SpStinet - vwpChiTiet

 

Về “bài toán nhân lực CNC” và giải thuật

Tại hội thảo quốc gia về đào tạo nhân lực công nghệ cao do Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức tại Bình Dương ngày 11/4/2009, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Văn Lạng cảnh báo: “nếu Việt Nam không sớm có đủ nhân lực cao cấp, các khu công nghệ cao đã và đang hình thành tất nhiên sẽ trở thành các khu công nghiệp kỹ thuật cao với những nhà máy, dây chuyền và chỉ cần công nhân, kỹ thuật viên điều khiển máy, kiểm tra, lắp ráp... các sản phẩm công nghệ cao”.
Chúng tôi cho rằng phải hiểu ẩn ý sâu xa mà Thứ trưởng muốn nêu là: nếu chúng ta không phát triển mạnh được mảng hoạt động R&D về CNC trong các khu CNC (vì không có đủ nhân lực cao cấp) thì “các khu công nghệ cao đã và đang hình thành tất nhiên sẽ trở thành các khu công nghiệp kỹ thuật cao với những nhà máy, dây chuyền và chỉ cần công nhân, kỹ thuật viên điều khiển máy, kiểm tra, lắp ráp... các sản phẩm công nghệ cao”.
Thứ trưởng đã nêu ra một bài toán khó, chưa có cách giải, ta tạm gọi là “bài toán nhân lực CNC”.
Nội dung “bài toán nhân lực CNC”
Quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc phát triển các khu CNC (KCNC) là phải đạt 2 mục tiêu cơ bản:
 Một là KCNC phải trở thành một khu công nghiệp CNC (hay khu công nghiệp kỹ thuật cao) mạnh, nghĩa là phải thu hút được các nhà đầu tư sản xuất hoặc cung ứng các dịch vụ hình thành từ các CNC.
 Hai là KCNC phải trở thành một trung tâm nghiên cứu – phát triển (R&D) mạnh về CNC, làm ra chính các CNC hoặc các sản phẩm mới, dịch vụ mới do các CNC tạo ra. Nơi đây phải quy tụ và liên kết được các lực lượng nghiên cứu về CNC trong và ngoài khu, trong và ngoài nước.
Mục tiêu thứ nhất không dễ nhưng khả năng thực hiện là có. Thực tế là các KCNC TP.HCM cũng như Hòa Lạc đã có những kết quả bước đầu quan trọng trong việc phấn đấu thực hiện nhiệm vụ này.
Làm thế nào đạt được mục tiêu thứ 2 thì là bài toán chưa có thuật giải. Ta chấp nhận xem như nó là bài toán thuộc loại có đáp số (?), hay nói theo cách toán học thì đó là “bài toán giải được” (có những bài toán thuộc loại “không thể giải được”), vấn đề là tìm cách giải để đi tới đáp số. Làm thế nào để xây dựng và phát triển được các hoạt động R&D về CNC trong các KCNC là nội dung cơ bản của “bài toán nhân lực CNC”, bài toán mà cho đến nay, theo chúng tôi, chúng ta chưa tìm ra cách giải.
Giữa năm 2009, KCNC TP. HCM kỷ niệm 7 năm thành lập. Tuy nhiên, năng lực hoạt động R&D về CNC ở đây (và cả ở khu CNC Hòa Lạc) vẫn hầu như còn trống, dù rằng đã có đầu tư xây dựng một số cơ sở thí nghiệm. Có người kỳ vọng rằng các nhà đầu tư công nghiệp CNC (CNpCNC) sẽ là lực lượng chủ công triển khai các hoạt động R&D về CNC trong các KCNC mà họ đã đầu tư như những nhà sản xuất. Hoặc như cách làm của TP. HCM trong mấy năm qua là đầu tư để tạo lập một năng lực về R&D CNC của chính KCNC nhằm tạo ra sức hút, tạo nên sức bật. Có đủ lập luận và bằng chứng để có thể chứng tỏ rằng cả 2 cách giải này đều không giải được “bài toán nhân lực CNC”, tức thực hiện nhiệm vụ thứ 2 mà các KCNC phải thực hiện bằng được. Điều cần nói là nhiệm vụ thứ 2 này lại chính là lý do để hình thành và tồn tại các KCNC! Nếu nhiệm vụ này không thực hiện thành công thì như ý của Thứ trưởng, các KCNC không thể gọi là các KCNC!
Trường hợp Công viên Khoa học & Công nghệ Shinchu
Chúng ta thử quan sát lực lượng làm R&D về CNC của Công viên KH&CN Shinchu (viết gọn là Shinchu), Đài Loan, một điển hình thành công về phát triển CNC trên thế giới. Những việc mà Shinchu đã làm được đúng là những gì mà Đảng và Nhà nước đang giao cho các KCNC của ta tìm cách thực hiện tại Việt Nam. Shinchu đi từ một khu CNpCNC trở thành một lực lượng rất mạnh, tầm cỡ quốc tế về R&D CNC và từ đó tạo ra sức mạnh mới, nâng CNpCNC lên những tầm cao mới. Nói riêng về hoạt động R&D CNC thì có 2 nhóm lực lượng chính làm R&D gắn với Shinchu.
Một là lực lượng R&D của các đơn vị trong Shinchu. Ta tạm gọi đó là nhóm A. Để có ý niệm về lực lượng này, ta xem qua cấu trúc nhân lực làm việc trong các đơn vị tại Shinchu vào năm 1989 và năm 1999.
Tỷ lệ nhân lực cao cấp (theo cách gọi của Thứ trưởng) trong tổng số lao động năm 1999 là gần 40%. Chúng ta lấy số liệu 10 năm trước đây của Shinchu để xem như một cái mốc cho các KCNC của chúng ta phấn đấu trong 10 năm tới. Như vậy, về chất lượng nhân lực ta tạm chấp nhận chậm 20 năm so với Shinchu. Nếu đến khoảng 2020, các KCNC TP.HCM và Hòa Lạc của ta có hình ảnh nhân lực như Shinchu 1999 thì có thể nói là “bài toán nhân lực CNC” đã cơ bản được giải.
Lực lượng thứ hai là lực lượng của các đơn vị có lực R&D rất mạnh, không là thành phần của Shinchu nhưng khắng khít với các nhà công nghiệp trong (và cả ngoài) Shinchu. Ta tạm gọi đây là nhóm B. Những lực lượng điển hình của nhóm B có thể kể đến là Viện ITRI (Industrial Technology Research Institute) và Đại học Quốc gia Thanh Hoa (National Tsing Hua University). Hai đơn vị này nằm kề ngay Shinchu. Dòng máu trí tuệ từ 2 quả tim lớn này bơm vào Shinchu hàng năm trên 2.000 sáng chế, phát minh mới, hàng trăm tiến sĩ, hàng ngàn thạc sĩ được đào tạo từ các nơi này.
Hai điều đặc biệt cần lưu ý là:
 Vào năm 1999, trong Shinchu có khoảng 250 công ty thì chỉ có chưa tới 30 công ty nước ngoài. Nghĩa là lực lượng R&D (và cả lực lượng sản xuất CNpCNC) ở Shinchu chủ yếu là của Đài Loan.
 Chính cơ quan quản lý Shinchu không xây dựng lực lượng R&D của mình như cách làm ở TP. HCM trong mấy năm qua.
Cách giải
“bài toán nhân lực CNC”
Để vào năm 2019, các KCNC TP.HCM hay Hòa Lạc có được hình ảnh nhân lực như Shinchu vào năm 1999 ta nên thay đổi căn bản tư duy chiến lược.
 Chưa thể hy vọng các nhà đầu tư CNpCNC dù khá lớn (như Intel ở KCNC TP. HCM) mở ra các hoạt động R&D tại những KCNC mà họ đang và sẽ tổ chức sản xuất. Họ có thể làm điều này, nhưng chưa phải lúc này. Nói đúng ra thì với điều kiện của Việt Nam hiện nay, họ chưa thể tổ chức loại công việc này.
 Chưa nên xây dựng những phòng thí nghiệm, hoặc các trung tâm R&D về CNC của chính KCNC, với hy vọng sẽ tạo lực hút về R&D CNC như TP. HCM đã và đang làm. Hiệu quả của những phòng thí nghiệm sử dụng chung này có lẽ chưa thể vượt qua tác dụng hỗ trợ đào tạo vì nhu cầu phòng thí nghiệm sử dụng chung chỉ thực sự xuất hiện khi một lực lượng nghiên cứu tương đối tập trung đã được tập hợp. Thực tiễn đó chưa xuất hiện tại các KCNC hiện nay. Còn việc các KCNC tự xây dựng một lực lượng R&D về một hướng CNC nào đó thì có lẽ khó vượt qua hình ảnh một công ty KH&CN hay một viện nho nhỏ đang tồn tại và hình thành ở khắp nơi.
 Không nên trông đợi quá nhiều vào các viện và đại học của ta hiện nay, khi mà chính họ đang vật lộn với hoạt động R&D nói chung chứ chưa nói là R&D về CNC. Dĩ nhiên, hợp tác với các trường, viện để đào tạo một số loại nhân lực nào đó cho các KCNC thì luôn có thể làm. Hy vọng chúng ta sẽ có những đơn vị như ITRI hay National Tsing Hua University ở Shinchu, những nguồn tài nguyên trí tuệ và nhân lực cho các KCNC, nhưng phải khoảng 10 năm nữa.
Thế thì chúng ta nên làm gì để xây dựng bước đầu nhưng vững chắc lực lượng R&D ở các KCNC?
Việc quan trọng hàng đầu nên làm và có thể làm là: thu hút lực lượng R&D, đặc biệt là các công ty KH&CN trong nước (thực chất là họ đang sống bằng R&D quy mô nhỏ, trình độ chưa cao) đang hoạt động phân tán tại TP. HCM, tại Hà Nội và các địa phương khác vào các KCNC TP. HCM và Hòa Lạc hoặc hợp tác chặt chẽ với các KCNC.
Trên tinh thần đó, mỗi KCNC phải trở thành một SCIENCE – TECHNOLOGY PARK cho các đơn vị KH&CN theo cả 2 nghĩa. Nghĩa thứ nhất, PARK là một công viên, một môi trường xanh đẹp, hài hòa và thuận lợi nhất cho các hoạt động trí tuệ. Nghĩa thứ hai, PARK là một bến đỗ, với nghĩa là nơi quy tụ của nhiều đơn vị KH&CN, đặc biệt là các doanh nghiệp KH&CN, đang hoạt động trong các hướng CNC được chú trọng phát triển. Các đơn vị hoạt động về KH&CN ở nước ta còn chưa nhiều, còn nhỏ bé, nhưng cũng đã là một lực lượng với hàng trăm ngàn kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Chỉ có thu hút, cổ vũ và hỗ trợ được lực lượng này thì sứ mệnh các KCNC mới có khả năng được hoàn thành. Hơn thế nữa, khi các lực lượng này tập trung với mật độ cao thì chúng ta mới có thể thể hiện được lực lượng, làm cho các nhà đầu tư CNpCNC quốc tế tin rằng có thể phát triển hoạt động R&D của họ tại Việt Nam. Khi đó, sản xuất CNpCNC quốc tế sẽ góp phần (và chỉ là góp phần) vào phát triển năng lực R&D của VN. Như vậy, chiến lược phát triển các hoạt động R&D trong các KCNC giai đoạn khoảng 10 năm tới đây là tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất, thu hút một lực lượng lớn các đơn vị hoạt động KH&CN đang hoạt động phân tán hiện nay vào KCNC để phát triển các hoạt động của họ trong môi trường tốt nhất mà KCNC tạo ra cho họ. Khi một lực lượng đáng kể các đơn vị hoạt động KH&CN được quy tụ lại thì sẽ tạo ra sự thay đổi về chất: sẽ có các đơn vị lớn có năng lực về R&D được tạo lập (như quá trình các đám bụi tinh vân tụ lại thành những thiên thể). Một mặt họ sẽ là lực lượng chủ công trong R&D về CNC, mặt khác họ sẽ là những đối tác tin cậy đối với các hoạt động R&D của các nhà đầu tư CNpCNC cũng như các đơn vị hoạt động R&D về CNC ở ngoài KCNC.
Đó là bước thứ nhất đúng hướng để giải “bài toán nhân lực CNC”.
Đây mới chỉ là hướng đi đúng để giải bài toán, còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua để có được đáp số, tức có được năng lực R&D về CNC đáng kể trong các KCNC. Sẽ không ít nghi ngờ về tính khả thi của chiến lược thu hút các đơn vị KH&CN về CNC vào các KCNC. Có thể có người cho rằng có bao nhiêu đâu mà thu hút. Có lẽ thực tế không hoàn toàn như vậy. Cũng có người sẽ hỏi: thế nếu các đơn vị KH&CN không kéo vào KCNC thì sao? Đúng là hiện nay, các doanh nghiệp KH&CN gần như chẳng quan tâm gì đến các KCNC, trừ vài đơn vị cần đất. Thật sự là các KCNC chưa có gì để có thể thu hút, quy tụ lực lượng KH&CN. Tuy nhiên, kinh nghiệm Công viên Phần mềm Quang Trung (một loại KCNC chuyên về phần mềm CNTT) cho thấy các công ty KH&CN sẽ vào các KCNC khi các khu này là mảnh đất lành cho chim đậu.
“Bài toán nhân lực CNC” chỉ có thể được giải một bước quan trọng nếu trong khoảng 5 – 7 năm tới đây, mỗi KCNC TP.HCM hay Hòa Lạc quy tụ được khoảng vài trăm đơn vị làm KH&CN (đang có sẵn hiện nay và sẽ tiếp tục hình thành). Làm được điều này hay không, vấn đề chỉ là các KCNC có đủ hấp lực hay không mà thôi.
Trở lại băn khoăn của Thứ trưởng về nguồn nhân lực cao cấp còn thiếu và yếu. Hiển nhiên, việc đào tạo nhân lực luôn luôn là yếu tố hết sức quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay dù thiếu nhân lực nhưng nếu cách làm đúng thì hoạt động R&D tại các KCNC vẫn có thể đẩy mạnh. Ngược lại, nếu các KCNC không đủ hấp lực thì dù có gấp đôi “nhân lực cao cấp”, “các khu công nghệ cao đã và đang hình thành tất nhiên (vẫn) sẽ trở thành các khu công nghiệp kỹ thuật cao với những nhà máy, dây chuyền và chỉ cần công nhân, kỹ thuật viên điều khiển máy, kiểm tra, lắp ráp... các sản phẩm công nghệ cao”. Nghĩa là nếu chiến lược không đúng thì dù có gấp đôi nhân lực cao cấp, ta vẫn không có các khu công nghệ cao.
 

                                                                                                                                         TS. Nguyễn Trọng