SpStinet - vwpChiTiet

 

Quản lý kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng ngân sách nhà nước


 

Triển khai Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Thông tư số 02/2015/TT-BKHCN quy định việc đánh giá và thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2015.


Thông tư số 02/2015/TT-BKHCN (Thông tư 02) áp dụng cho các tổ chức, cá nhân đề nghị đánh giá, xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) không sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); các tổ chức, cá nhân ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN có tiềm ẩn yếu tố ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, môi trường, tính mạng, sức khỏe con người.


Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng NSNN nhằm mục đích cấp Giấy xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Việc thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN có tiềm ẩn yếu tố ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, môi trường, tính mạng, sức khỏe con người để xem xét các tác động khi triển khai ứng dụng kết quả đó đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, môi trường, tính mạng, sức khỏe con người trước khi cho phép tổ chức, cá nhân triển khai ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Kinh phí đánh giá, thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng NSNN do tổ chức, cá nhân đề nghị bảo đảm và chi trả, mức chi áp dụng theo quy định như đối với các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng NSNN.

 


Giấy xác nhận đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN


Về thẩm quyền đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng NSNN, Thông tư 02 quy định Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân cư trú hoặc tổ chức có trụ sở chính đặt trên địa bàn. Trường hợp nếu Sở KH&CN không đủ các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện việc đánh giá (chuyên gia chuyên ngành, các điều kiện kỹ thuật đánh giá sản phẩm) thì gửi hồ sơ đề nghị Bộ KH&CN đánh giá.


Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan thực hiện đánh giá phải đăng tải thông tin về việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Bên cạnh đó, Thông tư 02 cũng xác định rõ thời gian xử lý tối đa cho các hồ sơ đánh giá là 45 ngày làm việc, không tính thời gian đo kiểm (nếu có). Để đảm bảo độ tin cậy, xác thực của kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng NSNN, Thông tư 02 quy định thành phần, nguyên tắc làm việc của Hội đồng và tổ chuyên gia tư vấn đánh giá; điều kiện để Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng NSNN có đủ điều kiện để được cấp Giấy xác nhận. Trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan thực hiện đánh giá không nhất trí với kết quả đánh giá của Hội đồng đánh giá, thì thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị; xem xét, thực hiện đánh giá lại và trả lời tổ chức, cá nhân đề nghị trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được Biên bản đánh giá của Hội đồng.


Giấy xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng NSNN sẽ được cấp đặc cách mà không phải thực hiện thủ tục đánh giá trong các trường hợp: kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng trong nước và quốc tế về KH&CN do Bộ KH&CN, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp tổ chức xét tặng giải thưởng hoặc đồng ý cho tổ chức xét tặng giải thưởng theo quy định tại Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ; kết quả thực hiện nhiệm vụ đã được các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đánh giá, thẩm định và cho phép áp dụng trên thực tế.


Giấy xác nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng NSNN được khuyến khích sử dụng để các tổ chức, cá nhân thành lập và đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Thông tin về việc cấp Giấy xác nhận sẽ được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan thực hiện đánh giá sau 03 ngày làm việc, kể từ khi cấp.

 


Giấy xác nhận thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN


Về thẩm quyền thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng NSNN, Thông tư 02 xác định hai đầu mối là Sở KH&CN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc một trong 3 lĩnh vực (tiềm ẩn yếu tố ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh; tiềm ẩn yếu tố ảnh hưởng đến môi trường; tiềm ẩn yếu tố ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe con người) của cá nhân cư trú hoặc tổ chức có trụ sở chính đặt trên địa bàn. Trường hợp nếu kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc hai lĩnh vực trở lên hoặc Sở KH&CN không đủ điều kiện thẩm định (chuyên gia chuyên ngành, các điều kiện kỹ thuật đánh giá sản phẩm) thì hồ sơ thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ KH&CN.


Thông tư 02 quy định, thành phần Hội đồng và tổ chuyên gia tư vấn thẩm định được thực hiện như Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng NSNN, nhưng Hội đồng này phải có đại diện của cơ quan quản lý chuyên ngành về lĩnh vực cần thẩm định. Phương thức và nội dung làm việc của Hội đồng thẩm định được thực hiện như đối với Hội đồng đánh giá, nhưng phiên họp của Hội đồng này chỉ được tiến hành khi có đại diện cơ quan quản lý chuyên ngành về lĩnh vực cần thẩm định. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được biên bản của Hội đồng thẩm định, Thủ trưởng cơ quan thực hiện thẩm định xem xét, quyết định cấp Giấy xác nhận thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng NSNN. Trong trường hợp Thủ trưởng cơ quan thực hiện thẩm định không nhất trí với kết quả đánh giá của Hội đồng thì thông báo rõ lý do cho tổ chức, cá nhân; xem xét, thực hiện thẩm định lại và trả lời tổ chức, cá nhân đề nghị trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được Biên bản thẩm định của Hội đồng.


Giấy xác nhận thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không thay thế cho Giấy cấp phép sản xuất, lưu hành sản phẩm do các Bộ, ngành quản lý chuyên ngành quy định.


Các kết quả thực hiện nhiệm vụ đã được các Bộ quản lý chuyên ngành đánh giá, nghiệm thu, cho phép sản xuất, lưu hành thì không cần thẩm định lại. Nhưng trước khi triển khai ứng dụng, tổ chức, cá nhân phải gửi văn bản thẩm định hoặc văn bản cấp phép đã được cấp về Bộ KH&CN để theo dõi, quản lý thống nhất.


Hiệu lực của Giấy xác nhận đánh giá hoặc thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng NSNN sẽ bị hủy bỏ nếu phát hiện tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ tổ chức cá nhân ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ có hành vi cung cấp thông tin không trung thực, giả mạo nội dung kê khai trong hồ sơ.




TÂY SƠN, STINFO số 6/2015

Tải bài này về tại đây.

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả