Thấy gì khi nhìn chữ viết tay? “Tất cả về bạn” – đó sẽ là câu trả lời của chuyên gia phân tích chữ viết.
Với nhiều người, viết chữ đơn giản chỉ là cách truyền tải thông điệp, nhưng dưới con mắt phân tích, nó thể hiện hình ảnh của một con người “đằng sau ngòi bút”. Khoa học chứng minh, mỗi người có hai loại tính cách. Loại thứ nhất là cách ta thể hiện ra bên ngoài và thứ hai là cá tính thực sự của ta, cái giấu ẩn bên trong. Qua giao tiếp, ta thường không thể hiện hết cho mọi người về bản thân nhưng nét chữ ta viết lại có thể bộc lộ tất cả. Chữ viết tay chính là bức chân dung tự họa đặc sắc nhất.
Bút tích học (Graphology): tức “khoa học phân tích chữ viết tay”, hay còn gọi dân dã là “bói chữ”, là khoa học nghiên cứu tính cách, hành vi con người bằng cách phân tích đặc điểm chữ viết tay của họ.
Tương truyền, hơn 100 năm trước công nguyên, hoàng đế Trung Quốc đã biết dùng chữ viết để chọn quần thần và thê thiếp. Năm 1870, Jean Michon (Pháp) đặt ra thuật ngữ “Graphology”. Trong tiếng Hy Lạp, “Grapho” nghĩa là “văn bản”. Những phân tích ban đầu của Michon gây tranh cãi một thời gian dài vì chỉ dựa trên kinh nghiệm và quan sát. Nhưng từ năm 1895, bút tích học đã được công nhận là khoa học khi lĩnh vực tâm lý thực sự trở thành một “nghề”. Khoa tâm lý thuộc các trường đại học hàng đầu ở Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan và Israel ngày nay đều có lớp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ bút tích học. Hơn 2.200 nghiên cứu về bút tích học được công bố trên các tạp chí uy tín về tâm lý, giáo dục và y tế.
Tuy châu Âu là mảnh đất màu mỡ với nhiều nghiên cứu về bút tích học nhưng Mỹ mới là nơi tạo bước ngoặt quan trọng. Mới đây, Handwriting Research Corporation (HRC) đã phát triển thành công hệ thống phân tích chữ viết tay trên máy tính - CHAPS (Computerized Handwriting Analysis Profiling System). Tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin cho phép bút tích học khẳng định vị trí như một ngành khoa học, không chỉ thú vị mà còn chính xác và tin cậy.
Nét chữ nết người
Não bộ điều khiển tay. Chuyển động linh hoạt của bàn tay, cánh tay và vai khi viết liên quan mật thiết với hệ thần kinh trung ương, thái độ, tình cảm của người viết. Do đó, chữ viết nói lên rất nhiều về tính cách, hành vi… của chủ nhân nó. Phân tích chữ viết chính là phân tích “phong cách viết văn bản”, ví dụ như: bố cục, độ nghiêng chữ, đường cong, điểm nhấn, dấu câu,... Cần lưu ý, không phải cứ chữ trông thật đẹp, rõ ràng thì cá nhân đó ưu tú, kiệt xuất. Chẳng hạn, các bác sĩ (được xem là có trí tuệ và địa vị trong xã hội) thường có chữ “như gà bới” rất khó đọc.
Bên cạnh đó, cần xem xét nhiều yếu tố khác trước khi phân tích. Ví dụ, văn hóa là một yếu tố rất quan trọng. Người gốc Ả Rập và Trung Quốc viết từ phải sang trái và có bảng chữ cái khác biệt, dĩ nhiên cách đánh giá cũng phải khác. Do đó, chuyên gia cũng cần một số thông tin về đối tượng như: quốc tịch, độ tuổi, giới tính, trình độ, sức khỏe…
“Xem tướng” chữ
Theo Vitas Salzhjunas (Cộng Hòa Litva), chuyên gia bút tích học nổi tiếng: để phân tích, cần tối thiểu hai trang văn bản viết tay bằng bút mực (không dùng bút chì) trên giấy trắng, không kẻ dòng. Tốt nhất là viết vào nhiều thời điểm khác nhau, trong điều kiện bình thường và không chịu tác động bên ngoài. Càng lấy mẫu vào nhiều thời điểm thì kết quả càng chính xác. Viết bằng tay trái hay phải không quan trọng, nhưng người được phân tích phải trả lời một câu hỏi chứ không chép lại văn bản có sẵn. Đặc biệt, nên chú ý những dòng cuối mẫu viết, bởi khi đó, người viết đã bớt đi nhiều sự e dè, thận trọng ban đầu và quen tay hơn.
Một số tiêu chí phân tích thông dụng:
- Độ đậm/nhạt: nét chữ đậm thể hiện sự tự tin, ý chí mạnh mẽ và khả năng ảnh hưởng. Người có nét bút trung bình thường điềm tĩnh, tự chủ. Nét bút nhạt nhưng rõ ràng là của người khiêm tốn, nhã nhặn; quá nhạt chứng tỏ sự kém tự tin, đa cảm và thiếu linh hoạt.
- Độ nghiêng: chữ nghiêng nhiều về phía trái thể hiện lý trí mạnh, sắc sảo, có óc phân tích, thích làm việc một mình. Người viết chữ nghiêng về bên phải nhiệt tình, cởi mở và thích giao tiếp. Người viết chữ thẳng thường sáng suốt, cẩn trọng.
- Độ cao: chữ viết càng cao, người viết càng có trí tưởng tượng phong phú. Chữ viết thấp cho thấy chủ nhân của nó quan tâm nhiều đến vật chất hơn tinh thần.
- Kích thước chữ: chữ to thể hiện sự vui tươi, hoạt bát, nhiệt tình, nhưng kém cẩn trọng. Nhiều ngôi sao nổi tiếng có cỡ chữ rất lớn. Cỡ trung bình là của người chừng mực và tập trung tốt. Người viết chữ nhỏ kiên trì, chu đáo và sâu sắc. Đây là kiểu chữ của các nhà nghiên cứu, suy nghĩ thấu đáo và chín chắn trong công việc.
- Hình dạng chữ: người viết chữ góc cạnh, nhọn, sắc nét thường thông minh, kín miệng, và nhiều tham vọng. Chữ tròn là của người nhiệt tình, yêu nghệ thuật, dễ hài lòng với cuộc sống. Người có nét chữ thật tròn và rộng rất thân thiện, vị tha, yêu gia đình, nhưng có khuynh hướng lười biếng. Chữ có nét móc về bên trái hay vòng ngược về phía trước là của người mạnh mẽ, cá tính, hơi kiêu ngạo.
Còn nhiều tiêu chí khác như độ rộng của chữ viết hoa, tốc độ viết, sự cân xứng giữa các dòng... Cần xem xét cả khoảng trắng trên văn bản, cách chừa lề. Chữ ký cũng là tiêu chí khá “nặng ký”. Nhìn chung, những người có nét bút chừng mực, gọn gàng, thẳng thớm... thường điềm tĩnh, sáng suốt và tự chủ.
Những ứng dụng thú vị
Không chỉ phổ biến trong ngành tâm lý, phân tích chữ viết còn rất hữu ích cho công việc. Ước tính, khoảng 5.000 công ty tại Mỹ đang dùng bút tích học như công cụ hỗ trợ nhiều lĩnh vực khác nhau:
Trong y tế: phân tích chữ viết hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi các bệnh liên quan đến não bộ và hệ thống thần kinh, việc lạm dụng thuốc, một số dùng tham khảo trong pháp y.
Ngành an ninh: phân tích chữ viết tay hỗ trợ máy phát hiện nói dối đảm bảo tính chính xác và khách quan. Theo nghiên cứu của Gil Luria và Sara Rosenblum (Đại học Haifa) công bố trên tạp chí Applied Cognitive Psychology, đặc điểm chữ viết thay đổi rõ rệt khi đối tượng nói thật hoặc nói dối. Đặc biệt, cách này có thể dùng kiểm tra cả đối tượng không nói được ngôn ngữ địa phương.
Với doanh nghiệp: phân tích chữ viết là một phần quan trọng trong tuyển dụng nhân sự. Nhờ đó, doanh nghiệp xác định tính cách ứng viên, ưu khuyết điểm, động lực làm việc,… để không chỉ xây dựng đội ngũ phù hợp với chiến lược và văn hóa doanh nghiệp, bố trí đúng người đúng việc mà còn giữ chân được nhân tài. Những thông tin này khó có được nếu chỉ phỏng vấn. Các chuyên gia khẳng định, kết quả phân tích chữ viết sau nửa giờ sẽ giúp nhà tuyển dụng hiểu về ứng viên nhiều hơn cả nửa năm tiếp xúc. 80% công ty Pháp và Thụy Sĩ có sử dụng bước phân tích này trong quy trình tuyển dụng.
Riêng với mỗi người: món quà mà phân tích chữ viết mang lại chính là sự “tự hiểu mình”. Biết được tiềm năng và khiếm khuyết của bản thân là bước đầu để có những thay đổi tích cực hơn. Khi thái độ đối với cuộc sống thay đổi, nét chữ cũng thay đổi. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng, chữ viết của mỗi người nắm giữ chìa khóa mở ra cánh cửa thành công và thịnh vượng.
Minh Thảo, STINFO Số 12/2012