Vài chục năm nay, người ta nói nhiều đến kinh tế tri thức. Những ngành công nghiệp quan trọng tạo nên khu vực kinh tế tri thức (gọi là công nghiệp tri thức) có thể kể như: ngành công nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông và nhiều ngành công nghiệp khác thuộc khu vực công nghệ cao, ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, … Vài năm gần đây người ta bắt đầu nói về kinh tế sáng tạo với những ngành công nghiệp tạo nên khu vực kinh tế này gọi là những ngành công nghiệp sáng tạo.
Vậy kinh tế sáng tạo là gì và bao gồm những ngành công nghiệp sáng tạo nào?
Kinh tế sáng tạo (KTST) là một bộ phận đặc biệt của kinh tế tri thức (KTTT).
Trước hết, KTST là KTTT vì các sản phẩm/dịch vụ (SP/DV) mua bán ở đây phải là những SP/DV có hàm lượng trí tuệ cao, hàm lượng lao động cơ bắp và hàm lượng nguyên vật liệu thấp, như cách hiểu về những ngành thuộc KTTT.
Tuy nhiên, KTST là bộ phận đặc biệt của KTTT vì không phải cách tổ chức sản xuất nào của KTTT cũng được xem là cách tổ chức sản xuất của KTST. Nét vô cùng đặc trưng của cách tổ chức sản xuất trong các ngành công nghiệp sáng tạo (CNpST) là hàm lượng tri thức hàm chứa trong các SP/DV của CNpST là rất cao (chứ không chỉ là cao như SP/DV trong các ngành công nghiệp tri thức (CNpTT) thông thường) và “nguyên liệu đầu vào” là tri thức phải là trực tiếp (từ bộ não con người) tham gia trong quy trình sản xuất. Hệ quả quan trọng của đặc trưng trên là một dấu hiệu giúp ta cách nhận dạng rất dễ dàng một ngành CNpTT có thể được xem là CNpST không?
Dấu hiệu đó là: CNpST cho ra những SP/DV có đặc tính cá thể đơn lẻ, sản phẩm ra đời trước không bao giờ giống hệt sản phẩm cùng loại ra tiếp theo vì khi trí tuệ con người tham gia cao độ và trực tiếp vào quá trình tạo ra SP/DV thì luôn có những nét mới (chính vì thế mà gọi là sáng tạo!) được đưa vào SP/DV. Như vậy chẳng hạn công nghiệp thời trang, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp văn chương, công nghiệp quảng cáo… có thể xem là ngành đặc biệt của KTTT và xếp chúng vào nhóm các ngành CNpST, tạo thành KTST. Công nghiệp phần mềm, ngành công nghiệp lớn của KTTT có thể phân thành 2 phân ngành công nghiệp chính:
Phân ngành tạo ra các phần mềm, có thể xem là CNpST.
Phân ngành đóng gói và kinh doanh và dịch vụ với phần mềm đóng gói như bộ Offcie của Microsoft thì không thuộc nhóm CNpST dù rằng đó là CNpTT.
Trong thời đại kinh tế tri thức, “sáng tạo” đang được khai thác như một loại nguyên liệu đầu vào cực kỳ quan trọng của nhiều ngành công nghiệp mạnh mà ngày nay thế giới đang gọi là các ngành “CNpST”.
Những trình bày trên lý giải vì sao các định nghĩa và phân loại về CNpST tập trung vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Ví dụ như ở Anh, CNpST được xem là bao gồm những ngành chính sau: quảng cáo, kiến trúc, nghệ thuật - mỹ thuật, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, thiết kế thời trang, điện ảnh, giải trí, âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, xuất bản, sáng tạo phần mềm vi tính, truyền thanh - truyền hình.
Sáng tạo đã mang lại những giá trị kinh tế rõ ràng không thể phủ nhận. Jerry Perenchio với lòng đam mê nghệ thuật và tài năng thiên bẩm đã vươn lên vị trí “ông trùm” của làng truyền thông giải trí. Tên tuổi ông gắn liền với thành công của Univision - kênh truyền hình tiếng Tây Ban Nha lớn nhất tại Mỹ. Năm 2007, Jerry Perenchio được Tạp chí Forbes bình chọn vào vị trí 240 trong số những người giàu nhất hành tinh với tài sản cá nhân lên tới 2,9 tỷ USD. Hay như câu chuyện về tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch. Bắt đầu sự nghiệp từ một tờ báo tỉnh lẻ hạng hai The Adelaide News (Úc), Rupert Murdoch đã trở thành ông chủ tập đoàn The News Corporation (một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới với các kênh truyền hình, các nhà xuất bản, sản xuất phim, truyền hình cáp và vệ tinh, tạp chí, báo tại Mỹ, Úc, châu Âu và châu Á). Được mệnh danh là “ông vua truyền thông”, năm 2007, với tổng tài sản 9 tỷ USD, Rupert Murdoch được Tạp chí Forbes bình chọn vào vị trí 73 trong số những người giàu nhất thế giới. Ngày nay, không ai lại không biết đến J.K. Rowling – nữ nhà văn tỷ phú nổi tiếng trên toàn thế giới với truyện về cậu bé phù thủy Harry Potter. Sách của bà đã bán ra được hơn 325 triệu bản và được chuyển thể thành những tác phẩm điện ảnh có doanh thu khổng lồ. Tài sản của bà ước tính đạt từ 600 đến 700 triệu bảng; Bà còn được xưng tụng là nhà văn Anh vĩ đại nhất, người biết hóa sách thành vàng,... Và có lẽ nổi bật nhất là sự thành công của Microsoft và rất nhiều công ty phần mềm khác mà tỷ trọng phần thuộc về KTST là chủ yếu trong tài sản của họ.
Khi trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ Cuối Tuần, ông John Newbigin - chuyên gia tư vấn phát triển chiến lược về các ngành CNpST nhấn mạnh: “Hiện nay, sáng tạo hay các ngành CNpST được xem như một chỉ số phát triển kinh tế, một động lực phát triển. Tôi không nghĩ sáng tạo là một loại hình của tư duy, như người ta vẫn nói “tư duy sáng tạo” mà đó là kinh doanh...”. Tại hội thảo “Nuôi dưỡng nền KTST” tổ chức mới đây ở TP. Hồ Chí Minh, ông Yudhi Soerjoatmodjo (chuyên gia ngành CNpST tại Indonesia) đã đưa ra một ví dụ thú vị từ hạt cà phê ban đầu chỉ có giá trị bình thường nhưng qua sáng tạo (chế biến, thưởng thức cà phê trong quán có âm nhạc, dịch vụ, thương hiệu...) giá bán cà phê tăng lên đến 25.000%...