Ngày 2/6, tại TP. HCM, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC), Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp tổ chức Diễn đàn quốc tế về kinh doanh sáng tạo (IIBF) lần 3 năm 2016 với chủ đề “Nhận diện cơ hội mới trong môi trường biến động toàn cầu”. Các học giả, chuyên gia, doanh nghiệp (DN) đã cùng tham gia 2 phiên thảo luận về đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong nền kinh tế cạnh tranh và hội nhập – những xu thế đang diễn ra; câu chuyện của những doanh nhân “cầm ống nghiệm” – các kinh nghiệm thành công từ nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao.
Tại diễn đàn, các diễn giả đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thiết thực cho DN như định giá và kinh doanh tài sản trí tuệ trong nền kinh tế hội nhập; hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam – bức tranh toàn cảnh; mô hình DN sáng tạo để thích ứng thời đại số; phát triển kinh doanh từ nền nông nghiệp thông minh và kinh tế biến đổi khí hậu; tận dụng các hiệp định thương mại tự do để kinh doanh sản phẩm công nghệ cao; cái giá của chất lượng trong giai đoạn hội nhập mới,…
Theo ông Trần Việt Thanh (Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ), xu hướng kinh doanh thương hiệu của các DN Việt Nam hiện đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, thực tế việc bảo vệ tài sản trí tuệ, trong đó có thương hiệu, ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở những công cụ hành chính. Trong khi đó, cộng đồng DN đang rất cần hành lang pháp lý, các chế tài mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để giải quyết triệt để, đích đáng những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có xu hướng ngày càng tăng. Hơn thế, để kinh doanh tài sản trí tuệ có hiệu quả, DN cũng cần hiểu biết về loại tài sản này và có chiến lược quản trị thích hợp. Mặt khác, không chỉ phải đầu tư cho hoạt động tạo dựng, phát triển, đăng ký tài sản trí tuệ mà DN còn phải có khả năng khai thác, sử dụng tài sản đó.
Các chuyên gia, doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn. Ảnh: LV.
Theo ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Mibrand Việt Nam, đại diện Brand Finance (hãng định giá thương hiệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại London – Anh, hàng năm định giá khoảng 70.000 thương hiệu trên toàn thế giới), chúng ta đang sống trong nền kinh tế ý tưởng, ở đó, thương hiệu là tài sản trí tuệ quan trọng, mang lại giá trị nhiều nhất cho doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, nâng tầm giá trị cho thương hiệu Việt vẫn còn là một hành trình khá dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa cả về phía DN lẫn những cải cách thể chế của Nhà nước.
Về bức tranh khởi nghiệp Việt Nam, ông Trần Chí Dũng (chuyên gia giám sát và đánh giá kết quả, Chương trình Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp SECO do chính phủ Thụy Sĩ tài trợ) nhìn nhận, ĐMST không thể thiếu trong khởi nghiệp để tạo đột phá về quy mô, doanh thu và thị trường. Những DN tạo đột phá nhưng không dựa vào ĐMST mà chỉ dựa vào mối quan hệ hoặc bơm tài chính sẽ rất dễ thất bại. Một điểm quan trọng là cần kiên định và cần thời gian để ươm mầm, nuôi dưỡng và phát triển trong nhiều năm. Việt Nam đã có các vườn ươm, chương trình tương tác, nhưng dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp một cách có hệ thống lâu dài còn khá hiếm. Hệ sinh thái khởi nghiệp thay đổi rất nhanh, kinh nghiệm hôm qua không còn phù hợp với hôm nay nữa, nên việc những người trẻ tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp để tạo ra sự tươi mới là rất quý.
Hệ sinh thái khởi nghiệp là cơ hội thương mại đem lại lợi ích kinh doanh lớn hơn cho DN nên cần các DN tham gia sâu rộng. Những chương trình khởi nghiệp nằm bên trong DN với chi phí thấp nhưng đa dạng hơn, phát triển thành một lĩnh vực kinh doanh mới, sẽ tạo nên mô hình sáng tạo bên trong doanh nghiệp. Đây chính là không gian tạo mầm sáng tạo để phát triển một cách bền vững.
LAM VÂN, STINFO số 7/2016
Tải bài này về tại đây.