SpStinet - vwpChiTiet

 

Tăng cường các hoạt động khoa học và công nghệ vì an toàn thực phẩm

 

Ngày 14/3/2017, đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân TP. HCM đã có buổi làm việc tại Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM. Buổi làm việc tập trung vào vấn đề thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố; thực tế triển khai và những đóng góp của hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) trong lĩnh vực này.
 

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Kỳ Phùng (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM) cho biết, thời gian qua Sở rất chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và nâng cao tiềm lực KH&CN nhằm tăng cường giải pháp đảm bảo ATTP; ứng dụng nhiều hoạt động nghiên cứu KH&CN vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y, chế biến thực phẩm,... Điển hình như nghiên cứu quy trình nhân giống và cung cấp giống; sử dụng thiên địch trong phòng trừ sâu hại; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất thức ăn trong chăn nuôi; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất heo giống có chất lượng cao, nâng cao năng suất, chất lượng heo thịt theo hướng cơ sở an toàn dịch bệnh;… Hầu hết các kết quả nghiên cứu sau khi được nghiệm thu đều được Sở KH&CN chuyển giao cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng vào thực tiễn. Ngoài ra, nhiều công tác khác như hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cũng được triển khai nhằm đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố.


Bên cạnh đó, Sở đã hỗ trợ 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm (gồm Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền) xây dựng thương hiệu. Trong đó, việc xây dựng hệ thống vệ sinh ATTP là một trong những tiêu chí quan trọng. Hiện cả 3 chợ đầu mối đều đã được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, là cơ sở pháp lý để cấp quyền sử dụng cho các thương nhân đạt các tiêu chí về xây dựng thương hiệu. Sở cũng hỗ trợ cho thương nhân tại các chợ đầu mối xây dựng thương hiệu riêng.


Theo bà Chu Vân Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm (CASE), hoạt động phân tích và thí nghiệm của CASE đã phục vụ tốt nhiệm vụ đánh giá, kiểm nghiệm ATTP, chất lượng hàng hóa, góp phần bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân. Trong năm 2016, CASE đã thực hiện kiểm nghiệm khoảng 80.000 mẫu, trong đó có nhiều mẫu được gửi từ các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn. CASE cũng có quan hệ chặt chẽ và phối hợp tốt với nhiều đơn vị như Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn để “vào cuộc” kịp thời đối với nhiều sự việc liên quan đến ATTP.

 


Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM)
trao đổi tại buổi làm việc.
Ảnh: LV.


Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KHCN TP. HCM) cho rằng, cần phải ban hành cơ chế, quy trình phối hợp để sử dụng có hiệu quả tiềm lực của các phòng thí nghiệm trên địa bàn thành phố, đặc biệt là xây dựng đầu mối thông tin để chia sẻ thông tin trong hoạt động kiểm nghiệm giữa các trung tâm kiểm nghiệm như CASE và các sở, ngành. Về vai trò quản lý ứng dụng KH&CN, theo ông Dũng, tất cả các ngành đều có ứng dụng KH&CN, do vậy, Sở KH&CN mong muốn nhận được đặt hàng từ các đơn vị, sở ngành để từ đó triển khai các hoạt động nghiên cứu phù hợp, hỗ trợ hiệu quả.


Ngoài ra, để tăng cường các giải pháp đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố, Sở KH&CN TP. HCM kiến nghị tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của Thành phố trong việc tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước, nâng cao tiềm lực KH&CN; tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể và bố trí kinh phí thực hiện cho các phòng thí nghiệm góp phần kiểm soát và dự báo về tình hình ATTP; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các mô hình nuôi trồng nông, lâm, thủy hải sản theo VietGAP, GlobalGAP, mô hình sản xuất lớn và liên kết chuỗi (nuôi, trồng – sản xuất – bảo quản – chế biến – phân phối – tiêu thụ) để ứng dụng có hiệu quả KH&CN.

 


Ông Phạm Đức Hải (trưởng đoàn giám sát)
phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: LV.


Ông Phạm Đức Hải (Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP. HCM, trưởng đoàn giám sát) đánh giá cao vai trò của Sở KH&CN TP. HCM, đặc biệt với những nỗ lực thực hiện tốt các lĩnh vực như nghiên cứu phục vụ trồng trọt, chăn nuôi; chú trọng trong việc chuyển giao, ứng dụng KH&CN; đầu tư nhiều phương pháp phân tích mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Ông Hải cũng đề nghị, trong thời gian tới, Sở cần tiếp tục tăng cường nghiên cứu các đề tài liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, bám sát nhu cầu thực tiễn; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh ứng dựng tiến bộ kỹ thuật trong các lĩnh vực nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi; gợi ý xây dựng, tư vấn về quy trình, dụng cụ test nhanh ATTP tại các chợ đầu mối và chợ truyền thống trên địa bàn TP. HCM.


LAM VÂN, STINFO số 3/2017

Tải bài này về tại đây.