SpStinet - vwpChiTiet

 

Quy trình kỹ thuật canh tác giống đậu nành HLĐN29 cho vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long

Đậu nành (đậu tương) là một trong những loại nông sản có nhu cầu sử dụng rất cao tại Việt Nam để phục vụ tiêu dùng và làm nguyên liệu thức ăn gia súc. Đậu nành trồng được trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, thích hợp nhất là loại đất thịt nhẹ, đất phù sa, đất giàu dinh dưỡng, có hàm lượng hữu cơ cao, tơi xốp, chủ động được việc tưới tiêu, đủ ẩm, độ pH từ 5,5-6,5.
 

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Năm 2016, diện tích gieo trồng đậu nành cả nước chỉ đạt 94 ngàn ha, năng suất 1,57 tấn/ha, sản lượng 147,5 nghìn tấn, so với 2010, giảm hơn 100 ngàn ha và hơn 150 ngàn tấn sản lượng. Trước tình hình cung không đủ cầu, Việt Nam phải thường xuyên nhập khẩu một số lượng hạt và khô dầu đậu nành rất lớn. Năm 2016, Việt Nam nhập khoảng 4,5 triệu tấn đậu nành nguyên liệu, dự báo năm 2017 sẽ chạm đỉnh 5,2 triệu tấn. Như vậy sản lượng nhập khẩu gấp 35 lần so với sản lượng sản xuất được tại Việt Nam, sản lượng nhập khẩu chủ yếu từ Mỹ và Argentina, trong khi gần 88% diện tích của cây trồng này trên thế giới đang sử dụng giống GMO, trong đó có Mỹ và Argentina.

Nhằm hỗ trợ tăng năng suất sản xuất đậu nành tại mội số vùng trồng chính (Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long), Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam giới thiệu quy trình kỹ thuật canh tác giống đậu nành HLĐN29, một trong những giống tiêu biểu, có tính thích nghi cao.

Thời vụ sản xuất:

+ Vùng Tây Nguyên: vụ Hè Thu (vụ trồng chính) và vụ Đông Xuân

+ Vùng Đông Nam Bộ: vụ Hè Thu, vụ Thu Đông (vụ trồng chính) và vụ Đông Xuân

+ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: vụ Đông Xuân, vụ Xuân Hè (vụ trồng chính). Ngoài ra, còn có thể gieo trồng ở vụ Hè Thu hoặc Thu Đông, hai vụ này đều nằm trong mùa mưa, nên chỉ gieo trồng trên đất cao, đất giồng, có khả năng thoát nước tốt.

Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện

Chọn giống

Giống đậu nành HLĐN29, có TGST 82–85 ngày, cao cây 56–68 cm, số 2,5-3,5 cành cấp 1, P 100 hạt 16–18 g, hoa tím, lông tơ màu vàng hung, vỏ trái khi chín màu vàng rơm, hạt màu vàng sáng, rốn hạt màu nâu, có khả năng chín tập trung, ít tách quả ngoài đồng, kháng bệnh rỉ sắt, đốm lá vi khuẩn và thối trái, năng suất đạt 2–2,2 tấn/ha trong vụ Hè Thu và Thu Đông, Đông Xuân tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; đạt 2,5–3 tấn/ha trong vụ Đông Xuân, Xuân Hè tại Đổng bằng sông Cửu Long. Giống cho năng suất ổn định và thích nghi rộng.

Làm đất

Vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên: ở những chân đất bằng phẳng phải cày bừa kỹ, độ sâu tối thiểu từ 15-20 cm, san phẳng để hạn chế úng cục bộ. Trên những chân đất đồi gò vùng Tây Nguyên, không nhất thiết phải cày bừa chỉ cần dọn sạch cỏ, san đất, cần thiết kế theo băng, theo đường đồng mức và không được rạch hàng theo hướng chiều dốc. Ở những chân đất thấp, bằng phẳng, phải lên liếp để dễ thoát nước khi có mưa lớn, chiều cao liếp 20-25 cm, rãnh rộng 30-40 cm, chiều rộng liếp tối thiểu phải đạt 5 m, chiều dài liếp tuỳ thuộc vào mặt bằng của đất. Trên đất đã canh tác lúa, cần cắt sắt gốc rạ hoặc cày bừa, xới xáo và lên liếp để thuận lợi tưới tiêu. Ở những chân đất thấp, nhiễm phèn nhẹ, khi làm đất nên xới cạn, và chỉ tưới đủ thấm tầng trên để hạn chế mao dẫn của phèn lên vùng rễ đậu. Phải đảm bảo đất sạch cỏ trước khi gieo trồng.

Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long: trên đất giồng có thể không cần xới, nhưng phải bảo đảm đất tơi xốp và phải sạch cỏ dại trước khi gieo trồng. Trên đất thịt cần được cày xới và phơi ải. Trên đất đã canh tác lúa Đông Xuân, phải cắt rơm rạ, cày xới, lên liếp, làm mương, chiều rộng liếp và mương tùy theo phương pháp tưới. Rãnh rộng 40 cm, sâu 25-30 cm, rộng liếp từ 2-5 m để thuận lợi cho tưới tiêu, không xới đất sâu ở những chân đất nhiễm phèn.

Gieo trồng

Trước khi gieo trồng phải thử tỷ lệ nảy mầm, đối với đậu nành, tỷ lệ nảy mầm ≥80%, đối với lô giống lưu trữ lâu ngày, cần thiết phải phơi lại.

  • Tây Nguyên: mật độ thích hợp từ 33–40 cây/m2 (tương đương khoảng cách gieo 45x20cm x 3 cây/hốc và 50x15cm x 3 cây/hốc theo thứ tự), lượng giống gieo từ 60-80 kg/ha.
  • Đông Nam Bộ: mật độ thích hợp 40 cây/m2 (tương đương khoảng cách gieo 50x15cm x 3 cây/hốc), lượng giống gieo từ 65-70 kg/ha. Gieo theo hàng, hốc, rạch hàng sâu 3-5 cm, hoặc dùng chày tạo hốc gieo (đối với đất lúa không cày xới), rãi Diazan 10H liều lượng 15–20 kg/ha theo hàng hoặc hốc khi gieo để ngừa kiến, mối và dòi đục thân.
  • Đồng bằng sông Cửu Long: phương thức trồng chính là sạ lan với lượng giống từ 75-80 kg/ha.

Tỉa cây

Từ 10-12 ngày sau khi gieo tiến hành tỉa bỏ những cây lẫn, cây bị bệnh, cây xấu, chừa 3 cây/hốc  để bảo đảm mật độ trồng từ  33-40 cây/m2.

Phân bón và cách bón phân

Phân hữu cơ

Có thể bón bổ sung phân chuồng hoai hoặc phân hữu cơ vi sinh từ 5-10 tấn/ha cho đậu nành đối với những chân đất có kết cấu rời rạc, độ phì thấp. Rải đều phân trước khi làm đất.

Phân vô cơ

  • Vùng Tây Nguyên: 130–152kg Urea + 375kg Super Lân + 100kg KCl/ha
  • Vùng Đông Nam bộ: 130 kg Urea + 375kg Super Lân + 100kg KCl/ha
  • Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: 130 kg Urea + 375kg Super Lân + 100kg KCl/ha

Phương pháp bón

  • Bón lót: trước khi gieo hạt, toàn bộ phân Super Lân (hoặc DAP quy đổi). Bón theo hàng, hốc (nếu gieo) hoặc rải trên mặt ruộng trước khi xới đất (nếu sạ).
  • Bón thúc lần 1: 10-12 ngày sau mọc, ½ Urea + ½ KCl, kết hợp làm cỏ, xới xáo phá váng. Bón cách gốc 5 cm và lấp kỹ.
  • Bón thúc lần 2: 20-25 ngày sau mọc, ½ Urea + ½ KCl. Bón cách gốc 5 cm, kết hợp làm cỏ, xới xáo, vun gốc.
  • Trên những chân đất đã trồng lúa cần bón lót vôi bột 300 kg/ha trước khi cày xới.

Phân bón lá

Có thể kết hợp phun phân bón lá và các loại kích thích ra hoa để tăng thêm dinh dưỡng. Phun 3 lần, trước ra hoa từ 5-7 ngày, trong thời gian ra hoa (30 ngày sau đậu mọc) và sau khi đậu trái, phun lúc trời mát.

Làm cỏ

Làm cỏ để bảo đảm ruộng luôn sạch cỏ. Làm cỏ lần 1: 10-12 ngày sau mọc, kết hợp bón phân đợt 1.  Làm cỏ lần 2: 20-25 ngày sau mọc, kết hợp bón phân đợt 2 và vun gốc.

Đối với đất không có điều kiện làm cỏ: sau khi gieo 1-2 ngày cần phun thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm như Ronstar 25 EC (vụ trước trồng lúa) hoặc Dual 720 EC. Phun Onecide 15 EC (thuốc cỏ hậu nảy mầm) khi ruộng có cỏ từ 2-5 lá, đất phải đủ ẩm.

Tưới và tiêu nước

Trong mùa mưa không cần phải tưới ngoại trừ trường hợp gặp hạn hán. Trong mùa khô, tuỳ theo điều kiện thời tiết, đất đai, đồng ruộng để xác định chế độ tưới. Chủ động bố trí các mương, rãnh thoát nước trong mùa mưa trên những khu đất thấp ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và vùng có đê bao ở Đồng bằng sông Cửu Long để tiêu thoát nước kịp thời.

Phòng trừ sâu bệnh

Đậu nành cũng như các cây trồng khác có nhiều loại sâu bệnh gây hại. Phòng trừ theo hướng dẫn của Bảo vệ thực vật địa phương.

Thu hoạch và bảo quản

Thu hoạch khi trời nắng ráo để thuận tiện phơi đập giảm thất thoát năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Trước khi đưa vào bảo quản cần phải phơi hạt đến ẩm độ 12%.

Bảo quản hạt: hạt giống cần phải được phơi khô ngay sau khi thu hoạch. Sau đó để trong bóng mát 2-3 giờ làm nguội hạt trước khi bảo quản. Bảo quản hạt đậu nành nơi khô ráo. Thường xuyên kiểm tra độ ẩm hạt để có biện pháp xử lý.      

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

Ưu điểm

  • Đậu nành trồng được trên nhiều loại đất khác nhau
  • Giống đậu nành HLĐN29 chín tập trung, rụng lá đều, ít tách quả ngoài đồng có khả năng kháng bệnh rỉ sắt, đốm lá vi khuẩn và thối trái. Giống có màu hạt đẹp, thích nghi thị hiếu tiêu thụ, cho năng suất ổn định và thích nghi rộng.

Hiệu quả kinh tế

Hiêu quả kinh tế cao hay thấp của sản xuất đậu nành phụ thuộc chủ yếu vào giá bán sản phẩm. Hiện nay, hầu hết người sản xuất đều biết điều chỉnh và hạn chế đầu vào đến mức tối đa, ngoại trừ yêu cầu kỹ thuật và định mức đầu tư phân bón bắt buộc.

Qua tổng kết mô hình trình diễn giống HLĐN29 từ các điểm nghiên cứu, cho kết quả như sau:

- Tại Tây Nguyên, trong vụ Hè Thu 2016, năng suất đạt 2,6 tấn/ha, vượt 16% so với giống địa phương, đạt lợi nhuận 23,47 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng thêm so với sử dụng giống địa phương là 5,36 triệu đồng/ha (Hình 1).

Hình 1. Hiệu quả kinh tế của MH SX đậu nành tại Nam Dong, Cư Zut, Đăk Nông. Hè Thu 2016

- Tại Đông Nam Bộ: trong vụ Đông Xuân 2015/2016, đậu tương luân canh sau 2 vụ lúa trên đất thấp có tưới. Giống HLĐN29 cho năng suất 2,5 tấn/ha, vượt đối chứng 21%, đạt lợi nhuận 15,79 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng thêm so với sử dụng giống địa phương là 6,91 triệu đồng/ha (Hình 2).

Hình 2. Hiệu quả kinh tế của MH SX đậu nành tại Thanh Sơn, Định Quán, Đồng Nai. Đông Xuân 2015/2016

- Tại Đồng bằng sông Cửu Long: trong vụ Xuân Hè 2016, đậu nành luân canh sau vụ lúa Đông Xuân trên đất thấp có tưới, trong cơ cấu 2 lúa - 1 màu. Giống HLĐN29, cho năng suất 2,73 tấn/ha, vượt đối chứng 17%, đạt lợi nhuận 21,92 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng thêm so với sử dụng giống địa phương là 5,35 triệu đồng/ha (Hình 3).

Hình 3. Hiệu quả kinh tế của MH SX đậu nành tại Tân Hạnh, Long Hồ, Vĩnh Long. Xuân Hè 2016

 

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

ThS. Nguyễn Văn Chương

Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc

Xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai

Điện thoại: Văn phòng: 0251.3678839; ĐTDĐ: 0905.184603

Email: [email protected]; [email protected]

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả