Trung tâm mua sắm là nơi tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải nhiều khí thải nhà kính. Một số siêu thị tại Việt Nam đã ứng dụng khoa học và công nghệ cũng như cố gắng thay đổi “xanh hóa” thói quen tiêu dùng nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Từ thay đổi thói quen tiêu dùng
Túi nylon gây hiểm họa cho môi trường do phải mất hàng ngàn năm mới có thể tiêu hủy hoàn toàn. Tại TP. HCM, nhiều con số khác nhau được đề cập về lượng túi nylon thải ra, nhưng ít nhất phải đến 40-60 tấn/ngày. Để giảm thiểu số túi nylon cần dùng, các trung tâm mua sắm sử dụng nhiều giải pháp để thay thế như túi giấy, túi nylon tự hủy sinh học hoặc túi môi trường sử dụng nhiều lần…
Túi nylon tự hủy sinh học là loại túi có chứa phụ gia (ví dụ như chất độn tinh bột) giúp rút ngắn thời gian phân hủy chỉ trong vòng vài năm sau khi thải bỏ. Mặc dù có giá cao hơn vài chục ngàn đồng/kg so với túi nylon thông thường, nhưng các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Vinmart, Big C,… đã đồng loạt sử dụng sản phẩm này. Theo thông tin do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố về kết quả khảo sát tình hình sử dụng túi nylon thân thiện môi trường, đã có 90% kênh phân phối hiện đại (bao gồm hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại) đang sử dụng túi thân thiện môi trường.
Bên cạnh việc sử dụng túi thân thiện môi trường, hệ thống siêu thị Co.opMart còn đứng ra phát động chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh định kỳ vào tháng 6 hằng năm. Chiến dịch này hướng đến nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc ưu tiên chọn lựa sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Các sản phẩm đưa vào chương trình từ các DN được UBND TP. HCM chứng nhận Doanh nghiệp xanh; sản phẩm của các DN được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chứng nhận Thương hiệu xanh. Bên cạnh đó, cơ hội cũng mở ra với các DN chưa có được chứng chỉ "xanh" cùng tham gia, thông qua việc cam kết thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh đã và đang nhận được sự ủng hộ tích cực từ người mua hàng qua những con số hết sức ấn tượng: chỉ mới 6 năm tổ chức, đã có hơn 60.000 lượt tình nguyện viên tham gia chiến dịch; vận động được hơn 4 triệu lượt người dân cam kết hưởng ứng tiêu dùng xanh. Mức tiêu thụ sản phẩm của các DN xanh tăng lên từ 40-60% trong tháng diễn ra chiến dịch tại các hệ thống siêu thị Co.opmart.
Chọn mua sản phẩm doanh nghiệp xanh tại Co.opmart Bình Triệu. Nguồn: SGGP.
Đến thay đổi thiết kế tòa nhà để thân thiện hơn với môi trường
Không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm “xanh”, một số siêu thị tại Việt Nam còn ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau trong thiết kế tòa nhà nhằm tiết kiệm năng lượng (TKNL) sử dụng, giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường hơn, ví dụ như cải tạo hệ thống đèn, dùng đèn LED cho chiếu sáng và bảng hiệu; với hệ thống lạnh, thực hiện các biện pháp giảm hấp thụ nhiệt từ tường phía bên ngoài, trồng cây xanh, dây leo trên tường,… và các biện pháp bảo vệ môi trường khác.
Tại siêu thị Co.opmart Phú Nhuận, đã áp dụng đồng thời nhiều giải pháp như sử dụng các bóng đèn TKNL; bố trí các trang thiết bị: đèn, quạt, vi tính, điều hòa nhiệt độ,… hợp lý; sử dụng máy nước nóng bằng năng lượng mặt trời (NLMT); sửa chữa, thay thế các dây dẫn, thiết bị quá tải, phát nóng bằng các thiết bị mới tiết kiệm điện,… nhằm giảm thiểu tối đa năng lượng sử dụng. Theo tính toán, khi Co.opmart Phú Nhuận thay mới một phần hệ thống lạnh và thay thế các bóng đèn huỳnh quang bằng đèn LED sẽ tiết giảm được 5,93% điện năng tiêu thụ, giảm thải hơn 77 tấn CO2 mỗi năm.
Siêu thị Big C Thăng Long cũng thay mới các hệ thống đèn huỳnh quang bằng đèn TKNL; tận dụng tối đa ánh sáng và gió tự nhiên, chỉ sử dụng điều hòa khi cần thiết với nhiệt độ làm mát phù hợp; sử dụng vật liệu vách ngăn tường 3D giữ nhiệt; lắp biến tần cho máy bơm hệ thống trữ lạnh; lắp đặt bổ sung bồn trữ lạnh, hệ thống bình nước nóng NLMT, hệ thống giám sát và quản lý năng lượng;... Nhờ đó, tiết kiệm hơn 40% điện năng tiêu thụ hàng năm, tương đương hơn 1,5 tỷ đồng.
Một số siêu thị mới xây, ngay từ khâu thiết kế đã chọn vật liệu thích hợp và thiết kế theo hướng thân thiện môi trường. Điển hình là Trung tâm thương mại Green Square - Big C Dĩ An, sử dụng NLMT có quy mô đến 1.450 m2, cho công suất 213 KW, tạo ra lượng điện tương đương 230 MWh, thay thế được 7% tổng năng lượng tiêu thụ của tòa nhà, giảm phát thải ra môi trường trên 150 tấn CO2/năm. Ngoài ra, các hệ thống cửa giúp lấy ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng cùng với việc sử dụng đèn huỳnh quang T5 cho hệ thống chiếu sáng cũng góp phần giảm lượng tiêu thụ điện. Thiết kế của siêu thị cũng được cải tiến đặc biệt, với mái có cấu tạo gồm nhiều lớp, tường sơn màu trắng hệ số phản xạ thấp (0,84); hệ thống vòi nước hạn chế lưu lượng, dòng chảy tự động ngắt khi không có nhu cầu sử dụng; xử lý nước thải tại công trình để tưới cây,... Nhờ thiết kế theo tiêu chuẩn công trình xanh, lượng điện tiêu thụ trên mỗi mét vuông của Big C Dĩ An thấp hơn 20% so với các công trình khác.
Hệ thống phát điện sử dụng NLMT trên mái che khu vực giữ ô tô,
xe máy tại siêu thị Big C. Nguồn: Big C.
Trong tháng 7/2016, một mô hình siêu thị thân thiện môi trường khác cũng sẽ được giới thiệu tại TP. HCM là AEON Mall Bình Tân. Siêu thị xây dựng hệ thống phát điện sử dụng NLMT với tổng công suất 320 KW trên mái che khu vực giữ ô tô, xe máy. Dung lượng phát điện chiếm khoảng 83% dung lượng chiếu sáng đèn LED dành cho khu vực chung trong trung tâm mua sắm. Ngoài ra, siêu thị cũng sử dụng NLMT để vận hành bộ điều khiển kích hoạt hệ thống các thiết bị truyền tải thông tin cho cả trung tâm, giúp liên tục cập nhật thông tin đến khách hàng mà không lãng phí điện.
Hệ thống phát điện sử dụng NLMT trên mái che khu vực giữ ô tô,
xe máy tại siêu thị Aeon. Nguồn: Aeon.
Được biết, đây là một trong bốn hạng mục thi công của hệ thống thiết kế sinh thái (Eco system) ở siêu thị AEON Bình Tân. Để giảm hấp thu nhiệt từ bên ngoài, doanh nghiệp Nhật Bản này còn sử dụng loại bê-tông tấm AAC (Autoclaved Aerated Concrete) để làm vật liệu tường bên ngoài, đảm bảo khả năng cách nhiệt cao; sử dụng kính đôi cho các đèn trên cao để nâng cao tính năng cách nhiệt của toàn bộ tòa nhà. Siêu thị cũng bố trí các mảng cây xanh trên tường cùng với hệ thống kính hai lớp, nhờ vậy, không gian bên trong luôn được duy trì mát mẻ mà không tốn nhiều điện cho hệ thống làm lạnh. Ngoài ra, AEON Bình Tân còn sử dụng toàn bộ tủ trưng bày dạng TKNL; kiểm soát điều hòa không khí thông qua biến tần (inverter), kiểm soát nồng độ CO2 và điều chỉnh lượng không khí tiếp nhận từ bên ngoài tùy theo số lượng khách hàng; sử dụng hệ thống kiểm soát vận hành quạt làm mát và máy làm mát tuabin COP công suất cao, giúp đạt hiệu quả cao trong cắt giảm năng lượng sử dụng. Hệ thống đèn LED được lắp đặt cho khu vực chung, hệ thống ánh sáng và bảng hiệu bên ngoài điều khiển bởi các cảm biến và hệ thống điều khiển ánh sáng, giúp tiết kiệm đáng kể nguồn năng lượng dùng để chiếu sáng. Theo đại diện AEON: “Hệ thống đèn chiếu sáng cảm ứng thân nhiệt, chỉ mở khi có người qua lại. Từ bảng điều khiển, bộ phận kỹ thuật có thể chủ động tăng hoặc giảm từng đèn riêng lẻ trong cả hệ thống tại các khu vực có ít người qua lại. Như vậy, riêng với hệ thống ánh sáng thông minh này, ước tính mỗi năm AEON Bình Tân sẽ giảm thiểu khoảng 3.598 tấn CO2 thải ra môi trường, tương đương với mức thải CO2 của 2.248 hộ dân”.
HOÀNG MI, STINFO số 6/2016
Tải bài này về tại đây.