SpStinet - vwpChiTiet

 

Tăng trưởng nhờ đổi mới công nghệ hướng đến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ


 

Ngành nhựa Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do nhập đến 80% nguyên liệu, lại phải cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại nên lợi nhuận ngày càng thấp. Trong điều kiện bất lợi đó, năm 2015, Công ty Cổ phần Nhựa Rạng Đông lại nổi bật trên thị trường với lãi ròng đạt 60 tỷ đồng, vượt 36% kế hoạch. Để đạt con số tăng trưởng ấn tượng này, ngay lúc khó khăn, Nhựa Rạng Đông đã mạnh dạn đầu tư và đổi mới công nghệ để giữ thế cạnh tranh. 
 

 

Định vị thị trường công nghiệp hỗ trợ
 

Công nghiệp nhựa là ngành có khả năng tạo ra nhiều loại vật liệu có trọng lượng nhẹ, hình thức mẫu mã đẹp, cơ lý tính tương đương, có thể thay thế các vật liệu như sắt, thép, thủy tinh, gỗ, sành, sứ,... Vì vậy, sản phẩm ngành nhựa được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như: ống dẫn nước; màng phủ cây trồng; bao bì thực phẩm; các chi tiết, linh kiện ô tô; …


Bao bì nhựa của Công ty CP Nhựa Rạng Đông.
Ảnh: Hoàng Mi.


Năm 2015, doanh thu ngành nhựa Việt Nam đạt 13,9 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2014. Trong đó, doanh thu từ các sản phẩm hỗ trợ như bao bì nhựa chiếm 34% (khoảng 3,5 tỉ USD); sản phẩm nhựa cho ngành xây dựng chiếm 15% (khoảng 1,3 tỉ USD), nhựa kỹ thuật chiếm 9% (khoảng 0,8 tỉ USD).


Trong bối cảnh các ngành kinh tế của Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ, đã xuất hiện xu hướng liên kết ngành nhựa với các ngành khác như cơ khí, khuôn mẫu, điện tử, nội thất, thời trang;... Ví dụ như ngành may mặc có giá trị xuất khẩu lên đến 22,81 tỉ USD, ngành da giày đạt 12,01 tỉ USD, ngành thủy hải sản đạt 6,57 tỉ USD. Cả 3 ngành này đều có nhu cầu sử dụng phụ kiện làm từ nhựa như vật liệu giả da, bao gói;... Tuy vậy, sản phẩm nhựa Việt Nam vẫn còn “trống chân” trong thị trường nội địa. Đơn cử, 62% nguyên liệu cho ngành giả da được nhập khẩu, chỉ 38% được sản xuất từ các công ty trong nước!


Khảo sát gần đây của Hội Cao su - Nhựa TP. HCM về năng lực sản xuất của hội viên là các doanh nghiệp tham gia sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho hai ngành ô tô, xe máy và điện tử cho thấy, có đến 95% DN không đáp ứng về giá, 90% không đáp ứng về công nghệ, 90% không đáp ứng về quản trị. Xác định tầm quan trọng của ngành nhựa trong công nghiệp hỗ trợ (CNHT), mới đây, trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 03/11/2015 về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, một số sản phẩm, linh kiện nhựa và sản phẩm vải giả da đã có trong danh mục ưu tiên phát triển.


Nhận diện tiềm năng của ngành CNHT, Nhựa Rạng Đông đã tập trung đầu tư theo hướng phát triển sản phẩm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp khác. Công ty đang sản xuất 5 dòng sản phẩm gồm bao bì nhựa mềm, giả da, màng nhựa, tôn ván nhựa và áo mưa, bạt phủ xe. Trong đó, bao bì nhựa và giả da là 2 nhóm sản phẩm chính hiện nay. Ông Hồ Đức Lam, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Rạng Đông cho biết: “Trong vài năm gần đây, định hướng phát triển ngành CNHT đã và đang trở nên nóng bỏng, bức thiết với minh chứng thể hiện qua chính sách của các Bộ, các nhà quản lý và sự chuyển dịch của các doanh nghiệp để đón đầu các xu thế này, trong đó có các doanh nghiệp nhựa của Việt Nam. Nhựa Rạng Đông cũng không ngoại lệ.”
 


“Luôn luôn tốt hơn” để phát triển
 

Những năm 60, Nhựa Rạng Đông đã có cách đi riêng của mình, trong đó mục tiêu là cung cấp các sản phẩm nhựa và giả da cho thị trường. Ở thời điểm đó, Nhựa Rạng Đông đã nhập khẩu các máy cán, dây chuyền máy tráng đầu tiên từ Nhật Bản và Đài Loan để sản xuất các loại giả da PVC, màng mỏng PVC. Đầu năm 2006, cả công ty chỉ có 4 hệ thống thiết bị sản xuất, cái cũ nhất là máy tráng, sản xuất là từ năm 1963; mới nhất là máy cán cũng đã được sản xuất từ năm 1999. Do đó, quá trình sản xuất tiêu hao nhiều nhiên liệu, giá thành cao, làm giảm khả năng cạnh tranh, khiến lợi nhuận của Nhựa Rạng Đông rất thấp, có năm chỉ đạt 1% doanh thu.


Để khắc phục yếu kém và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của ngành sản xuất bao bì, với phương châm hoạt động “luôn luôn tốt hơn”, Nhựa Rạng Đông đã mạnh dạn đổi mới, đầu tư nhiều máy móc hiện đại, cải tiến công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Từ năm 2007 đến nay, công ty đã liên tục đầu tư hàng trăm tỉ đồng để trang bị các hệ thống hiện đại như máy cán nhựa, máy ghép màng nhựa, máy in tráng,... Hàng năm, Nhựa Rạng Đông đầu tư 80-120 tỉ đồng cho hai dòng sản phẩm là nhựa giả da và bao bì.


Từ chỗ chỉ có 4 hệ thống thiết bị sản xuất vào năm 2006, đến nay công ty đã có hơn 13 hệ thống, với nhiều máy móc thiết bị ứng dụng công nghệ hiện đại ngoại nhập. Năm 2014, Nhựa Rạng Đông đầu tư 125 tỉ nhập dây chuyền công nghệ với hệ thống kiểm soát tự động tiên tiến từ Ý, như máy in 8 màu sản lượng 50 triệu mét/năm hay máy thổi đùn màng 3 lớp sản lượng 3.000 tấn/năm. Năm 2015, Nhựa Rạng Đông đầu tư dây chuyền máy thổi 5 lớp từ Đức với giá trị 2,25 triệu USD, dùng sản xuất bao bì nhựa mềm cao cấp, chuyên dùng cho ngành bao bì thực phẩm và đồ uống. Hệ thống này giúp Nhựa Rạng Đông tạo ra hơn 40 tấn bao bì mỗi ngày.


Hiện nay, Nhựa Rạng Đông sở hữu 4 nhà máy lớn chuyên sản xuất các sản phẩm hỗ trợ như: Nhà máy Nhựa số 1 (Quận 11, TP. HCM), sản xuất nhóm giả da, màng nhựa mỏng và tôn ván; Nhà máy Bao bì số 1 (Củ Chi, TP. HCM), chuyên về bao bì mềm; Nhà máy Nhựa Tiên Sơn (Khu công nghiệp Tiên Sơn, Bắc Ninh), chuyên sản xuất các sản phẩm bao bì mềm (màng co PE,…), tôn ván nhựa phục vụ đa ngành công – nông nghiệp – thực phẩm; Nhà máy Nhựa Rạng Đông (Long An), sản xuất vật liệu giả da, màng nhựa mỏng, vật liệu decal in kỹ thuật số, màng cán ghép,…Nhờ đó, năng lực sản xuất của Nhựa Rạng Đông gia tăng đáng kể về mọi mặt, với dự kiến tăng gấp đôi lượng bao bì (từ 250 triệu bao/năm lên 500 triệu bao/năm); tăng gấp rưỡi lượng màng in (từ 20 triệu m2/năm lên 30 triệu m2/năm); màng phủ đạt 21,000 tấn/năm, tăng 20% so với trước đây.


Bên cạnh đó, Nhựa Rạng Đông cũng đầu tư nhiều thiết bị hiện đại cho bộ phận R&D để tạo ra những sản phẩm mới, phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường (riêng sản phẩm giả da, hàng năm tạo ra trên 50 mẫu sản phẩm mới các loại). Ngoài ra, Nhựa Rạng Đông cũng nâng cấp hệ thống quản lý bằng phần mềm “SAP All-in-One ERP” để sử dụng tối ưu những nguồn lực của doanh nghiệp trong quản lý.

 


Liên tục đổi mới
 

Ông Nguyễn Mạnh Thái, Giám đốc điều hành Nhựa Rạng Đông cho biết, hiện sản phẩm tấm lợp PVC của Nhựa Rạng Đông chiếm 65% thị phần; màng mỏng PVC chiếm 55% thị phần; PE, EVA chiếm 35% thị phần; sản phẩm giả da, vải tráng chiếm 20%; bao bì phức hợp chiếm 12% và sản phẩm gia công chiếm 10% thị phần.


Với công nghệ hiện đại, sản phẩm bao bì làm ra có chất lượng tốt, đạt yêu cầu kháng khuẩn, kháng nấm mốc, chịu lạnh (đến -100F), Nhựa Rạng Đông đang là nhà cung cấp bao bì cho nhiều khách hàng lớn như CocaCola, Pepsi, Vinamilk, Ajinomoto, Vedan, Kinh Đô,…Hiện công ty đang có vị trí dẫn đầu trong ngành bao bì phức hợp, giả da và màng nhựa tại Việt Nam. Năm 2015, Công ty CP Nhựa Rạng Đông được công nhận là “Doanh nghiệp TP. HCM tiêu biểu”. Đây là danh hiệu do UBND TP. HCM bình chọn và trao tặng cho các đơn vị có thành tích kinh doanh nổi bật, nhằm kịp thời ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực của các doanh nghiệp trên con đường hội nhập và phát triển của Thành phố và đất nước. Ngoài ra, công ty cũng được trao giải thưởng “Thương hiệu quốc gia” trong vòng 4 năm liên tiếp.


Ông Hồ Đức Lam cho biết, mục tiêu của công ty là trở thành thương hiệu nhựa hàng đầu tại Việt Nam và nằm trong top 10 nhà sản xuất nhựa hàng đầu châu Á vào năm 2020. Để hướng đến mục tiêu này, Nhựa Rạng Đông luôn tìm cách cải tiến công nghệ cũng như mở rộng thị trường. Mới đây, Nhựa Rạng Đông đã ký kết hợp tác thương mại toàn diện với Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản). Động thái này không chỉ giúp Nhựa Rạng Đông mở rộng phân phối các mặt hàng chủ lực trong và ngoài nước, mà còn có thể tiếp nhận các giải pháp công nghệ, hệ thống quản lý và phương pháp phát triển sản phẩm mới từ Nhật Bản. Sự hợp tác này hứa hẹn góp phần kết nối, thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành và mang lại diện mạo mới cho ngành CNHT tại TP. HCM.

 

NGUYỄN HOÀNG, STINFO số 6/2016

 

Tải bài này về tại đây.