam lấy một độ đo hơi khác, chúng tôi xin so sánh ngưỡng cho phép của Việt Nam với tiêu chuẩn của các quốc gia và WHO đã nêu trên. Giả sử một bé 10 tháng tuổi, cân nặng 10 kg, uống 1/2 lít sữa nhiễm chéo melamine 1 mg/kg trong 1 ngày và không ăn gì khác có khả năng nhiễm thêm Melamine thì có vượt quá quy định cho phép của WHO không? Cứ tạm coi 1/2 lit sữa nặng 1/2 kg (thực thì hơn một chút). Như vậy bé đã đưa vào cơ thể 0,5mg melamine ngày. Nghĩa là bằng ngưỡng cho phép của Cơ Quan An Toàn Thực Phẩm Châu Âu, thấp hơn tiêu chuẩn cho phép của Cục Quản Lý Thực Phẩm Dược Phẩm Hoa Kỳ.
Đến nay, Bộ Y Tế vẫn khẳng định, nghiêm cấm việc cố ý cho melamine vào thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, ở bất kỳ hàm lượng nào.
Anh Trung