SpStinet - vwpChiTiet

 

Xử lý chất thải y tế - Lời giải từ công nghệ

Xử lý chất thải rắn và nước thải y tế nguy hại tại các cơ sở khám chữa bệnh đang là bài toán nan giải, do ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Để bảo vệ môi trường và giảm thiểu các tác động tiêu cực của rác thải y tế, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các giải pháp môi trường cho bệnh viện và phòng khám là hết sức quan trọng hiện nay.

Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường là 2 nguyên nhân chính gây giảm sút sức khỏe và chất lượng sống con người trong thời đại công nghiệp hóa. Sự ra đời của các phòng khám và bệnh viện tư nhân là xu thế tất yếu khi các bệnh viện công lập ngày càng trở nên quá tải và không đáp ứng kịp nhu cầu khám chữa bệnh ngày một tăng cao của người dân. Đi kèm với sự gia tăng về số lượng cơ sở y tế là các vấn đề về rác thải và nước thải phát sinh từ hoạt động khám chữa bệnh tại các cơ sở này.

Hiểm họa của chất thải y tế nằm ở chỗ có thể gây ra bệnh tật hoặc tổn thương cho con người do việc tiếp xúc với các vật sắc nhọn (kim tiêm, dao, kéo) có chứa các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm (như tụ cầu, HIV, viêm gan siêu vi,…). Bên cạnh đó, nước thải y tế nếu chưa qua xử lý, bị đẩy ra môi trường sẽ là nguồn gây dịch bệnh cho người và động vật khi sử dụng nguồn nước này vào mục đích tưới tiêu, ăn uống.

Theo thống kê của Cục quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), cả nước hiện có khoảng 13.500 bệnh viện và phòng khám tư nhân. Mỗi ngày các cơ sở này thải ra khoảng 450 tấn rác (trong đó có 47 tấn chất thải rắn nguy hại) và hơn 125.000m³ nước thải cần được xử lý đặc thù. Chưa kể đến một lượng rác khổng lồ từ hơn 1.000 cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở đào tạo y dược, sản xuất thuốc,...Số liệu về hệ thống xử lý nước thải tại các bệnh viện cho thấy, 88% số bệnh viện có hệ thống xử lý vẫn còn hoạt động tốt, 9,9% số bệnh viện có hệ thống xử lý đã xuống cấp hoặc không hoạt động và 2% số bệnh viện chưa trang bị hệ thống xử lý. Tuy phần lớn các bệnh viện đã có lò đốt để xử lý chất thải rắn, nhưng hầu hết đã xuống cấp, công nghệ xử lý cũ và không được bảo dưỡng định kỳ nên chưa đảm bảo được các tiêu chuẩn (nồng độ SO2, CO, NOx, bụi tổng, Pb,…) khí thải ra môi trường.

Bên cạnh đó, vấn đề xử lý chất thải tại các phòng khám tư nhân, các trạm y tế cấp huyện, xã, phường của nhiều tỉnh thành còn đang bị bỏ ngỏ và thiếu sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng. Thay vì ký kết hợp đồng với các đơn vị chuyên trách, đa phần các cơ sở này chỉ đóng gói rác thải y tế sơ sài trong bao hoặc thùng carton, sau đó đem đi xử lý theo hình thức thu gom như thông thường, đồng thời xả nước thải trực tiếp ra môi trường gây nguy hại cho sinh hoạt của người dân xung quanh.

Để giải quyết vấn đề, cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều động thái tích cực như: khuyến khích phân loại rác thải tại nguồn; tăng cường mời gọi, thu hút đầu của tư doanh nghiệp vào các dự án xử lý chất thải y tế quy mô cộng đồng,…Đặc biệt, phải kể đến việc tăng cường hỗ trợ cho các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm cải thiện thực trạng tác động đến môi trường của rác thải y tế hiện nay, ví dụ như: “Nghiên cứu chế tạo thiết bị xử lý nước thải y tế bằng phương pháp sinh học MBR – Nanotrên quy mô pilot, đặt tại khu xử lý nước thải của Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), sau đó đánh giá chất lượng nước thải đầu vào - đầu ra của hệ thống và hiệu quả xử lý của mô hình trong điều kiện vận hành thực tế; “Nghiên cứu chế tạo lò đốt chất thải y tế tiên tiến có bộ lọc khí thải bằng vật liệu xúc tác chứa đất hiếm thương hiệu CAMATvới mục tiêu hoàn thiện công nghệ chế tạo vật liệu xúc tác chứa đất hiếm và chế tạo lò đốt chất thải y tế cho bệnh viện tuyến huyện; “Xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng cây sậy tại Bệnh viện Nhân Áivà đánh giá hiệu quả xử lý nước thải của hệ thống dựa theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế QCVN 28:2010/BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Cộng đồng các nhà khoa học cũng chủ động đóng góp sức sáng tạo để tìm ra nhiều giải pháp hiệu quả để xử lý chất thải y tế và đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ, ví dụ như: Lò đốt và hệ thống xử lý rác thải y tế sử dụng lò đốt của tác giả Trịnh Đình Năng, có khả năng tạo ra nhiệt độ cao lên đến 1.6000C giúp đốt cháy triệt để các loại rác thải y tế nhờ việc kết hợp đầu đốt với thân lò; Lò đốt rác thải rắn y tế của tác giả Nguyễn Đức Quyền bao gồm buồng đốt sơ cấp, buồng đốt thứ cấp, ghi lò, thiết bị tách bụi kiểu xyclon, thiết bị trao đổi nhiệt, thiết bị rửa khí và hấp thụ và ống thổi; Thiết bị xử lý nước thải y tế của nhóm tác giả Hoàng Lương, Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Bá Thiều và cộng sự, bao gồm thùng chứa nước thải y tế, cột thiếu khí, cột hiếu khí, bơm định lượng, máy thổi khí và máy tạo ozone; “Hệ thống chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện bằng xúc tác quang kết hợp với hoạt hóa điện hóa” của nhóm tác giả Nguyễn Hoài Châu, Lê Thanh Sơn, Nguyễn Đình Cường và cộng sự với công dụng làm sạch không khí trong phòng kín của bệnh viện, cũng như các đồ vật và dụng cụ trong phòng thí nghiệm và xét nghiệm vi sinh.

Cùng hòa vào xu thế chung, nhiều trang thiết bị và công nghệ tiên tiến và giải pháp môi trường hữu ích cho ngành y tế cũng đang được đưa ra giới thiệu và chào bán tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM (địa chỉ www.techport.vn), đặc biệt là tại Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành Y tế - Giải pháp môi trường cho bệnh viện và phòng khám, sẽ diễn ra từ ngày 11-13/10/2018 (tại 79 Trương Định, Quận 1, TP.HCM) sắp tới. Có thể điểm qua một số công nghệ và giải pháp sẽ được giới thiệu tại sự kiện này như: Thiết bị xử lý rác thải y tế không đốt bằng công nghệ vi sóng" của Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Thiên Trường có khả năng tiêu diệt mầm bệnh và vi khuẩn có hại trong chất thải y tế lây nhiễm mà không cần phải đốt ngay tại nguồn; Thiết bị xử lý rác thải y tế ứng dụng công nghệ nhiệt ẩm do Công ty Giải pháp Môi trường WTM AB Việt Nam sở hữu, với khả năng khử trùng tuyệt đối các loại rác thải y sinh có nguy cơ lây nhiễm, độc hại cao và biến đổi chúng thành các loại rác thải sinh hoạt thông thường có thể lưu trữ và xử lý cùng với rác thải đô thị; Hệ thống xử lý nước thải bệnh viện, phòng khám ứng dụng công nghệ MBBR của Công ty TNHH Giải pháp Môi trường Đại Nam giúp gia tăng hiệu quả xử lý BOD, COD lên gấp 1,5–2 lần so với bể sinh học hiếu khí bình thường; và rất nhiều thiết bị hiện đại khác như "Thiết bị xét nghiệm nhanh chất lượng tế bào" của Công ty TNHH BCE Việt Nam, dùng trong xét nghiệm máu huyết học, phục vụ công tác chẩn đoán và phát hiện các bệnh lý thiếu máu, hiện tượng viêm nhiễm, khối u ác tính… trong cơ thể người; "Hệ thống gây mê kèm thở" của Công ty Cổ phần Trang thiết bị Y tế Nguyên Quốc cho phép hỗ trợ gây tê linh hoạt, tiết kiệm chi phí để thực hiện và giám sát gây tê đường hô hấp, ...và nhiều chủng loại trang thết bị dùng cho phòng thí nghiệm y tế như máy khuấy từ gia nhiệt, máy đồng hóa và nghiền mẫu, hệ thống cô quay chân không và máy lắc mẫu,…

Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành Y tế - Giải pháp môi trường cho bệnh viện và phòng khám là hoạt động do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Hội Thiết bị Y tế TP.HCM tổ chức nhằm tăng cường hỗ trợ kết nối chuyển giao công nghệ trong hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc và phục hồi sức khỏe, xử lý môi trường giữa các doanh nghiệp khoa học công nghệ và đơn vị hoạt động trong ngành y tế tại TP.HCM và các tỉnh/thành khu vực phía Nam.

Phát triển kinh tế đi kèm với bảo vệ môi trường là một trong những tôn chỉ hàng đầu của nhiều quốc gia để hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững. Giải pháp hiệu quả nhất để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đời sống để hạn chế phát thải, thì sử dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề môi trường hiện hữu, ví dụ như rác thải y tế, là rất cần thiết. Công việc này cần có sự chung tay, góp sức của tất cả các cơ quan quản lý cũng như các nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng để đưa nhanh, phát huy hết hiệu quả của các kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn.