SpStinet - vwpChiTiet

 

Typography sáng tạo từ con chữ

 

Chúng ta dùng typography hàng ngày mà không biết rằng đó là typography. Tương tự như những thiết kế nội thất hay thiêt kế thời trang, typography cũng là sản phẩm của sự sáng tạo, hòa trộn cả hai mặt khoa học và nghệ thuật, với nguyên liệu là… các chữ cái!


Nghệ thuật sắp đặt chữ


Trong tháng 8/2013, triển lãm về typography với chủ đề “Typeace – Hiểu để không phá” diễn ra tại Manzi Art Space (14 Phan Huy Ích, Hà Nội) lần đầu tiên đã giới thiệu một cách bài bản khái niệm typography đên với công chúng Việt Nam.


Typography là khoa học và nghệ thuật thiết kế, sắp xếp các con chữ - trên nền tảng truyền thông thị giác - để thể hiện thông điệp của ngôn ngữ một cách trực quan và thân thiện với người đọc. Hay nói cách khác, typography là phong cách và cách thể hiện các con chữ.


Bằng việc lựa chọn nhiều yếu tố khác nhau bao gồm: màu sắc, kiểu chữ (typeface), kích thước (font size), khoảng cách dòng (line height), khoảng cách giữa các nhóm ký tự (tracking), giữa các cặp ký tự (kerning),… kỹ thuật typography trình bày văn bản sao cho thẩm mỹ, rõ ràng, dễ đọc, nổi bật nội dung và ý tưởng của thông điệp.

Một số khái niệm chính trong typography: khoảng cách dòng (line height),
khoảng cách giữa các nhóm ký tự (tracking), giữa các cặp ký tự (kerning).


Nhiều người nhầm tưởng typography chỉ dành cho dân thiết kế, thực tế mọi sản phẩm có chữ đều sử dụng typography; từ kiểu chữ bay bướm mà tuổi học trò thường dùng trang trí quyển vở, các bức thư pháp, các ấn phẩm in (sách, báo, tạp chí, truyện tranh, poster, tờ rơi, đơn thuốc…) cho đến bảng quảng cáo, phim ảnh, tranh tường (graffiti), thiết kế web,…

 


Kỹ thuật “gây nghiện”!


Cha đẻ của typography là một người Đức - Johannes Gutenberg, sáng chế phương pháp in bằng cách sắp xếp những chữ cái rời lên bản in năm 1450. Sự phát triển của ngành công nghệ thông tin giúp công việc thiết kế, chỉnh sửa vị trí và sắp xếp các chữ cái trở nên “dễ như bỡn”. Với kỹ thuật đồ họa tân tiến ngày nay, các “typographer” được trang bị phương tiện để thỏa sức sáng tạo vô vàn kiểu chữ mới.


Ban đầu typography chỉ sử dụng cho mục đích truyền thông với các yêu cầu chung như trình bày dễ đọc, dễ hiểu và phù hợp cho nhiều đối tượng. Nhưng typography ngày nay đã phát triển lên một cấp độ khác với vai trò mới: khơi dậy và kích hoạt những cảm xúc. Nhờ đó ta có thể thưởng thức typography như một tác phẩm nghệ thuật và sáng tạo để nó luôn mới mẻ.


Nhiều người từng cảnh báo typography là kỹ thuật “gây nghiện”, bởi sau thời gian bỏ công nghiên cứu, bạn sẽ không còn thờ ơ nhìn vào những bảng quảng cáo, bìa sách, hay quyển tạp chí theo cách cũ. Rồi bạn sẽ bắt đầu chụp ảnh các biển báo trên đường thay vì chụp phong cảnh, chú ý đến cách trình bày thực đơn thay cho các món ăn và dành cả tuần lễ chỉ để tỉ mẩn lựa chọn… kiểu chữ cho tiêu đề bài thuyết trình sắp tới! Nhưng bạn sẽ thấy tất cả thật đáng công, bởi nghiên cứu đã chứng minh, kiểu chữ và hình thức trình bày ảnh hưởng rất lớn đến cách ta đọc và những gì ta nhớ.
 


Một tác phẩm typography được làm thủ công

Typography trong
quảng cáo Coca Cola

 


Trên một thực đơn

Trong sách



Sức mạnh của typography


Ấn tượng đầu tiên luôn là ấn tượng lâu dài dù bản thân người đọc có nhận ra hay không. Thiết kế typography, đặc biệt là sự khác biệt trong kiểu chữ, ngay lập tức tác động lên độc giả trước cả khi họ đọc bất cứ một từ nào. Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số như phim ảnh, truyền hình… thường vận dụng rất tốt kỹ thuật này để nêu bật ý nghĩa và tăng hiệu ứng cảm xúc. Ví dụ, khi xuất hiện trên màn hình, một thông điệp màu đỏ sẽ tạo cảm giác cấp bách hơn so với màu hồng. Kiểu chữ mềm mại toát lên sự trang trọng và nữ tính, dùng phông chữ nguệch ngoạc như viết tay mang đến sự hài hước, vui vẻ, trẻ con.

 


Typography tốt xây dựng thương hiệu


Typography là một phần quan trọng của các sản phẩm in ấn như sách, báo, tạp chí... Sử dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật typography giúp ấn phẩm trở nên nổi bật, hấp dẫn và tạo được thương hiệu riêng với độc giả. Một số tạp chí nổi tiếng trên thế giới như The Guardian, The Economist, USA Today, The New York Times… đều có người thiết kế typography để sáng tạo kiểu chữ riêng nhắm đến khách hàng mục tiêu của họ.


Tờ USA Today mang phong cách táo bạo, đầy màu sắc và tương đối hiện đại nhờ sử dụng một loạt các phông chữ với màu sắc và kích cỡ khác nhau, tên ấn phẩm in hoa trên nền có màu. Trái lại, The New York Times sử dụng phương pháp tiếp cận truyền thống hơn với ít màu, ít kiểu chữ và nhiều cột. 

 

Thiết kế của USA Today                                                 The New York Times 


Trong lĩnh vực quảng cáo, typography tốt giúp xây dựng bản sắc riêng cho sản phẩm, dịch vụ. Sắp xếp kiểu chữ cũng quan trọng như việc chọn lựa màu sắc, hình ảnh khi thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu. Sự khác nhau giữa các kiểu chữ có thể tạo nên hình ảnh tương phản giữa một công ty chuyên nghiệp và không chuyên. Một trong những yếu tố khiến phong cách của Apple luôn được đánh giá cao là nhờ phông chữ Myriad sử dụng thống nhất từ năm 2002 đên nay.

Apple thành công với font Myriad

 


Muốn điểm A hãy dùng Georgia!
 

Năm 2006, một thử nghiệm nổi tiếng về typography được thực hiện bởi Phil Renaud một sinh viên ngành thiết kế đại học Windsor (Canada), một sinh viên đại học. Trong suốt sáu học kỳ, Renaud thực hiện 52 bài tiểu luận bằng ba phông chữ khác nhau: Times New Roman, Trebuchet MS, và Georgia để gửi cho các giáo sư. Kết quả cho thấy, với cùng nội dung, kiểu chữ ảnh hưởng đáng kể đến điểm số đạt được:
 

Kết quả thử nghiệm của Phil Renaud


Georgia cho điểm số tốt nhất. Trebuchet có vẻ thích hợp để viết blog hơn là một bài viết học thuật. Kết quả này cũng phù hợp với một nghiên cứu năm 1998 của Đại học Carnegie Mellon khẳng định, phông Georgia được đánh giá là sắc nét, dễ chịu và dễ đọc hơn cả phông chữ thông dụng Times New Roman.


Vận dụng tốt typography không chỉ giúp người đọc tập trung, dễ hiểu, tăng năng suất làm việc,… mà còn có thể thuyết phục họ tin vào một thông điệp nào đó. Trái lại, cẩu thả khi trình bày văn bản đôi khi gây hậu quả khó lường, như sự cố Comic Sans vừa xảy ra với các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) trong năm qua.

 


“Hạt của Chúa” và sự cố Comic Sans


Một trong những thành tựu khoa học đặc sắc nhất năm 2012 là việc các chuyên gia tại CERN tìm ra sự tồn tại “hạt của Chúa” (hạt Higgs). Quá phấn khích khi công bố khám phá, họ đã vô tình sử dụng kiểu chữ Comic Sans trong bài trình bày mà quên mất Comic Sans vốn được mệnh danh là “kiểu chữ gây chia rẽ nhất mọi thời đại”. Kết quả có thể dự đoán được, bài thuyết trình vấp phải vô số tiếng cười, sự phẫn nộ và hoài nghi.


Giáo sư tâm lý học Danny Oppenheimer (UCLA Anderson School of Management) cho biết, phông chữ Comic Sans thiếu đi sự trang trọng cần có với một công bố khoa học lớn. Theo một kết quả khảo sát tiến hành trên 40.000 người, nếu Baskerville là kiểu chữ mang lại độ tin cậy cao nhất cho thông tin trên các website thì phông Comic Sans lại dễ khiến người đọc cảm thấy bài viết “chỉ như một trò đùa”. - “Sử dụng Comic Sans trong bài thuyết trình cũng tương tự như diện một chiếc sơmi phong cách Hawaii đến dự đám tang”.
 

Bài trình bày của nhóm chuyên gia CERN dùng kiểu chữ Comic Sans

 


Một số nguyên tắc typography


Có thể thấy, typography là yếu tố quan trọng cần được cân nhắc không chỉ với các thiết kế báo, tạp chí, trang web,… mà trên tất các sản phẩm có sử dụng chữ. Typography được quy ước bởi các quy tắc thẩm mỹ, trình bày văn bản, chính tả, ngôn ngữ học và cả văn hóa địa phương. Ví dụ, tiếng Pháp thường chèn một khoảng trắng trước dấu hai chấm (:) và dấu chấm phẩy (;), trong khi tiếng Anh thì không. Và cũng cần lưu ý, dù bạn mong muốn một thiết kế typography táo bạo, mạnh mẽ hay độc đáo, sáng tạo; điều quan trọng nhất là chúng phải rõ ràng, bởi trước hết chữ là để đọc.  

 

MAI ANH, STINFO số 9/2013

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả