Từ xưa đến nay, người ta thường liên tưởng người mê khoa học là những ông lão gầy gò cùng tấm bảng đen chi chít các phương trình toán học. Chính vì vậy, khi một cô gái tuyên bố “Tôi phát cuồng vì khoa học”, giới truyền thông khoa học đã ít nhiều đảo điên.
Tháng 9/2012, một bài viết tựa đề “Hạt cát phóng đại 250 lần” xuất hiện trên trang Facebook có cái tên khá kỳ khôi: “I Fucking Love Sciene ” - IFLS (tạm dịch: “Mình phát cuồng vì khoa học”). Giữa muôn trùng tin tức mới mẻ phát sinh, nhiều người hẳn đã lướt qua bài viết, nếu không bị thu hút bởi tấm ảnh bắt mắt đi kèm. Hàng chục hạt cát đủ màu xếp san sát nhau, tinh xảo như những tác phẩm điêu khắc lạ lùng, xinh xẻo. Sức hấp dẫn của hình ảnh thật diệu kỳ: hơn 129.000 lượt thích, 91.000 lượt chia sẻ và gần 8.000 lượt bình luận rôm rả. Với một trang Facebook mới ra đời chưa tới 6 tháng, con số đó quả là linh khủng! Nhưng càng hết hồn hơn, khi mọi người nhận ra nhà sáng lập IFLS là Elise Andrew – một sinh viên mới 23 tuổi, và lại là…nữ.
Ngay từ những ngày đầu, trang web đã có gần 1.000 lượt thích nhưng chẳng ai biết gì về người đứng sau IFLS. Vào thời điểm đăng bài về hạt cát, số lượt theo dõi IFLS vọt lên hơn 1 triệu người, nhưng đại diện cho trang vẫn là tấm ảnh bìa với lời trích dẫn của Isaac Asimov - "Cụm từ lý thú nhất mà ta được nghe trong khoa học, cụm từ báo hiệu những phát kiến mới, chẳng phải là ‘Eureka!’ (Đã tìm ra!) mà là ‘That’s funny’ (Hay quá ta)". Tháng 3/2013, Elise mới công khai tài khoản Twitter cá nhân của mình lên IFLS, một cô sinh viên Anh quốc trẻ măng với mái tóc đỏ rực xinh xắn, chấm dứt những lời đồn đoán. Bất ngờ vì Elise là phái nữ, lại chẳng phải là chuyên gia, một làn sóng phản ứng dữ dội đột ngột bùng lên. Nhưng Elise không quan tâm. Lặng lẽ và bền bỉ, cô gái nhỏ vẫn tiếp tục cần mẫn gầy dựng “đế chế khoa học” của mình bằng phương thức vượt ngoài khuôn mẫu truyền thống và đủng đỉnh hái quả ngọt ngào.
Ảnh minh họa bài viết “Hạt cát phóng đại 250 lần” đăng trên IFLS
Khi cô nàng IFLS quyến rũ người dùng…
Lúc đầu, nội dung trên IFLS chỉ là những tấm ảnh hài hước (meme) và các mẩu truyện khoa học tiếu lâm thông dụng. Nhưng chẳng bao lâu, trang bắt đầu đăng tải những phát kiến mới lạ như “Enzyme để sản xuất bia không-nôn-mửa”, “Rái cá biển nằm ngủ tay trong tay cho khỏi trôi xa”, hay “Nước mắt thay hình đổi dạng tùy tâm trạng”… Cách tiếp cận hóm hỉnh khó cưỡng đã giúp IFLS tích lũy từ 10.000 – 15.000 lượt theo dõi mới mỗi ngày. Sau hai năm, số lượt thích IFLS đạt 16 triệu và đến nay là hơn 25 triệu, con số đáng mơ ước với cả những trang khoa học đình đám như Discover hay Popular Science. Ngoài fanpage IFLS, Elise còn sáng lập một chuyên trang và kênh truyền hình khoa học mang tên IFLS vào cuối năm 2014. Truyền thông khoa học vốn chẳng mới mẻ, nhưng Elise Andrew đã khiến nó lột xác ngoạn mục, “dụ dỗ” được lứa độc giả trẻ, thông minh và thức thời. Cô lồng ghép nhuần nhuyễn thông tin khoa học với truyền thông xã hội, tận dụng năng lực tương tác của không gian trực tuyến, di động, và nhấn mạnh yếu tố sinh động, trực quan.
Như cô chia sẻ trên IFLS: “Chúng tôi tạo ra IFLS với lời cam kết giản dị dành cho độc giả – làm khoa học trở nên thú vị, với phong cách sáng tạo, giải trí, hấp dẫn, khiến độc giả tò mò và mong muốn tìm hiểu thêm”. Có thể ví khoa học như một bài thơ đa ngôn ngữ mà giới truyền thông chính thống cứ loay hoay tìm cách biên dịch cho “thế giới bên ngoài”, trong khi Elise Andrew thì làm điều đó dễ như trở bàn tay.
Elise giải thích cách thức của mình với trang ScienceWorld, rất đơn giản: "Tôi chỉ tiếp tục chia sẻ những điều tôi nghĩ là tuyệt vời, và mọi người luôn tán đồng nó”. Trong khi tin tức khoa học có xu hướng tập trung vào những gì "quan trọng" hoặc "đáng tin cậy", thì cách tiếp cận của IFLS hoàn toàn ngược lại. Trước hết, tìm ra điểm thú vị của nghiên cứu, lý giải vì sao nó thú vị, cuối cùng mới tìm cách chứng minh. Elise cũng nói thêm với tờ World News Australia, mục tiêu của cô là giữ cho trang web luôn bất ngờ và vui nhộn. “Tôi cố giữ cho nội dung thật nhẹ nhàng”, cô nói, “để mọi người dễ chấp nhận và thích thú”. Ngày kết hôn, cô đăng ảnh bánh cưới theo chủ đề năng lượng mặt trời. Hôm Giáng sinh, cô tiết lộ món quà công nghệ yêu thích. Tháng 7/2012, cô chia sẻ lên IFLS bộ truyện tranh khoa học “Amoeba Hugs” của Katie McKissick, một cựu giáo viên trung học. Số lượt theo dõi cũng theo đó tăng vọt gần 170.000 người. Cách tiếp cận cá nhân và dí dỏm là một trong những yếu tố tạo nên sức hút của IFLS. Theo ông Fred Guterl, tổng biên tập của Scientific American: "Elise có mắt nhìn tuyệt vời đối với các yếu tố hài hước, kỳ lạ, và tôi nghĩ rằng đó là lý do khiến nhiều người thích IFLS”. Người hâm mộ trang có cả những tên tuổi khoa học lớn như Richard Dawkins, nhà sinh vật học tiến hóa, hay Bill Nye, người thực hiện loạt phim những khám phá nổi bật nhất mọi thời đại. Tuy nhiên cùng với sự gia tăng số lượt theo dõi, cuộc “đụng độ” giữa Elise với các nhà phê bình và báo chí chính thống cũng theo đó mà nảy lửa từng ngày.
Một hình thức truyền thông còn tranh cãi
Giới truyền thông đòi IFLS phải xác thực nội dung. Một số phê phán Elise phóng đại các sự kiện khoa học, chỉ tập trung vào tính bất ngờ của kết quả mà bỏ qua sai sót trong phương pháp luận. Nhiếp ảnh gia Alex Wild cáo buộc cô không xin phép mà dùng hình của mình. Cũng có người phản đối Elise ra mặt chỉ bởi khó chịu khi một cô gái trẻ măng, tay ngang, dám “qua mặt” chuyên gia. Thậm chí có cả một trang Facebook mang tên “I Fucking Hate I Fucking Love Science” đối nghịch.
Trên quan điểm của báo giới chính thống, bà Sonya Pemberton nhà sản xuất truyền hình khoa học hàng đầu của Úc cho biết, truyền thông khoa học đòi hỏi một số giá trị quan trọng về đạo đức và trí tuệ. Sự trung thực rất quan trọng, các ý kiến cần được kiểm tra liên tục, tính ngắn gọn là chìa khóa, và trên hết, kết quả phải hữu ích. Nhưng Pemberton cũng thừa nhận, trong khi các nhà báo truyền thống còn lấp liếm sự trì trệ bằng những lý do như “tôi bận làm báo cáo” hay “tôi không có Facebook”, thì có một cộng đồng truyền thông khoa học mới mẻ trên Internet đang lớn mạnh không ngờ. Ở chừng mực nào đó, cách làm của Elise không hoàn toàn vô căn cứ. Chúng ta cần đơn giản hóa và bớt đi những lời chỉ trích bất tận. Nếu không, các nghiên cứu khoa học sẽ mãi mãi không thể vượt khỏi rào cản chuyên ngành để tiếp cận nhóm độc giả phổ thông đang rất sẵn lòng và háo hức tìm hiểu.
Elise Andrew, với thành công của IFLS, là minh chứng sống động cho thấy ai cũng tò mò và ham học hỏi. Pemberton mời gọi người làm khoa học hãy thoải mái mở lòng với giới nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà làm phim, nhà sản xuất, diễn viên hài… Tóm lại là bất cứ ai có thể góp phần giúp nội dung trở nên thú vị, trực quan và sinh động hơn. Để chiếm được trái tim độc giả ngày nay, ngoài “thông tin” thì “giải trí” cũng quan trọng chẳng kém. Muốn quyến rũ độc giả ư, hãy như nàng Elise. Cứ thủng thẳng và kể chuyện vui, vậy thôi!
THẢO NHIÊN, STINFO số 1&2/2017
Tải bài này về tại đây.