SpStinet - vwpChiTiet

 

Ứng dụng KH&CN để giảm thiểu tai nạn giao thông


 

Mỗi ngày, trên thế giới có hơn 1.000 người và Việt Nam có 24 người rời nhà vào buổi sáng nhưng không bao giờ trở về được nữa vì tai nạn giao thông (TNGT). Nhiều nạn nhân là lao động chính, đã tạo nên những hệ lụy nặng nề cho gia đình và xã hội. Ở góc độ KH&CN, có những biện pháp gì để giảm thiểu tỉ lệ này? 
 

 

Mỗi năm Việt Nam mất hơn 1,6% GDP chỉ vì TNGT
 

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay cả nước có khoảng 2,5 triệu ô tô và 43 triệu xe máy. Tốc độ tăng phương tiện cá nhân khá nhanh (12-15%/năm), tập trung chủ yếu tại các đô thị, nhất là ở Hà Nội và TP. HCM.
 

Tỉ lệ chết vì TNGT ở Việt Nam khá cao trong những năm trước đây. Gần đây, nhờ thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nên tình hình TNGT có nhiều cải thiện: năm 2012, số người chết vì TNGT giảm xuống dưới 10.000 người, năm 2014 xuống dưới 9.000 người; so sánh số liệu năm 2015 với năm 2011 cho thấy, số vụ TNGT đã giảm 51%, số người bị thương giảm gần 60% và số người chết do TNGT đã giảm gần 24%.


Tuy nhiên, tỉ lệ chết do TNGT ở người trẻ lại khá cao, lên tới 40% các trường hợp tử vong và nhiều người trong số họ là những trụ cột gia đình. Vì thế, hậu quả do TNGT để lại rất nặng nề cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân. Theo ước tính của ADB, thiệt hại kinh tế do TNGT đường bộ hàng năm ở Việt Nam hơn 50.000 tỷ đồng, bằng 1,64% GDP mỗi năm.
Các chuyên gia cho rằng có nhiều lý do cho vấn đề này, như giao thông công cộng chưa phát triển mạnh, ý thức lái xe, thói quen, hành vi của người tham gia giao thông vẫn còn nhiều điều cần cải tiến.




70% nạn nhân TNGT tại TP. HCM là trụ cột trong gia đình


TP. HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, dịch vụ, du lịch và cũng là trung tâm giao thông lớn nhất nước, với trên 8 triệu dân sinh sống và làm việc, chưa kể lượng du khách nước ngoài ra, vào Thành phố mỗi ngày. Tốc độ đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ rất cao, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 xe mô tô, gắn máy và 100 xe ô tô đăng ký mới.


Theo ông Hà Ngọc Trường, thành viên Hội đồng tư vấn Khoa học-Kỹ thuật-Môi trường (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. HCM), phát triển giao thông đô thị của TP. HCM thời gian tới sẽ theo hướng “thành phố mở”, nối liền các khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp trung tâm, cảng biển, sân bay, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong khu vực để hỗ trợ phát triển. Do đó, tình hình giao thông tại đây sẽ diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ ùn tắc, TNGT luôn tiềm ẩn.


Theo thống kê của Công an TP. HCM, trong 10 tháng đầu năm 2015 thành phố đã có 640 vụ TNGT, trong đó có đến 75% là xe gắn máy, với 70% nạn nhân là người đang trong độ tuổi lao động (19–50 tuổi). 75% nguyên nhân xảy ra tai nạn là từ hành vi của người tham gia giao thông. Chỉ có 0,5% là do phương tiện (phanh xe không còn hiệu lực). 

Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chết do TNGT tại TP. HCM trong 10 tháng đầu năm 2015
 
Nguồn: Công an TP. HCM
  Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động bị thương do TNGT tại TP. HCM trong 10 tháng đầu năm 2015

Nguồn: Công an TP. HCM


Tỷ lệ giới tính chết và bị thương do TNGT tại TP. HCM trong 10 tháng đầu năm 2015.

 

Nguồn: Công an TP. HCM



Đối tượng gây ra TNGT tại TP. HCM

 

Nguồn: Công an TP. HCM



Nguyên nhân gây ra TNGT trong 10 tháng đầu năm 2015 tại TP. HCM

 

Nguồn: Công an TP. HCM


 

Tăng cường ứng dụng KH&CN để giảm thiểu TNGT 
 

So với những năm trước đây, số vụ TNGT trong nước đã đã giảm đi đáng kể. Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, có được những kết quả trên, ngoài những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, còn có sự đóng góp của KH&CN vào lĩnh vực an toàn giao thông (ATGT), điển hình như những ứng dụng KH&CN đang được triển khai: thí điểm gắn camera cá nhân cho cảnh sát giao thông; triển khai ứng dụng hệ thống camera giám sát để xử lý vi phạm trên một số tuyến đường cao tốc và quốc lộ trọng điểm.


Các chương trình nghiên cứu KH&CN về giao thông và ATGT cũng đang được đẩy mạnh như: dự án nghiên cứu Hệ thống giám sát giao thông trực tuyến (REMON); chương trình nghiên cứu về ITS; dự án dữ liệu lớn (Big Data) do Bộ KH&CN, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành; nghiên cứu khoa học cơ bản về ATGT cho trẻ em, ATGT cho khu vực miền núi và nông thôn; nghiên cứu về sở hữu và sử dụng xe máy tại TP. HCM,... Nhiều kết quả nghiên cứu đã đưa vào triển khai như: triển khai nhiều ứng dụng đối với dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô; nghiên cứu thí điểm thành công trạm thu phí không dừng, trạm cân cố định tự động; ứng dụng mô hình sàn giao dịch vận tải giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, giảm ách tắc và nâng cao ATGT.


Tại hội nghị ATGT Việt Nam năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tình hình TNGT hiện nay vẫn đặt ra nhiều thách thức. Do đó, sự tham gia mạnh mẽ của các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, trường đại học là rất cần thiết để cùng các cấp, các ngành và toàn dân thực hiện được mục tiêu tiếp tục kéo giảm TNGT tại Việt Nam”. Trên cơ sở đó, Ủy ban ATGT Quốc gia quyết định thành lập Diễn đàn ATGT vận tải Việt Nam, có chức năng nghiên cứu khoa học, đề xuất, triển khai các hoạt động liên quan đến 5 vấn đề trọng tâm của ATGT, bao gồm: quản lý nhà nước về ATGT; kết cấu hạ tầng giao thông; phương tiện giao thông; người tham gia giao thông; ứng phó sau TNGT. Từ diễn đàn này, các quan điểm, giải pháp hợp lý, những tri thức mới do các chuyên gia nêu ra sẽ được xem xét để đưa vào các chương trình hoạt động, xây dựng thể chế, chính sách bảo đảm trật tự ATGT.
 

HOÀNG MI, STINFO số 1&2/2016

Tải bài này về tại đây.


Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả