Đề tài do tác giả Nguyễn Văn Xuyên (Bệnh Viện 103) thực hiện. Rò hậu môn là bệnh thường gặp ở vùng hậu môn trực tràng, đứng thứ 2 sau bệnh trĩ, là kết quả nhiễm khuẩn khu trú tái diễn ở hốc hậu môn trên đường lược. Bệnh ít gây nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng đến sinh hoạt, tâm lý người bệnh. Điều trị rò hậu môn duy nhất bằng phẫu thuật, có thể rất đơn giản bằng việc rạch mở đường rò cho kết quả tốt nhưng có nhiều trường hợp phức tạp mà kết quả điều trị không chắc chắn, tỷ lệ tái phát cao.
Nghiên cứu tiến hành với 126 bệnh nhân rò hậu môn tái phát được điều trị phẫu thuật tại khoa ngoại bụng Bệnh Viện 103 từ 1/1998 – 10/2007. Kết quả cho thấy, có 109 bệnh nhân nam (86,5%), 17 bệnh nhân nữ (13,5%), tuổi từ 15-80, trong đó lứa tuổi 21-60 có 108 bệnh nhân (85,7%). Thời gian mổ lần cuối của các bệnh nhân trong nghiên cứu này đến khi mổ lại từ 6-36 tháng, trong đó 6-12 tháng chiếm 73,8%. Cơ sở điều trị đã mổ lần trước: tuyến huyện 61,1%, tỉnh 26,2%, trung ương 12,7%. Có 88,1% bệnh nhân đã mổ từ 1-2 lần; 17% bệnh nhân có sẹo nhăn nhúm làm hẹp hậu môn. Số bệnh nhân có một lỗ rò ngoài chiếm 72,2%, hai lỗ 19,1%, ba lỗ 8,7%; 19,8% rò móng ngựa, 3,2% rò kép, 16,7% tìm thấy dị vật trong đường rò; 84,1% tìm được lỗ rò trong nhờ bơm xanh methylen qua lỗ rò ngoài, 58,7% chụp XQ đường rò thấy thuốc thông vào trực tràng; rò trong cơ thắt chiếm 11,1%, xuyên cơ thắt thấp 68,2%, cao 16,7%.
Phẫu thuật rạch mở đường rò đơn thuần chiếm 11,1%, cắt đường rò và cắt một phần cơ thắt 64,3%, cắt đường rò có cắt cơ thắt và khâu tái tạo 17,5%, cắt đường rò và thắt dần cơ thắt 7,1%. Các biến chứng sau mổ: chảy máu sau mổ 1,6%, rối loạn tiểu tiện kéo dài 9,5%, hẹp hậu môn nhẹ 1,6%, biến dạng hậu môn đáy chậu 8,7%, ngứa hậu môn 16,7%, són phân không tự chủ tạm thời 15,1%, tái phát 3,2%. Kết quả theo dõi một năm sau mổ thấy: thời gian liền sẹo 4-8 tuần chiếm 80,2%. Phân loại kết quả sau mổ: tốt 81,0%, khá 9,5%, trung bình 6,3%, kém 3,2%.
Một số nguyên nhân và điều kiện thuận lợi liên quan đến rò hậu môn tái phát là chẩn đoán và chỉ định mổ sai, không mở toang đường rò và không tìm được lỗ rò trong, không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản mổ rò hậu môn, để lại dị vật trong đường rò, vô cảm tại chỗ, các hình thái rò đặc biệt như rò móng ngựa, rò kép…
LV (nguồn: Tạp Chí Y học thực hành, số 11/2007)