Hội nghị giao ban Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) lần thứ 13 diễn ra ngày 24/3/2015 tại TP. Biên Hòa do Bộ KH&CN và UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức. Theo thông tin từ Hội nghị, hoạt động KH&CN của các địa phương trong vùng đã xác định doanh nghiệp là trọng tâm ứng dụng các kết quả nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao trình độ công nghệ (TĐCN), đổi mới công nghệ (ĐMCN), cải tiến sản xuất và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.
Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, TP. HCM đã triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế chế tạo thiết bị, sản phẩm thay thế nhập khẩu, giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm từ 20-60%; hỗ trợ gần 200 doanh nghiệp kiểm toán năng lượng, tư vấn quản lý năng lượng cho 80 doanh nghiệp, giúp tiết kiệm hơn 80 triệu kWh điện/năm, giảm phát thải hơn 110 ngàn tấn CO2/năm. Tại Đồng Nai, thông qua chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập giai đoạn 2011-2015 đã hỗ trợ 49 doanh nghiệp xây dựng và ứng dụng các hệ thống ISO, 114 doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ. Đến nay, Đồng Nai đã có 2 doanh nghiệp báo cáo thành lập Quỹ Phát triển KH&CN doanh nghiệp với tổng số vốn gần 9,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương cũng chú trọng hoạt động nghiên cứu ứng dụng nên nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng thành công, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LV.
Tuy nhiên, những khó khăn hạn chế vẫn tập trung vào nhóm vấn đề về cơ chế tổ chức, đầu tư, tài chính và chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ. Đặc biệt, quá trình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn rất chậm. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp chủ yếu là trung bình và thấp dẫn đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước chưa cao; việc nghiên cứu giải mã và nội địa hóa công nghệ nước ngoài chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong vùng.
Theo ông Phạm Văn Sáng (Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai), mặc dù nhận thức được lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về doanh nghiệp nào biết ứng dụng và đầu tư công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh nhưng đến nay, việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Các chính sách của Nhà nước chưa thực sự hấp dẫn, thủ tục xin xét duyệt hỗ trợ còn rườm rà, mất thời gian, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và các nguồn hỗ trợ khác... Do vậy, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư cho KH&CN mà chủ yếu vẫn tận dụng các trang thiết bị, công nghệ cũ, gây ô nhiễm môi trường.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết, cùng với Nghị định 95/2014/NĐ-CP ban hành ngày 17/10/2014 của Chính phủ cho phép doanh nghiệp được chủ động nguồn vốn dành cho nghiên cứu khoa học và ĐMCN, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng) cũng vừa ra mắt với tư duy đổi mới về quản lý tài chính, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà khoa học tiếp cận nguồn tài chính được thuận lợi hơn.
Các đại biểu tại Hội nghị đã cùng thảo luận về các giải pháp phát triển hoạt động KH&CN vùng ĐNB, tập trung vào các trọng tâm: tạo sự đồng bộ về cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các Sở KH&CN để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; hình thành và phát triển sản phẩm chủ lực của vùng.
Song song với Hội nghị giao ban, còn có hội thảo khoa học về cơ chế tổ chức, đầu tư, tài chính và chính sách hỗ trợ ĐMCN phục vụ phát triển KH&CN; các buổi tọa đàm về hoạt động tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng, hoạt động thông tin và thống kê KH&CN, hoạt động sở hữu trí tuệ, quản lý công nghệ,… của các địa phương trong vùng; Techmart Đồng Nai 2015; Ngày hội ruộng đồng lần thứ 3 của tỉnh Đồng Nai.