|
Những tầng văn hóa với rác
08/04/2009
Thời sự & suy nghĩ
Thời sự và suy nghĩ
Năm 2009 tiếp tục là năm thứ 2 “văn minh đô thị” của TP.HCM. Tại một hội nghị mới đây (HTV 9 tối 10/3/2009) Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo dù đã thông báo là năm 2008 thành phố đã phạt vi phạm văn minh đô thị đến trên 260 tỷ đồng, nhưng vẻ mặt bà vẫn đầy lo âu. Thật sự là đáng lo vì dường như người dân chưa thấy gì mới sau hơn một năm triển khai chương trình này, với 3 mục tiêu lớn là: trật tự giao thông, giữ sạch thành phố và tác phong lịch sự. Quả là mục tiêu nào cũng hay, cũng quan trọng. Tuy nhiên chỉ một mục tiêu cũng khó đã đạt được thì khi nhắm cả 3 ta sẽ càng chơi vơi, xa đích tới. Để thấm cái khó, chúng tôi xin kể lại mấy câu chuyện rác, chỉ là về rác thôi, mà chính mắt được chứng kiến ở Việt Nam và vài nước khác. Chuyện ở Liên Xô: vào năm 1976, khi còn Liên Xô, mấy đứa chúng tôi đi trên đường phố Erevan (thuộc cộng hòa Acmeni trong thành phần Liên Xô trước đây), vừa đi vừa ăn kem, thứ kem rất ngon bọc trong một bao giấy. Ăn xong, cả lũ tìm chỗ bỏ bao giấy nhưng không thấy. Bọn tôi bèn lén để vào một gốc cây bên đường. Một bà cụ thấy vậy gọi bọn tôi lại và yêu cầu nhặt lên. Cả bọn đứng như chôn chân vì xấu hổ, bởi dù sao cũng là bọn thanh niên trí thức! Xấu hổ nhưng cũng phải làm, bọn tôi nhặt đống giấy gói kem. May là đi một quãng thì có thùng rác công cộng. Chuyện ở Hàn Quốc: năm 2002, trong kỳ World Cup diễn ra ở Nhật và Hàn Quốc, tôi đang công tác ở Hàn Quốc. Bọn tôi ở một khách sạn ngay đối diện tòa thị chính Seoul. Đêm đó là trận Hàn Quốc gặp Bồ Đào Nha. Từ quãng 15 giờ, dân Hàn đổ về quanh tòa thị chính cả triệu người tụ tập bên rất nhiều màn hình cực lớn bố trí khắp khu vực tòa thị chính để theo dõi trận đấu. Quang cảnh đúng là ngày hội với hàng quán, mâm bát, bạt và giấy báo và cả lều chõng bạt ngàn! Trận đấu kết thúc với tỷ số 1 – 0 nghiêng về Hàn Quốc, hàng triệu người vui quá, không giải tán. Gần sáng, bọn tôi đi ngủ. Sáng ra, không còn ai trên các đại lộ, các vỉa hè thênh thang mà lúc gần 2 giờ sáng vẫn đầy ắp người. Điều vô cùng ngạc nhiên là khắp nơi sạch sẽ, không một mảnh giấy, không một bao nylon, tất cả như là chưa có cuộc tụ hội cả triệu người vừa vài giờ trước. Chuyện ở Singapore: năm 1995, lần đầu tôi đến Singapore. Khi đó Singapore đã rất nổi tiếng về cái sạch sẽ của một con rồng châu Á. Tôi đang đi trên đại lộ Orchard thì thấy một đôi người Pháp (thấy họ nói với nhau bằng tiếng Pháp) đang lúng túng đứng trước cây kem cô nàng vô ý đánh rơi xuống vỉa hè. Cây kem đã bị chảy, làm bẩn vỉa hè. Cô nàng lục mãi trong bóp, chắc có ý tìm miếng giấy để xử lý tại nạn! Một lát thì thấy chàng móc túi lấy chiếc khăn tay bọc cây kem lại và lau sạch chỗ vỉa hè bị nước kem vấy bẩn. Bỏ chiếc khăn với cây kem vào thùng rác, họ lại vui vẻ hòa vào dòng người trên đại lộ Orchard lúc nào cũng đông đúc. Chuyện ở Nhật: năm ngoái tôi qua Nhật thăm bà con. Những lần trước qua Nhật thì toàn họp hành nên cũng chẳng biết gì mấy về Nhật. Lần này không còn là việc công nên mới có dịp tham quan vài nơi. Sau một chuyến đi đò dọc, do những thanh niên Nhật lực lưỡng chèo (thuyền không lắp máy, có lẽ là để giữ dòng suối thật tự nhiên) trên quãng đường chừng 15 km, theo những dòng suối rất đẹp. Chúng tôi dừng lại và lên một khu phố khá sầm uất. Vài người đi dạo phố, còn lại đều ngồi dọc bờ sông (con suối đến đây đã khá rộng và thành một dòng sông nhỏ) ngắm cảnh. Nhiều người lấy đồ ăn, đồ uống ra dùng. Lát sau thì quả thật ai cũng lúng túng vì nhìn quanh chẳng có một thùng rác nào. Thế là một bé được cử đi thám sát xem thùng rác ở đâu. Bé về chỉ về phía xa, mọi người biết thùng rác ở tít phía đó. Ai cũng trách là sao người ta để thùng rác xa thế, nhưng ai cũng vui vẻ gói ghém đồ thải, cử các cháu bé mang đi bỏ vào thùng rác. Bờ sông và dòng sông vẫn không một cọng rác! Chuyện ở Đà Lạt: Tết rồi, tôi cùng ông xã đi Đà Lạt. Hai ông bà già đi chơi Thung lũng tình yêu! Leo từ phía dưới lên khá mệt, chúng tôi ngồi nghỉ trong một chòi bên đường. Trong chòi khá đông người, chúng tôi thấy hai mẹ con một bé gái. Bé gái chừng 8-9 tuổi, rất xinh và rất giống mẹ, thậm chí giống nhau cả ở cặp kính cận. Hai mẹ con uống nước, ăn bánh rồi mẹ gói mấy cái lá bánh cùng vài vỏ chai nước, nói với con gái: con bỏ vô thùng rác bên kia. Thùng rác ở phía bên kia con đường dốc, cách chòi chừng hơn chục mét. Bé cầm gói rác, khi gần tới nơi thì bé ném vào thùng. Chẳng may ném không vô, rác rơi cả ra ngoài cùng chung với không ít lá bánh, bao nylon, vỏ chai lăn lóc bên thùng rác. Bé chạy về bên mẹ, kéo mẹ đi tiếp. Mẹ bé nói: Con ra nhặt mấy thứ rớt ra ngoài bỏ vào thùng rác đi! Bé hơi chần chừ thì mẹ nhắc lại nghiêm hơn: Con nhặt mấy thứ bỏ vào thùng rác rồi ta đi. Bé làm theo lời mẹ, nhưng vẻ mặt không vui. Tôi hơi buồn. Nhưng thật là buồn vô hạn khi thấy câu chuyện kết thúc ngoài sức tưởng tượng. Khi bé quay lại thì nước mắt lưng tròng và hờn giận nói với mẹ: Mẹ! người ta cũng bỏ cả ra ngoài mà! Mẹ bé hơi sẵng giọng: Người ta khác, mình khác! Hai chúng tôi im lặng, chìm trong suy tư với bao tiếc nuối: Giá mà!... Giá mà! Chi Lan
Từ khóa
chilan-tssn
rác
văn hóa
Các tin khác:
- 10 mẫu tin
- 50 mẫu tin
- 100 mẫu tin
- Tất cả
|
|
|