SpStinet - vwpChiTiet

 

Thúc đẩy hoạt động sáng chế tại địa bàn TP. HCM


 

Ngày 11/3/2016, Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về Giải thưởng Sáng chế TP. HCM lần thứ 4 (2015-2016), hệ thống đăng ký sáng chế (SC) tại Việt Nam, đơn đăng ký SC và bảo hộ tại Việt Nam.
 

Theo ông Đào Minh Đức (Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN TP. HCM), nếu giai đoạn 2001-2006, lượng đơn đăng ký SC của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn TP. HCM trung bình mỗi năm là 88 đơn, đến giai đoạn 2010-2015 là 200 đơn, góp phần làm thay đổi cơ cấu sản xuất, quản lý kinh doanh của một số doanh nghiệp. Giai đoạn 2016-2020, Sở KH&CN hướng đến mục tiêu nâng lượng đăng ký SC của TP. HCM lên 400 đơn/năm, đồng thời nâng lượng bằng độc quyền được cấp cho các chủ thể tại TP. HCM từ 50 bằng/năm (năm 2015) lên 100 bằng/năm vào năm 2020; thúc đẩy hoạt động đầu tư bằng độc quyền SC (li-xăng, góp vốn,…) trong nước và ra nước ngoài.


Giải thưởng Sáng chế TP. HCM được tổ chức lần đầu từ năm 2008, là một trong những hoạt động của phong trào sáng tạo kỹ thuật TP. HCM (cùng với các cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng, hội thi sáng tạo kỹ thuật,…), đã góp phần thúc đẩy hoạt động SC, hỗ trợ thương mại hóa các SC,… Quy trình xét giải của Giải thưởng Sáng chế năm 2015-2016 gồm 2 vòng là đánh giá khả năng áp dụng công nghiệp, tính mới và trình độ sáng tạo của SC; đánh giá tiềm năng thương mại của SC. Hội đồng đánh giá gồm các chuyên gia công nghệ, chuyên gia sở hữu trí tuệ, khách hàng tiềm năng của SC, sẽ làm việc theo hướng thúc đẩy khả năng hình thành các giao dịch ngay tại buổi họp đánh giá đối với những SC có tiềm năng thương mại cao.



Ông Trần Giang Khuê (VPĐD phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ) trình bày tại hội thảo. Ảnh: LV.


Ông Trần Giang Khuê (Văn phòng đại diện phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ) cho biết, hiện nay tình hình nộp đơn đăng ký SC vẫn còn nhiều hạn chế, một trong những nguyên nhân là người đăng ký SC chưa biết cách làm đơn sao cho chính xác, phù hợp với quy định của luật pháp. Theo số liệu thống kê, trong tổng số 45.701 đơn đăng ký SC và giải pháp hữu ích đã nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ trong khoảng thời gian từ năm 1981–2014, chỉ có 4.158 đơn là của người Việt Nam, số còn lại đều của công dân nước ngoài. Về số lượng bằng SC độc quyền đã cấp từ năm 1981-2014, chỉ có 598 bằng được cấp cho người Việt Nam, trong khi số bằng cấp cho người nước ngoài lên đến 13.030.


Về nộp đơn đăng ký SC, việc soạn thảo đơn đăng ký có chất lượng cao là điều quan trọng vì nó xác lập các điều khoản rõ ràng để ràng buộc chủ sở hữu và những người khác. Về mặt lý thuyết, bản mô tả SC sẽ bao gồm phần tình trạng kỹ thuật của SC, nêu các giải pháp kỹ thuật đã biết và nhược điểm của chúng mà trên cơ sở đó SC được tạo ra; phần bản chất kỹ thuật của SC đề cập đến nội dung của yêu cầu bảo hộ; phần mô tả chi tiết và hình vẽ minh họa yêu cầu bảo hộ thông qua việc bộc lộ đầy đủ bản chất kỹ thuật về sáng chế; yêu cầu bảo hộ xác định phạm vi bảo hộ độc quyền của SC; bản tóm tắt SC nhằm giới thiệu ngắn gọn SC và trợ giúp tra cứu thông tin SC. Để được cấp bằng độc quyền SC, các giải pháp kỹ thuật đăng ký phải xác định không thuộc đối tượng loại trừ, bản mô tả phải bộc lộ đầy đủ thông tin về SC và đáp ứng đầy đủ các quy định về cách thức trình bày, SC yêu cầu bảo hộ phải đáp ứng các điều kiện bảo hộ về tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp. Ngoài ra, cần tra cứu thông tin (các trang web thông tin SC) trước khi nghiên cứu và đăng ký SC và nộp đơn sớm nhất có thể.


Các tác giả có thể tiếp cận, tìm hiểu thông tin và nhờ tư vấn, hỗ trợ từ các đơn vị liên quan như Phòng Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN TP. HCM), VPĐD phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ, Hội Sở hữu trí tuệ TP. HCM.


LAM VÂN, STINFO số 4/2016

Tải bài này về tại đây.