Về cúm gia cầm
Cúm gia cầm là bệnh cúm do virus gây ra cho các loài gia cầm (hay chim), có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú. Virus cúm gia cầm có tên khoa học là Avian influenza (AI) thuộc nhóm virus cúm A của họ Orthomyxociridae. Đây là những retrovirus, mang vật liệu di truyền là những đoạn phân tử RNA, sợi đối mã (sợi âm tính).
Chi virus cúm nhóm A được chia thành các phân nhóm dựa vào loại protein hemagglutinin (H) và neuraminidase (N) nằm trên lớp vỏ protein bao bọc lõi virus. Có tất cả 16 loại protein H, đối với mỗi loại lại có đến 9 phân nhóm protein N. Như vậy, tổ hợp lại có khả năng tạo ra 144 phân nhóm virus cúm gia cầm khác nhau. Ngoài ra, tất cả mỗi phân nhóm virus trên lại có thể chia làm 2 phân nhóm xâm nhiễm: đặc tính xâm nhiễm thấp (LPAI) và cao (HPAI), điều này phụ thuộc vào độc tính của virus đối với các quần thể gia cầm.
Cúm A/H5N1
H5N1 là một phân nhóm có khả năng gây nhiễm cao của virus cúm gia cầm. Tên gọi phân nhóm H5N1 là liên quan đến loại protein kháng nguyên trên vỏ virus: protein hemagglutinin nhóm 5 (H5) và neuraminidase nhóm 1 (N1).
Thông thường, những virus cúm này lan truyền trên thế giới bằng cách ký sinh ở tế bào ruột non của các loài chim di cư, khi đó chúng là những chủng H5N1 không gây chết. Tuy nhiên, những chủng virus này có thể bị đột biến và trở thành chủng cúm gia cầm có độc tính cao nhất từ trước đến giờ.
Hàng trăm triệu con chim (gia cầm) cũng đã bị chết do nhiễm virus hoặc bị tiêu huỷ.
Ngày 2/2/2020, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc vừa thông báo tình trạng bùng phát chủng cúm gia cầm H5N1 tại một trang trại ở thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam. Đã có 4.500 trên tổng số 7.850 con gà của trang trại này chết vì nhiễm H5N1. Giới chức Thiệu Dương đã tiến hành các biện pháp cần thiết để kiểm soát dịch, trong đó tiêu hủy 17.828 gia cầm.
Tại Việt Nam, H5N1 xuất hiện chủ yếu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Gần đây nhất, ngày 17/2, các ngành chức năng của tỉnh Trà Vinh vừa tiến hành tiêu hủy gần 1.000 con gia cầm bị nhiễm cúm A/H5N1.
Cúm A/H5N6
H5N6 là một phân nhóm của loài virut cúm A. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút...gây ra nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam. Năm 2016, H5N6 bùng phát tại Trung Quốc, buộc nước này phải tiêu hủy hơn 170.000 con gia cầm.
Chủng virus cúm A/H5N6 được phát hiện tại Việt Nam từ năm 2014. Hàng năm, chủng virus này vẫn gây ra các ổ dịch nhỏ lẻ trên gia cầm, được phát hiện và kiểm soát kịp thời. Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã xuất hiện 14 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm tại 5 tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.
Khả năng lây qua người
Cúm A/H5N1 và H5N6 rất nguy hiểm, đều có thể lây sang người
Virus cúm gia cầm có thể sống trong phân gia cầm, nước, đất... từ 2-4 tuần và chết ở nhiệt độ 70oC trở lên. Virus có thể sống trong nhiệt độ lạnh (tủ lạnh, tủ đá) hàng tháng. Điểm chung của hai loại cúm A/H5N1 và cúm A/H5N6 là đều có thể lây sang người.
Chủng virus cúm A/H5N1 lần đầu tiên được phát hiện xâm nhiễm trên người tại Hồng Kông năm 1997. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kể từ năm 1997 đến nay, thế giới đã ghi nhận 861 ca nhiễm virus H5N1, trong đó, 455 bệnh nhân tử vong. Năm 2003, dịch này bùng phát ở Trung Quốc, sau đó lan sang Việt Nam và 14 quốc gia khác. Trong đó, Indonesia và Việt Nam là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề.
Trên thế giới, virus cúm A/H5N6 cũng đã gây ra 3 trường hợp tử vong ở người, tính đến ngày 12/7/2015. Năm 2016, H5N6 cũng lây cho 2 người tại Trung Quốc. Đến nay, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do chủng virus cúm A/H5N6.
Theo Forbes, virus H5N1 cư trú trong những tế bào nằm sâu trong phổi (hô hấp dưới), không gây nhiễm ở đường hô hấp trên và không lây lan qua động tác ho hoặc hắt hơi như các loại virus cúm khác nên đường lây truyền người - người của loại virus cúm gia cầm này đến nay vẫn chưa xảy ra (không có lây nhiễm từ người qua người).
Đường lây truyền của cúm A/H5N1 và H5N6 sang người là giống nhau
Virus cúm A/H5N1 có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, như ăn phải gia cầm và các sản phẩm gia cầm bị bệnh trong quá trình chế biến, nấu nướng không chín, ăn tiết canh. Vệ sinh cá nhân không tốt, bàn tay không sạch cũng tạo điều kiện cho việc mắc cúm A H5N1.
Virus cúm A/H5N6 lây nhiễm cúm do tiếp xúc với gia cầm và chất thải gia cầm nhiễm bệnh (trong khi chăn nuôi, vận chuyển, làm thịt gia cầm bị bệnh...) hoặc gia cầm khỏe nhưng đã mang vi rút H5N6.
Do ăn tiết canh, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm nhiễm bệnh mà chưa được nấu chín.
Triệu chứng
Các triệu chứng cúm H5N6 ở người rất giống với các triệu chứng của bệnh cúm thông thường như: sốt cao đột ngột, thường sốt liên tục trên 38oC, đôi khi rét run, mặt đỏ. Đau đầu, đau mỏi cơ ở chân, tay, đau tăng lên khi ho, có thể đau quanh hốc mắt, có thể nổi hạch. Ho hoặc ho khan; khó thở... Bệnh diễn biến nhanh dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, suy các phủ tạng và tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó phòng bệnh là biện pháp quan trọng.
Các dấu hiệu và triệu chứng của cúm gia cầm H5N1 bắt đầu trong vòng 2-7 ngày kể từ khi nhiễm bệnh, tùy thuộc vào loại virus cúm gia cầm. Phần lớn các trường hợp, nhìn chung triệu chứng của bệnh cúm gia cầm giống với bệnh cúm thông thường, bao gồm: ho, sốt, viêm họng, đau cơ, đau đầu, khó thở... Một số người cũng có thể có triệu chứng buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Và trong một vài trường hợp, nhiễm trùng mắt nhẹ (viêm kết mạc) là dấu hiệu duy nhất của bệnh.
Biện pháp phòng bệnh cúm H5N1 và H5N6 sang người
Chỉ ăn thịt, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm được nấu chín kỹ. Chỉ mua gia cầm và sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc và đã được kiểm dịch không bị bệnh. Không ăn tiết canh. Không làm thịt và ăn các loại gia cầm ốm, chết.
Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm, trước khi ăn. Rèn luyện thân thể, giữ ấm cơ thể, để nâng cao khả năng phòng bệnh. Nên thay, giặt quần áo, rửa giầy dép hàng ngày.
Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh; hạn chế tiếp xúc gia cầm kể cả khi chúng còn khỏe; chỉ giết mổ gia cầm khỏe; đeo khẩu trang, găng tay khi giết mổ; rửa dao, thớt bằng nước sôi sau khi giết mổ; nên có hai thớt để thái thịt sống và thái thịt chín.
Đeo khẩu trang, găng tay, mặc quần áo bảo hộ khi phải tiếp xúc với gia cầm.
Hãy đến ngay cơ sở y tế khi sốt cao trên 38oC, ho, đau ngực, khó thở kèm theo đau đầu, đau cơ mệt mỏi... Khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang.
Các giải pháp công nghệ để phòng, chống cúm gia cầm
Bên cạnh các biện pháp quản lý, để ngăn ngừa và hạn chế các tác hại của cúm gia cầm lên đàn gia cầm và chống sự lây nhiễm từ gia cầm ra cộng đồng, các nhà khoa học trong nước đã có rất nhiều nỗ lực góp phần vào công tác phòng chống cúm cho gia cầm và cho con người, có thể kể đến một số nghiên cứu như:
Phòng chống bệnh cho gia cầm
- Khảo sát khả năng đáp ứng miễn dịch đối với 2 loại vaccine cúm gia cầm H5N1 trên vịt tại Hậu Giang của các tác giả Trần Ngọc Bích, Phan Chí Tạo, năm 2016.
- Khảo sát sự lưu hành và bước đầu giải trình tự gene của virus cúm gia cầm Subtype H5N1 tại tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng của các tác giả Dương Thị Thanh Thảo, Lý Thị Liên Khai, năm 2011.
- Lưu hành của virut cúm gia cầm độc lực cao H5N1 tại Việt Nam và vacxin phòng bệnh cúm gia cầm của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến và cộng sự, năm 2011.
- Nghiên cứu tạo giống bèo tấm mang gen kháng nguyên H5N1 phòng chống bệnh cúm gia cầm của tác giả Lê Huy Hàm, năm 2011.
- Nghiên cứu virus cúm A/H5N1 ở Việt Nam và Thái Lan: Dịch tễ phân tử, chẩn đoán và vaccine phòng chống của tác giả Lê Thanh Hoà, năm 2011.
- Sản xuất thử nghiệm vắc xin cúm A/H5N1 nhũ dầu để phòng chống bệnh cho gia cầm của tác giả Phạm Quang Thái, năm 2011.
- Ứng dụng vaccine trovac A1H5 phòng bệnh cúm do chủng H5N1 trên gà thịt và gà đẻ hậu bị nuôi công nghiệp tại TP.HCM của tác giả Phan Xuân Thảo, năm 2005.
- Đáp ứng miễn dịch đặc hiệu trên gia cầm của các epitope tế bào B liên tục từ các kháng nguyên virus cúm gia cầm H5N1 đã được dự đoán in silico của các tác giả Trần Thị Hồng Kim, Trần Linh Thước, năm 2013.
- Đánh giá hiệu lực vacxin cúm gia cầm H5N1 (chủng Nibrg14) trên một số Clade lưu hành ở Việt Nam năm 2011 và phân tích đặc tính di truyền của virut H5N1 clade 2.3.2.1h của tác giả Đậu Huy Tùng, năm 2012.
Phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây cho người
- Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất hạt nano và micro chitosan và ứng dụng thử nghiệm làm tá chất cho vaccine cúm A/H5N1 của các tác giả Nguyễn Anh Dũng, Cao Thị Bảo Vân, năm 2017.
- Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất kháng thể IgY kháng vi rút cúm A/H5N1, xây dựng quy trình sản xuất kháng thể IgY kháng vi rút EV71 và đánh giá hiệu quả điều trị trên mô hình động vật của tác giả Cao Thị Bảo Vân, năm 2017.
- Khảo sát tính sinh miễn dịch các epitope tế bào B của kháng nguyên H5N1 và đánh giá tiềm năng ứng dụng phát triển vaccine phòng cúm gia cầm cho người của tác giả Trần Thị Hồng Kim , năm 2015.
- Nghiên cứu sự biến đổi di truyền các gen Pb2, Pb1 và Pa Polymerase của virus cúm A/H5N1 đương nhiễm tại Việt Nam của tác giả Nguyễn Mạnh Kiên,năm 2014.
- Nghiên cứu sản xuất thuốc chữa bệnh cúm do virut H5N1 gây ra từ nguồn nguyên liệu trong nước của tác giả Nguyễn Quyết Chiến, năm 2008.
Bạn đọc có thể tìm các tài liệu theo yêu cầu của riêng mình, tại địa chỉ: http://cesti.gov.vn/thu-vien/1/tra-cuu-chung