SpStinet - vwpChiTiet

 

Có nghề trong tay - Đổi thay cuộc sống

Ngày 06/8/2009, tại Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương về “Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề giai đoạn 2009-2020”, mục tiêu gần 25 triệu người sẽ được dạy nghề đã được thông qua. Để thực hiện điều đó, tổng kinh phí hơn 41 ngàn tỷ đồng sẽ được phân bổ cho các tỉnh, thành phố để đổi mới và phát triển dạy nghề. Đây là thông tin đáng được đặc biệt quan tâm và phấn khởi đón nhận. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đúc kết hội nghị bằng câu nói: “Có nghề trong tay - Đổi thay cuộc sống”.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, hiện tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề của cả nước mới đạt khoảng 25%, trong đó tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề mới đạt 18,7%. Mức phấn đấu trong 10 năm tới là phải tăng các tỷ lệ này gấp 2 lần. Hiện cả nước có trên 300 trường dạy nghề và gần 700 trung tâm dạy nghề. Khả năng các trường dạy nghề (bậc cao đẳng) có thể thu nhận hàng năm khoảng 100 ngàn học sinh. Với đề án nói trên, các con số này chắc chắn sẽ nhanh chóng thay đổi cùng với việc nâng cao chất lượng của các trường, các trung tâm đang có và sẽ được mở ra tới đây.

Nhưng đó là kế hoạch của tương lai. Còn hiện nay, chúng ta vẫn rất lo lắng vì nhiều lẽ.

Nhìn qua những cuộc thi tuyển sinh đại học

Hãy thử xem bức tranh tổng quát của cuộc thi đại học hàng năm, lấy chính năm 2009 để xem xét. Mỗi năm, có khoảng 1 triệu lượt thí sinh (một số em thi 2 đợt) dự kỳ thi tuyển vào các trường đại học. Bảng bên cho ta các số liệu chính (đều làm tròn) về kỳ thi năm nay, năm 2009.

Số lượt thí sinh dự thi là 1 triệu 146 ngàn. Số đạt từ 10 điểm (tổng 3 môn tối đa là 30 điểm) là 629 ngàn, đạt 55%. Số đạt trên điểm sàn (do Bộ GD&ĐT quy định hàng năm) là 407 ngàn, tức khoảng 35,5% số lượt thí sinh dự thi. Từ 407 ngàn này sẽ xét tuyển 236 ngàn.

Dòng thác gần nửa triệu tú tài tự xem là thất bại, vấn đề lớn của xã hội và hướng giải quyết

Chúng ta hiểu câu châm ngôn “học tài, thi phận”. Tuy nhiên, theo quy luật số lớn thì có thể nói khoảng 45% số lượt thí sinh dự thi (cụ thể năm nay là 517 ngàn) chỉ đạt dưới 10 điểm cho 3 môn thi thật sự là quá yếu so với yêu cầu để có thể đọ sức trong cuộc thi tuyển vào đại học. Không làm mệt người đọc về cách tính toán, có thể ước tính số thí sinh yếu này là khoảng 400 ngàn em (từ tổng số 517 ngàn lượt thi yếu). Như vậy, với kỳ thi đại học 2009 thì khoảng 230 ngàn sẽ vào được đại học, khoảng trên 200 ngàn trên điểm sàn nhưng không đủ điểm tuyển vào các đại học thì phần lớn có thể vào các trường cao đẳng. Chúng ta sẽ bàn về khoảng 400 ngàn tú tài  thực sự chưa đủ trình độ theo con đường đại học, thậm chí cao đẳng. Sẽ có người nói rằng: vậy thì đừng bắt các em “đọ sức” nữa, bỏ luôn khái niệm “chưa đủ sức học đại học” đi! Hãy mở rất nhiều đại học để tất cả các em có tú tài có thể vào học. Đây là chuyện cần bàn, nhưng sẽ để dịp khác. Hiện nay, dù để 2 kỳ thi riêng (tú tài và tuyển sinh) hay gộp chung thành 1 như Bộ GD&ĐT dự kiến thì sức chứa của các trường đại học chỉ khoảng 200 ngàn. Các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (hệ thống do Bộ GD&ĐT quản lý) khoảng 250 ngàn. Vì vậy trong nhiều năm (và có thể nên là mãi mãi?) sẽ có khoảng 40% các em có tú tài vẫn sẽ không có khả năng đi tiếp ngay con đường đại học, cao đẳng. Gia đình các em, thậm chí phần nào đó cả dư luận xã hội và buồn hơn nữa là chính các em tự xem mình là những thanh niên thất bại. Nhưng với bằng tú tài, các em đủ sức trở thành người lao động có trí tuệ và tri thức vững vàng. Xã hội phải xem các em này là những thanh niên có học, là vốn quý của đất nước, là đối tượng quan trọng hàng đầu cần được trao vào tay những cơ hội mới, trí tuệ và vinh quang không kém con đường đại học.

Những việc quan trọng cần làm

Việc quan trọng số 1 là làm thay đổi nhận thức xã hội.

Hiện nay, các gia đình Việt Nam hầu như chỉ chấp nhận con đường duy nhất đáng đi vào cho con em mình sau tú tài là vào đại học. Không vượt qua được kỳ thi tuyển vào đại học thì xem như thất bại. Cha mẹ thất bại, các em thất bại. Với một tâm trạng thua cuộc, các em có thể phải dạt sang các hướng khác, trong đó có chuyện học nghề. Đây là trạng thái xã hội không lành mạnh. Ở nhiều quốc gia, hệ thống giáo dục đã có những định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay sau bậc tiểu học, chứ không đợi hết trung học. Hơn thế nữa con đường đi tiếp sau trung học vẫn chỉ có 1 như ở ta thì quả là vô lý. Nếu nhận thức xã hội lành mạnh thì các em và các bậc phụ huynh sẽ hiểu đúng về con đường vào đời tốt nhất cho thanh niên chính là nhanh chóng cho các em một nghề nghiệp vững chắc. Việc vào đại học bản chất cũng nhằm mục tiêu có một nghề vững chắc. Tuy nhiên, để có nghề vững chắc không chỉ có con đường đại học. Hiểu đúng như vậy, có thể ít nhất 2/3 số không thể vượt ải thi đại học, tức khoảng 250.000 em sẽ rẽ ngay, rẽ một cách tự giác, không phải với tâm trạng người thua cuộc, sang con đường học nghề chứ không đi theo cái lối đi độc đạo như hiện nay với bao tốn kém và tổn hại về sức khỏe, về tinh thần. Sau vài năm, con số đi theo đường học nghề sẽ tăng và dần lên đến con số cỡ nửa triệu, đúng với tỷ lệ số thí sinh hầu chắc chắn không vượt ải vào đại học ngay sau tú tài trong những năm tới đây. Hàng năm, xã hội đỡ tốn kém vô ích hàng trăm tỷ đồng cho nửa triệu lần thi mà phần thắng hầu như không thể. Và còn bao nhiêu tổn hại khác nữa.

Nhưng làm thế nào thay đổi nhận thức đã hằn sâu vào nếp nghĩ của mọi gia đình Việt Nam, của mọi tú tài Việt Nam, của hầu hết các tổ chức sử dụng nhân lực từ nhiều chục năm nay?
Không thể một sớm một chiều và càng không thể tuyên truyền về con đường vào đời cho thanh niên bằng các bài giáo lý suông rằng đại học không phải con đường duy nhất! Không thể bảo gần nửa triệu tú tài ít khả năng cạnh tranh vào cửa đại học chuyển sang tuyến trang bị nghề nghiệp (mà không đại học) để vào đời, để có một “nghệ tinh” mà được “thân vinh”, để “có nghề trong tay” mà “đổi thay cuộc sống”.
 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đổi mới cơ chế tài chính là khâu đột phá cho công tác đào tạo nghề, nên ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ người đi học nghề bằng cách cho vay vốn.
Chúng ta cần tích cực xem xét sự chuẩn bị của xã hội về những bến đỗ để đón gần nửa triệu tú tài, hướng các em sớm đến những nơi đó với niềm tin là ở đó các em sẽ nên người. Đó chính là những trường dạy nghề, những nhà trường có nhiệm vụ cho các em cơ hội vào đời sớm hơn các bạn học đại học và vẫn bảo lưu con đường đi tiếp vào các đại học khi các em muốn và có điều kiện. Tiếc rằng những bến đỗ ấy ngày nay chỉ khi thua mới đành tới, hơn nữa nếu kéo nhau tới cả thì cũng chẳng có đủ chỗ, mà tới rồi thì mới thấy nhiều bến bờ ấy cũng còn quá xập xệ! Có nơi còn làm cho các em nghĩ thà đừng tới có khi vẫn hơn! Chúng tôi muốn nói rằng nhận thức của xã hội, cách ứng xử của xã hội về vấn đề tổ chức học nghề cho thanh niên có học (và dĩ nhiên là cả số ít được học hành hơn) còn rất không bình thường. Không chỉ bản thân các em cùng gia đình mà cả nhà nước, các doanh nghiệp, các cơ quan thông tin báo chí,… nói chung là toàn hệ thống cần rất nhiều điều chỉnh.

Những việc quan trọng hàng đầu cần làm để từng bước làm được việc số 1 nêu trên

Muốn tạo ra một sự phân luồng đúng đắn cho thanh niên vào đời sau tú tài thì rất nhiều việc phải làm một cách kiên trì. Ai cũng hiểu, nếu hàng năm, gần nửa triệu tú tài không bước vào lối đi độc đạo như hiện nay mà vào các trường nghề đàng hoàng, để rồi ra trường có việc làm thích hợp, trải nghiệm cuộc đời đúng như lời Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân “Có nghề trong tay - Đổi thay cuộc sống” thì nhận thức xã hội sẽ tự nhiên được điều chỉnh. Có thể mục tiêu của “Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề giai đoạn 2009-2020” là như vậy và hơn thế nữa. Nhưng đây là câu chuyện của 41 ngàn tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD), chuyện dài trên 10 năm, phải làm từng bước. Tuy nhiên có những việc nên làm ngay:

 Cần thông tin về các trường dạy nghề

Các trường dạy nghề đang rất "rộng cửa"
 
Hiện ta khá dễ dàng có những thông tin cần thiết về các trường đại học, kế hoạch tuyển sinh hàng năm của các trường. Thế nhưng không thể tìm đâu ra danh sách trên 300 trường dạy nghề, danh sách gần 700 trung tâm dạy nghề chứ đừng nói thông tin chi tiết về chúng. Vì vậy mà tuyên truyền về con đường lập thân bằng học nghề chẳng khác nào hướng thanh niên vào một nơi mờ mịt! Giải quyết chuyện có thông tin đầy đủ, được cập nhật kịp thời về các trường dạy nghề là việc làm không khó, nhưng cũng không dễ. Nhà nước nên đầu tư cho việc này. Chỉ cần vài tỷ ban đầu và hàng năm vài ba trăm triệu thì các gia đình, các em học sinh sẽ nhìn thấy rõ những con đường mới ngoài con đường đại học, tưởng như độc đạo hiện nay.

 Cần những chính sách ban đầu cụ thể của Nhà nước, thể hiện cụ thể sự quan tâm đến hàng triệu thanh niên cần học nghề, trong đó quan trọng nhất là gần nửa triệu tú tài

Hiện đã có việc cho vay tiền học đại học, cao đẳng. Nhưng cho vay để học nghề thì còn chưa rõ rệt. Mà chỗ này có lẽ cấp bách và thiết thực hơn ở đâu hết. Nhà nước có lẽ đầu tư còn rất ít, kể cả tiền bạc và chính sách cho các trường dạy nghề so với khối đại học. Trong đầu tư cho dạy nghề thì dường như các chủ trương, chính sách cũng chưa xác định rõ rằng nửa triệu tú tài hàng năm không vào được đại học là đối tượng phải được quan tâm hàng đầu. Tác động lan tỏa một cách tích cực, đa dạng của gần nửa triệu tú tài này khi có nghề nghiệp vững chắc trong tay là vô cùng to lớn.

 Cần tập trung nghiên cứu ngay những chương trình và điều kiện cần thiết trong việc dạy nghề cho những nghề hiện đại về kỹ thuật, thương mại, tài chính, …

Tiếp cận với các chương trình dạy nghề của ta hiện nay, chúng ta dễ dàng thấy chỉ các nghề truyền thống như thợ tiện, nguội, hàn, cơ khí ô tô, … thì các trường không lúng túng. Với các nghề mới và đang phát triển thì thường là nghề chỉ có tên mà chẳng biết dạy gì, làm sao dạy. Có những nghề rất mới và đang trở thành nhu cầu ở cả trong và ngoài nước như “Quản lý khu đô thị” đã có tên trong danh mục các nghề nhưng dạy sao để các em quản được các tòa nhà cao tầng, các cụm nhà cao tầng, các khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng? Hoặc với CNTT, quan sát danh mục quốc tế trên 50 nghề của CNTT, có thể thấy chỉ khoảng 1/3 các nghề đó cần trình độ đại học CNTT. Ở ta có những nghề với cái tên vừa lạ vừa quen như “nghề cơ sở dữ liệu (CSDL)”. Lạ vì khoa học và thực tiễn cũng như danh mục quốc tế không có nghề như vậy. Quen vì hầu như hiện nay ai cũng có thể nói đến thuật ngữ CSDL. Một điều đặc biệt quan trọng là Nhà nước cần đầu tư nghiên cứu thị trường Outsourcing. Thị trường này không phải chỉ dành cho ngành phần mềm CNTT mà chủ yếu là cho các nghề khác, cho các thanh niên được đào tạo theo chuẩn các nghề quốc tế. Ngay trong hơn 50 nghề CNTT mà thị trường Outsourcing quốc tế sẵn sàng đón nhận thì chỉ ba bốn nghề là về phần mềm. Thị trường quốc tế là thị trường chủ yếu để thực thi việc “Có nghề trong tay - Đổi thay cuộc sống”.

Dạy nghề cho hàng triệu nông dân, cho 25 triệu người Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, dạy nghề cho những tú tài, những thanh niên có học của đất nước là vô cùng cấp bách. Làm sao để hàng năm không còn nửa triệu tú tài tự xem là thua cuộc thì đất nước sẽ có một sức mạnh trí tuệ mà cái lợi là chưa thể hình dung hết được.
TS. NGUYỄN TRỌNG