SpStinet - vwpChiTiet

 

Xử lý chất thải rắn đô thị

Là một đô thị lớn tại Việt Nam, đóng góp 30% tổng GDP cả nước, cùng với quá trình công nghiệp hóa là sự gia tăng dân số, Thành phố Hồ Chí Minh hàng ngày phải đối mặt với bài toán nan giải – chất thải rắn. Cần có những phương pháp xử lý triệt để nhằm giảm thiểu gánh nặng cho môi trường và tạo điều kiện sống tốt hơn cho cư dân.

Thông thường, trong công tác quản lý chất thải rắn, thứ tự ưu tiên xử lý chất thải là: Giảm thiểu phát thải - Tái sử dụng - Tái chế - Xử lý - Tiêu hủy.

Tùy theo công nghệ áp dụng, chi phí xử lý sẽ khác nhau. Có công nghệ xử lý với chi phí thấp nhưng trong quá trình xử lý lại phát sinh ra ô nhiễm thứ cấp. Có công nghệ xử lý hiện đại, chi phí vận hành cao nhưng xử lý an toàn, không gây mùi, không phát sinh ô nhiễm thứ cấp.

Ở các nước đang phát triển, trong đó có nước ta, các phương pháp xử lý chất thải rắn thường được áp dụng theo nguyên tắc: các chất thải rắn sinh hoạt có thành phần hữu cơ (chiếm tỷ lệ lớn) được tận dụng để sản xuất phân hữu cơ; các thành phần khó phân huỷ sinh học nhưng dễ cháy (giẻ rách, nhựa, cao su…) không còn khả năng tái chế thì có thể áp dụng phương pháp đốt để giảm thể tích; chất thải xây dựng và các thành phần không cháy được (như vỏ ốc, sành sứ…) được đưa đi san nền hoặc chôn lấp trực tiếp ở bãi chôn lấp. Tuy nhiên, trong thực tế, do quá trình phân loại rác thực hiện chưa đồng bộ nên chỉ có một phần rác thải sinh hoạt được ủ sinh học, phần còn lại vẫn chôn lấp ở các bãi rác tập trung.

Phương pháp thiêu đốt

Phương pháp thiêu đốt được sử dụng rộng rãi ở một số nước như Nhật Bản, Đức, Thuỵ Sĩ, Hà Lan, Đan Mạch…, là những nước có đất đai dành cho các khu thải loại rác hạn chế. Phương pháp xử lý bằng thiêu đốt đòi hỏi chi phí xử lý khá cao, nhưng thường áp dụng để xử lý rác thải độc hại như rác thải y tế và công nghiệp vì xử lý tương đối triệt để chất gây ô nhiễm. Xử lý khói thải sinh ra từ quá trình thiêu đốt là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Tùy theo thành phần khí thải, các phương pháp xử lý phù hợp có thể được áp dụng như phương pháp hoá học (kết tủa, trung hòa, ôxy hóa…), phương pháp hóa lý (hấp thụ, hấp phụ, điện ly), phương pháp cơ học (lọc, lắng)…

Trong nước cũng có những nghiên cứu ứng dụng phương pháp thiêu đốt để xử lý chất thải rắn như: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong việc xử lý rác thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp đốt thu hồi nhiệt phát điện” của tác giả Hoàng Đức Hạnh; “Thiết kế chế tạo các thiết bị và hệ thống xử lý rác thải cho các thành phố và trung tâm công nghiệp” của tác giả Nguyễn Xuân Nguyên; “Thiết kế chế tạo lò đốt rác thải rắn y tế công suất 30kg/giờ cho TP.HCM”, lò có chất lượng cao, công nghệ hiện đại nhưng giá thành chỉ bằng khoảng ½ - 1/3 so với giá nhập ngoại, của tác giả Đào Văn Lượng; “Nghiên cứu ứng dụng quá trình nhiệt phân để xử lý thành phần hữu cơ trơ trong chất thải rắn sinh hoạt tại TP.HCM theo hướng sản xuất vật liệu” của tác giả Nguyễn Quốc Bình. 

Nhiều sản phẩm công nghiệp để xử lý chất thải rắn cũng đã được các doanh nghiệp cung ứng, ví dụ như: các “Lò đốt rác thải sinh hoạt”, “Lò đốt rác thải công nghiệp”, “Lò đốt rác thải y tế” của Công ty Cổ phần Công nghệ T-Tech Việt Nam; “Lò đốt rác mini” của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Việt Mỹ; “Hệ thống xử lý rác di động” của Công ty Cổ phần F471,…

Phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh

Chôn lấp là phương pháp phổ biến và đơn giản nhất, hiện vẫn còn được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới, cho đối tượng chất thải rắn là rác thải đô thị không sử dụng để tái chế, tro xỉ của các lò đốt, chất thải công nghiệp. Phương pháp chôn lấp cũng thường áp dụng để chôn lấp chất thải nguy hại, chất thải phóng xạ ở các bãi chôn lấp có thiết kế đặc biệt cho rác thải nguy hại. Chôn lấp hợp vệ sinh kiểm soát sự phân hủy của các chất rắn khi chúng được chôn nén và phủ lấp bề mặt.

Phương pháp ủ sinh học

Quá trình ủ sinh học áp dụng đối với chất hữu cơ không độc hại, lúc đầu là khử nước, sau là xử lý cho tới khi nó thành xốp và ẩm. Độ ẩm và nhiệt độ được kiểm soát để giữ cho vật liệu luôn ở trạng thái hiếu khí trong suốt thời gian ủ. Quá trình tự tạo ra nhiệt riêng nhờ quá trình ôxy hoá sinh hoá các chất hữu cơ. Sản phẩm cuối cùng của quá trình phân huỷ là CO2, nước và các hợp chất hữu cơ bền vững như lignin, xenlulo, sợi…

Liên quan đến ủ sinh học, trong nước cũng có nhiều nghiên cứu ứng dụng để xử lý chất thải rắn như: “Xác định khả năng phân hủy và động học của chế phẩm NBI, tìm điều kiện để nhân giống vi sinh vật phù hợp với xử lý rác thải sinh hoạt tại TP.HCM” của các tác giả Nguyễn Văn Khanh và Trần Thị Thanh; “Hiệu quả của chế phẩm vi sinh vật đến xử lý rác thải sinh hoạt, phế thải mùn mía làm phân bón cho cây trồng” của tác giả Nguyễn Xuân Thành; “Nghiên cứu công nghệ xử lý rác sinh hoạt sau phân loại và chất thải công nghiệp chế biến thực phẩm để sản xuất phân hữu cơ bán thành phẩm chất lượng cao” của tác giả Trần Kim Qui; “Nghiên cứu khả năng sinh khí sinh học từ hỗn hợp chất thải rắn hữu cơ và chuyển đổi động cơ máy phát điện chạy diesel sang chạy hỗn hợp biogas và diesel” của tác giả Lê Thị Kim Oanh; “Xử lý chất thải rắn bằng công nghệ methan hóa” của tác giả Lê Long,…

Phương pháp tái chế chất thải rắn

Hoạt động tái chế đã có từ lâu ở Việt Nam. Các loại chất thải có thể tái chế như kim loại, đồ nhựa và giấy được các hộ gia đình bán cho những người thu mua đồng nát, sau đó chuyển về các làng nghề. Công nghệ tái chế chất thải tại các làng nghề hầu hết là cũ và lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém, quy mô sản xuất nhỏ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở một số nơi. Nhìn chung, hoạt động tái chế ở Việt Nam không được quản lý một cách có hệ thống mà chủ yếu do các cơ sở tư nhân thực hiện một cách tự phát.

Các nhà khoa học trong nước đóng góp vào công tác tái chế chất thải rắn với những nghiên cứu như: “Nghiên cứu các giải pháp công nghiệp và quản lý phù hợp để thu hồi, tái chế, xử lý và thải bỏ an toàn một số loại hình chất thải công nghiệp nguy hại điển hình tại khu vực TP.HCM” của tác giả Lê Thanh Hải; “Nghiên cứu ứng dụng quá trình nhiệt phân để xử lý thành phần hữu cơ trơ trong chất thải rắn sinh hoạt tại TP.HCM theo hướng sản xuất vật liệu” và “Nghiên cứu ứng dụng quá trình nhiệt phân kết hợp với khí hóa một số loại chất thải để thu nhiên liệu” của tác giả Nguyễn Quốc Bình; “Nghiên cứu tận dụng chất thải rắn lông heo khó phân hủy từ các lò giết mổ gia súc thành sản phẩm có ích” của tác giả Nguyễn Phước Cảnh Phát; “Nghiên cứu tái chế photoresist phế thải làm phụ gia biến tính cao su nhựa kỹ thuật” của tác giả Vương Việt Quang,…

Theo xu thế chung về xử lý chất thải rắn trên thế giới, trong tương lai, công nghệ chôn lấp sẽ “không còn chỗ đứng”, các công nghệ tái chế sẽ được triển khai ứng dụng mạnh hơn, tùy theo loại hình chất thải. Đặc biệt, công nghệ nhiệt phân sẽ được ứng dụng rộng rãi vì cho phép xử lý rất triệt để và giảm thể tích nhất, so với các phương pháp khác.