Áp dụng thành quả khoa học kỹ thuật tiên tiến vào cây mía, một công ty Việt Nam đã thành công trong việc giảm đáng kể chi phí, nâng cao lợi nhuận cho nông dân và đứng vững trước sự cạnh tranh rất lớn đến từ các quốc gia láng giềng.
Đường nội cao giá hơn đường ngoại – vì sao?
Năm 2015 là năm thứ 5 liên tiếp ngành mía đường thế giới ở trong tình trạng thặng dư sản xuất, với tổng lượng cung vượt cầu hơn 2,8 triệu tấn. Theo dự báo của Tổ chức Đường Thế giới (ISO), dự kiến mùa vụ 2015 – 2016 sản lượng đường thế giới vẫn thừa khoảng 3 triệu tấn. Yếu tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá đường trong nước.
Ở Việt Nam, theo một nghiên cứu của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), chi phí của nông dân đóng góp vào quá trình sản xuất ra 1 kg đường cần đến 10.402 đồng, mức lợi nhuận tương ứng chỉ 1.260 đồng. Trong khi đó, chi phí này của nông dân Thái Lan chỉ 8.218 đồng, nhưng mức lợi nhuận lên đến 2.394 đồng, hơn gần gấp đôi lợi nhuận của người Việt. Các chi phí sản xuất khác như phân, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển đều tăng,… khiến cho người trồng mía bị thua lỗ nặng, nên nhiều người đã chuyển sang trồng các loại nông sản khác như sắn, ngô và các loại cây trồng thay thế khác, với hy vọng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trong bối cảnh này, việc nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua giảm giá thành là một trong những giải pháp quan trọng của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC). Để đạt được mục tiêu giảm giá thành, TTC đã triển khai ứng dụng các khoa học kỹ thuật mới nhằm giảm chi phí sản xuất cho nông dân, ví dụ như: tổ chức tưới quy mô lớn bằng công nghệ hiện đại; cơ giới hóa đến khâu thu hoạch để giảm chi phí; đầu tư cho nghiên cứu và phát triển giống, đưa vào sản xuất bộ giống mía cao sản đã qua quá trình chọn lọc, khảo nghiệm; phát triển chuỗi sản phẩm cạnh và sau đường,…
Tưới bằng công nghệ hiện đại, quy mô lớn
Hệ thống tưới béc phun. Nguồn: TTC.
Các hệ thống tưới hiện đại có ưu điểm là cây được tưới với lượng nước đầy đủ và đều nhưng lại tiết kiệm nước và nhiên liệu, giảm chi phí nhân công nên mang lại hiệu quả cao hơn so với các hình thức tưới khác. Vì vậy, mặc dù chi phí đầu tư ban đầu hơi cao, TTC cũng đã triển khai nhiều hệ thống tưới tiên tiến (như Center Pivot), có thể tưới với tầm rộng, lên đến 1 km; hệ thống tưới nhỏ giọt, cho phép cung cấp đủ nước cho cây ngay cả những nơi có nguồn nước hạn chế;…Ngoài ra, ở những vùng chưa có lưới điện, vốn phải tưới nhờ máy bơm chạy bằng động cơ diesel, hiện TTC cũng đã mạnh dạn hỗ trợ chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời, không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giúp giảm chi phí nhiên liệu đến 14,4 triệu đồng/ha. Theo thống kê của TTC, suất đầu tư trung bình cho hệ thống tưới là 40 triệu/ha, khá cao đối với khả năng của nông dân trồng mía. Vì vậy, TTC đã có chính sách hỗ trợ khoảng 15 triệu đồng/ha cho nông dân để đầu tư hệ thống tưới và đầu tư không hoàn lại với định mức 2 triệu đồng/ha cho việc hạ thế bình điện phục vụ tưới cũng như lắp đặt hệ thống tưới. Qua quá trình sử dụng hệ thống tưới béc, kết quả cho thấy, cây mía tăng năng suất từ 22–25 tấn/ha so với mía không tưới, tăng hơn 10 tấn/ha so với tưới bằng các hình thức khác. Vì vậy, khả năng thu hồi vốn của nông dân rất cao. Mục tiêu đến năm 2018, TTC sẽ trang bị hệ thống tưới với chi phí lên đến 1.600 tỉ cho 35.000 ha.
Cơ giới hóa đồng bộ
Thu hoạch mía bằng máy có thể đạt 800 tấn/ngày, tương đương 800 lao động. Nguồn: TTC.
TTC cũng xác định, cơ giới hóa là lời giải để giảm chi phí lao động và nâng cao năng lực sản xuất. Do đó, TTC đã tập trung đầu tư máy kéo, máy cày, máy trồng, máy bón phân,... thực hiện cơ giới hóa toàn bộ từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, kinh phí đầu tư lên đến 30 tỷ/năm và thành lập đội cơ giới hiện đại để làm đất cho nông dân. Nhờ đó, việc làm đất đã tăng vọt từ 10 ha/ngày (dùng máy 75 HP) trước đây lên đến 40 ha/ngày (với máy 185 HP); về trồng mía, trước đây trồng thủ công cần đến 10 nhân công nhưng chỉ được hơn 1 ha/ngày, thì nay với thiết bị của Úc, mỗi ngày trồng được 15 ha; thu hoạch mía bằng máy có thể đạt 800 tấn/ngày, tương đương khoảng 700-800 lao động.
Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển giống
Công tác nghiên cứu và triển khai (R&D) được xác định là hoạt động chiến lược, quyết định năng lực cạnh tranh của TTC trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Do đó TTC đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Mía đường TTC nhằm chọn tạo ra giống mía phù hợp và nhân giống mía đạt chuẩn. Trong năm 2015, TTC đã nhập nội và lai tạo được 65 giống; khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm sản xuất các giống này; phục tráng và làm thuần 15 giống bằng nuôi cấy mô; nhân giống mía theo quy trình 3 cấp có kiểm soát. Hiện nay, tất cả mía do TTC trồng có xuất xứ từ nguồn giống Thái Lan, nhưng năng suất đã vượt Thái Lan. Mía tơ, gieo mùa đầu, đạt khoảng 90 tấn/ha. Mía gốc, gieo trong hai mùa sau, đạt trung bình 75 tấn/ha. Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT), công ty có lượng đường sản xuất lớn trong TTC cho biết, dự kiến trong năm 2017 giống mía do TTC đầu tư có chất lượng và năng suất vượt trội sẽ ra mắt.
Phát triển chuỗi sản phẩm cạnh và sau đường
Nhằm gia tăng lợi nhuận từ việc trồng mía, SBT còn bán thêm các phụ phẩm trong quá trình chế biến sản xuất đường như mật mía, bã bùn, bã mía, phân vi sinh,… giúp giảm chi phí sản xuất đường từ 12.404 đồng xuống còn 11.333 đồng/kg. Ngoài ra, TTC cũng nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm mới theo hướng đẩy mạnh kênh tiêu dùng, tập trung nghiên cứu các sản phẩm sau đường và cạnh đường như ethanol, chế phẩm sinh học,… hướng đến gia tăng chuỗi giá trị ngành đường. Ông Dương khẳng định: "phát triển bền vững chỉ có đầu tư vào khoa học kỹ thuật, làm gia tăng lợi nhuận, gia tăng thu nhập cho người sản xuất”. Theo đó, TTC sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp cải tiến để đến năm 2020 đạt mục tiêu giảm hơn 25% chi phí phân bón và chi phí thu hoạch, 30% chi phí giống và chi phí tưới so với năm 2015.
NGUYỄN HOÀNG, STINFO số 6/2016
Tải bài này vềtại đây.