SpStinet - vwpChiTiet

 

Thẻ đa ứng dụng cho thành phố thông minh


 

Xu hướng“Xây dựng thành phố thông minh” đang phát triển trên thế giới. Một trong những công nghệ đang được ứng dụng phổ biến trong nhiều môi trường khác nhau, từ trường học, bệnh viện đến các hệ thống xe buýt là thẻ thông minh. 
 

 

Các thành phố trên thế giới “thông minh” theo cách khác nhau
 

Hiện có nhiều cách hiểu về thành phố thông minh (smart city). Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức định nghĩa smart city là “thành phố sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả, phù hợp với khí hậu trong tương lai”. Tổ chức nghiên cứu uy tín Fraunhofer-Gesellschaft coi smart city là “thành phố giàu thông tin, được kết nối các mạng lưới, năng động, an toàn và bền vững”. Tuy nhiên, các smart city thường sử dụng các công nghệ mới, kết nối để làm cho cuộc sống đô thị trở nên hiệu quả, tiết kiệm và thân thiện với môi trường hơn. Các thiết bị thường được hỗ trợ qua công nghệ Internet of Things (IoT), cảm biến và phân tích dữ liệu lớn. Mỗi thành phố có những nhu cầu, chiến lược phát triển riêng phù hợp với giai đoạn phát triển, tùy theo từng khu vực, quốc gia. Ví dụ như Ấn Độ đang thử nghiệm các dịch vụ chính phủ - công dân (G2C) và chính phủ - doanh nghiệp (G2B) ở Mumbai. Úc tăng cường cảm biến và tiêu chuẩn giao tiếp tại các smart city. Thành phố New York phát triển mạng tốc độ cao và các kiosk Wi-Fi miễn phí. Thành phố Las Vegas và bang Florida có kế hoạch sử dụng xe buýt không người lái tích hợp nền tảng trí tuệ nhân tạo Watson của hãng IBM, cho phép giải đáp các thắc mắc của hành khách về lịch trình hoặc giới thiệu các nhà hàng, địa điểm lịch sử tại địa phương. Tại thành phố Glasgow (Scotland), chính quyền đã chi 14,5 triệu USD để xây dựng trung tâm giám sát 500 camera, cho phép can thiệp vào hơn 800 đèn giao thông khắp thành phố. Hệ thống này ưu tiên cho xe buýt chạy chuyến trễ nhằm khuyến khích nhiều người sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Thành phố Songdo (Hàn Quốc) liên kết các bộ phận, dịch vụ bằng công nghệ kết nối, tạo hiệu quả đồng bộ trên toàn khu đô thị. Thành phố Frankfurt am Main (Đức) tập trung số hóa và kết nối sản xuất công nghệ cao.

 


Giải pháp thông minh của Thành phố Hồ Chí Minh
 

Phấn đấu đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh, TP. HCM đã ứng dụng công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực để giải quyết các bài toán phát triển. Trong lĩnh vực giao thông, Thành phố đã đầu tư xây dựng phần mềm mô phỏng thiết kế và quản lý giao thông đô thị; triển khai thí điểm hệ thống quản lý giao thông thông minh; hệ thống camera giám sát giao thông, xây dựng dữ liệu thông tin địa lý (GIS) về hạ tầng giao thông; xây dựng hệ thống cung cấp tình hình giao thông và các thông tin giao thông (tốc độ, tình trạng phân luồng, điều tiết giao thông, rào chắn, các tuyến bị ngập nước, kẹt xe, tai nạn…). Đồng thời, hình thành trung tâm quản lý điều hành giao thông làm đầu mối kết nối toàn bộ hệ thống điều khiển giao thông hiện hữu và tương lai như hệ thống đường sắt đô thị, đường cao tốc, hệ thống thu phí, các bãi đậu xe, các hệ thống camera giám sát…


Trong hoạt động quản lý nhà nước, Thành phố tổ chức tích hợp hệ thống dữ liệu mở trên cơ sở những dữ liệu hiện có của các sở, ngành, quận huyện. Trung tâm dữ liệu mở không chỉ phục vụ các cơ quan quản lý nhà nước mà còn phục vụ cả cho các nhu cầu xã hội và hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng công nghệ. Song song đó, Thành phố xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường tính công khai, minh bạch các hoạt động của chính quyền, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Trong nâng cao đời sống dân sinh, Thành phố cũng có nhiều giải pháp. Ví dụ, để tạo điều kiện cho người dân, thành phố đang xây dựng bãi đậu xe cao 9 tầng lắp ghép tại các khu đất thuộc công trường Lam Sơn (phía sau Nhà hát Thành phố) với tổng mức đầu tư 161 tỉ đồng, tổng diện tích xây dựng hơn 6.000 m2 với sức chứa 168 ôtô, trang bị hệ thống đậu xe thông minh sử dụng robot tự động xếp xe. Thành phố cũng khuyến khích phát triển các giải pháp thông minh trong môi trường đại học. Mới đây, nhóm 4 sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã phát triển phần mềm mang tên: "Hệ thống tương tác thông minh". Theo đó, khi sử dụng điện thoại chụp lại bất kỳ hiện vật nào trong bảo tàng, phần mềm sẽ tự động hiển thị các tấm ảnh, video hay bài viết liên quan. Dự kiến, hệ thống này sẽ được áp dụng tại các bảo tàng của Thành phố.

 


Hướng phát triển thẻ thông minh đa tác dụng
 

Bên cạnh các giải pháp giao thông thông minh và chính phủ điện tử, TP. HCM cũng đang hướng đến các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công việc, nâng cao chất lượng sống của người dân. Một trong những giải pháp này là thẻ thông minh (smart card) bảo mật đa tác dụng, vốn đang được phát triển thành công tại nhiều quốc gia. Ở các nước có nền công nghệ phát triển mạnh mẽ, thẻ thông minh đa ứng dụng với các công nghệ NFC, RFID, FeliCa và Mifare đã trở nên khá phổ biến.


Thẻ thông minh đã dần trở thành một phương thức mới trong các hoạt động thường nhật, được ứng dụng tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, ngân hàng, thương mại điện tử, điều khiển tự động, kiểm soát người và phương tiện… Mới đây, tại TP. HCM, các giải pháp thẻ thông minh bảo mật đa ứng dụng kết hợp với các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất đã được giới thiệu, hướng đến một thành phố thông minh. Theo thông tin từ hội thảo công nghệ “Chip thẻ bảo mật NXP: nền tảng chuẩn thẻ mở đa ứng dụng cho thành phố thông minh”, ứng dụng của thẻ thông minh rất đa dạng. Ví dụ, có thể sử dụng thẻ trong bệnh viện nhằm giảm tải khi tiếp nhận bệnh nhân, giảm thiểu thời gian hao phí trong quá trình phục vụ bệnh nhân, giúp giám sát thời gian, quy trình khám chữa bệnh, theo báo cáo “Giải pháp thẻ chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện” (Công ty Falcon Solution); thay đổi tập quán thanh toán từ lứa tuổi học sinh, tạo thuận lợi khi sử dụng các dịch vụ trong trường học hoặc thanh toán nhanh học phí với giải pháp “Công nghệ thẻ NXP ứng dụng tại đề án thẻ học đường SSC” (Ngân hàng Quân đội); “Giải pháp NXP cho các tài liệu nhận dạng bảo mật” ứng dụng trong thẻ chứng minh nhân dân, thẻ ra vào cửa các công ty, tổ chức; “Thẻ NFC cho các phương tiện truyền thông thông minh” và theo dõi dấu vết, giúp cả người mua và người bán theo dõi xuất xứ của một món hàng; “Công nghệ NFC cho các ứng dụng Smart Home” nhằm biến ngôi nhà trở nên thông minh, có thể điều khiển từ xa chỉ với một vài nút bấm.


Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, cho biết, đang thực hiện đề án xây dựng, triển khai thẻ thanh toán xe buýt thông minh; sử dụng thẻ thông minh trong công tác điều hành, thanh toán; áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, thu phí tự động cho người dân đi lại trên các tuyến xe buýt, nâng cao chất lượng xe buýt, nhằm nâng cao lượng người dân sử dụng xe buýt. Theo số liệu thống kê, kể từ năm 2013 đến nay, khối lượng vận chuyển xe buýt luôn sụt giảm. Năm 2015 chỉ còn 334,54 triệu lượt. Đến năm 2015, TP. HCM có 2.786 xe buýt công cộng, 13 bến bãi chính. Với hiện trạng cơ sở hạ tầng xe buýt như hiện nay, Thành phố chỉ đạt khoảng 13,7% so với tiêu chí quy hoạch và phân bổ không đồng đều ở các quận, huyện. Giải pháp thẻ thông minh được kỳ vọng sẽ mang lại bước phát triển đột phá cho hệ thống xe buýt tại TP. HCM.


HOÀNG MI, STINFO số 11&12/2016

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả