SpStinet - vwpChiTiet

 

Thông tin cần biết về nCoV

Làm thế nào để bạn kiểm tra một người có nhiễm 2019-nCoV hay không? Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và các sở y tế nên làm gì? WHO đang làm gì?

Làm thế nào để bạn kiểm tra một người có nhiễm 2019-nCoV hay không?

Trả lời: Tại thời điểm này, các kiểm tra chẩn đoán chính xác 2019-nCoV chỉ có thể được tiến hành tại các cơ sở y tế được phép thực hiện xét nghiệm. Kỹ thuật xác định chủng 2019-nCov đó là kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Trong trường hợp người mới nghi nhiễm virus Corona, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định.

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và các sở y tế nên làm gì?

Trả lời: Về nguyên tắc điều trị bệnh, các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám ở khu riêng tại bệnh viện, được lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh. Ca bệnh cần nhập viện theo dõi và cách ly hoàn toàn. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh vì vậy chủ yếu điều trị triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác (nếu có).

Ngày 16/1/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 125/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV) cho tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc.

WHO đang làm gì?

WHO có một lịch sử lâu năm hỗ trợ các quốc gia trong việc phòng chống và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm tại khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm các dịch bệnh mới như cúm A(H7N9), A(H5N1) và SARS.

WHO sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các quốc gia và hỗ trợ những nội dung cần thiết để có thể hiểu rõ hơn về loại vi rút mới này, cũng như việc giám sát, phát hiện các ca bệnh và giúp ngăn ngừa lây nhiễm.

WHO đã triệu tập họp Ủy ban Khẩn cấp đối với 2019-nCoV. Việc này nghĩa là thế nào?

Ủy ban Khẩn cấp là một cuộc họp với các chuyên gia quốc tế nhằm cung cấp tư vấn chuyên môn cho Tổng Giám đốc của WHO để quyết định một sự kiện y tế công cộng có đủ điều kiện công bố là một “Sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu” (PHEIC) hay không.

Thuật ngữ Sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC) được định nghĩa trong Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) (2005) là một sự kiện được xác định khi:

  • Gây ra mối nguy cơ về y tế công cộng cho các quốc gia khác thông qua việc lây lan dịch bệnh quốc tế; và
  • Cần sự đáp ứng quốc tế có điều phối

Định nghĩa này phản ánh một tình huống: nghiêm trọng, bất thường hoặc ngoài dự đoán; mang theo những ảnh hưởng về y tế cộng cộng ra bên ngoài biên giới của quốc gia bị ảnh hưởng; và có thể đòi hỏi các hành động của quốc tế.

Tổng Giám đốc đưa ra quyết định cuối cùng về Sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu và các Khuyến nghị Tạm thời cho sự kiện đó, dựa trên tham vấn của Ủy ban Khẩn cấp, thông tin do các nhà chức trách quốc gia cung cấp, các chuyên gia khoa học và đánh giá nguy cơ đối với sức khỏe con người, nguy cơ lây lan quốc tế của bệnh và nguy cơ ảnh hưởng tới việc đi lại quốc tế.

Từ trước tới nay đã có 5 sự kiện PHEIC được công bố kể từ năm 2006 khi Điều lệ Y tế Quốc tế - IHR(2005) có hiệu lực, bao gồm: đại dịch cúm H1N1 (2009), Bại liệt (2014), Ebola tại Tây Phi (2014), Zika (2016), và Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Công gô (2019).

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đã triệu tập cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp về dịch bệnh do vi rút corona mới 2019 tại Trung Quốc và mộ số nước khác. Sau hai ngày họp, các thành viên của Ủy ban kết luận sự kiện này chưa đáp ứng điều kiện là một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC).

Ngày 27/1/2020 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ bệnh nCoV rất cao ở Trung Quốc (ở cấp quốc gia) và nguy cơ cao ở cấp khu vực và toàn cầu.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả