Mô hình đại học sáng tạo xuất hiện đầu tiên ở Phần Lan nhằm mang lại sức mạnh mới cho nền giáo dục đại học trong bối cảnh thay đổi chóng mặt của thế giới. Sự hợp tác giữa các trường đại học với doanh nghiệp, gắn kết nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất của mô hình đào tạo này sẽ giúp đổi mới mạnh mẽ giáo dục bậc cao để đáp ứng nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức, mở rộng phương thức đào tạo mới.
Sáng tạo hay bị bỏ lại
Đại học Aalto chính thức ra mắt vào tháng 9/2010 bằng sự hợp nhất ba đại học lớn của Helsinki về công nghệ, thiết kế và nghệ thuật, kinh tế với sứ mệnh chuyển hướng căn bản sang nghiên cứu đa ngành. Đất nước Phần Lan đặt cược vào Aalto với tuyên bố năm 2020 là “tiếp cận theo hướng phá bỏ mọi biên giới và tư tưởng rộng mở” để đưa đại học này lọt vào những đại học hàng đầu thế giới và tạo ra một thế hệ những nhà sáng tạo mới.
Ý tưởng “đại học sáng tạo” (ĐHST) Phần Lan được Hiệu trưởng Yrjö Sotamaa của Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Helsinki đề cập lần đầu vào năm 2005 với lập luận rằng tích hợp công nghệ, doanh nghiệp và thiết kế là điều kiện sống còn để thúc đẩy sự sáng tạo dựa vào công nghệ. Cấp tiểu học và trung học của Phần Lan đã dẫn đầu thế giới về chất lượng nhưng đại học của nước này lại nhỏ và yếu nếu so sánh với quốc tế. Tình trạng đại học manh mún của Phần Lan dẫn đến sự yếu kém về thực lực nghiên cứu.
Sotamaa thuyết phục được Hiệu trưởng của Đại học Công nghệ Helsinki và Đại học Kinh tế Helsinki cùng ra tuyên ngôn cải cách đại học, trong đó chỉ ra rằng hệ thống giáo dục bậc cao đã trở nên quan liêu, gây nên tình trạng xói mòn khả năng cạnh tranh của Phần Lan. Bản tuyên ngôn gây ra những tranh cãi nảy lửa trên cả nước trong suốt hai năm về cải cách đại học. Năm 2007, Chính phủ Phần Lan đã phải bỏ phiếu để ủng hộ ĐHST quốc gia cũng như quy chế mới cho đại học công và tư; họ không thể bình chân như vại khi nhìn vào những phát triển mang tầm vóc toàn cầu của Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác.
Với chỉ thị phải sáng tạo lại giáo dục đại học, một nhóm hành động gồm các hiệu trưởng, giáo sư, sinh viên và các công ty của Phần Lan đã đánh giá, đo lường những đại học tốt nhất trên thế giới kể cả Stanford, Massachusetts Institute of Technology (MIT) và Cambridge; gặp gỡ những công ty công nghệ toàn cầu để tìm hiểu xem điều gì sẽ làm ĐHST mới của Phần Lan hấp dẫn các doanh nghiệp.
Giữ vai trò trung tâm trong công cuộc cải cách giáo dục cấp tiến của Phần Lan, Aalto chuẩn bị cho sinh viên tốt nghiệp khả năng thích ứng với một xã hội thay đổi chóng mặt do công nghệ, quá tải thông tin và cạnh tranh toàn cầu. Aalto từng được khen ngợi như là một điển hình cho châu Âu trong việc xóa bỏ hố ngăn cách giữa tính hàn lâm và thực tế kinh doanh cũng như đào tạo những người tốt nghiệp có kỹ năng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của công nghiệp.
Ngân sách và mô hình thiết kế sự sáng tạo
Yếu tố quan trọng để tạo mũi nhọn cho Aalto là sự thay đổi mang tính cách mạng trong giáo dục bậc cao là chuyển sang mô hình ngân sách kết hợp công và tư. Với 700 triệu Euro (500 triệu từ chính phủ và 200 triệu từ khu vực tư nhân), Aalto có nguồn ngân sách quan trọng để tuyển dụng những nhà nghiên cứu hàng đầu, cấp vốn cho những chương trình mới.
Một ví dụ cho quá trình đào tạo là chương trình học thiết kế sản phẩm của bậc cao học (master) một năm thì 140 sinh viên ngành công nghệ, thiết kế và kinh doanh tạo thành 15 đội đa ngành để chiến đấu với những thách thức mang tính bất khả do chính các công ty nêu ra để mang lại những cải tiến đột phá. “Nhà máy” với tên gọi “Design Factory”, diện tích 4.000 mét vuông vừa là nơi gặp gỡ giữa doanh nghiệp và sinh viên vào mùa thu hàng năm cũng là lớp học mở rộng, đầu mối của những cải tiến, phòng họp và cũng là phòng thí nghiệm cho những sản phẩm mẫu hiện đại nhất, trang bị đầy đủ từ máy tính thiết kế chuyên dụng (CAD) cho đến công xưởng điện.
Sinh viên tự do tìm kiếm chuyên gia trong cả ba phân khoa của Aalto trên mọi lĩnh vực từ kiến trúc và thiết kế công nghiệp cho đến khoa học máy tính và kỹ nghệ điện tử. Họ cũng tự chọn vấn đề mà mình muốn giải quyết vì thế các công ty phải biết cách “chinh phục” các đội này nhận giải quyết các vấn đề mà họ đang gặp phải.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu của Aalto cũng thiết lập phòng làm việc trong Design Factory để nghiên cứu sự cải tiến ngay trong quá trình tiến triển; đồng thời các công ty cũng tự do cộng tác với các giáo sư trong các dự án. Đây là mô hình mà các doanh nghiệp cần: con người làm việc trong những đội ngũ mang tính toàn cầu và có khả năng cải thiện suy nghĩ của tổ chức. Hướng tiếp cận đa ngành của Aalto giải quyết được nhiều vấn đề đang bị bỏ qua trong các đại học châu Âu, một cơ hội học hỏi kỳ diệu cho Phần Lan.
Doanh nghiệp thích thú mô hình này khi mỗi năm có gần 20 hãng xếp hàng để “giành được” một đội sinh viên cho mình, dù phí tài trợ gần 15.000 Euro (khoảng 20.000 USD) dành cho nghiên cứu nhưng không hề được bảo đảm là thành công.
Thử nghiệm của Phần Lan theo hướng cách tân dựa trên sự liên kết đa ngành đã gây cảm hứng cho những trường đại học khác trên khắp thế giới. Đại học Tongji (Đồng Tế) của Trung Quốc đã thiết lập liên kết với Design Factory của Aalto ở Thượng Hải dựa trên mô hình của Helsinki. Những bàn tán xôn xao về Design Factory của Aalto đã có từ 2008 khi nó được thành lập trong một chương trình thử nghiệm 2 năm trước khi 3 trường đại học này hợp nhất. Hiện nay hàng chục trường đại học từ Úc cho đến Brazil đang tìm kiếm sự hợp tác với Aalto để tạo ra Design Factory của riêng họ.
Tuy nhiên, bản thân Aalto vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như cần phải có nhiều sinh viên quốc tế hơn. Hiện chỉ mới có 10% đội ngũ giảng dạy và sinh viên là từ ngoài Phần Lan mặc dù có rất nhiều khóa học và bằng cấp sử dụng tiếng Anh. Chính phủ Phần Lan đo lường sự thành công của Aalto bằng nhiều tiêu chuẩn, trong đó có cả khả năng thu hút ngày càng nhiều sinh viên nước ngoài và các nhà nghiên cứu hàng đầu của nước ngoài.
Đặc trưng của ĐHST
Xã hội thay đổi nhanh chóng hiện nay đang đặt ra những thách thức với mô hình giáo dục bậc cao. Các trường đại học không còn là nơi duy nhất có khả năng sản xuất tri thức mà nhiều tổ chức đa dạng khác như các nhóm tư duy, công ty kinh doanh, phòng thí nghiệm của chính phủ. v.v… cũng có khả năng đó. Mặc khác, đại học đã trở thành hệ thống đại chúng nên ngoài các sinh viên tốt nghiệp tiếp tục theo đuổi học thuật trong các trường đại học thì rất nhiều người tốt nghiệp phải hành nghề chuyên môn, đòi hỏi họ phải được đại học đào tạo hiệu quả. Đại học truyền thống còn bị các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục khác cạnh tranh, dù hoạt động theo nguyên tắc lợi nhuận nhưng định hướng nghề nghiệp mạnh mẽ. Sự tiến bộ vũ bão của công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông (đặc biệt là viễn thông) cũng mang lại những thách thức mới cho nền giáo dục truyền thống.
Theo một số nhà nghiên cứu, ĐHST có các đặc trưng cơ bản:
• Có giá trị cốt lõi thể hiện mạnh mẽ khả năng thích ứng, nhờ vậy có thể nhanh chóng, linh hoạt và tận lực đáp ứng những nhu cầu của môi trường hoạt động;
• Có khả năng vượt qua những ranh giới truyền thống, có cơ chế cho phép thiết lập và phát triển những mối quan hệ với các tổ chức bên ngoài đại học;
• Nguồn tài chính đa dạng, khả năng tự chủ cao về sử dụng vốn, ít phụ thuộc vào ngân sách chính phủ;
• Là trung tâm học thuật mạnh, chấp nhận văn hóa kinh doanh, sẵn sàng phản ứng tích cực với các xu thế mới; đồng thời nó cũng tích hợp văn hóa doanh thương, đạo đức làm việc và niềm tin nhất quán trên toàn trường.
Về nghiên cứu, ĐHST phải phát triển các mối quan hệ chiến lược với các “đơn vị sản xuất kiến thức” khác để trở thành một thành viên của một mạng lưới rộng lớn hơn. Nhờ vậy, ĐHST có thể chia sẽ nguồn lực nghiên cứu (trí tuệ, tài chính, vật chất), tìm kiếm vấn đề mới. Từ đó, phát triển các hệ thống giá trị theo hướng hợp tác và năng động, về phương diện nào đó có bản chất gần như khái niệm doanh nghiệp giá trị cao.
Về công tác dạy và học, ĐHST cần cung cấp thêm các kỹ năng mới như sẵn sàng thay đổi, đa ngành, công nghệ thông tin và truyền thông, khả năng học tập, kỹ năng xã hội; chuyển từ đào tạo chuyên gia sang đào tạo người lao động có chuyên môn nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu xã hội.
Việc chuyển giao kiến thức cần tuân thủ tinh thần đồng đội và quy cách làm việc nhóm, thực hiện thành công các hình thức như công viên khoa học, chuyển giao công nghệ, vườn ươm tạo, vốn đầu tư mạo hiểm, v.v…
Một yếu tố quan trọng khác là mô hình quản lý cần phải có đặc điểm và tính chất hướng ra ngoài nhà trường để kết nối, chia sẻ nguồn lực, nhấn mạnh đến khả năng tự điều chỉnh; các bộ phận mang tính tự chủ, thích ứng với môi trường riêng, nội tại của môi trường đại học cũng như sự đa dạng của thế giới bên ngoài. Quan trọng không kém là hệ thống quản lý cũng phải quan tâm đến các quy trình nội bộ để giải quyết yêu cầu tạo ra văn hóa doanh nghiệp, một nền văn hóa chấp nhận thay đổi và sáng tạo.
Giới chuyên gia Việt Nam nhìn nhận ĐHST như hình mẫu cho đại học nghiên cứu trong thời đại công nghệ thông tin và kinh tế tri thức với ngân sách huy động từ nhiều nguồn như quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ cho đổi mới sáng tạo… Tuy còn khá mới mẻ trong hệ thống giáo dục Việt Nam nhưng việc áp dụng mô hình này vào chương trình đào tạo bậc đại học là cần thiết nhằm đổi mới và thúc đẩy sự tăng trưởng, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý; tăng khả năng gắn kết với doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư, hình thành các liên kết giữa đại học và doanh nghiệp; hội nhập quốc tế.
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Viện khoa học giáo dục Việt Nam đã có những hội thảo khoa học về ĐHST để góp phần quảng bá và phổ cập cho xã hội mô hình này; các cấp lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng bày tỏ sự tin tưởng vào thành công của mô hình mới, nhất là khi thực hiện Luật Giáo dục đại học.
TRẦN QUÂN, STINFO Số 7/2014
Tải bài này về tại đây.