Ngày 24/8/2009, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký ban hành Kế hoạch 113/KH-UBND, trong đó có một nội dung gây xôn xao. Đó là, theo kế hoạch này, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 có 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ diện UBNDTP quản lý có trình độ trên đại học, trong đó 50% là tiến sĩ. Rất nhiều ý kiến được đưa lên mạng và trên báo in. Không kể những châm chích gay gắt, ít chất xây dựng, hoặc những ý kiến cho rằng kế hoạch yếu về tính khả thi vì đến 2020 không thể có đủ tiến sĩ cho những vị trí như mô tả trong kế hoạch 113, thì ý kiến cho rằng học tiến sĩ đâu phải để quản lý hành chính mà để làm khoa học, giáo dục là ý kiến đáng được bàn. Có thể xem bài “Học tiến sĩ để… quản lý hành chính?” của tác giả Nguyễn Văn Tuấn trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 27/09/09, trang 8.
Vấn đề đặt ra là “Cán bộ hành chính cấp cao” (tạm xem đó là tương đương với khái niệm “Thành ủy quản lý”) có cần và có nên là tiến sĩ không?
Theo suy nghĩ của người viết thì nếu phần lớn họ là những tiến sĩ đúng nghĩa thì là phúc cho đất nước.
Lịch sử hàng ngàn năm của ông cha ta (kể từ nhà Lý) là như vậy. Phần lớn các quan văn cấp cao đều là tiến sĩ thực sự. Những Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn (Đình Nguyên Bảng Nhãn tương đương Trạng Nguyên) … là những tiến sĩ như vậy.
Ngày xưa có 3 con đường trở thành quan chức:
1. Đỗ đạt qua thi cử;
2. Nhờ quan lại đề cử có bảo đảm (tiến cử và bảo cử);
3. Lấy con cháu công thần hưởng tập tước.
Con đường thứ nhất, làm quan do đỗ đạt là tuyệt đại đa số. Con đường thứ 2, làm quan do tiến cử là hãn hữu. Tiến cử là chế độ cho phép một vị quan được đề cử người có tài được giữ một chức quan nào đó nhưng vì nhiều nguyên nhân mà chưa có điều kiện đi thi (hoặc thi không đỗ). Người tiến cử phải lấy tước vị, phẩm hàm của mình để bảo đảm rằng, người được tiến cử có tài, xứng đáng với chức vị được giao. Nếu sau này người đó không thực tài hoặc mắc lỗi, người đứng ra tiến cử sẽ bị mất chức, bị trị tội. Nếu cử được người tài thì được khen thưởng. Bảo cử có nguyên tắc giống như tiến cử nhưng đối tượng là quan lại có kinh nghiệm thực tiễn quan trường, nhằm xung vào một chức vụ nào đó đang bị khuyết. Con đường thứ 3 thì thường chỉ có tước mà không có chức.
Những người đỗ các kỳ thi Hương đạt học vị cử nhân hoặc tú tài. Số thí sinh kể có hàng nghìn, nhưng số thi đỗ chỉ có 72 tú tài và 32 cử nhân. Những người đỗ cử nhân sẽ được bổ dụng ra làm quan. Đầu tiên có thể được làm quan đầu các phủ, huyện, làm việc ở các cơ quan cấp tỉnh, một số ít có thể làm ở các cơ quan cấp trung ương. Những người đỗ tú tài thì chưa được sử dụng đến, trừ một vài trường hợp được tiến cử hay được nhà vua biết đến, nhưng cũng chỉ tuyển dụng vào các cơ quan chuyên môn chứ không vào chính ngạch quan cai trị. Những chức vị cao ở triều đình thì phần lớn là tiến sĩ trở lên (qua thi Hội, thi Đình).
Như vậy, cha ông ta dùng tiến sĩ làm quan chức hành chính cấp cao, cử nhân làm quan chức hành chính cấp thấp. Điều này có mâu thuẫn gì với việc cho rằng “học vị tiến sĩ dành cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu…. Học vị tiến sĩ là một trong những chứng từ quan trọng để theo đuổi sự nghiệp khoa bảng (khoa bảng được hiểu là giảng dạy đại học)” như tác giả Nguyễn Văn Tuấn viết không?
Có lẽ là không. Có khá nhiều ý kiến thậm chí phủ nhận luôn cả giá trị của bằng cấp. Cho rằng bổ nhiệm cán bộ phải căn cứ… “năng lực”, chứ không nên xem bằng cấp! Bằng cấp là không có tội. Vấn đề là phải làm sao để hệ thống giáo dục – đào tạo tạo ra những bằng cấp có giá trị đúng nghĩa của nó. Khi đó nó sẽ là “chứng từ quan trọng” cho mọi con đường phát triển và cống hiến của mỗi cá nhân. Chắc chắn rằng chính quyền sẽ hiệu quả hơn nếu các quan chức có bằng cấp tương ứng (có giá trị thực sự) như ông cha ta đã làm hàng ngàn năm. Nếu các “quan” đứng đầu quận huyện, tỉnh, thành phố, sở ngành, các bộ, các vụ… đều là các tiến sĩ luật, tiến sĩ hành chính, tiến sĩ kinh tế, tiến sĩ khoa học – công nghệ thì đất nước sẽ có cơ phồn vinh. Khi đó mới đúng là một xã hội mà “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Bản thân người viết đã từng giảng dạy ở những trường đại học mà hiệu trưởng mới chỉ có văn hóa lớp 5, lớp 6. Thời ấy đã qua. Chế diễu các tiến sĩ rởm do chúng ta tạo ra là không sai. Nhưng cho rằng điều hành nhà nước không cần là tiến sĩ thì cần xem xét lại. Không nhất thiết là tiến sĩ, nhưng phải là những người có học, đã có cái học thật sự và luôn tiếp tục học. Obama là tiến sĩ luật, Medvedev cũng là tiến sĩ luật, Putin thì không là tiến sĩ nhưng cái học của ông trước và sau khi lên làm tổng thống thì nhiều sách đã viết, bà Merkel thì là một tiến sĩ vật lý.
Ước mơ của người viết là lúc nào đó (đừng quá xa) chế độ quan chức của chúng ta có thể theo được ông cha, tức phần lớn các cán bộ hành chính cấp cao sẽ là tiến sĩ (đúng với giá trị cao đẹp của bằng cấp này), trong khi số lớn tiến sĩ thì cứ đi theo con đường mà tác giả Nguyễn Văn Tuấn đã nêu, tức theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, sự nghiệp khoa bảng. Khi đó, chúng ta sẽ không thấy là trái khoáy mà sẽ cảm nhận rõ giá trị của những ông quan hành chính, những quận trưởng ở những thành phố lớn, những giám đốc sở, những tỉnh trưởng, những bộ trưởng và những người ở vị trí cao hơn nữa trong nấc thang hành chính có bằng tiến sĩ.
“Quản lý bằng kinh nghiệm” nói chung không thể so với “quản lý bằng tri thức và kinh nghiệm”. Khi làm quan, các vị tiến sĩ sẽ khó có thời gian viết các công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí. Nhưng bằng tri thức và trí tuệ của mình, họ sẽ góp phần mang lại phồn vinh, hạnh phúc cho dân, cho nước. Có thể không ít trong số họ, khi treo mũ áo lại sẽ học bù để rồi lại có các công trình công bố trên các tạp chí khoa học hay lại sẽ bước lên bục giảng với những bài giảng hết sức sinh động của cuộc sống mà họ đã từng đứng đầu các tiến trình dựng xây khó nhọc.