Đô thị sáng tạo là mô hình phát triển đô thị công nghệ cao, kết nối chặt chẽ, hiệu quả các chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đó cũng là nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp với cường độ và mật độ cao. Những khu đô thị này thường có quy mô nhỏ, giao thông thuận tiện, với cơ sở hạ tầng kết nối hiện đại; cung cấp không gian văn phòng, nhà ở và các tiện ích cơ bản khác. PGS.TS Võ Trí Hảo (Đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định, đô thị sáng tạo khác với các loại đô thị thông thường ở 2 điểm lớn: thứ nhất, cư dân sống trong đô thị sáng tạo phải được sống trong một không gian kích thích sáng tạo và thể hiện các kết quả sáng tạo; thứ hai, sản phẩm của đô thị sáng tạo là những sản phẩm hoàn toàn mới, do đó, việc cấp phép chạy thử, lưu hành lần đầu các sản phẩm, dịch vụ cần được rút ngắn và tạo điều kiện thuận lợi.
Trên thế giới, mô hình đô thị sáng tạo không quá mới. Nhiều nước đã xây dựng thành công mô hình này và biến nó thành cốt lõi trong phát triển kinh tế quốc gia. Các ví dụ điển hình về mô hình này khá nhiều, có thể kể đến một số điểm như công viên khoa học Cyberjaya (Malaysia), thung lũng công nghệ Pangyo (Hàn Quốc) và thành phố Barcelona (Tây Ban Nha).
Là một trong 10 nước khu vực ASEAN như Việt Nam, Maylaysia từ lâu đã tìm cách phát triển nền kinh tế dựa vào tri thức. Một ví dụ về “thành phố tri thức” như vậy là công viên khoa học Cyberjaya, tọa lạc ở quận Sepang cách trung tâm thủ đô Kuala Lumpur 40km về phía Nam. Được kỳ vọng là một trung tâm công nghệ thông tin mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, Cyberjaya là không gian dành cho những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; cho các sinh viên theo đuổi giấc mơ thay đổi cuộc sống bằng công nghệ. Từ khi chính phủ Malaysia đưa ra các chính sách cung cấp môi trường làm việc thân thiện, các ưu đãi hấp dẫn về thuê văn phòng, hỗ trợ xây dựng trụ sở, cơ chế thuế và các chính sách vay-trả nợ linh hoạt tùy theo các lĩnh vực kinh doanh, ngân sách và kế hoạch tăng trưởng của doanh nghiệp, Cyberjaya không chỉ đẩy mạnh làn sóng khởi nghiệp, mà còn thu hút mạnh mẽ đầu tư từ những doanh nghiệp công nghệ nước ngoài như IBM, Dell, HP, DHL, Shell, Huawei,...Sau 20 năm phát triển, hiện Cyberjaya đã có hơn 800 công ty tọa lạc (trong đó có 40 công ty đa quốc gia), 6 viện-trường đại học, 102.000 dân cư với hơn 1/3 là sinh viên. Tuy đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế ở Cyberjaya: các doanh nghiệp khởi nghiệp tại đây còn phụ thuộc quá nhiều vào hỗ trợ từ chính phủ, mối liên kết giữa các viện/trường đại học với doanh nghiệp còn yếu, khả năng quản lý của bộ máy hành chính còn yếu kém… Một số chuyên gia cho rằng, những thách thức này phát sinh là do chính phủ Malaysia quá chú trọng vào việc tạo lập đô thị sáng tạo, thay vì khuyến khích và thúc đẩy nó tự phát triển.
Thung lũng công nghệ Pangyo (Pangyo Valley), được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Hàn Quốc, tọa lạc tại thành phố Pangyo, quận Seongnam, tỉnh Gyeonggi. Pangyo Valley là nơi đặt trụ sở của các công ty công nghệ ở nhiều lĩnh vực (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học,…), các cơ quan nghiên cứu và phát triển, các trường đại học chuyên ngành và các trung tâm đào tạo nghề. Với các chính sách nhiều ưu đãi như miễn giảm thuế, cho vay lãi suất thấp và chú trọng mở rộng cơ sở hạ tầng, đây là nơi dừng chân của hơn 1.300 doanh nghiệp (trong đó có các ông lớn như tập đoàn công nghệ Kakao và Nexon), đồng thời đóng vai trò là trung tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tại Hàn Quốc. Tiếp nối những thành công hiện có, một Pangyo Valley thứ hai đang được chính phủ Hàn Quốc đầu tư xây dựng. Với cơ sở hạ tầng và giao thông thuận tiện, Pangyo Valley 2 sẽ cung cấp không gian làm việc cho khoảng 1.400 công ty khởi nghiệp, tập trung nuôi dưỡng những công ty này để tạo ra động lực tăng trưởng mới của đất nước. Pangyo Valley 2 tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thuận lợi, qua việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ như không gian làm việc, an ninh, tư vấn tài chính, internet băng thông rộng, phương tiện đi lại,... Ở Pangyo Valley, chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ tối đa về chi phí mặt bằng, vốn vay và những nhu cầu cơ bản khác, để các công ty mới thành lập có thể toàn tâm toàn ý, tập trung vào sáng tạo và tạo ra những sản phẩm có giá trị.
Nằm ở vị trí thứ 4 trong top 5 trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp lớn nhất Châu Âu (theo tạp chí Business Insider), sự hấp dẫn của Barcelona (Tây Ban Nha) đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp nằm ở hệ sinh thái và nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp nơi đây được định vị trở thành một trong những trung tâm khởi nghiệp hàng đầu thế giới. Đầu tiên, phải kể đến việc Barcelona là nơi tọa lạc của các trường đại học kinh doanh hàng đầu châu Âu như ESADE, EADA và IESE, với rất nhiều giáo sư nổi tiếng, cùng nhiều sinh viên đa quốc tịch có năng lực xuất chúng và kinh nghiệm làm việc vững chắc. Thứ hai, nhờ việc thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, cùng với sự tư vấn tích cực từ các chuyên gia, đồng thời tăng cường mối tương tác giữa cộng đồng quốc tế với các công ty và tổ chức tại địa phương, đảm bảo cho các công ty mới khởi nghiệp nhận được nguồn vốn thích hợp và những hỗ trợ cần thiết để khởi nghiệp và hoạt động. Thứ ba, các hoạt động (sự kiện, hội nghị) về kinh doanh, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra hàng ngày tại Barcelona đã tạo ra nhiều cơ hội cho các ý tưởng khởi nghiệp được quảng bá rộng rãi; những kinh nghiệm, cảm hứng khởi nghiệp được truyền tải nhanh đến cộng đồng. Cuối cùng là, chính quyền thành phố tập trung xây dựng các hoạt động và công ty chuyên sâu về tri thức, đưa ra định hướng chuyển đổi từ công nghiệp sang dịch vụ.
Có thể thấy, từ kinh nghiệm của các nước đi trước, nhiều khu đô thị sáng tạo đã và đang phát huy mạnh mẽ vai trò hạt nhân của mình đối với nền kinh tế và tăng tính cạnh tranh của quốc gia trên thị trường quốc tế. Các các điểm chung của đô thị sáng tạo có thể nhận diện là: cơ sở hạ tầng thuận tiện, chính sách ưu đãi linh hoạt và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là những yếu tố chính tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo bền vững.
Như vậy, để hình thành một đô thị sáng tạo, cần phải giải quyết các bài toán: thách thức về hạ tầng cơ sở như ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường và không khí; tận dụng triệt để các lợi thế về vị trí địa lý, con người và văn hóa để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững và hiệu quả; xây dựng một nền kinh tế quốc gia vững mạnh với nguồn tài chính dồi dào để có đủ khả năng đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ ban đầu cho các dự án khởi nghiệp tiềm năng; xây dựng các chủ trương, chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay, không gian làm việc và các nhu cầu cơ bản khác cho doanh nghiệp; tạo điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực tri thức, vốn, năng lực của khu vực tư nhân; đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; tạo ra môi trường sống thân thiện và chất lượng để thu hút nguồn nhân lực trình độ cao từ các nơi; nâng cao chất lượng đào tạo đại học và tăng cường sự kết nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để đảm bảo nguồn cung nhân lực có trình độ, phục vụ tốt cho quá trình hình thành đô thị sáng tạo.
Để bắt kịp với thế giới, ngoài giải quyết các bất cập kinh tế - xã hội còn hiện hữu, Việt Nam cần phải thực sự đi tắt đón đầu, có lộ trình cụ thể, tầm nhìn chiến lược lâu dài và quyết tâm mạnh mẽ để vượt qua những thách thức và tận dụng tốt cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang lại.
Là hạt nhân để Việt Nam tiến vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, tại hội thảo “Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo TP.HCM” ngày 28/7/2018, đã đề cập đến việc xây dựng khu đô thị sáng tạo đầu tiên ở Việt Nam. Đặt nền tảng dựa trên tiền đề thuận lợi của 3 quận phía Đông TP.HCM (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức), trong đô thị sáng tạo mới, quận Thủ Đức sẽ là nguồn cung nhân lực chất lượng cao dồi dào (với 12 trường đại học, trên 12.000 tiến sĩ, giảng viên và 70.000 sinh viên); khu công nghệ cao tại quận 9 tọa lạc nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD sẽ là nơi đưa các thành tựu công nghệ cao ra ứng dụng vào thực tế sản xuất; và quận 2, với cốt lõi là trung tâm hành chính Thủ Thiêm, cung cấp hạ tầng cơ sở, tiện ích cho rất nhiều chức năng, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra. Sự kết hợp của 3 khu vực này sẽ hình thành một hệ sinh thái nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và đào tạo nhân lực chuẩn quốc tế. Thêm vào đó, với vị trí cửa ngõ kết nối của toàn vùng Nam bộ, có nhiều công trình giao thông trọng điểm đi qua như hầm sông Sài Gòn, Đại lộ Võ Văn Kiệt, cầu Thủ Thiêm,…tiềm năng phát triển to lớn để khu vực này trở thành một đô thị sáng tạo là không thể phủ nhận.