Hiện nay mô hình buôn bán tại các chợ và cửa hàng nhỏ vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Mỗi dịp Tết nguyên đán gần kề, các mặt hàng đặc trưng Tết như bánh chưng, giò chả, thịt heo, gà, rau xanh, mứt, bánh kẹo, nước giải khát,… được bày bán khắp các chợ, cửa hàng tạp hóa, và thậm chí, trên cả hè phố. Ngoài việc nhiều người tiêu dùng ưa chuộng tính tiện lợi và giá cả rẻ, khâu kiểm định ban đầu còn nhiều lơi lỏng nên việc nhập hàng hóa tại chợ và các điểm bán nhỏ lẻ khá đơn giản và nhanh chóng, cũng là lợi thế khiến cho loại hình này phát triển mạnh. Đồng thời, điều này cũng khiến cho tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng phức tạp và khó kiểm soát.
Mặc dù người tiêu dùng ngày càng có xu hướng thận trọng hơn trong lựa chọn thực phẩm, nhưng để đến được tay người dùng, thực phẩm đã đi qua nhiều công đoạn chế biến khác nhau. Vì vậy, để nhận biết thực phẩm sạch hay bẩn bằng mắt thường là việc bất khả khi. Song song đó, vấn nạn hàng giả, hàng nhái núp bóng thương hiệu nổi tiếng, thực phẩm không rõ ràng về chất lượng và nguồn gốc được ngụy trang ngày càng tinh vi cũng gây ra nhiều nguy cơ cho sức khỏe và khó khăn cho các cơ quan quản lý.
Trong năm 2017, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 3.800 người mắc. Số người tử vong do ngộ độc thực phẩm là 24 người, tăng 12 người so với năm 2016, trong đó có 11 người ngộ độc methanol trong rượu, 10 người do độc tố tự nhiên (cá nóc, cóc…) và 3 trường hợp chưa xác định nguyên nhân. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2018, Thanh tra Bộ Y tế đã kiểm tra 351.128 cơ sở, phát hiện 68.362 (19,5%) cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm trên cả nước, trong đó phạt tiền 13.017 cơ sở với số tiền lên đến 35,4 tỷ đồng. Nguyên nhân xử phạt đều tập trung vào các sai phạm như thiếu dụng cụ, trang thiết bị, điều kiện vệ sinh kém và vi phạm về con người. Ngoài ra, nhiều cơ sở còn vi phạm về việc ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Cho nên, với tình hình thực phẩm hết sức phức tạp, việc đảm bảo cho người dân có nguồn thực phẩm sạch sử dụng trong dịp tết Kỷ Hợi 2019 là việc cần đặt lên hàng đầu.
Vừa qua, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cũng đã ban hành Kế hoạch số 1350/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 7/12/2018 về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân 2019. 12 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ trung ương đến cấp xã phường đã được thành lập để tập trung vào các mặt hàng có yếu tố nguy cơ cao và được tiêu thụ nhiều, mục đích nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết 2019.
Đóng góp vào nỗ lực chung nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm cung cấp đến tay người tiêu dùng, nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào lĩnh vực chế biến thực phẩm và kiểm tra chất lượng thực phẩm đã được đầu tư thực hiện. Trong đó, nổi bật là các đề tài như: “Nghiên cứu các đặc tính công nghệ hấp hạt điều bằng hơi bão hoà và thời gian lưu trữ sau hấp nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình chế biến hạt điều” qua quá trình khảo sát thực trạng tại 100 cơ sở chế biến hạt điều tại miền Trung và miền Nam, Việt Nam; “Nghiên cứu chế biến các sản phẩm ăn liền nghêu, chả giò, há cảo trong điều kiện chân không” cho thành phẩm chất lượng cao và hương vị thơm ngon ở quy mô 10 kg/mẻ; “Nghiên cứu chế tạo thiết bị tiệt trùng dùng vi sóng cho dây chuyền thực phẩm – nước yến đóng chai” cho sản phẩm chất lượng tốt, năng suất cao và giá thành thấp thay thế cho thiết bị ngoại nhập; “Nghiên cứu chế tạo bộ kit phát hiện nhanh hàn the trong thực phẩm” từ phương pháp chuẩn của Hiệp hội các nhà phân tích (AOAC); “Nghiên cứu chế tạo cột sắc ký ái lực miễn dịch dùng phân tích kháng sinh chloraphenicol trong một số nền mẫu thực phẩm phức tạp” với tính chính xác cao, độ nhạy tốt và cấu tạo đơn giản, góp phần nâng cao khả năng phân tích của phòng thí nghiệm;…
Do tính cấp thiết và khả năng ứng dụng cao trong xã hội, nhiều sáng chế ở lĩnh vực chế biến mặt hàng thực phẩm Tết cũng đã được các tác giả, chủ sở hữu đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Cục Sở hữu trí tuệ, hứa hẹn chuyển giao rộng rãi các sáng chế tiềm năng đến với cộng đồng như: “Sản phẩm bánh kẹo được tẩm socola” cho cảm giác xốp và ngọt dịu của tác giả Maya Ishikawa, Toshiyuki Koyama và cộng sự; “Bánh kẹo nướng và quy trình sản xuất bánh kẹo nướng này” bằng cách nướng trên cơ sở chất béo và chứa quả hạch của tác giả Hiroyuki Utsunomiya, Takashi Katagiri và cộng sự; “Phương pháp sản xuất bánh tráng cuốn chả giò, bánh tráng cuốn chả giò được sản xuất bằng phương pháp này và chả giò thu được bằng cách sử dụng bánh tráng cuốn chả giò này” với nguyên liệu chính là bột ngũ cốc chứa protein trứng được phân hủy bằng enzym của tác giả Kana Okubo, Takao Nagai và cộng sự; “Hỗn hợp nước ép hoa quả họ cam quýt và phương pháp duy trì các thuộc tính cảm giác mùi vị trong đồ uống này” bằng cách bổ sung thêm chất chống oxi hoá tan trong dầu tocopherol của tác giả Cindy L. Hart, Kristin Parshall và cộng sự; “Nguyên liệu tẩm ướp cho thịt hoặc hải sản, phương pháp chế biến chúng và thịt hoặc hải sản chứa chúng” giúp tăng hiệu suất chế biến, khả năng giữ nước, hương vị và màu sắc của thịt và hải sản của tác giả Nathan Ryan Smit, Jerry Eart Cannon và cộng sự; “Phương pháp và thiết bị chế biến cá, gia cầm và thịt” giúp làm giảm sự nhiễm bẩn khi vận chuyển sản phẩm giữa các trạm chế biến của tác giả Mark Terry;…
Dĩ nhiên, để việc ứng dụng thành quả khoa học công nghệ có thể giải quyết được triệt để tình trạng thực phẩm bẩn, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở trách nhiệm và lương tâm người sản xuất, kinh doanh, cũng như việc trang bị kiến thức về các quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, để phòng chống hiệu quả nạn thực phẩm bẩn, cũng cần phải đẩy mạnh các khâu tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.