SpStinet - vwpChiTiet

 

Vừng ơi, mở ra


 

Có hàng triệu người trên thế giới sẵn sàng trả tiền cho một công nghệ giúp họ sử dụng smartphone. Vấn đề là chẳng ai làm điều đó cho họ… Mãi đến khi một startup ra đời tại Israel với tên gọi “Sesame” (Vừng).
 


2011 là năm khởi đầu một mối lương duyên. Khi chàng kỹ sư máy tính Oded Ben Dov giới thiệu trò chơi video điều khiển bằng đầu của mình trên truyền hình, anh không ngờ mình sắp gặp gỡ một đối tác làm ăn cực kỳ đặc biệt. Hôm sau điện thoại của Oded đổ chuông. Đầu dây bên kia là mộtngười đàn ông 50 tuổi với lời chào đầy thách thức: “Chào anh, tôi không thể cử động cả tay lẫn chân. Liệu anh có thể làm ra một chiếc smartphone mà tôi tự dùng được?”.
 

Đó là Giora Livne, luôn nổi bật giữa đám đông nhờ chiếc xe lăn như hình với bóng. Chín năm trước Giora ngã xuống từ một cái thang. Và trong tích tắc ông gần như bất toại với tứ chi bị liệt. Là một cựu đô đốc hải quân kiêm kỹ sư điện, con người mạnh mẽ ấy nhanh chóng ngừng than vãn. Giora bắt đầu sáng chế những tiện ích giúp cuộc sống mình dễ dàng hơn. “Nếu không ai làm điều đó cho tôi, tôi sẽ làm”, Giora tự nhủ. Nhưng khi nỗ lực tìm lại khả năng giao tiếp “bình thường” như mọi người, ông hoàn toàn thất vọng.

 


Hàng tỷ người đang dùng điện thoại thông minh, nhưng tôi không thể…


Giora kể lại trên Entrepreneur.com: “Tôi cũng giống mọi người. Tôi muốn nhắn tin cho bạn, muốn xem và chia sẻ ảnh lên Facebook, Instagram, muốn chơi trò chơi trên điện thoại. Tôi muốn thể hiện tình cảm với những người thân yêu bằng một cuộc gọi riêng tư, thân mật. Tôi muốn là thành viên tích cực của cộng đồngchứ không chỉ ở bên lề. Nhưng những tiến bộ công nghệ như smartphone khiến tôi bị bỏ lại phía sau…”.


Smartphone ngày nay không đơn thuần là một thiết bị điện tử. Nó là cánh cửa bước vào xã hội hiện đại, một xã hội với những tương tác ảo, những cách thức mua sắm và liên lạc dễ dàng. Một cái chạm khẽ và bạn sẽ có cả thế giới truyền thông vô tận nằm gọn trong tay. Nhưng với những người liệt tay như Giora điều đó là không thể. Hy vọng chỉ lóe lên khi Giora nhìn thấy Oded Ben Dov trên truyền hình. “Cảm ứng không cần tay! Người kỹ sư trong tôi lập tức hiểu rằng công nghệ này có thể biến đổi đời mình và những người không thể dùng tay khác, những người bại liệt, chấn thương cột sống, teo cơ xơ cứng, bị Parkinson, viêm khớp hay hội chứng ống cổ tay…”. Và Giora quyết tâm thuyết phục Oded cùng phát triển chiếc điện thoại cảm ứng không cần chạm đầu tiên trên thế giới.


Oded Ben Dov và Giora Livne.

 


Từ những việc cỏn con đến khởi sự doanh nghiệp


Ước mơ ban đầu của Giora rất đơn giản: một chiếc smartphone mình dùng được. Ông muốn tự đặt hoa tặng vợ, muốn tự gọi điện và nhắn tin. “Thất vọng lớn nhất của tôi là không thể gọi điện mà không cần trợ giúp”, Gioranói.


Miệt mài thử, rồi sai, rồi lại thử. Khao khát của Giora cùng sự kiên trì của Oded đã mang lại thành quả là mẫu điện thoại cảm ứng không cần chạm đầu tiên. Để bật máy, chỉ cần ra lệnh như trong cổ tích “Open, Sesame!” (Vừng ơi, mở ra!), camera trước sẽ kích hoạt để theo dõi chuyển động đầu. Sau 3-6 giây con trỏ hiện lên màn hình. Người dùng có thể lắc đầu để di chuyển con trỏ, hoặc nhấp trỏ bằng cách gật nhẹ và giữ nguyên trong 1,5 giây. Với sự xuất hiện của ngày càng nhiều thiết bị gia dụng nối mạng, công nghệ còn cho phép điều khiển nhiều vật dụng khác trong nhà.

Như Alibaba choáng ngợp với kho tàng sau cửa hang bí mật, Giora cũng choáng ngợp với những gì chiếc smartphone mang lại cho ông. “Tôi chưa bao giờ cảm thấy độc lập hơn”, ông sung sướng, “trời nóng tôi bật điều hòa, trời tối tôi mở đèn lên. Ngày kỷ niệm tôi đặt hoa cho vợ. Những việc có vẻ cỏn con với bạn, nhưng với tôi, chúng thay đổi cả cuộc đời”. Một món quà quan trọng khác mà Giora nhận được là sự riêng tư. Nhiều năm rồi ông mới được ở một mình tán gẫu qua điện thoại. Giờ đây ông thỏa thích giao tiếp với thế giới bên ngoài. Ông có thể thanh toán hóa đơn, mua hàng qua mạng, làm việc từ xa, thậm chí… điều hành một doanh nghiệp.


Tháng 5 năm 2013, Giora Livne cùng Oded Ben Dov khởi tạo doanh nghiệp tại Caesarea, Israel. Tên công ty là “Sesame Enable”, như một câu thần chú mở toang “cánh cửa” smartphone cho mọi người khuyết tật vận động. Oded Ben Dov là giám đốc điều hành, anh phải đóng cửa công ty riêng khi hợp tác với Giora. Liệu đánh đổi có thực sự đáng giá? Oded lý giải: “Công nghệ ngày nay tiến bộ đáng kinh ngạc nhưng lại hiếm thiết kế đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật”. Khởi sự lại với Sesame Enable, anh kỳ vọng công nghệ của mình sẽ mang lại sự bình đẳng cho mọi người. Với người lành lặn, công nghệ chỉ đơn giản giúp cuộc sống thêm dễ dàng. Nhưng với người khuyết tật, công nghệ có thể biến điều không thể thành có thể.



Shani Eskol, 12 tuổi, bị bại não, thực hiện cuộc gọi đầu tiên trong đời
cho mẹ bằng điện thoại Sesame.

 


Sesame Enable có gì mới?
 

Thực chất đây không phải mô hình smartphone hoàn toàn mới, mà là mẫu di động Nexus 5 của Google với hệ điều hành Android 7.0 được bổ sung công nghệ nhận dạng giọng nói và cử chỉ. Ban đầu, sản phẩm trọn gói có giá 1.200 USD gồm một điện thoại tích hợp sẵn công nghệ, nhưng không phải ai cũng đủ sức trả mức giá này. Do đó, Giora và Oded tìm cách phát triển dưới dạng ứng dụng đơn giản hơn. “Điều đó sẽ thay đổi tất cả”, Oded nói với tờ The Times của Israel, “tương lai, ứng dụng có thể biến mọi smartphone và máy tính bảng thành thiết bị nhận dạng cử chỉ đầu”.


Thị trường có không ít công nghệ tương tự cho người khuyết tật, nhưng Sesame Enable có hai điểm mạnh. Thứ nhất là dựa trên phần mềm, không phải bổ sung phần cứng tốn kém hay giới hạn phạm vi ứng dụng. Chỉ tích hợp thêm tính năng vào smartphone nên công nghệ của Sesame vừa tiết kiệm lại dễ phổ biến. Điểm mạnh thứ hai là giao diện nhận biết cử chỉ rất nhạy và linh hoạt. Giora và Oded đã cải tiến hệ thống nhiều lần để cả những người mắc chứng ALS hay Parkinson khó kiểm soát đầu cũng dùng được.


Dĩ nhiên Oded và Giora có thể mở rộng ra ngoài phân khúc người khuyết tật, nhưng hiện tại họ vẫn dồn sức cho thị trường này. Giora nói, “Còn quá nhiều việc phải làm nhưng lại quá ít công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực dành cho người khuyết tật”, hệ quả là một quốc gia khởi nghiệp hàng đầu như Israel cũng chỉ có 12% dân số thực sự hưởng lợi. Trong khi đó, giải pháp cho người khuyết tật là thị trường không hề nhỏ. Ngân hàng Thế giới ước tính khoảng 15% dân số thế giới là người khuyết tật, tương đương hơn 1 tỷ người. Nhưng vì đâu giới khởi nghiệp còn chần chừ? Bởi quá ít nhà đầu tư.

 


Giải pháp cho người khuyết tật, liệu có sinh lời?
 

Oded nhận định trên Venturebeat.com, ai cũng ủng hộ dùng công nghệ để giúp người khuyết tật nhưng ít ai tính chuyện đầu tư cho các startup này. Chung quy cũng bởi lợi nhuận. Chuyện gọi vốn của SesameEnable cũng không ngoại lệ, rất gian nan. Các quỹ mạo hiểm chỉ nhảy vào nếu thấy khả năng thu lại gấp 10, nhưng họ cho đây là thị trường “ngách”, phân khúc nhỏ, ít doanh thu. Do đó Sesame Enable phải tìm đến các trang gọi vốn cộng đồng như Indiegogo, các nhà đầu tư “thiên thần” và những “đại gia” hào phóng trong làng công nghệ. Sau cùng họ may mắn được chương trình tăng tốc khởi nghiệp A3i của Israel hỗ trợ, bên cạnh nguồn tài trợ từ những giải thưởng quốc tế như Michael Bloomberg's Genesis Generation Challenge (2015), Verizon Powerful Answers Award (2014) và Nominet Trust 100(2014). Năm 2015, Google cũng dành 1 triệu USD để Sesame Enable miễn phí smartphone không cần chạm cho mọi người có nhu cầu tại Israel. “Chúng tôi rất may mắn”, Oded thừa nhận, “nhưng không nhiều người được như vậy”.


Oded hy vọng nhà đầu tư sẽ nhận thức những doanh nghiệp xã hội như họ không phải từ thiện hay phi lợi nhuận. “Như mọi startup, chúng tôi vẫn tìm cách sinh lời, chỉ khác là chúng tôi đặt lợi ích xã hội lên trên”. Oded dẫn chứng, thiết bị thay thế xe lăn ReWalk và hệ thống nhận dạng ngôn ngữ ký hiệu Motion Savvy cũng là sản phẩm cho người khuyết tật nhưng thương mại hóa rất thành công. Còn về khả năng mở rộng thị trường, tương tự như các loại đường dốc di động – ban đầu chỉ dành cho xe lăn – giờ đây đang được dùng rộng rãi cho xe đẩy em bé, công nghệ của Sesame Enable cũng có thể thêm nhiều ứng dụng khác như trò chơi video hay bổ sung tính năng cho smartphone. Thử tưởng tượng, bạn có thể vừa lướt web đọc báo vừa nhào bột làm bánh.


Cuối cùng, Oded kết luận, những doanh nghiệp lớn như Microsoft hay Facebook thường chỉ nghĩ đến hoạt động xã hội sau khi đã thu lời hàng tỷ USD, kiểu làm ăn truyền thống là vậy. Nhưng sao phải chờ, khi có thể vừa giúp đỡ người khác, mà vẫn đạt mục tiêu kinh doanh của mình?


  
Sáng chế dành cho xe lăn cũng hữu ích cho các loại xe đẩy khác.

 

THẢO NHIÊN, STINFO số 11&12/2016

Tải bài này vềtại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả