Khởi đầu dè dặt
Tháng 12/1999, TechMart đầu tiên đã được Trung tâm Thông tin KH&CN thuộc Sở Khoa học, Công nghệ & Môi trường TP.HCM (nay là Sở KH&CN) tổ chức. Ngay tại TechMart đầu tiên này, mô hình TechMart với những quy trình rõ rệt đã được xây dựng và thể nghiệm. TechMart không phải một cuộc triển lãm, không phải là một hội thảo khoa học, cũng không phải là hai cái đó cộng lại mà là hơn thế nữa. Với Việt Nam, một đất nước mà sản phẩm khoa học – công nghệ còn rất khiêm tốn vào những năm 90 thế kỷ trước thì TechMart là những nẻo đường mòn gian nan góp phần đưa các sản phẩm của các nhà nghiên cứu – chế tạo Việt Nam đến với thị trường. Bản thân thuật ngữ “TechMart” dù được ra mắt ngay từ sự kiện tháng 12/1999, nhưng nó vẫn phải núp sau tên gọi sự kiện là “Ngày chào hàng Công nghệ - Thiết bị”. Đến sự kiện tiếp theo vào tháng 6/2000, các nhà tổ chức vẫn chỉ dám ghi thuật ngữ TechMart trong ngoặc sau tên gọi “Chợ Công nghệ - Thiết bị”. Chỉ tới kỳ thứ ba, thuật ngữ TechMart mới “dám” xuất hiện “công khai”.
Các địa phương vào cuộc cùng TP.HCM
Khởi đầu là Cần Thơ. Tháng 9/2000, Sở KH,CN&MT Cần Thơ đã phối hợp với TP.HCM để đưa các thiết bị - công nghệ về chế biến lương thực, thực phẩm của các nhà nghiên cứu TP.HCM về vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Những đơn vị nghiên cứu - chế tạo địa phương đã tham gia nhiệt tình dù rằng lực lượng còn rất mỏng. Thật khó quên cuộc “hành quân” năm ấy. Đoàn xe tải nhiều chiếc chở theo các thiết bị xay xát, các lò sấy “made in Việt Nam” thực thụ về với vựa lúa đồng bằng Nam bộ. Năm ấy lũ lớn, hai bên đường nước lên ngập trắng. Điện thoại di động thời ấy còn hiếm hoi, nhưng đã góp phần quan trọng chỉ huy hành quân an toàn, tập kết đúng thời gian. Tiếp theo Cần Thơ là Đồng Nai 01/2001, Đà Nẵng 8/2002… Đến nay, TechMart đã đi qua gần 20 tỉnh, thành phố, suốt từ Nam ra Bắc. TechMart đã hỗ trợ lan tỏa công nghệ từ TP.HCM đi các địa phương và hỗ trợ hoạt động nghiên cứu - chế tạo tại các địa phương.
TechMart Quốc Gia
Sau 4 năm với 12 kỳ TechMart tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, hoạt động này đã được Bộ KH&CN đánh giá là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự hỗ trợ của nhà nước nhằm mục tiêu lớn là thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu - chế tạo trong nước và từng bước hình thành một thị trường mới, thị trường các sản phẩm khoa học và công nghệ. Từ các hoạt động có tính chất tự phát của các địa phương, Bộ KH&CN đã nâng tầm tổ chức thành sự kiện Quốc gia.
Từ năm 2003, Bộ KH&CN đã quyết định tổ chức TechMart Quốc gia định kỳ hai năm một lần. TP.HCM với vai trò địa phương tiên phong, nhiều kinh nghiệm luôn được Bộ KH&CN xem là một trong những “cánh quân chủ lực” cùng với lực lượng của Bộ và lực lượng địa phương sở tại, nơi diễn ra TechMart Quốc gia. Năm 2009 là 10 năm TechMart và cũng là TechMart Quốc gia, mở rộng ra cả quốc tế, lần thứ 4.
Bên cạnh các TechMart Quốc gia, các TechMart vùng cũng được tổ chức, phục vụ nhu cầu riêng của từng vùng lãnh thổ.
Các con số
Đúc kết các TechMart, những con số còn khiêm tốn nhưng đã chứng minh khá rõ một luận điểm là khó có sự hỗ trợ nào của Nhà nước mang lại hiệu quả cao như hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu - chế tạo thông qua các TechMart. Nhà nước đã đầu tư tổ chức 44 kỳ TechMart (22 kỳ tại TP.HCM, 3 kỳ quy mô Quốc gia tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và 19 kỳ tại các địa phương). Chỉ tính riêng tại TP.HCM với kinh phí 5.522 triệu đồng chúng ta đã giúp cho 2.285 lượt đơn vị giới thiệu 13.673 lượt sản phẩm công nghệ - thiết bị do họ sáng tạo với tổng giá trị các hợp đồng chuyển giao là 522.388 triệu đồng (Theo báo cáo “Tổng kết công tác tổ chức Chợ Công nghệ & Thiết bị của TP.HCM 2000-2007” của Sở KH&CN TP.HCM). Như vậy, Nhà nước đầu tư 1 triệu đồng thì giúp cho các nhà nghiên cứu - chế tạo đưa được khoảng 100 triệu đồng vào đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất - kinh doanh.
Những chủ trương lớn
Hoạt động TechMart đã góp thêm luận cứ cho việc xây dựng và ban hành nhiều chủ trương chính sách mới về phát triển thị trường công nghệ nói chung và hoạt động của các mô hình Chợ Công nghệ và Thiết bị nói riêng. Nghị định số 159/2004/NĐ-CP ngày 31/8/2004 của Chính phủ xác định việc tổ chức Chợ Công nghệ và Thiết bị là một nhiệm vụ thường xuyên của hoạt động thông tin KH&CN. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 214/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thị trường công nghệ của Việt Nam, trong đó nội dung quan trọng là đến năm 2010 phải hình thành “hai trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên tại Hà Nội và TP.HCM”. Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo TP.HCM ngày 03/12/2007, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã giao nhiệm vụ “Đến năm 2010, thành phố phải hình thành và phát triển mạnh 5 “sàn” cơ bản, đó là: sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch khoa học công nghệ, sàn giao dịch bất động sản, sàn giao dịch hàng hóa và sàn giao dịch nhân lực lao động”. Bộ KH&CN đã ban hành “Quy chế Chợ Công nghệ và Thiết bị” (Quyết định số 15/2007/QĐ-BKHCN ngày 25/7/2007).
Thực hiện những chủ trương quan trọng nói trên, Bộ KH&CN đã quyết định đầu tư tổ chức hai “sàn giao dịch công nghệ” - những “chợ TechMart đầu mối” cho loại hàng hóa đặc biệt là những sản phẩm khoa học và công nghệ ở TP.HCM và ở Hà Nội. Đây không chỉ là những công trình kiến trúc dành cho khoa học và công nghệ mà quan trọng hơn, đó là việc hình thành một hệ thống các chính sách tạo hành lang lưu thông cho loại hàng hóa rất đặc biệt tại các chợ đầu mối này, đó là các sản phẩm của các đơn vị, các nhà nghiên cứu - chế tạo. Riêng dự án “sàn giao dịch công nghệ” tại TP.HCM phục vụ cho TP.HCM và cả khu vực phía Nam đã được Bộ KH&CN và UBND TP.HCM phối hợp triển khai, dự kiến sẽ khởi công xây dựng ngay trong cuối năm 2009 này.
Nhìn về tương lai
Những nghiên cứu quốc tế cho thấy cứ khoảng 50 bằng sáng chế thì có một cho ra các sản phẩm sử dụng được và khoảng 300 bằng sáng chế thì có một cho ra sản phẩm được sản xuất ở quy mô công nghiệp. TechMart đảm nhiệm sứ mạng lịch sử là giúp các sản phẩm này đến với người sử dụng, đến với thị trường. Vào những năm 80 thế kỷ trước, khi mà Trung Quốc hàng năm mới có chừng 40.000 bằng sáng chế của các tác giả trong nước thì các hoạt động mang nội dung như TechMart là do nhà nước đầu tư. Từ khoảng những năm 2000 trở lại đây, khi mà số bằng sáng chế trong nước tại Trung Quốc đã tăng lên trên 100.000 thì các hoạt động này đã có nguồn thu bù chi, đạt khoảng 50% chi phí hàng năm. Tại Mỹ, nơi mà hàng năm số bằng sáng chế cấp cho các tác giả trong và ngoài nước là khoảng 350.000 thì phần lớn nguồn tài chính cho các hoạt động này là từ các nhà công nghiệp. Hy vọng rằng 10 năm tới đây, tiếp thu kinh nghiệm của các bậc “đàn anh” cùng với sự phát triển chung của KH&CN, TechMart của chúng ta sẽ đạt trình độ như Trung Quốc vào những năm 2000. Chúng ta hy vọng và tin tưởng.