Triển vọng phát triển du lịch Việt Nam
Theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030: đến năm 2020, ngành du lịch có các hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, đặc biệt là TP.HCM phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhằm thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh hơn, Chính phủ đã có nhiều quyết sách như giảm giá điện cho các khách sạn để thu hút các nhà đầu tư; thực hiện mức thuế sử dụng đất phù hợp cho các dự án du lịch; giảm thủ tục xin thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế,... Trong vòng 10 năm trở lại đây, hệ thống cơ sở lưu trú của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành du lịch. Trong giai đoạn 2010 - 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình khoảng 9,48%/năm. Dự báo đến năm 2020, du lịch Việt Nam sẽ đón khoảng 17-20 triệu lượt khách quốc tế và 82 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Hiện nay, xu hướng du lịch kết hợp với những trải nghiệm văn hóa ẩm thực không chỉ mang đến cảm giác thú vị cho du khách, mà còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp địa phương phát triển kinh tế, thông qua giới thiệu ẩm thực đến du khách. Với du lịch ẩm thực tại TP.HCM, điều mang lại thích thú nhất cho du khách là không chỉ được thưởng thức những món ăn đặc trưng, mà còn được nghe những câu chuyện “hậu kỳ” được truyền miệng trong dân gian của các món ngon, hay các địa danh tham quan. Theo một số chuyên gia, cần xây dựng các sản phẩm nâng tầm ẩm thực tại địa phương, góp phần thu hút đông đảo du khách quốc tế, qua đó, đưa ẩm thực Việt Nam lan tỏa sâu rộng ra thế giới.
Nâng giá trị bằng công nghệ “sạch”
Để thúc đẩy du lịch ẩm thực phát triển mạnh mẽ hơn, các giải pháp công nghệ phục vụ ngành chế biến - bảo quản thực phẩm, giúp bảo tồn giá trị ẩm thực truyền thống tại thị trường Việt Nam đã được nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong và ngoài nước ứng dụng.
Đa dạng hóa sản phẩm cũng là một hướng phát triển nhằm gia tăng giá trị ẩm thực, và ẩm thực du lịch. Tại nhiều địa phương, nông sản được chế biến thành nhiều sản phẩm bằng các quy trình hiện đại. Anh Nguyễn Văn Hiển, Công ty Chanh Việt và các cộng sự, cho biết ngoài hơn 10 ha chanh trồng theo chuẩn Global GAP, diện tích còn lại của công ty đều trồng theo chuẩn sạch, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh bán chanh tươi cho nước ngoài, doanh nghiệp còn chế biến sâu để nâng cao giá trị. Vỏ chanh chưng cất thành tinh dầu, ruột rút lấy nước cốt, cô đặc thành bột chanh thành nguyên liệu đầu vào sản xuất muối chanh, nước giải khát đóng lon. Đây là món quà mà nhiều du khách đã lựa chọn mỗi lần đến tham quan. Tại Nghệ An, Tổ chức JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) đã phối hợp hỗ trợ phát triển sản xuất nhiều loại sản phẩm từ cam như nước ép, xi rô cam, mứt cam, tinh dầu cam, rượu cam, xà phòng cam,...Ở Phú Quốc (Kiên Giang), quả sim đã được chế biến thành xi rô sim, rượu sim, mật sim; con mực ở Nha Trang (Khánh Hòa) được chế biến thành mực rim, mực tẩm, mực khô,... thu hút sự quan tâm của khách tham quan, góp phần làm phong phú dịch vụ du lịch. Ở Đà Lạt, khách du lịch có thể tham quan mô hình “Làng du lịch nông nghiệp Xuân Hương” do UBND tỉnh Lâm Đồng xây dựng thí điểm, được trồng theo công nghệ sạch. Với mô hình này, du khách có thể chiêm ngưỡng vườn rau miễn phí và mua sản phẩm rau củ quả với giá sỉ. Hướng phát triển du lịch ẩm thực đã được phát triển ở nhiều địa phương, nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ.
Theo ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, để đa dạng hóa sản phẩm, cần đầu tư nghiên cứu KH&CN, giúp người dân có thể chuyển đổi từ sản phẩm nông nghiệp đơn thuần trở thành hàng hóa có giá trị gia tăng, chế biến nông sản thành nhiều sản phẩm khác nhau để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Công nghệ trồng rau sạch được giới thiệu tại diễn đàn Khởi nghiệp Nông nghiệp.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), cho rằng mặt hạn chế của du lịch ẩm thực Việt Nam là nạn chèo kéo, chặt chém ở một số nơi, tình trạng quản lý chưa chặt chẽ đối với vệ sinh, an toàn thực phẩm,…Do đó, một trong những điều cần làm sớm là cải thiện tình trạng an toàn thực phẩm, hướng tới một nền ẩm thực sạch, tạo sự an tâm cho khách du lịch cũng như người tiêu dùng trong nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thời gian vừa qua, ngành nông nghiệp có sự tăng trưởng đáng kể, với sự đóng góp rất lớn của nhiều doanh nghiệp, trong đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với tầm cỡ khu vực và quốc tế. Bộ trưởng cho biết, việc đẩy nhanh áp dụng các công nghệ chế biến hiện đại của các nước tiên tiến là một trong những vấn đề ưu tiên cho nông sản Việt, do chế biến vẫn là khâu yếu nhất của sản xuất nông nghiệp hiện nay. Những sản phẩm chế biến sẵn sẽ giúp giới thiệu các điểm độc đáo của ẩm thực Việt, lại rất thuận tiện trong việc vận chuyển và mua bán, đặc biệt là với du khách.