SpStinet - vwpChiTiet

 

Thống nhất Điều lệ mẫu Quỹ phát triển KH&CN cấp Bộ và tỉnh, thành

 

Ngày 09/3/2015, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa ban hành Thông tư số 03/2015/TT-BKHCN ban hành Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều lệ mới). Thông tư nhằm cụ thể hóa Điều 7, Nghị định 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ và Điều 61, Luật KH&CN số 29/2013/QH13. Điều lệ mới sẽ thay thế cho Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định tại Quyết định số 117/2005/QĐ-TTg ngày 27/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ (Điều lệ cũ).


Kết cấu Điều lệ mới gồm có 3 Chương và 19 Điều, nhiều hơn Điều lệ cũ (3 Chương và 15 Điều); nội dung có một số điểm đáng chú ý như sau:


Về mặt pháp lý, Điều lệ mới xác định Quỹ phát triển KH&CN là đơn vị sự nghiệp, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, có chức năng tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn ngân sách và các nguồn vốn khác của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước. Quỹ có người đại diện theo pháp luật là Giám đốc Quỹ.


Về nguồn vốn hoạt động, Điều lệ mới xác định rõ vốn điều lệ của Quỹ được cấp một lần từ ngân sách dành cho sự nghiệp KH&CN của Bộ (hoặc tỉnh) và ngân sách sự nghiệp KH&CN hàng năm cấp thông qua Quỹ cho các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia được phân cấp quản lý cho Bộ (hoặc tỉnh), các nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ (hoặc cấp tỉnh) do Bộ (hoặc tỉnh) trực tiếp quản lý. Thêm vào đó, trong cơ cấu nguồn vốn của Quỹ còn có nguồn bổ sung từ “kinh phí được điều chuyển từ quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ (hoặc tỉnh) trực tiếp quản lý”.


Về Hội đồng quản lý Quỹ, Điều lệ mới mở thêm chế độ làm việc chuyên trách, không chỉ bó gọn trong chế độ kiêm nhiệm như tại Điều lệ cũ, nhưng khống chế thời gian tham gia của các thành viên không quá 2 nhiệm kỳ liên tục (10 năm). Các trường hợp miễn nhiệm hoặc thay thế thành viên Hội đồng quản lý Quỹ được xác định cụ thể. Chế độ họp định kỳ của Hội đồng quản lý Quỹ được quy định là 3 tháng/lần, quy định rõ hơn đối tượng có quyền đề nghị triệu tập họp bất thường (Trưởng ban kiểm soát Quỹ hoặc 2/3 thành viên Hội đồng quản lý Quỹ)


Về Ban kiểm soát Quỹ, Điều lệ mới quy định cơ cấu gồm 3 thành viên, bổ sung nhiệm vụ kiểm tra hoạt động tài chính, giám sát việc chấp hành chế độ kế toán, hoạt động của hệ thống kiểm tra và kiểm soát nội bộ; thẩm định báo cáo tài chính hàng năm của Quỹ, báo cáo cho Hội đồng quản lý Quỹ. Điều lệ mới cũng cho phép Ban kiểm soát Quỹ có quyền sử dụng tư vấn độc lập để thực hiện các nhiệm vụ được giao; được sử dụng hệ thống kiểm tra và kiểm soát nội bộ của Quỹ. Đại diện Ban kiểm soát Quỹ được quyền tham dự các cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ và góp ý về các nội dung mà Hội đồng quản lý Quỹ thảo luận.


Về Cơ quan điều hành Quỹ, Điều lệ mới quy định Giám đốc của Quỹ là lãnh đạo đơn vị tham mưu quản lý KH&CN của Bộ kiêm nhiệm hoặc là lãnh đạo Sở KH&CN của tỉnh kiêm nhiệm, một Phó Giám đốc của Quỹ là lãnh đạo cấp vụ hoặc cấp phòng của cơ quan chuyên trách về tài chính của Bộ kiêm nhiệm hoặc là lãnh đạo cấp sở hoặc cấp phòng của Sở Tài chính của tỉnh kiêm nhiệm với thời gian làm việc kiêm nhiệm tại Quỹ tối thiểu là 50%. Các vị trí nhân sự khác của Cơ quan điều hành Quỹ được tuyển dụng, điều động trên cơ sở điều tiết trong phạm vi tổng biên chế sự nghiệp hiện có của Bộ (hoặc tỉnh).


Về hoạt động tài trợ của Quỹ, Điều lệ mới bãi bỏ chế độ tài trợ không thu hồi như đã quy định tại Điều lệ cũ mà thực hiện theo nguyên tắc có hoàn trả, theo 2 hình thức: cho vay (thời gian cho vay không quá 60 tháng) lãi suất thấp (lãi suất cố định trong suốt thời gian vay vốn thực hiện dự án) hoặc không lấy lãi và bảo lãnh vốn vay. Các dự án được vay vốn không lấy lãi là dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước; ứng dụng công nghệ cao hoặc sản xuất sản phẩm công nghệ cao; tạo việc làm và thu nhập tại các vùng nông thôn, miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội; Các dự án được vay vốn với lãi suất thấp bao gồm các dự án đổi mới công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng và sức cạnh tranh cao. Quỹ thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh vốn vay cho các dự án KH&CN. Để được bảo lãnh, ngoài việc dự án đã được tổ chức tín dụng khác thẩm định cho vay và có văn bản yêu cầu bảo lãnh gửi Quỹ, chủ dự án phải có phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay và có tài sản đảm bảo bằng hình thức cầm cố, thế chấp được Quỹ chấp thuận. Ngoài ra, chủ dự án còn phải trả phí bảo lãnh tính bằng phần trăm (%) trên tổng số tiền mà Quỹ bảo lãnh. Điều lệ mới cũng khống chế tổng số vốn cho vay, bảo lãnh vốn vay hàng năm không quá 20% vốn điều lệ của Quỹ; tổng số dư nợ cho vay và bảo lãnh vốn vay không quá 50% vốn điều lệ của Quỹ; kinh phí hỗ trợ một số hoạt động nhằm nâng cao năng lực KH&CN trong phạm vi của Bộ hoặc tỉnh hàng năm không quá 10% vốn điều lệ của Quỹ.


Ngoài ra, Điều lệ mới cũng tái xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải sử dụng kinh phí hiệu quả, đúng mục đích; thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng, các chế độ do Quỹ quy định và các quy định pháp luật khác có liên quan và kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN phải được công bố theo quy định của Quỹ và đăng ký, lưu giữ theo quy định hiện hành.


Theo quy định, các Bộ (hoặc tỉnh) đã thành lập Quỹ và ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ trước ngày Thông tư có hiệu lực thi hành (từ ngày 23/4/2015) thì Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải điều chỉnh, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động Quỹ đang hoạt động cho phù hợp các quy định tại Điều lệ mẫu ban hành kèm Thông tư 03/2015/TT-BKHCN.
 

TÂY SƠN, STINFO số 5/2015

Tải bài này về tại đây.


Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả