Đổi mới khu vực do chính phủ chủ đạo: nghiên cứu về Cụm công nghệ thông tin 'Pangyo' của Hàn Quốc
Nghiên cứu việc xây dựng hiệu quả ‘Thung lũng Công nghệ Pangyo’ (PTV), một khu vực đổi mới sáng tạo, do tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc) thực hiện. Bài viết đề cập đến bối cảnh lịch sử, thể chế và khu vực để làm rõ khái niệm khu vực sáng tạo qua các chỉ số về đổi mới. Đặc biệt, bài viết còn nghiên cứu về đổi mới trong chuỗi cung ứng ở PTV. Sự phát triển của PTV rất thú vị về mặt lý thuyết vì chính quyền địa phương đóng vai trò tích cực trong việc cung cấp nhiều ưu đãi về không gian làm việc gần Seoul. Bài viết chỉ ra các yếu tố giúp PTV thành công trong chiến lược khu vực đổi mới sáng tạo (RIS) và cách thức giúp chiến lược của chính quyền địa phương có thể vượt qua rào cản mà các chính sách phát triển khác của Hàn Quốc vẫn đang phải đối diện. Theo bài viết, đầu tư chiến lược cùng hỗ trợ hành chính của chính quyền tỉnh Gyeonggi và vị trí của bản thân PTV đã đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của PTV, với việc thu hút số lượng lớn các công ty và nhân lực ngành CNTT. Phát hiện này là một tham chiếu quan trọng về chính sách cho các nước đang phát triển khác đang mong muốn mô phỏng thành công của 'Thung lũng Silicon' nhưng vẫn chưa đạt được.
Nguyên bản: Sam Youl Lee, Meansun Noh & Ji Yung Seul. 2017. Government-led regional innovation: a case of ‘Pangyo’ IT cluster of South Korea. European Planning Studies,
Phát triển khu vực đổi mới sáng tạo: Kinh nghiệm của Gwanggyo Technovalley tại Hàn Quốc
Gyeonggi là một tỉnh quan trọng của Hàn Quốc, không chỉ về dân số, chính trị và văn hóa mà còn cả về công nghệ và sản xuất công nghiệp. Tất cả các công ty và nhà sản xuất ô tô lớn đều có trụ sở chính tại Gyeonggi. Gần đây, Gyeonggi đã đầu tư vào khoa học và công nghệ để nâng cao lợi thế cạnh tranh công nghệ. Gwanggyo Technovalley (GTV) là một trong những quyết sách lớn về KH&CN của chính quyền địa phương. Trong bài viết, quan niệm về khu vực đổi mới được đánh giá ngắn gọn và tình hình GTV năm 2010 được đánh giá trong bối cảnh đổi mới sáng tạo. Bài viết chỉ ra rằng, dù GTV có lợi thế tuyệt vời về vị trí, nhưng cũng còn khá nhiều điểm yếu, cũng như các vấn đề về chính sách phát triển tương lai. Ví dụ, cần phải chi tiết hóa nhiều nội dung trong kế hoạch tổng thể, như kế hoạch tiếp thị và toàn cầu hóa. Ngoài ra, cần xác định các khu công nghệ chuyên sâu. Mô hình GTV cho thấy các đặc điểm điển hình (hoặc một số cụ thể đối với tỉnh Gyeonggi) để phát triển một khu vực đổi mới sáng tạo. Nhiều nội dung cần phải tiếp tục thực hiện về quản lý cũng như cơ sở hạ tầng phần cứng để phát triển các vùng đổi mới sáng tạo cho khu vực.
Nguyên bản: Deok Soon Yim. 2013. Development of an Innovation Cluster in the Region: Experience of Gwanggyo Technovalley in Korea. Technopolis
Từ thành phố công nghiệp đến thành phố sáng tạo: các thách thức về chính sách phát triển và bài học Liepaja - Latvia
Bài viết phân tích chính sách và sự phát triển kinh tế của thành phố Liepaja trong thế kỷ 19, vốn vẫn còn ảnh hưởng đến các quá trình chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển đô thị cho đến ngày nay. Giống như với các thành phố công nghiệp khác, thành công của Liepaja bắt đầu vào đầu thế kỷ 19, với việc cho phép di dân tự do, khiến cho dân số thành phố gia tăng. Tiếp theo là việc xây dựng đường sắt đã giúp thành phố phát triển nhanh chóng. Đường sắt, bến cảng và tự do tiếp cận nguồn nhân lực đã tạo nên sự chuyển mình của thành phố công nghiệp này trong nửa sau thế kỷ 19, và đó cũng là cơ sở cho sự phát triển của Liepaja ngày nay. Hệ thống bến cảng và ngành công nghiệp vẫn đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Liepaja. Tuy nhiên, hiện nay số lượng dân số đang giảm và thành phố Liepaja có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở Latvia.
Các nghiên cứu trong bài gồm: “Những thay đổi, thách thức và vấn đề phát triển kinh tế của Liepaja khi chuyển từ thành phố công nghiệp sang thành phố có nền kinh tế phát triển dựa trên nhiều lĩnh vực, không chỉ là công nghiệp truyền thống”, “Nền kinh tế sáng tạo của Liepaja, thay đổi xã hội từ lao động thuần túy sang lao động sáng tạo để tái cấu trúc nền kinh tế ”,“Chính sách sáng tạo, hành động và quy trình xây dựng khu vực phát triển kinh tế sáng tạo, ngành công nghiệp sáng tạo, nghề sáng tạo và khu vực sáng tạo. Kết quả của nghiên cứu là các khuyến nghị để hoàn thiện các chính sách kinh tế cho thành phố sáng tạo và quy trình tạo ra khu vực sáng tạo trong cộng đồng”.
Nguyên bản: From Industrial City to the Creative City: Development Policy Challenges and Liepaja Case
Gia tăng các đô thị sáng tạo: vai trò của văn hóa và sáng tạo tại Copenhagen - Đan Mạch
Văn hóa và sáng tạo, được xem là phương tiện cho phát triển, luôn được đề cập trong các chính sách đô thị. Bài viết phân tích sự tương tác giữa văn hóa, sáng tạo và kế hoạch phát triển của thành phố, qua ví dụ về thành phố Copenhagen (Đan Mạch), nơi vốn có truyền thống liên kết văn hóa với tăng cường kinh tế đô thị. Nghiên cứu gần đây lại nhấn mạnh yếu tố xã hội trong các chính sách văn hóa đô thị hiện đại.
Bài viết cho rằng, sự sáng tạo trong chương trình phát triển đô thị đã làm thay đổi nhanh các nội dung của chính sách. Cả văn hóa và sáng tạo đã trở thành trung tâm của những nỗ lực để kích thích ngành văn hóa, công nghiệp sáng tạo và đưa thành phố lên tầm quốc tế, thu hút đầu tư và “Giới sáng tạo”.
Dõi theo quá trình phát triển này, bài viết trao đổi và chỉ ra những biến đổi tiềm ẩn trong hệ thống kế hoạch giúp Copenhagen chuyển đổi thành một thành phố sáng tạo.
Nguyên bản: The Rise of the Creative City: Culture and Creativity in Copenhagen
Chuyển dịch trong thành phố sáng tạo: trường hợp Liberty Village (Toronto, Canada)
Ngành công nghiệp sáng tạo đang ngày càng gắn liền với việc làm, du lịch; thu hút và giữ chân các nhân tài để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh đến những lợi ích liên quan đến chính sách thúc đẩy thành phố sáng tạo và những tác động về chính trị. Bài viết phân tích việc hình thành ngành công nghiệp mới tại Liberty Village (thành phố Toronto, Canada), với trọng tâm là các chiến lược xây dựng. Đặc biệt, bài viết khám phá một loạt các dịch chuyển liên quan đến các khu vực sáng tạo, tập trung đặc biệt vào ba quy mô: cấp độ thành phố, khu vực lân cận và vùng ngoại vi. Nghiên cứu các dịch chuyển này sẽ làm rõ các tranh luận về thành phố sáng tạo.
Nguyên bản: Geographies of Displacement in the Creative City: The Case of Liberty Village, Toronto
Nghiên cứu sự hình thành các thành phố sáng tạo ở Sơn Đông - Trung Quốc
Hệ thống đổi mới sáng tạo của thành phố thường có quan hệ với mạng lưới xã hội, cấu thành bởi các yếu tố đổi mới. Hệ thống đổi mới ở tỉnh Sơn Đông có đặc trưng là sự sắp xếp các tổ chức và thể chế thúc đẩy đổi mới liên tục của chính quyền tăng sức cạnh tranh quốc tế của thành phố. Điểm mấu chốt của việc thiết lập hệ thống đổi mới là gia tăng khả năng sáng tạo độc lập và tài năng của cá nhân. Khi động lực và nguồn sáng tạo là kỳ vọng, cần tập trung vào việc kích thích và khuyến khích các sáng tạo của nhân tài. Để thành lập các thành phố sáng tạo, cần có định hướng rõ rệt. Các phương pháp để hình thành hệ thống đổi mới của Sơn Đông được chỉ ra gồm:
- Hoàn thiện hơn nữa hệ thống quản lý của chính quyền.
- Xây dựng hệ thống đầu tư cho đổi mới và hệ thống an ninh cho tổ chức.
- Tạo ra môi trường tích cực và phát triển tài năng sáng tạo.
- Tăng cường hơn nữa việc thiết lập hệ thống đổi mới công nghệ.
- Đẩy nhanh việc thiết lập hệ thống dịch vụ đổi mới.
- Thúc đẩy xây dựng hệ thống công nghiệp sáng tạo khu vực.
- Hoàn thiện hệ thống sở hữu trí tuệ, tạo môi trường hỗ trợ mạnh để Sơn Đông trở thành một khu vực sáng tạo.
Nguyên bản: Research on the establishment of innovative cities in Shandong province