SpStinet - vwpChiTiet

 

Sáng chế mới của TP. HCM tháng 3/2017

 

 

Cơ cấu giúp động cơ đốt hết nhiên liệu 
 

Số bằng: 1-0016426. Ngày cấp: 26/12/2016. Tác giả và chủ bằng: Phạm Văn Quang. Địa chỉ: 125/16/6A Bùi Đình Tuý, phường 24, quận Bình Thạnh, TP. HCM.

 

Tóm tắt: cơ cấu giúp động cơ đốt trong và các đầu đốt dầu/ga đốt hết nhiên liệu, từ đó tiết kiệm nhiên liệu và giảm bớt khí thải vào môi trường. Cơ cấu này gồm hai bộ nam châm. Các bộ nam châm có các cặp cột nam châm được gắn lên đế đỡ bằng sắt (gọi là đế khép mạch từ). Mỗi cặp cột nam châm phối hợp với đế khép mạch từ tạo nên vùng có từ trường khép kín. Bộ nam châm thứ nhất có chiều từ trường ngược chiều với chiều chảy của nhiên liệu, bộ nam châm thứ hai có từ trường nhỏ hơn từ 2-3 lần so với bộ nam châm thứ nhất và có chiều thuận theo chiều chảy của nhiên liệu, cơ cấu này được lắp bọc bên ngoài ống dẫn nhiên liệu, sao cho nhiên liệu đi vào vùng từ trường của bộ nam châm thứ nhất trước, sau đó đi tiếp qua vùng từ trường của bộ nam châm thứ hai. Mỗi cặp cột nam châm nằm trên cùng một phía của đế khép mạch từ, được ghép tấm cách từ vào giữa để tạo thành một môđun nam châm.


Bộ phận tách lọc nước từ bùn lỏng/cát ngậm nước 
 

Số bằng: 1-0016525. Ngày cấp: 24/01/2017. Các tác giả: Đồng Xuân Dũng, Hoàng Thế Đức và Đinh Ngọc Thạch. Chủ bằng: Công ty Cổ phần Giải pháp Xây dựng HT. Địa chỉ: 439/46/7 đường số 10, phường 8, quận Gò Vấp, TP. HCM.

 

Tóm tắt: bộ phận tách nước từ bùn lỏng/cát ngậm nước đặt trên phương tiện vận chuyển, bao gồm: (i) Tấm tách nước (1), có lớp bề mặt tạo các lỗ bảo vệ vải lọc nước có tính thấm cao (nhằm tách nước khỏi bùn lỏng/cát ngậm nước). Vải lọc nước có thể có nhiều lớp; (ii) Hệ thống thu, chứa và xả nước có rốn (7) tập trung nước rồi dẫn bằng ống (4') về bình (8), van (9) và bơm nước (10) để xả nước ra ngoài; (iii) Ống tách nước chức năng giống tấm tách nước, gồm có ống ngoài và ống thu (4) được tạo các lỗ. Lớp vải lọc có tính thấm cao nhằm thu nước nhanh trong khối bùn lỏng rồi dẫn nước về phía tấm tách nước (1) hay rốn (7), có thể liên kết hoặc không liên kết với tấm tách nước (1).


Quy trình sản xuất trà thảo dược


Số bằng: 2-0001480. Ngày cấp: 10/01/2017. Tác giả: Lâm Như Phúc. Chủ bằng: Công ty Cổ phần Travi. Địa chỉ: 22/7 đường số 21, phường 8, quận Gò Vấp, TP. HCM.


Tóm tắt: quy trình sản xuất trà thảo dược bao gồm các bước: (i) Chuẩn bị nguyên liệu từ hương phụ, đinh hương, trà xanh và hoắc hương; (ii) Phối trộn nguyên liệu; và (iii) Đóng gói.
Trà thảo dược sản xuất theo quy trình này có thành phần và tỉ lệ bao gồm: hương phụ (20%), đinh hương (5-10%), trà xanh (65-70%) và hoắc hương (0-10%).

 

 

Quy trình sản xuất bột sữa dừa hòa tan


Số bằng: 2-0001484. Ngày cấp: 17/01/2017. Các tác giả: Lê Văn Việt Mẫn, Nguyễn Ngọc Đăng Khoa và Huỳnh Trung Việt. Chủ bằng: Đại học Quốc gia TP. HCM. Địa chỉ: Phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP. HCM.


Tóm tắt: quy trình sản xuất bột sữa dừa hòa tan có bước xử lý nhiệt chất bao protein trước khi phối trộn với chất bao gluxit để vi bao chất béo trong dịch sữa dừa. Việc xử lý nhiệt dung dịch chất bao protein làm biến đổi cấu hình không gian của các phân tử protein và làm cho quá trình vi bao chất béo trong sữa dừa tốt hơn, nhờ đó gia tăng hiệu suất thu hồi chất khô của công đoạn sấy phun và cải thiện chất lượng của sản phẩm bột sữa dừa.



Hệ cốp pha sàn với đầu chống để lại có khả năng tháo lắp nhanh và phương pháp tháo/lắp


Số bằng: 2-0001483. Ngày cấp: 17/01/2017. Tác giả: Nguyễn Phú Vinh. Chủ bằng: Công ty TNHH Cơ khí Phú Vinh. Địa chỉ: Số 6, đường Song Hành, khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. HCM.

 

Tóm tắt: hệ thống cốp pha sàn (1) đỡ các tấm cốp pha thi công sàn bao gồm: ít nhất hai cặp cụm chống (2) bao gồm phương tiện chống (24) và phương tiện đỡ (23) định vị được ở vị trí thứ nhất và vị trí thứ hai. Tấm cốp pha đỡ tấm cốp pha sàn (3) được đỡ bởi phương tiện đỡ (23). Các tấm cốp pha sàn (4) được đỡ tháo được nhờ các tấm cốp pha đỡ tấm cốp pha sàn (3). Vị trí định vị thứ nhất của phương tiện đỡ (23) là vị trí mà phương tiện chống (24), tấm cốp pha đỡ tấm cốp pha sàn (3) và các tấm cốp pha sàn (4) tạo thành bề mặt phẳng liên tục sẵn sàng để đổ bê tông thi công sàn. Vị trí định vị thứ hai của phương tiện đỡ (23) là vị trí phương tiện này nằm cách vị trí định vị thứ nhất, nhờ đó tấm cốp pha đỡ tấm cốp pha sàn (3) và các tấm cốp pha sàn (4) có thể được dịch chuyển xuống để bê tông có thể được đỡ trên các đầu chống để lại và lấy ra các tấm (3, 4) cho việc thi công sàn bê tông tiếp theo. Phương pháp tháo/lắp hệ thống (1) cũng được mô tả.


Bút viết bảng


Số bằng: 2-0001485. Ngày cấp: 24/01/2017. Tác giả: Hà Hán Mến. Chủ bằng: Công ty TNHH Văn phòng phẩm Hán Minh. Địa chỉ: 378 Hồng Bàng, phường 16, quận 11, TP.HCM.
 

Tóm tắt: bút dùng để viết trên bảng màu phục vụ việc giảng dạy và học tập bao gồm phần đầu bút và phần thân bút có khoang chứa mực. Phần đầu bút bao gồm vỏ (1) được lắp với phần thân bút viết. Vỏ có phần thấm giữ mực (2) lắp ở bên trong. Van chặn mực (3) nằm giữa khoang chứa mực của phần thân bút viết và phần thấm giữ mực. Van chặn mực được làm sao cho luôn đóng khi bút viết bảng không sử dụng, và mở ra khi đầu ngoài mũi viết (4.2) tỳ vào bảng. Phần mũi viết (4) có đầu trong mũi viết (4.1) và đầu ngoài mũi viết đều được làm tròn. Mũi viết được lắp vào phần vỏ (1) có thể tháo ra được, được bố trí tiếp xúc với phần thấm giữ mực. Đầu ngoài mũi viết dùng để viết lên bảng. Nhờ vậy, khi đầu ngoài mũi viết bị hỏng thì mũi viết sẽ được tháo ra và lắp theo chiều ngược lại vào trong phần vỏ, dùng đầu trong mũi viết để viết.


Hệ thống phát điện được dẫn động nhờ cơ cấu bập bênh 
 

Số bằng: 2-0001488. Ngày cấp: 24/01/2017. Tác giả và chủ bằng: Trần Văn Tuấn. Địa chỉ: 48/13 đường Tứ Hải, phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM.

 

Tóm tắt: thiết bị phát điện được dẫn động nhờ cơ cấu bập bênh bao gồm: thanh bập bênh (1) có hai đầu (A, B), hai trục khuỷu (2A, 2B), hai bánh đĩa (3A, 3B), hai xích (4A, 4B), hai ổ líp (5A, 5B) và một bánh quay (6). Khi có lực (F) tác động vào đầu (A hoặc B), ví dụ khi có bánh xe ô tô trong quá trình giảm tốc đi qua và đè lên đầu (A hoặc B) này của thanh bập bênh, sẽ dẫn động một đầu (A hoặc B) của thanh bập bênh đi lên và đầu kia đi xuống, nhờ đó dẫn động hai trục khuỷu (2A, 2B) chuyển động lên xuống. Hai trục khuỷu chuyển động lên xuống sẽ dẫn động hai bánh đĩa, hai sợi xích, hai líp và bánh quay quay. Khi bánh quay quay, sẽ dẫn động đinamô (7) quay và phát ra dòng điện.


TUẤN KIỆT, STINFO số 3/2017

Tải bài này về tại đây.


Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả