Trong thực hành kinh doanh, một lợi thế của việc sử dụng vốn vay là tiết giảm được thuế thu nhập doanh nghiệp. Người ta nói rằng vốn vay đã tạo ra một “Lá chắn thuế ” cho doanh nghiệp, nhờ đó tạo nên hiệu quả kinh doanh nói chung là cao hơn so với chỉ sử dụng vốn của chính doanh nghiệp, hay còn gọi là vốn chủ sở hữu.
Để dễ hình dung, chúng ta xét thí dụ đơn giản sau (số liệu chỉ để tính toán minh họa).
Một hãng TAXI đầu tư mua một xe giá là 10000 $ để khai thác. Sau 1 năm khai thác doanh thu là 13000$, thu nhập trước thuế (đã trừ mọi chi phí, kể cả tiền mua xe!) là 3000$. Giả sử thuế thu nhập là 28%. Khi đó đầu tư 10000$, nhà đầu tư có thu nhập: 3000 – 3000 x 0,28 = 2160$, bằng 21,6% vốn đầu tư.
Giả sử rằng doanh nghiệp có thể vay ngân hàng 40000$ để đầu tư thêm. Ta sẽ xem xét diễn biến kinh doanh của doanh nghiệp với những phương án lãi suất vốn vay khác nhau:
Trường hợp 1.
Lãi suất vốn vay đúng bằng 21,6% (là tỷ lệ lợi tức mà doanh nghiệp làm được bằng vốn của mình, hay còn gọi là vốn chủ sở hữu ). Khi đó nếu thiếu hiểu biết về Lá chắn thuế ta dễ ngộ nhận là vay chẳng ăn thua gì, vì làm ra bao nhiêu (21,6% trên vốn) thì trả nợ hết (vì lãi suất vay cũng là 21,6%!). Thực ra không phải vậy. Lúc này, doanh nghiệp có thể mua 5 xe. Cuối năm, doanh nghiệp có thu nhập trước thuế là 5 x 3000 = 15000$. Số tiền doanh nghiệp phải trả là: vốn vay 40000$ + lãi vay 8640$ (40000 x 0,216) = 8640$) + thuế thu nhập 1780,8 [(15000 – 8640) x 0,28 = 1780,8] = 50420,8$. Thu nhập sau trả nợ vốn vay, lãi vay và sau thuế của doanh nghiệp là: 55000 – 50420,8 = 4579,2$ hay 45,8% vốn chủ sở hữu (10000$)! Một tỷ lệ rất ấn tượng tạo ra nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả.
Trường hợp 2.
Lãi suất vay cao hơn tỷ lệ lợi tức do vốn chủ sở hữu tạo ra, nhưng còn thấp hơn tỷ lệ thuế, tức ta có điều kiện: 28% > lãi suất vốn vay > 21,6%. Chẳng hạn lãi suất vốn vay là 25%. Sau một năm, số tiền doanh nghiệp phải trả là: (40000$ vốn vay) + (40000 x 0,25) = 10000$ lãi vay) + [(15000 – 10000) x 0,28 = 1400 thuế thu nhập] = 51400,8$. Thu nhập sau thuế của doanh nghiệp là: 55000 – 51400 = 3600$ hay 36% vốn chủ sở hữu (10000$)! Vẫn được hơn so với trường hợp không sử dụng vốn vay thì thu nhập chỉ là 2160$.
Trường hợp 3.
Lãi suất lên rất cao, vượt khá xa tỷ lệ thuế thu nhập. Chẳng hạn đó là 35%. Khi đó, sau một năm, số tiền doanh nghiệp phải trả là: (40000$ vốn vay) + (40000 x 0,35 = 14000$ lãi vay) + [(15000 – 14000) x 0,28 = 280 thuế thu nhập] = 54280$. Thu nhập sau thuế của doanh nghiệp là: 55000 – 54280 = 720$. Tệ quá rồi, vay với lãi suất cao quá thì thà không vay cho khỏe!
Trường hợp 4.
Lãi suất lên cao, vượt tỷ lệ thuế thu nhập, nhưng không quá cao như trường hợp 3. Giả sử đó là 30%. Khi đó, sau một năm, số tiền doanh nghiệp phải trả là: (40000$ vốn vay) + (40000 x 0,3 = 12000$ lãi vay) + [(15000 – 12000) x 0,28 = 840 thuế thu nhập] = 52840$. Thu nhập sau thuế của doanh nghiệp là: 55000 – 52840 = 2160$. Đúng bằng thu nhập khi không vay vốn. Lợi thế vốn vay xem xét trên quan điểm thu nhập sau thuế của doanh nghiệp sẽ triệt tiêu khi lãi suất vốn vay là 30%.
Với doanh nghiệp TAXI này, người ta nói rằng lá chắn thuế mất đi với lãi suất vốn vay từ 30% trở lên. Trở lại các trường hợp 1 và 2. Với vốn của chủ sở hữu, doanh nghiệp làm ra 21,6% lợi tức trên vốn. Nhưng có được vốn vay với lợi tức đúng bằng 21,6% ấy thì doanh nghiệp đạt hiệu quả 45,8%, trường hợp 2 cũng còn đạt hiệu quả 36%. Sở dĩ được như vậy là nhờ vốn vay với lãi suất hợp lý đã tạo ra sự tiết giảm thuế thu nhập đánh trên tổng thu nhập trừ đi phần trả lãi vốn vay. Hiện tượng đó gọi là Lá chắn thuế do vốn vay tạo nên. Một câu hỏi lý thú đặt ra là vốn vay là bao nhiêu thì có lợi nhất cho doanh nghiệp? Chúng ta đã bước sang một vấn đề rất quan trọng trong kinh doanh là vấn đề cấu trúc vốn, tức tỷ lệ giữa vốn vay và vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ nào có lợi nhất cho doanh nghiệp?
CHI LAN