Không khí trong nhà, đặc biệt là các văn phòng sử dụng thiết bị điện (máy tính, máy in, máy điều hòa,…) lâu ngày, chứa nhiều chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe mà mắt thường không nhìn thấy. Việc đặt cây cảnh trong nhà, văn phòng,… giúp cải thiện tâm lý căng thẳng, giảm bớt áp lực cuộc sống và công việc. Ngoài ra một số cây trồng còn giúp giảm tiếng ồn, hạ nhiệt độ, tăng nồng độ O2 trong không khí, khiến cho môi trường sống và làm việc tích cực hơn. Xin giới thiệu một số loại cây cảnh văn phòng dễ trồng và chăm sóc:
1. Lưỡi hổ
Cây lưỡi hổ sinh ra khí O2 thanh sạch vào ban đêm, hấp thụ CO2, một sự đảo ngược của quá trình tổng hợp oxy của hầu hết loài cây. Cây lưỡi hổ phát triển trong điều kiện ánh sáng thấp và cần ít nước nên phù hợp đặt ở nhiều góc trong nhà, có thể đặt cạnh các khu vực máy in, máy photocopy trong văn phòng giúp làm sạch không khí.
Cách trồng và chăm sóc:
Nhân giống lưỡi hổ bằng cách tách bụi cây nhân lúc thay chậu đối với cây già và có viền màu vàng, hoặc giâm bằng những khúc lá. Có thể giâm lá từ mùa xuân đến cuối mùa hè. Chọn một lá non, khỏe và có màu đẹp, cắt ngang sát gốc. Cắt lá thành từng khúc dài 5 cm và để nó tự liền sẹo. Chôn các khúc lá khoảng một nửa vào chậu có trộn hỗn hợp cát và than bùn ẩm. Đặt chậu vào nơi có ánh sáng mạnh và tưới rất ít.
Cây nên trồng ở nơi có nhiệt độ ôn hòa. Để đất khô đi hẳn trước khi tưới phía dưới chậu và cao dần lên trên. Vào mùa lạnh (hay mùa mưa) chỉ cần tưới 1 lần/tháng. Vào mùa xuân, khi rễ đã đầy cả chậu thì nên thay chậu. Bón phân cho cây 1 lần vào mùa xuân, bằng phân bón cây cảnh trộn sẵn.
2. Lan chi (Dây nhện)
Là loại cây có hình dáng nhỏ xinh, màu sắc trang nhã, dễ trang trí ở bất kỳ đâu trong nhà và văn phòng. Cây lan chi có khả năng loại bỏ nhiều chất độc hại (như formaldehyde, xylene, benzen, carbon monoxide), góp phần không nhỏ trong việc đem lại bầu không khí trong sạch, có lợi cho sức khỏe.
Đặc điểm của cây nan chi là ưa ẩm ướt. Hệ thống rễ của cây trữ nước tốt nên khả năng chịu hạn cao, vì vậy có thể tưới cây bằng cách phun lên lá để làm sạch chúng cũng được.
Cách trồng và chăm sóc:
Lan chi không kén đất, chi cần có độ ẩm, độ pH trong khoảng 6-7,5 là phù hợp. Cây có thể sinh trưởng ở nhiều loại đất khác nhau. Khi cây con bắt đầu mọc rễ là có thể để ngoài trời (nhưng phải để trong bóng râm, tránh tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp). Đối với cây trồng trong văn phòng và trong nhà, cần tưới cho cây 2 lần/tuần (cây trồng trong chậu đất), thay nước 1 tuần/lần (cây trồng trong nước).
3. Sống đời
Cây sống đời (còn gọi là cây lá bỏng) có nguồn gốc từ Madagascar. Khác hẳn với bề ngoài giản đơn của nó, cây sống đời có rất nhiều lợi ích. Nó tích nước trong phần thân lá, có tác dụng điều hòa không khí trong nhà, thích hợp trồng tại nơi có không khí khô thoáng.
Cách trồng và chăm sóc:
Trồng cây sống đời rất đơn giản, ta có thể trồng bằng cách tách cây con từ cây trưởng thành hay trồng bằng lá của cây. Đất trồng cây phải là đất tơi xốp, thoát nước tốt. Có thể trồng bằng đất thịt, đất cát có pha thêm mùn để tạo độ tơi xốp cho cây.
Việc tưới nước cho cây rất quan trọng. Cần tưới nước hàng ngày cho cây nhưng không được tưới quá nhiều. Do thân và lá hoa sống đời mọng nước, nên nếu tưới thừa nước sẽ dễ dẫn đến tình trạng thối gốc và lá.
Cũng cần lưu ý đến ánh sáng khi trồng. Cây có thể trồng trong nhà nhưng vẫn phải lưu ý cung cấp đủ lượng ánh sáng cho cây. Hàng ngày nên cho cây ra ngoài tắm nắng từ 1-2 giờ buổi sáng hoặc chiều, không nên đưa cây ra lúc giữa trưa khi trời còn nắng gay gắt.
4. Trầu bà
Cây trầu bà, tên khoa học là Scindapsus aures, dẫn đầu trong danh sách cây có khả năng giải tỏa các chất độc hại (như formaldehyde, carbon monoxide và benzen) trong không khí. Cây sống lâu và có tốc độ phát triển, sinh sôi nhanh chóng. Cây làm tươi mới không gian sống, nếu đặt cạnh các thiết bị điện tử sẽ hấp thụ các chất phóng xạ phát ra từ máy tính, tivi, máy in...
Cách trồng và chăm sóc:
Cây trầu bà ưa những loại đất tơi xốp, thoáng khí, giữ ẩm tốt, giàu dinh dưỡng. Có thể kết hợp với các loại phân chuồng hoai mục + đất trồng + than củi để lâu ngày. Nên đặt cây ở nơi có ánh sáng tự nhiên nhưng râm mát vì trầu bà là cây ưa bóng, phù hợp với cường độ áng sáng trung bình. Trồng trầu bà ngoài trời thì cần làm mái che để tránh cây bị vàng và cháy lá hoặc chết. Nhiệt độ sinh trưởng tốt nhất của cây trầu bà là 15-300C. Cây không chịu được lạnh nên khi trời lạnh cần đảm bảo nhiệt độ trên 80C. Nếu trồng thủy sinh để bàn thì không đặt ở sát cửa kính hoặc nơi có ánh nắng gắt chiếu vào. Mỗi tuần mang cây ra phơi nắng một lần vào sáng sớm khoảng 15-30 phút. Cắt tỉa rễ, lá bị hỏng, tránh thay nước trực tiếp vào chậu khi chưa lấy cây ra bên ngoài.
5. Lan Ý
Cây lan Ý còn được gọi là cây bạch môn, huệ hòa bình hoặc vĩ hoa trắng. Cây không chỉ có khả năng hút ẩm, mà còn cân bằng không khí và tiêu diệt các tế bào nấm mốc trong nhà.]
Cách trồng và chăm sóc:
Cây lan Ý nếu trồng cây trong nhà thì không cần phải mang cây ra đón ánh nắng thường xuyên. Nhưng nếu trồng ngoài trời thì tránh để cây tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời. Nhu cầu phân bón của cây không cao, nếu bón nhiều sẽ làm cây bị sốc phân (làm cây nhanh chết). Hàng tháng, bón một ít phân hữu cơ như phân trùn quế hay dynamic lilter, phun thêm B1 và phân bón lá là vừa đủ.
Lan Ý có khả năng chịu hạn tốt, nên không nhất thiết phải tưới nước thường xuyên. Khi thấy đất thật khô mới tưới nước cho cây. Chỉ nên tưới cây 1 lần/tuần. Là loài cây có sức sống rất mạnh mẽ, chỉ cần tách một cây lan Ý đem trồng vào một cái chậu khác là có thể có một chậu lan Ý hoàn toàn mới.
6. Vạn niên thanh
Vạn niên thanh với bộ lá “khủng” là loài cây có khả năng sinh trưởng tốt, tính thích nghi cao, rất phù hợp làm cây cảnh trong nhà, cây cảnh văn phòng, giúp lọc sạch không khí, mang đến không gian sự tươi mới. Cây sống tốt ở điều kiện mát, ít ánh nắng và có khả năng lọc bỏ dễ dàng các chất độc (như formaldehyde, benzene).
Cách trồng và chăm sóc:
Vạn niên thanh thường được nhân giống bằng cách giâm cành vào mùa xuân. Cắt một đoạn có độ dài khoảng 12-15 cm, sau đó cắm vào nền cát ẩm ở nhiệt độ môi trường khoảng 250C. Khoảng 4 tuần cây bắt đầu ra rễ và mọc chồi (2-3cm) thì tiến hành trồng cây vào trong chậu.
Vạn niên thanh là loài cây ưa sáng, nếu trồng trong nhà, văn phòng, muốn để cây phát triển tốt, cần chú ý các yếu tố:
- Tưới nước có độ ấm bằng nhiệt độ trong phòng. Mùa hè, mùa đông cần phải tưới nhiều nước hơn, đất quá khô hoặc quá ẩm sẽ làm cho cây xuất hiện đốm vàng trên lá. Vì vậy cũng cần phải phun đều nước trên mặt lá và tưới nước 1 lần/ngày. Chỉ nên tưới ẩm đất, không tưới đậm. Nếu tưới đậm sau nhiều ngày cây sẽ bị úng nước, thối rễ và chết dần.
- Trong thời kỳ sinh trưởng, để cây nhanh lớn cần phải bón phân. Số lần bón phân có thể từ 1-1,5 lần/tháng để cung cấp đủ dưỡng chất cho cây.
- Thỉnh thoảng xới đất để tạo độ tươi xốp, trong khoảng thời gian được 2 năm nên đảo chậu một lần, đồng thời cắt bỏ bớt những thân cây trụi lá để thúc đẩy quá trình ra chồi non.
- Nếu trồng trong nhà, cần phải cho cây phơi nắng 1-3 lần/tuần. Việc phơi nắng sẽ thúc đẩy quang hợp, đồng thời hạn chế sâu bệnh cho cây.
7. Lô hội (nha đam)
Cây lô hội tên khoa học là Aloe vera, phổ biến với chức năng làm đẹp, làm thức ăn, thuốc chữa bệnh, nhưng chức năng làm sạch không khí khá hiệu quả vẫn chưa được biết nhiều. Đặc biệt, những cây lô hội còn có khả năng hiển thị lượng ô nhiễm trong không khí vượt quá mức cho phép, thông qua những đốm nâu trên thân cây.
Cách trồng và chăm sóc:
Lô hội là cây chịu được khô hạn, nhưng không chịu được ngập úng, do đó phải chọn vùng đất thoáng xốp, tốt nhất là đất pha cát dễ thoát nước. Đều đặn 15 ngày/lần bón phân NPK cho cây xanh tốt. Lô hội có thể sống ở môi trường khô hạn, khắc nghiệt, nên không cần tưới nước quá nhiều. Đối với những cây mới trồng, tưới nước 1 lần/ngày, với lượng vừa đủ để cây phát triển. Khi cây con đã cứng cáp, bộ rễ ổn định, thì chỉ cần tưới 2 ngày/lần là phù hợp. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, nắng mưa mà có thể điều chỉnh lượng nước tưới cho phù hợp với nhu cầu của cây.
8. Thường xuân
Cây thường xuân, loại cây mảnh mai, mềm mại này được các chuyên gia từ tổ chức NASA đưa vào danh sách những “bộ máy” lọc khí tốt nhất, nhờ rất hiệu quả trong việc làm sạch không khí, loại trừ chất hóa học từ môi trường sống và làm mát không gian.
Cách trồng và chăm sóc:
Thường xuân có sức sống mạnh mẽ nên rất ít khi cần phân bón, chỉ cần tưới nước đầy đủ. Cây phát triển tốt khi được trồng bằng loại đất màu mỡ, tơi xốp, thoát nước tốt (có thể dùng hỗn hợp gồm: đất mùn và đất vườn hoặc đất mùn, than bùn, đất cát hạt nhỏ có bổ sung thêm phân bón lót để trồng). Thường xuân phát triển tốt ở cả nơi có ánh sáng mặt trời trực tiếp và trong phòng (không sống được ở nơi có ánh sáng yếu). Tuy nhiên, không nên để cây dưới nắng quá gắt. Nếu trồng Thường xuân trong nhà thì nên mang cây ra ngoài nắng 2 lần/tuần. Thường xuân là loài cây ưa ẩm, nhưng cũng không chịu được ngập úng. Vì thế, cần tưới nước thường xuyên, đảm bảo đủ độ ẩm để cây không rụng lá. Nhưng cần phải tránh tình trạng tưới quá nhiều làm cây bị úng, dẫn đến thối rễ. Nếu nhiệt độ thấp hoặc mưa nhiều thì nên hạn chế tưới. Cách tốt nhất là dung bình phun sương tưới trực tiếp lên trên bề mặt lá.
9. Tuyết tùng
Cây tuyết tùng hay còn gọi là cây bách Nhật Bản thường được trồng làm cây bonsai cỡ nhỏ trang trí trong nhà. Loài cây này giúp không khí trong nhà tươi mát, cung cấp độ ẩm, loại bỏ bụi bẩn. Thậm chí, chúng còn giúp giảm bớt triệu chứng đau đầu và đau nửa đầu. Tuyết tùng đòi hỏi trồng ở nơi có bóng mát và được tưới nước thường xuyên.
Cách trồng và chăm sóc:
Tuyết tùng phát triển tốt nhất nếu được trồng trên nền đất giàu dinh dưỡng, mùn. Có thể sử dụng hỗn hợp đất gồm: 60% xơ dừa, 30% trấu, 10% tro trấu. Cây ưa sáng toàn phần hoặc bán phần, thích hợp nhiệt độ phòng từ 25-300C. Đặt cây ở vị trí có khoảng 2-3 giờ ánh sáng tự nhiên trong phòng. Đây là loại cây háo nước, nên cần phải tưới nước hàng ngày, tưới đều nước lên thân và lá cây (không nên tưới quá nhiều, có thể sử dụng bình phun). Hòa đạm vào nước với nồng độ thấp để tưới cho cây, mỗi 1 lần/tuần. Sau mỗi tháng tăng dần lượng, sau khoảng 2-3 tháng thì sẽ tăng nồng độ.
10. Đa búp đỏ
Cây có khả năng hút bụi và các khí độc (như hydrogen fluoride, carbon monoxide, khói thuốc lá) thải ra môi trường.
Cách trồng và chăm sóc:
Đa búp đỏ là loài cây khỏe mạnh, phát triển nhanh, kháng chịu khắc nghiệt rất tốt. Cây ưa sáng hoặc chịu bóng bán phần, phát triển tốt trên đất giàu mùn trung tính hoặc hơi chua, dinh dưỡng ẩm và thoát nước tốt. Khi trồng đa búp đỏ vào chậu, công thức đất nên dùng là: đất thịt + đất mùn (xơ dừa, trấu hun, rơm rạ mục) + cát hoặc xỉ than + phân chuồng, phân hữu cơ hoai mục. Khoảng 1 tháng bón phân nhả chậm hoặc tưới phân pha loãng. Tưới cây 1 lần/tuần (không tưới nhiều nước) và cho cây tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khoảng 60 phút để tránh vàng lá, cây thiếu sức sống. Mùa xuân và mùa thu nên đem cây ra ngoài nuôi trong ánh sáng mặt trời, mùa hè đem cây vào phòng dưỡng, mùa thu giảm lượng phân tưới.
---------------------------------------------------
Bạn đọc quan tâm sâu đến trồng cây cảnh, có thể tìm hiểu qua nhiều tài liệu chuyên ngành mà Trung tâm Thông tin và Thông kê KH&CN TP.HCM đã thu thập và cập nhật, ví dụ như: Nghiên cứu tình hình sâu bệnh và biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại chính trên một số loại hoa và cây cảnh (hoa lan, hoa huệ và thiên tuế) tại TP.HCM; Kết quả nghiên cứu và phát triển giống hoa cây cảnh đuôi chồn đỏ (Alpinia purpurata); Tận dụng chất thải hữu cơ làm phân bón trồng hoa, cây cảnh; Tích hợp hệ thống tự động hóa trang trại trồng hoa cây cảnh trên nền tảng điện toán đám mây, Trồng cây cảnh theo phương pháp thủy canh, ...