SpStinet - vwpChiTiet

 

INFOGRAPHIC: bức tranh thay ngàn lời nói

 

 

Hiện nay, bạn có thể tìm thấy infographic khắp nơi trên các phương tiện truyền thông. Infographic làm nức lòng giới trẻ với những câu chuyện ngộ nghĩnh và hài hước. Doanh nghiệp vận dụng infographic ngày càng nhuần nhuyễn trong quảng cáo, tiếp thị. Báo chí chuyển tải thông tin súc tích và hấp dẫn bằng infographic,... Bùng nổ vào năm 2010 với số lượng infographic tăng vọt 238% so với 2009. Sự phát triển của infographic là kết quả tất yếu của kỷ nguyên Big Data (đại dữ liệu). Khi con người càng tiêu tốn nhiều thời gian vào biển thông tin tràn ngập trên mạng thì vai trò của infographic càng trở nên quan trọng.


Số lượng infographic tạo mới mỗi ngày từ 2011-2013

 

Nguồn: AudienceBloom

 


Infographic: giảm tải thông tin


Thuật ngữ “infographic” là sự kết hợp hai khái niệm: “information” (thông tin) và “graphic” (đồ họa). Infographic tức đồ họa thông tin là phương thức sử dụng hình ảnh đồ họa để mô tả thông tin, kiến thức, dữ liệu,... Mục tiêu của infographic là giúp khối dữ liệu khổng lồ, rối rắm trở nên rõ ràng, sống động và hấp dẫn hơn bằng cách chọn lọc và diễn giải chúng thành các biểu đồ, hình ảnh…theo chủ đề riêng biệt.


Thử so sánh hiệu quả truyền thông giữa một bản tin toàn chữ và một infographic về bệnh sởi tại Việt Nam trong năm 2014. Bản tin cung cấp rất nhiều dữ liệu như: số ca mắc sởi, số bệnh nhân điều trị, tỷ lệ ca sởi đã tiêm chủng… nhưng người đọc chỉ cảm nhận được những con số mơ hồ. Trái lại, khi thể hiện dưới dạng hình ảnh, biểu đồ trong infographic, thông tin trở nên hết sức rõ ràng và có thể hình dung toàn cảnh.


So sánh hai cách truyền thông về bệnh sởi 
 

Bằng chữ
 

Tính từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 3.527 trường hợp mắc sởi. Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị sởi cho 253 trường hợp, bệnh viện Bạch Mai 68 trường hợp và bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương điều trị 53 trường hợp.Trong 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi tại các bệnh viện tuyến trung ương, số ca mắc sởi do không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vắcxin sởi chiếm tới hơn 86%. Chỉ có gần 10% ca sởi đã tiêm chủng 1 mũi vắcxin sởi. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm phòng sởi cho trẻ.
 

Bằng infographic

 


Sức mạnh của infographic


Đơn giản hóa những dữ liệu phức tạp: bẩm sinh con người khám phá thế giới bằng trực quan, 90% thông tin được não ghi nhận dưới dạng hình ảnh. Do đó, thể hiện thông tin bằng hình ảnh vừa làm rõ những dữ liệu phức tạp, vừa cho phép “đóng gói” một lượng lớn thông tin chỉ trong vài bức hình nhỏ.


Nhiều thông tin trong thời gian ngắn: bộ não vốn xử lý hình ảnh nhanh hơn chữ viết. Khoảng chú ý trung bình của con người là 8 giây, còn thời gian não xử lý tín hiệu thị giác là ¼ giây. Do đó, sử dụng hình ảnh giúp truyền đạt một lượng lớn thông tin chỉ trong tích tắc. Khi quỹ thời gian ngày càng ngắn thì infographic càng trở nên hữu ích.


Nhớ lâu: infographic hệ thống thông tin theo từng chủ đề riêng biệt, nhờ đó người xem có khả năng ghi nhớ lâu hơn. Khoa học đã chứng minh, với dữ liệu rời rạc, não chỉ đơn giản giải mã ý nghĩa của chúng mà không có chức năng ghi nhớ. Trái lại thông tin đã được hệ thống sẽ kích thích các khái niệm có sẵn trong não, liên hệ đến cảm xúc, suy nghĩ và để lại ấn tượng lâu dài.


Thu hút: theo nghiên cứu của Đại học Saskatchewan, hình ảnh giúp người xem cảm thấy dữ liệu hấp dẫn và thu hút hơn. Giữa rất nhiều thông tin cập nhật mới liên tục trên internet, một infographic có khả năng được chọn đọc nhiều gấp 30 lần so với bài viết hoặc biểu đồ đơn giản.


Dễ chia sẻ: định dạng hình ảnh cho phép người xem dễ dàng chia sẻ infographic trên các công cụ trực tuyến. Dù bài viết cung cấp nhiều thông tin hơn nhưng infographic lại giúp thông tin đó đạt được số lượt người xem đông nhất có thể.


Hấp dẫn, dễ hiểu và dễ nhớ là ba yếu tố cơ bản cần đạt được khi thiết kế một infographic. Thứ tự quan trọng của mỗi yếu tố tùy thuộc vào hiệu quả truyền thông muốn đạt được. Chẳng hạn, yếu tố “dễ hiểu” quan trọng nhất khi thiết kế một infographic về khoa học, học thuật. Kế đến là “dễ nhớ”“hấp dẫn”. Trái lại, với loại infographic dùng cho mục đích thương mại như quảng cáo, tiếp thị, yếu tố “hấp dẫn” phải đặt lên hàng đầu, sau đó là “dễ nhớ” và cuối cùng mới là “dễ hiểu”. Nhiệm vụ của người thiết kế infographic là xác định hình thức thể hiện bộ dữ liệu phù hợp nhất có thể.


Mặt trái của infographic là dễ gây nhầm lẫn nếu thiết kế không hiệu quả. Do chủ yếu minh họa bằng hình ảnh, nội dung infographic có thể bị hiểu theo nhiều hướng khác nhau; quá nhiều màu sắc còn làm khó người có vấn đề về thị giác; và thực chất, infographic chỉ phù hợp nhất với giới trí thức, người ít học thường không quen với biểu đồ. Vì vậy, thiết kế đóng vai trò cực kỳ quan trọng để tạo nên một infographic hiệu quả.


Dạng biểu đồ và font chữ thường dùng trong infographic

 


Nguồn:
good.is



Infographic thường dùng làm gì?

Giải thích khái niệm



Quá trình theo thời gian
  Mô tả quy trình



Cung cấp thông tin



So sánh các đối tượng



Kể chuyện – giải trí
  Thống kê



Mô tả


Infographic xưa và nay


Chưa thể khẳng định đâu là bản infographic đầu tiên trên thế giới. Theo Wikipedia, nhà vật lý-thiên văn học Christoph Scheiner (Đức) là người đầu tiên công bố một infographic mô tả quỹ đạo mặt trời trong quyển sách Rosa Ursina sive Sol vào năm 1626. Một số nguồn tin khác khẳng định, 1861 mới là năm bắt đầu xuất hiện infographic. Đó là tấm lược đồ mô tả hành trình xâm lược Nga của Napoleon. Bài viết “Bác sĩ Fritz Kahn – Cha đẻ của infographic” trên báo Sức khỏe và Đời sống lại cho rằng, chính bác sĩ Fritz Kahn đặt nền tảng cho đồ họa thông tin hiện đại bằng những infographic được làm thủ công vào năm 1922.


Vào cuối thế kỷ 20, Richard Saul Wurma – người sáng lập chương trình TED Talks - đã đề xuất từ “infographic” như một thuật ngữ chính thức. The Sunday Times là tờ báo đầu tiên áp dụng infographic vào năm 1970 và nhận được phản hồi không mấy tích cực từ phía công chúng. Các infographic lúc bấy giờ bị cho là quá đơn giản, nhấn mạnh vào tính giải trí hơn là nội dung và dữ liệu.


Theo thời gian, infographic không chỉ xuất hiện trên mặt giấy mà phát triển trên cả các phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Nhờ phần mềm đồ họa hiện đại, infographic ngày càng hấp dẫn, sáng tạo và nhanh chóng phổ biến trong mọi lĩnh vực. Có thể nói, khác biệt lớn nhất giữa infographic xưa và nay chính là khả năng tương tác và chia sẻ không giới hạn.


Lược đồ mô tả hành trình xâm lược Nga của Napoleon

 

 


 


Phân biệt infographic và data visualization


Infographic thường bị đánh đồng với data visualization (tức “trực quan hóa dữ liệu”, “dữ liệu trực quan” hay “diễn họa dữ liệu”). Tuy cả infographic lẫn data visualization đều thể hiện bằng hình ảnh, nhưng infographic diễn giải thông tin chủ quan theo nội dung câu chuyện định trước, còn data visualization là đồ họa dữ liệu từ dữ liệu khách quan. Xây dựng data visualization bao gồm thu thập toàn bộ dữ liệu thô, rồi sử dụng thuật toán để tạo hình ảnh mô tả cấu trúc  tập  dữ  liệu. Mục đích  là  mô hình hóa  

tập dữ liệu để có thể nhận biết trực quan các vấn đề chứa trong dữ liệu. Data visualization thường áp dụng để xử lý các tập dữ liệu lớn hoặc phức tạp.

Infographic truyền đạt thông tin một cách trực quan dưới dạng đồ họa về một vấn đề dưới góc nhìn cụ thể của tác giả. Các dữ liệu sẽ được chọn lọc và thiết kế theo mục tiêu định trước. Với mỗi vấn đề, infographic có thể chọn lựa nhiều hướng tiếp cận khác nhau để đạt hiệu quả truyền thông khác nhau.


Như vậy, data visualization có thể dùng để tạo thành infographic, nhưng một infographic không được xem là data visualization.



Hình ảnh trực quan về các trang web cho thấy mối tương quan giữa các trang web khác nhau trên internet.


Mỗi hình cầu là một trang web, kích thước hình cầu tương ứng với số lượt truy cập, màu sắc đại diện cho quốc gia.VD: trang web của Nga có màu đỏ, của Trung Quốc màu vàng. 

 

NHẬT ANH, STINFO Số 6/2014

 

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả